Hồng Kông : Bắc Kinh lên án lãnh sự quán Mỹ, Châu Âu tưởng niệm vụ Thiên An Môn
Thụy My, RFI, 05/06/2021
Chính quyền Trung Quốc hôm 05/06/2021 cho rằng những ngọn nến được các lãnh sự quán Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tại Hồng Kông thắp lên để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989 là một "màn kịch chính trị vụng về" nhằm "làm mất ổn định" đặc khu.
Cảnh sát ngăn chặn người dân Hồng Kông vào công viên Victoria tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Ảnh chụp tối ngày 04/06/2021. Reuters – Lam Yik
Một phát ngôn viên Văn phòng đại diện Hồng Kông của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói : "Tất cả những mưu toan khai thác Hồng Kông để xâm nhập hoặc phá hoại Hoa lục là vượt qua lằn ranh đỏ, hoàn toàn không thể chấp nhận được". Đồng thời đòi hỏi "lập tức ngưng can thiệp vào Hồng Kông và những chuyện nội bộ của Trung Quốc, tránh đùa với lửa".
Tối qua những ngọn nến đã được thắp lên ở cửa sổ các tòa nhà của lãnh sự quán Mỹ, ở gần tư gia của trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, và tại trụ sở cơ quan đại diện Liên Hiệp Châu Âu. Các phái bộ ngoại giao này cũng đăng lên mạng xã hội những hình ảnh tưởng niệm Thiên An Môn.
Trong suốt ba thập niên qua tại Hồng Kông vào dịp này, người dân lại tập hợp đông đảo, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân, bị thảm sát năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn. Việc phong trào dân chủ bị Bắc Kinh đàn áp đẫm máu gây rúng động thế giới. Nhưng năm nay việc tưởng niệm bị chính quyền đặc khu cấm đoán, cảnh sát chặn lối vào công viên Victoria, nơi tập họp truyền thống. Một số cư dân Hồng Kông vẫn tìm cách tưởng nhớ sự kiện bằng cách thắp sáng đường phố hoặc tại cửa sổ nhà trong đêm qua.
Cũng như năm ngoái, chính quyền lấy cớ đại dịch Covid để ngăn cấm lễ tưởng niệm. Tuy nhiên từ hơn một tháng qua, Hồng Kông không hề có ca lây nhiễm cộng đồng không rõ nguồn gốc nào. Năm 2020, cảnh sát cũng cấm đoán nhưng không can thiệp, khi hàng ngàn người tập họp tại công viên Victoria để tưởng niệm Thiên An Môn, một số nhà tổ chức giờ đây đã lãnh án tù.
Chỉ trong vòng một năm, không khí chính trị đã xấu đi hẳn tại cựu thuộc địa, với việc chính quyền thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ, đã biểu tình quy mô năm 2019 chống sự can thiệp của Bắc Kinh.
Pháp lên án việc bắt giữ một nhà tổ chức lễ tưởng niệm
Paris hôm qua 04/06/2021 lên án việc cảnh sát Hồng Kông bắt giữ luật sư Châu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung), phó chủ tịch Liên minh Hồng Kông vì dân chủ, người đồng tổ chức lễ tưởng niệm Thiên An Môn hàng năm tại công viên Victoria. Nữ luật sư 37 tuổi, một trong những khuôn mặt hiếm hoi của phong trào dân chủ chưa vào tù hoặc đi lưu vong, đã bị bắt vào rạng sáng hôm qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố : "Việc bắt nhà đấu tranh Châu Hạnh Đồng chỉ làm tăng thêm nhu cầu tưởng nhớ đến khát vọng dân chủ tại Hồng Kông cũng như những nơi khác".
Theo tin giờ chót, luật sư Châu Hạnh Đồng vừa được trả tự do có điều kiện, sau một ngày bị câu lưu. Sau khi được trả tự do, trước trụ sở cảnh sát, trả lời truyền thông nữ luật sư cho biết bà đã "bác bỏ mọi cáo buộc". Luật sư Châu Hạnh Đồng khẳng định bà sẽ tiếp tục lên tiếng.
