Hồng Kông : Tinh thần 04/06 chưa lụi tàn
Phát hành từ chiều thứ Bảy, Le Monde nói đến "Tinh thần 04/06 tại Hồng Kông chưa lụi tàn". Mặc dù các hoạt động tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn bị cấm đoán, khoảng 7.000 cảnh sát được triển khai tối 04/06 để ngăn cản các cuộc tụ tập tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn, công viên Victoria, nơi tổ chức lễ tưởng niệm thường niên, tối 04/06 vừa qua vắng vẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là người Hồng Kông đã lãng quên vụ thảm sát.
Cảnh sát ngăn chặn người dân Hồng Kông vào Công viên Victoria tưởng niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989. Ảnh chụp tối 04/06/2021. Reuters - LAM YIK
Người Hồng Kông đang lâm vào ngõ cụt nhưng vẫn duy trì tinh thần "Be water" (Hãy là nước - phương châm hành động của người biểu tình trong phong trào 2019) và giữ niềm hy vọng. Thông tín viên Le Monde, Florence de Changy, từ Hồng Kông cho biết đối diện lối ra vào một ga tàu ngầm, người qua đường được các tình nguyện viên gợi ý gửi thông điệp cho các tù nhân chính trị, trong đó có 47 nhà đối lập chỉ vì tham gia tổ chức kỳ bầu cử sơ bộ của phe đối lập mà bị kết tội "âm mưu lật đổ chính quyền" chiểu theo luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt đối với đặc khu.
Mục đích của việc gửi tin nhắn là để các tù nhân chính trị hiểu rằng, ở bên ngoài, công chúng không quên họ và cũng là để nhắc nhở những ai còn đang được tự do rằng một số người đã phải trả giá rất đắt cho cuộc tranh đấu vì tất cả cộng đồng. Thông tín viên Florence de Changy nhắc lại hiện giờ tại Hồng Kông có tới 95% dân biểu hoặc đại diện phe đối lập đang bị cầm tù và nhận định việc xét xử 47 nhân vật thuộc phe đối lập vài hôm trước ngày 04/06 là động thái của chính quyền nhằm răn đe dân chúng.
Thông điệp cho Bắc Kinh
Lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn nay đã biến thành "lời kêu hô hào gia nhập hàng ngũ đối lập" với những ngọn nến điện chạy bằng pin, những ngọn nến thường cắm trên bánh ga tô sinh nhật được phân phát cho người dân từ nhiều ngày qua, những màn hình điện thoại có hình ngọn nến được thắp sáng, những dòng người yên lặng xếp hàng dọc theo những bức tường, lễ cầu nguyện tại 7 nhà thờ, hay các biểu ngữ với khẩu hiệu của phong trào phản kháng hồi năm 2019 như " 5 yêu cầu, không bớt, dù chỉ 1", "Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng thời đại chúng ta". Cho đến nửa đêm 04/06, cảnh sát thông báo bắt 6 người, lập biên bản khoảng 12 người với lý do họ không tuân thủ quy định giãn cách xã hội phòng dịch.
Để tránh bị chính quyền có cớ trừng phạt, người dân đã nghĩ ra nhiều ý tưởng để thể hiện tinh thần 04/06 : vẽ, khắc những con số mang tính biểu tượng 04/06 ở khắp nơi, dưới nhiều hình thức, thậm chí trên cả công tắc điện để mỗi lần bật tắt công tắc điện đều biến thành một hành động tưởng niệm vụ thảm sát 04/06 cách nay 32 năm. Thông điệp của người dân Hồng Kông với Bắc Kinh rất rõ ràng : nỗi giận dữ của xã hội dân sự Hồng Kông đang gia tăng. Sự tĩnh lặng trên các đường phố do bị trấn áp chỉ là vẻ bề ngoài, còn lâu chính quyền Trung Quốc mới có thể thông qua vũ lực mà đè bẹp sự phản kháng hoặc bất đồng chính kiến, dù là nhỏ nhất.
Thuế doanh nghiệp tối thiểu : Bước tiến lớn về thương lượng toàn cầu
Khác với các báo khác, Le Figaro hôm nay tập trung vào thời sự, chính trị nước Pháp, nhất là về công cuộc cải tổ chế độ hưu trí. Le Figaro nhận định đã đến lúc tổng thống Emmanuel Macron đưa ra lựa chọn.
