Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/05/2021

Đổ vỡ giữa quân đội và nhân dân Miến Điện khó hàn gắn

RFI tổng hợp

Đối lập Miến Điện bác bỏ đàm phán với quân đội

Trọng Thành, RFI, 10/05/2021

Nỗ lực khẳng định một chính quyền đối lập với tập đoàn quân sự tiếp tục tại Miến Điện. Theo báo chí đối lập hôm nay, 10/05/2021, "Chính phủ Đoàn kết Dân tộc" (NUG) chống chính quyền quân sự bắt đầu xây dựng một "nền giáo dục song song", chống lại ảnh hưởng của tập đoàn quân sự trong giới trẻ. Trước đó, thứ Bảy, 08/05, đối lập Miến Điện khẳng định sẽ không đàm phán với giới tướng lĩnh, nếu việc đối thoại này đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân Miến Điện.

myanmar1

Biểu tình phản đối vụ quân đội đảo chính, tại Kyaukme, bang Shan, ngày 02/05/2021.  AFP - HANDOUT

Theo báo Irrawady, phó tổng thống "Chính phủ Đoàn kết Dân tộc" Miến Điện, ông Duwa Lashi La, người đứng đầu lực lượng đối lập, có một bài phát biểu đáng chú ý, nhấn mạnh hiện tại "con đường đàm phán được thống nhất tại hội nghị cấp cao của khối ASEAN không phải là điều mà người dân Miến Điện mong muốn". Lãnh đạo lực lượng chống tập đoàn quân sự hoan nghênh các nỗ lực của khối ASEAN trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng Miến Điện, nhưng khẳng định ASEAN nên lắng nghe người dân Miến Điện, đồng thời nhấn mạnh là đối lập Miến Điện sẽ chỉ đàm phán với tập đoàn quân sự, khi nào dân chúng muốn.

Đây là lần thứ hai Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện từ chối đối thoại với tập đoàn quân sự, nhưng với những lời lẽ dường như kiên quyết hơn. Tuyên bố đầu tiên được thủ tướng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc đưa ra ngày 27/04. Với NUG, tập đoàn quân sự là "thủ phạm duy nhất" của tình trạng bạo lực hiện nay. Tuyên bố của lãnh đạo NUG lần này được đưa ra cùng ngày với việc chính quyền quân sự liệt Chính phủ Đoàn kết Dân tộc và lực lượng tự vệ của đối lập (People's Defense Forces - PDF), vừa thành lập (ngày 05/05), vào diện "các tổ chức khủng bố". 

Theo Irrawady, đông đảo dân chúng tại Miến Điện thất vọng trước việc khối ASEAN không mời NUG tham gia hội nghị về Miến Điện tại Indonesia hôm 24/04. Việc các lãnh đạo ASEAN không yêu cầu trả tự do cho những người bị giam giữ cũng đã khiến nhiều người Miến Điện thất vọng, và cho rằng ASEAN không hiểu được thực chất tình hình tại Miến Điện. Rất ít người hy vọng ASEAN có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay.

Lực lượng chống tập đoàn quân sự nỗ lực khẳng định vị thế, trong lúc chờ đợi các điều kiện cho phép đối thoại với chính quyền quân sự. Trả lời báo Myanmar Now, ông Ja Htoi Pan, một người phụ trách Giáo Dục của NUG, cho biết lực lượng đối lập đang có kế hoạch xây dựng một hệ thống đào tạo song song, với đối tượng là các sinh viên không muốn học tại các trường do Quân Đội kiểm soát. Phương thức "đào tạo ngay tại nhà" sẽ là một trong các giải pháp thay thế chính.

Về phía quốc tế, có thêm vận động yêu cầu công nhận Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện. Hôm nay, nhiều chuyên gia hàng đầu về Miến Điện tại Pháp, trong đó có nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher, đã công bố thư ngỏ trên Le Monde, kêu gọi nước Pháp "công nhận ngay tức khắc Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Miến Điện". Hôm 08/06, theo CNBC, cựu đại sứ Mỹ tại Miến Điện, Scot Marciel, khẳng định Hoa Kỳ và Trung Quốc nên phối hợp tìm giải pháp chấm dứt bạo lực tại Miến Điện.

Trọng Thành

**********************

Miến Điện : Tập đoàn quân sự liệt "Chính phủ" đối lập vào diện tổ chức khủng bố

Trọng Nghĩa, RFI, 09/05/2021

Chính quyền quân sự tại Miến Điện vào hôm 08/05/2021 đã chính thức gọi "Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia" bao gồm các nghị sĩ đã rút vào hoạt động bí mật để chống lại chế độ lên cầm quyền sau cuộc đảo chính là một "tổ chức khủng bố". Với quyết định này, tất cả những ai tiếp xúc với các nghị sĩ đó, kể cả nhà báo, đều có thể bị truy tố trong khuôn khổ luật chống khủng bố của Miến Điện.

myanmar2

Một cuộc biểu tình chống đảo chính tại Rangoon, ngày 06/05/2021.  AP

Ngay sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02, một số dân biểu Miến Điện, trong đó có nhiều thành viên đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi, đã thành lập một "Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia" (NUG) để chống lại chính quyền quân sự. Mới đây, ngày 05/05, chính phủ có thể gọi là "kháng chiến" bí mật này tuyên bố thành lập một "Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân" nhằm chống lại chế độ của các tướng lĩnh và bảo vệ thường dân trước các vụ đàn áp của quân đội.