Bà Châu Hạnh Đồng được trả tự do sau khi nộp tiền bảo lãnh 10.000 đô la Hồng Kông. Bà phải trình diện cảnh sát ngày 05/07.
Thụy My
******************
Tưởng niệm Thiên An Môn, trắc nghiệm về quyền biểu tình ở Hồng Kông
Thanh Phương, RFI, 04/06/2021
Trong năm thứ hai liên tiếp, chính quyền Hồng Kông lại ra lệnh cấm tổ chức tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, mỗi năm vẫn diễn ra tại quảng trường Victoria. Không những thế chính quyền của đặc khu hành chính này còn triển khai hàng ngàn cảnh sát khắp nơi để ngăn chặn mọi cuộc tập hợp nhân kỷ niệm vụ thảm sát những người biểu tình đòi dân chủ trong đêm 3 rạng sáng 4/6/1989.
Cảnh sát Hồng Kông truy bắt người gần khu vực Công viên Victoria, ngày 04/06/2021. Reuters – Lam Yik
Giống như năm ngoái, năm nay, chính quyền Hồng Kông cũng đã viện cớ đang có dịch Covid-19 để ra lệnh cấm mọi cuộc tập hợp tưởng niệm vụ Thiên An Môn. Nhưng lần này, chính quyền đặc khu này còn sẽ áp dụng luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông để trấn áp bất cứ ai không tuân thủ lệnh cấm.
Được thông qua vào cuối tháng 6/2020, về mặt chính thức, luật này là nhằm trừng trị mọi hành vi "ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và cấu kết với các thế lực ngoại bang". Nhưng nội dung luật mơ hồ đến mức mà mọi hành động phản kháng đều có thể bị xem là gây phương hại "an ninh quốc gia".
Cảnh sát Hồng Kông cũng đã cảnh cáo không úp mở là bất cứ ai cố tìm cách tưởng niệm vụ Thiên An Môn sẽ bị trừng trị nghiêm khắc chiếu theo luật an ninh quốc gia, cụ thể là những người tham gia có thể lãnh án tù lên đến 5 năm. Đối với cảnh sát, tổ chức buổi tưởng niệm này sẽ tạo ra "những nguy cơ rất lớn đối với y tế công cộng và đối với sinh mạng người dân".
Vụ bắt giữ nữ luật sư Châu Hạnh Đồng sáng nay là một bằng chứng cho thấy chính quyền đặc khu dứt khoát không để tái diễn cảnh hàng ngàn người năm ngoái đã bất chấp lệnh cấm kéo đến công viên Victoria, mỗi người cầm một ngọn nến để tưởng niệm các nạn nhân ở Thiên An Môn.
Theo các thông tín viên của tờ Washington Post, thay cho những người mặc y phục màu đen, tay cầm nến, công viên Victoria chiều tối nay đầy cảnh sát và bao quanh công viên là rất nhiều xe cảnh sát đậu chặn các lối vào. Tất cả những ai mặc quần áo màu đen có mặt ở gần công viên và ở các con đường lân cận đều bị chặn lại và khám xét.
Một lãnh đạo của Liên minh Hồng Kông yểm trợ phong trào dân chủ ở Trung Quốc nói với South China Morning Post : "Chính quyền dùng y tế công cộng như là một cái cớ, nhưng ai cũng biết họ cấm buổi tưởng niệm là vì lý do chính trị, nhất là vì năm nay đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập và chuyện gì đối với họ cũng đều là nhạy cảm".
Như vậy, có thể nói ngày tưởng niệm Thiên An Môn năm nay là một cuộc trắc nghiệm về quyền biểu tình ở Hồng Kông trong bối cảnh đặc khu hành chính này kể từ nay sống dưới luật an ninh quốc gia hà khắc. Trong suốt hơn 30 năm qua, Hồng Kông (cũng như Macao) là nơi duy nhất trong lãnh thổ Trung Quốc mà người dân được quyền tập hợp để tưởng niệm những người bị thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn. Không những thế, những người tham gia tưởng niệm vẫn thường hô những khẩu hiệu phản đối chế độ độc tài đảng trị ở Trung Quốc.
Theo các chuyên gia tư pháp được nhật báo South China Morning Post trích dẫn hôm nay, cho tới nay Hồng Kông chưa có luật để trừng trị những người hô các khẩu hiệu như vậy. Nhưng nay, với luật an ninh quốc gia, tập hợp lại và hô khẩu hiệu chống chế độ Bắc Kinh có thể bị xem là một hành vi nhằm lật đổ chính quyền. Nói cách khác, với luật an ninh quốc gia, quyền biểu tình của người dân Hồng Kông sẽ càng bị hạn chế. Bằng việc cấm tưởng niệm năm nay, chính quyền Bắc Kinh, thông qua chính quyền Hồng Kông, một mặt xóa đi thêm các ký ức về Thiên An Môn và mặt khác gia tăng kiểm soát đặc khu này.
Thanh Phương
*********************
Hồi ức về Thiên An Môn : Giáo hội Công giáo Hồng Kông, "thành trì cuối cùng"
Trọng Thành, RFI, 04/06/25021
Kể từ khi chính quyền Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, việc tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 bị ngăn cấm tại đặc khu. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông vẫn có nhiều sáng kiến cá nhân để tổ chức tưởng niệm.
Nhà thờ Thánh Gioan ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 21/09/2020. AFP – Isaac Lawrence
Riêng về phía các tổ chức, chỉ còn Giáo hội Công giáo vẫn tiến hành tưởng niệm. RFI giới thiệu tóm lược bài viết của nhà báo Florence de Changy trên Le Monde, ngày 03/06/2021.
Nguyên tắc tự do tôn giáo
Cho đến nay, cộng đồng Công giáo nhỏ bé ở Hồng Kông, với khoảng 500.000 người trên tổng số 7,5 triệu cư dân, không bị luật này đe dọa, như đối với đa số người dân Hồng Kông, do quyền tự do tôn giáo vẫn còn được bảo vệ ở đây. Quyền tự do tôn giáo được một điều khoản đặc biệt trong Luật Cơ bản (tức Hiến pháp Hồng Kông) bảo vệ : "Các cư dân Hồng Kông có quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do truyền bá đức tin và tham gia vào các hoạt động tôn giáo nơi công cộng". Một bộ phận giới tinh hoa lãnh đạo Hồng Kông hiện nay trưởng thành từ các trường học Công giáo. Người đứng đầu đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), thừa nhận là một tín đồ Công giáo sùng đạo.
Bảy xứ đạo Công giáo Hồng Kông chính thức tổ chức dịp tưởng niệm vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn (ngày mùng 4 tháng 6 năm 1989), vào lúc 20 giờ tối ngày hôm nay 04/06/2021. Ba trong số bảy thánh lễ tại các xứ đạo được truyền trực tiếp trên mạng Facebook. 20 giờ tối ngày 04/06 là thời điểm hàng năm, mà suốt 30 năm qua, năm nào cũng vậy người Hồng Kông tập hợp đông đảo để tưởng niệm vụ thảm sát tại Công viên Victoria, trên hòn đảo chính của Hồng Kông. Việc tập hợp bị cấm, sau khi Trung Quốc áp đặt Luật An ninh Quốc gia kể từ ngày 30/06/2021. Mọi hành động được coi là chống Trung Quốc sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Bảy xứ đạo tổ chức tưởng niệm
Việc bảy xứ đạo Công giáo – rải rác trên khắp lãnh thổ đặc khu – vẫn tiếp tục tổ chức lễ tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn quả là cái gai trước mắt Bắc Kinh. Nhà báo Florence de Changy nhấn mạnh : các xứ đạo Công giáo, trên thực tế, đã trở thành "những thành trì cuối cùng" chống lại chính sách cấm đoán của Bắc Kinh, nhằm xóa bỏ mọi ký ức về Thiên An Môn trong xã hội Trung Quốc.