Trong một thông cáo phát trên đài truyền hình nhà nước Miến Điện vào tối hôm qua, tập đoàn quân sự cho biết "Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân" cùng với nhóm mang tên Ủy Ban Đại Diện Quốc hội Miến Điện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), hiện đã nằm trong danh sách "các tổ chức khủng bố". Đài truyền hình nói rõ thêm : "Chúng tôi yêu cầu người dân không được (…) hỗ trợ các hành động khủng bố, cũng như viện trợ cho các hoạt động khủng bố của NUG và CRPH, đe dọa đến an ninh của người dân."

Trước đây, chính quyền đã tuyên bố rằng GUN và CRPH là "các hiệp hội bất hợp pháp" và việc tiếp xúc với các tổ chức này tương tự phản quốc. Nhưng phân loại mới này là "tổ chức khủng bố" có nghĩa là bất kỳ ai giao tiếp với các thành viên của tổ chức này, bao gồm cả các nhà báo, đều có thể bị truy tố theo luật chống khủng bố.

Lực lượng Quân Đội Arakan, một nhóm nổi dậy chống quân đội ở bang Rakhine, bị xếp vào danh sách "tổ chức khủng bố" vào năm 2020. Một nhà báo phỏng vấn một quan chức của tổ chức này đã bị bắt. Mặc dù người này đã được thả ngay sau đó, nhưng việc dùng luật chống khủng bố để truy tố các nhà báo đã làm dấy lên lo ngại về chủ trương bịt miệng báo chí.

Cho đến nay, đã có hàng chục nhà báo bị bắt sau cuộc đảo chính, nhiều cơ sở truyền thông bị đóng cửa và các đài truyền hình bị tước giấy phép, dẫn đến việc tin tức thực sự về Miến Điện hoàn toàn bị bịt kín.

Trọng Nghĩa

***********************

Miến Điện : Quân đội từ chối tiếp đại diện ASEAN khi chưa ổn định tình hình

Thu Hằng, RFI, 08/05/2021

Tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ không tiếp bất kỳ đại diện nào của ASEAN cho đến khi tái lập được ổn định trong nước. Trong khi trước đó, tướng Min Aung Hlaing, đích thân tham dự một hội nghị của ASEAN ngày 24/04/2021 tại Jakarta (Indonesia), đã ghi nhận "5 điểm" giải quyết cuộc khủng hoảng Miến Điện mà các nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á đưa ra.

myanmar3

Lực lượng an ninh Miến Điện vây bắt người biểu tình chống đảo chính tại Rangoon, ngày 07/05/2021.  AFP - STR

Ngày 07/05, ông Kaung Htet San, một phát ngôn viên của Hội đồng Điều hành Nhà nước, khẳng định "chỉ khi nào đạt được mức an toàn và ổn định, chúng tôi sẽ hợp tác về vấn đề đặc phái viên" của ASEAN, còn "tại thời điểm này, chúng tôi ưu tiên cho an ninh và ổn định của đất nước".

Theo hãng tin Reuters, tập đoàn quân sự Miến Điện cho biết sẽ cân nhắc những đề xuất được nêu tại thượng đỉnh ASEAN - chấm dứt tình trạng bạo lực, đối thoại giữa quân đội và đối lập, cho phép hoạt động nhân đạo, cho phép một đặc phái viên của ASEAN đến Miến Điện - nếu họ thấy có lợi.

Trong khi đó, Trung Quốc đề xuất tổ chức một cuộc họp ngoại trưởng với ASEAN vào tháng 06, trong đó sẽ đề cập về cuộc khủng hoảng Miến Điện. Thông tin được trang Kyodo News đưa ngày 07/05 vào lúc ASEAN dường như đang tìm hậu thuẫn từ Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm giải pháp cho tình hình ở Miến Điện.

Kể từ khi quân đội đảo chính vào đầu tháng 02/2021, có ít nhất 774 người bị thiệt mạng vì lực lượng an ninh ở Miến Điện, theo tổng kết ngày hôm quan07/05 của ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, hơn 3.700 người vẫn đang bị giam giữ.

Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn hàng ngày ở nhiều thành phố lớn, như tại ít nhất 10 điểm ở thủ phủ kinh tế Rangoon ngày 07/05. Theo các hình ảnh được đăng trên mạng xã hội, rất nhiều người bị bắt tại Rangoon trong ngày 08/05, trong khuôn khổ chống "khủng bố", theo lý giải của quân đội. Hôm trước (07/05), lực lượng du kích Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen (KNLA) đã chiếm và đốt một chốt gác của quân đội chính phủ sau khi quân lính bỏ chạy. Trước đó 10 ngày, chốt gác đầu tiên cũng đã bị quân nổi dậy đốt.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Trọng Nghĩa, Thu Hằng
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)