Bắc Kinh không để yên. Trong đêm ngày 2 qua ngày 3 tháng 6, trước cửa nhiều nhà thờ Công giáo tại Hồng Kông, hàng loạt cuộc tập hợp phản đối đã được tổ chức. Người biểu tình mang theo các khẩu hiệu to với các dòng chữ Hán màu đỏ hoặc vàng, trên nền đen. Khẩu hiệu mang những dòng chữ như : "Các giáo phái đang xâm nhập tôn giáo. Kẻ chống lại Đức Chúa Trời và các tiên tri giả đang xuất hiện. Dưới vỏ bọc tôn vinh Thiên Chúa, họ đang khuyến khích sự hỗn loạn, gây chia rẽ tôn giáo, với bàn tay vấy máu".
"Quần chúng" biểu tình, nội gián
Đối tượng của khẩu hiệu nói trên không ai khác hơn là nguyên giám mục Hồng Kông, hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun), 89 tuổi, người từ lâu nay khẳng định thái độ không khoan nhượng với Bắc Kinh. Một khẩu hiệu nói thẳng : "Hỡi các tín đồ Công giáo, quý vị hãy coi chừng đừng để bị đẩy đến chỗ vi phạm luật an ninh quốc gia". Hồng y Trần Nhật Quân trực tiếp chủ trì thánh lễ tưởng niệm hôm nay tại xứ đạo mang tên thánh Anrê thuộc khu Tseung Kwan O (Tướng Quân Áo), nơi có hai thanh niên thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản kháng dữ dội chống dự luật dẫn độ hồi 2019.
Theo nhà báo Florence de Changy, các cuộc tập hợp phản đối được tổ chức trước cửa nhiều nhà thờ ở Hồng Kông, cho dùng không có ai đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức, nhưng có vẻ rất giống với các hoạt động của Mặt Trận Thống Nhất, một tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản Trung Quốc bao gồm nhiều đoàn thể thân chế độ. Tại Hồng Kông, tay chân của Mặt Trận Thống Nhất thường tổ chức nhiều hoạt động khuyếch trương thanh thế của chế độ Bắc Kinh, cũng như ngăn cản nhiều hoạt động của phong trào đòi dân chủ.
Nghị sĩ Hồng Kông thân Bắc Kinh có quan điểm nổi tiếng cứng rắn Hà Quân Nghiêu (Junius Ho) công khai khuyến khích những người ủng hộ theo dõi chặt chẽ các buổi lễ tôn giáo, tổ chức tại các nhà thờ Công giáo tối hôm nay, 04/06, và sẵn sàng báo tin cho cảnh sát, "nếu có một nghi ngờ, dù là nhỏ nhất". Một cha xứ, xin ẩn danh, cho phóng viên biết : "Chúng tôi sẽ theo dõi rất nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định phòng dịch, chỉ cho phép số người tham dự lễ không được quá 30% số chỗ thông thường, bởi chúng tôi biết là sẽ có những phần tử nội gián trà trộn trong các buổi lễ này".
Giáo hội Công giáo Hồng Kông là đối thủ hàng đầu của Bắc Kinh trong lĩnh vực tư tưởng. Cùng với việc áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, kể từ đầu năm 2020, Bắc Kinh đã bổ nhiệm hai quan chức mới tại Văn phòng Liên lạc với Hoa lục ở Hồng Kông và Macao, trên thực tế là các cơ quan truyền đạt chỉ thị của chính quyền trung ương. Hai quan chức mới (các ông Lạc Huệ Trữ - Luo Huining và Hạ Bảo Long - Xia Baolong) đều là những người thân cận với lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, và đều "nổi tiếng do các thành tích chống Giáo hội Công giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số" tại Hoa lục.
Xướng tên 187 nạn nhân
Trước các đe dọa từ Trung Quốc, Giáo hội Công giáo Hồng Kông chọn thái độ không lùi bước, nhưng mềm dẻo. Một vị cha xứ thuộc một trong bảy xứ đạo tổ chức cầu nguyện cho những người bị giết hại trong vụ thảm sát Thiên An Môn, cho biết Giáo hội quyết định bỏ tất cả những từ có liên quan đến ngày 04/06 ("Lok Sei", tức "Lục Tứ" trong tiếng Quảng Đông), mà chỉ nói đến "lễ cầu siêu" cho những người quá cố. Nghi thức rước nến vào cuối buổi lễ, như lệ thường, cũng sẽ không diễn ra.
Ngược lại, tên họ của tất cả 187 nạn nhân của vụ đàn áp, đã được xác nhận, sẽ được xướng lên long trọng vào thời điểm khởi đầu thánh lễ. Số lượng nạn nhân trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Những người chủ trì thánh lễ cũng nhắc lại rõ ràng là cuộc tưởng niệm nhằm tưởng nhớ đến "các anh chị em đã hy sinh thân mình trong cuộc truy cầu sự thật, cách nay 32 năm".
Trọng Thành
*********************
Thiên An Môn : Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ một người tổ chức lễ tưởng niệm
Thanh Phương, RFI, 04/06/2021
Vào sáng sớm hôm 03/06/2021, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ luật sư Châu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung), một trong những người tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp trên quảng trường Thiên An Môn cách đây 32 năm.
Ảnh tư liệu chụp ngày 06/05/2021, Châu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung), phó chủ tịch Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước, phát biểu với giới truyền thông bên ngoài trụ sở tòa án Hồng Kông. AP - Rafael Wober
Vụ bắt giữ này cho thấy chính quyền Hồng Kông nhất quyết ngăn chận mọi hình thức tưởng niệm tại đặc khu hành chính này nhân kỷ niệm vụ đàn áp Thiên An Môn đêm 3 rạng sáng ngày 4/6/1989.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :
"Cách đây hai ngày, nhà chức trách Hồng Kông thông báo sẽ triển khai 3.000 cảnh sát để ngăn chận những người muốn đến nơi biểu tượng của lễ tưởng niệm ngày 04/06, công viên Victoria. Hôm qua, số cảnh sát đã tăng lên thành 5.000 và đến buổi tối thì lên đến 7.000.
Những ai mặc quần áo màu đen và cầm cây nến đều có thể bị tuyên phạt 5 năm tù. Với mối đe dọa của Luật An ninh Quốc gia, những người tổ chức đêm thắp nến tưởng niệm năm nay đã kêu gọi dân Hồng Kông tôn trọng lệnh cấm và thậm chí đã hủy lễ tưởng niệm trực tuyến.
Tuy vậy, Châu Hạnh Đồng, một nữ luật sư chuyên về bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, vẫn nhất quyết đi đến công viên Victoria chiều nay. Trước khi bị bắt, hôm qua cô đã nói với RFI : Chính quyền cấm là cấm những cuộc tập hợp trái phép. Nhưng theo tôi hiểu thì họ đâu có cấm đi dạo trong công viên. Vậy thì tại sao tôi không thể chỉ làm điều đó. Tôi không muốn chưa gì là đã đầu hàng rồi.
Trước khi bị bắt, Châu Hạnh Đồng là một trong những gương mặt hàng đầu của phe đối lập vẫn chưa bị bắt giam. Chính vì muốn bày tỏ tình đoàn kết với những người bị kết án mà cô thấy là cần phải tiếp tục đấu tranh vì dân chủ. Nữ luật sư này nói : Dĩ nhiên tôi rất buồn khi nghĩ đến các bạn bè đang ngồi tù. Nhưng càng nghĩ đến họ, tôi càng quyết tâm tiếp tục tham gia phong trào.
Giờ đây còn phải xem vụ bắt giữ nữ luật sư này có sẽ nâng cao quyết tâm của người dân Hồng Kông tham gia biểu tình vào tối nay hay không".
Thái Anh Văn : Dân Đài Loan sẽ không quên Thiên An Môn
Theo hãng tin Reuters, hôm nay, trên trang mạng Facebook cá nhân, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố là người dân của hòn đảo này "sẽ không bao giờ quên" vụ đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn cách đây 32 năm.
Hôm qua, theo hãng tin AFP, Hoa Kỳ cũng đã tưởng niệm những người biểu tình bị giết trên quảng trường Thiên An Môn. Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố : "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đứng bên cạnh nhân dân Trung Quốc đòi hỏi chính quyền của họ tôn trọng các quyền phổ quát của con người". Ông Blinken còn kêu gọi chính phủ Bắc Kinh tỏ ra "minh bạch" về vụ Thiên An Môn và đưa một tổng kết đầy đủ về số người bị chết, bị bắt, hay mất tích trong vụ đàn áp mà theo ước tính đã khiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người thiệt mạng.
Thanh Phương
*********************
Lễ canh thức vụ Thiên An Môn bị cấm, dân Hồng Kông đua nhau đưa sáng kiến tưởng niệm
Thùy Dương, RFI, 03/06/2021
Ngày 04/06/2021 là đúng 32 năm xảy ra vụ thảm sát ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc. Do bị chính quyền cấm tổ chức lễ canh thức, người dân Hồng Kông đua nhau đưa các ý tưởng mới để tưởng niệm các nạn nhân.
Bên trong "Bảo tàng Tưởng niệm sự kiện 04/06" do Liên minh Hồng Kông ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước điều hành, Hồng Kông, ngày 01/06/2021. AP - Vincent Yu
Trong suốt nhiều thập kỷ, cùng với Macao, Hồng Kông là nơi duy nhất thuộc Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân bị quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, năm 1989. Sau lệnh cấm hồi năm 2020 với lý do dịch bệnh Covid-19, năm nay, vẫn viện lý do dịch bệnh cho dù cả tháng nay thành phố không ghi nhận ca nhiễm không truy vết được nguồn gốc, cảnh sát Hồng Kông lại ra lệnh cấm người dân tập trung tổ chức tưởng niệm và cảnh báo sẽ xử lý mọi ý định tổ chức lễ tưởng niệm vụ Thiên An Môn. Theo AFP, 3.000 cảnh sát sẽ được triển khai vào ngày mai để ngăn chặn mọi cuộc tụ tập đông người.
Bất chấp lệnh cấm của cảnh sát và nguy cơ bị trừng phạt chiểu theo luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt ở đặc khu hành chính, người dân Hồng Kông đã có nhiều ý tưởng, sáng kiến : bật đèn trên điện thoại di động, đọc thơ, in hình lên áo…
Sự sáng tạo của nghệ sĩ Kacey Wong nhận được nhiều lời khen ngợi : Ông đã giữ lại hàng trăm, hàng ngàn mẩu nến chưa cháy hết từ các buổi lễ canh thức, tưởng niệm trước đây và dự định phát cho mọi người các mẩu nến đó vào ngày mai 04/06 ở hai điểm bán hàng Chickeeduck của một chuỗi cửa hàng đồ may mặc chuyên bán các sản phẩm ủng hộ phong trào dân chủ.
Nghệ sĩ Wong nói mỗi ngọn nến là một sự tưởng nhớ về một người đã hy sinh cho nền dân chủ, cũng như mang lại cho người dân Hồng Kông niềm hy vọng là một ngày nào đó nền dân chủ sẽ chiến thắng. Mỗi ngọn nến là sự pha trộn của nhiều cảm xúc khác nhau. Người nghệ sĩ này khẳng định đã đến lúc phân phát các ngọn nến cho người Hồng Kông để họ cất giữ "những ngọn nến kỷ niệm" ở nơi an toàn.
Thùy Dương