Về kinh tế, Le Figaro lưu ý nước Pháp trong năm 2020 phần nào kém thu hút giới đầu tư quốc tế do tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù vẫn đứng đầu bảng Châu Âu về thu hút đầu tư nước ngoài, vượt trên Anh Quốc và Đức, nhưng số nhà đầu tư vào Pháp đã giảm 18%, mức giảm mạnh hơn so với các nước láng giềng như Anh (-12%), Đức (-4%). Mức sụt giảm trung bình ở Liên Âu là 13%, tương đương mức hồi cuộc khủng hoảng tài chính 2009.
Nhìn ra quốc tế, Le Figaro quan tâm đến "thỏa thuận lịch sử về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu". Mặc dù có hai luồng ý kiến trái chiều về thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu mà bộ trưởng các nước G7 đã đạt được hồi cuối tuần qua, Le Figaro vẫn coi đó là một bước tiến lớn trong cuộc thương lượng toàn cầu khởi động cách nay 7 năm. Theo phát biểu của bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire trên đài Europe 1, các cường quốc Tây phương sẽ xác định những quy tắc về thuế doanh nghiệp cho thế kỷ XIX.
Thế nhưng, theo Le Figaro, sau G7, cần phải có sự thống nhất của G20 tại Venise, Ý, vào đầu tháng 07, nhất là phải có sự nhất trí của Nga và Trung Quốc. Một thỏa thuận chính thức cũng phải được ký kết giữa 138 quốc gia, dưới sự bảo trợ của OCDE - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, dự kiến vào cuối tháng 06. Cuộc chiến sẽ rất khó khăn, bởi sẽ phải đáp ứng được nhu cầu của cả những nước nhỏ và nước lớn.
Điều trị ung thư : chiến lược của Trung Quốc để không lệ thuộc vào dược phẩm nước ngoài
Trên lĩnh vực kinh tế - y tế, Les Echos đặc biệt quan tâm đến căn bệnh ung thư và dành 3 bài viết trong chuyên mục Doanh nghiệp cho đề tài này. Theo nhận định của Les Echos, điều trị bệnh ung thư hiện nay là phần quan trọng nhất và năng động nhất của toàn bộ thị trường dược phẩm trên thế giới. Les Echos dự báo từ năm 2021 đến năm 2025, tổng chi phí cho lĩnh vực điều trị bệnh ung thư hàng năm sẽ tăng 9-12%. Từ 56 tỉ đô la vào năm 2011, con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 273 tỉ đô la vào năm 2025, vượt xa chi phí cho các căn bệnh khác như miễn dịch, tiểu đường, thần kinh, tim mạch, hô hấp, SIDA và cả vacxin ngừa Covid-19.
Liên quan đến Trung Quốc, Les Echos cho biết quốc gia này ghi nhận nhiều ca ung thư nhất thế giới. Số bệnh nhân ung thư hàng năm của Trung Quốc cao gấp đôi ở Mỹ và chỉ có 40% bệnh nhân sống thêm được hơn 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc ung thư so với tỉ lệ 2/3 tại Hoa Kỳ. Trung Quốc là thị trường dược phẩm lớn thứ hai toàn cầu, nhưng theo Les Echos ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc khá tản mạn và không thật nhiều sáng chế.
Vì thế, Trung Quốc phải "đặt cược" vào các công nghệ sinh học để không bị lệ thuộc vào nguồn dược phẩm thế hệ mới trong điều trị ung thư của nước ngoài, nhất là từ Mỹ và Châu Âu. Les Echos cho biết trong những năm qua, Bắc Kinh đã khởi động cải cách hệ thống y tế để đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ tiên tiến.
Nhà chức trách cũng xem công nghệ sinh học là một lĩnh vực chiến lược mới nổi, xếp ngành công nghệ sinh học vào danh sách 10 lĩnh vực then chốt của chiến lược công nghiệp "Made in China 2025" cũng như trong kế hoạch "Healthy China 2030" với tham vọng sẽ có 100 hãng dược phẩm Trung Quốc có khả năng xuất khẩu thuốc sang Mỹ và Châu Âu. Hồi tháng 03/2021, Bắc Kinh đã xếp công nghệ gien và công nghệ sinh học vào danh sách 7 ưu tiên khoa học và công nghệ trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc.
Trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đã nổ ra, Bắc Kinh đang đẩy mạnh nỗ lực để củng cố sự tự chủ và rõ ràng các công nghệ sinh học là một lĩnh vực được ưu tiên. Tuy nhiên, Les Echos nhấn mạnh là cũng như đối với nhiều lĩnh vực công nghệ khác, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đuổi theo thế giới : công nghệ sinh học trong ngành dược phẩm mới chỉ chiếm 12% thị phần tại Trung Quốc so với tỉ lệ trung bình 25% trên toàn cầu.
Covid-19 và bất bình đẳng giới
Liên quan đến đại dịch Covid-19, Le Monde dành hồ sơ chính nhiều trang bài cho tác động của cuộc khủng hoảng đối với phụ nữ, từ kinh tế, xã hội đến y tế. Chiếm đa phần lao động trong các lĩnh vực mà công việc mang tính bấp bênh, gặp nhiều khó khăn, trong đó có du lịch, phụ nữ ngày càng bị cuộc khủng hoảng kinh tế gây tác hại nặng nề. Phương thức làm việc từ xa cũng làm mất sự cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc, làm nghiêm trọng thêm sự bất bình đẳng trong phân công việc nhà và nuôi dạy con cái. Theo Liên Hiệp Quốc, tại các nước đang phát triển, có thêm 47 triệu phụ nữ lâm cảnh sống dưới ngưỡng nghèo đói.
Ngược lại, riêng về y tế, Le Monde cho biết tại tất cả các quốc gia, kết quả ghi nhận đều giống nhau : tỉ lệ nam giới chết vì Covid-19 cao hơn nữ giới. Nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong khi đang điều trị ở bệnh viện đối với nam giới đều cao hơn đối với nữ giới. 2/3 số bệnh nhân phải điều trị tại các khoa hồi sức vì virus corona là đàn ông. Ở độ tuổi trên 25, nguy cơ tử vong nếu nhiễm Covid-19 ở nam giới cao gấp đôi so với nữ giới.
Có nhiều lý do, chẳng hạn các bệnh nền vốn dĩ có nguy cơ khiến bệnh tình nặng hơn liên quan chủ yếu đến đàn ông, cơ thể phụ nữ sản sinh ra nhiều phân tử kháng virus hơn, các phản ứng thể dịch và tế bào ở người phụ nữ cũng mạnh hơn so với nam giới giúp phụ nữ chống chọi tốt hơn với các bệnh lây nhiễm do virus. Tuy đàn ông dễ có nguy cơ bị bệnh nặng hơn nếu nhiễm virus corona nhưng nữ giới lại có nhiều nguy cơ bị nhiễm "Covid déo dài" hơn, với nhiều triệu chứng hơn.
Làm việc từ xa và những mối nguy tiềm ẩn
Vẫn liên quan đến khủng hoảng Covid-19, Libération dành cả tựa trang nhất, bài xã luận và nhiều bài viết cho phương thức làm việc từ xa trong bối cảnh chỉ còn 2 ngày nữa, hàng triệu người lao động sẽ quay trở lại làm việc tại công sở khi quy định quốc gia về phương thức làm việc từ xa để phòng chống dịch bệnh được nới lỏng.
Làm việc từ xa mang lại sự thuận lợi, thoải mái cho một số nhóm lao động, nghề nghiệp, người khuyết tật… nhưng đối với những công việc dựa trên sự sáng tạo năng động chẳng hạn như công nghệ cao, âm nhạc, kỹ thuật chế biến nông sản hoặc báo chí, làm việc từ xa là một cơn ác mộng. Nhưng làm việc từ xa cũng ẩn chứa nhiều mối nguy mà chúng ta vẫn chưa hiểu rõ, đó là nhận định của Libération.
Trong bài xã luận "Những mối nguy chưa được biết hết", Libération nhấn mạnh sau đại dịch, sẽ không có gì giống như trước đại dịch. Đến thứ Tư, người ta sẽ gặp "cú sốc đầu tiên" với thực tế khi phương thức làm việc từ xa 100 % lùi về phía sau. Các chủ lao động được kêu gọi ấn định số ngày làm việc từ xa hàng tuần tối thiểu cho nhân viên, nếu đặc thù công việc cho phép. Theo số liệu của Viện Thống kê Quốc gia Pháp, phương thức làm việc từ xa liên quan đến 58% công chức và các ngành nghề trung gian nhưng chỉ liên quan đến 20% người làm công ăn lương và 2% công nhân.
Đối với Libération, đó là "vết rạn nứt xã hội mới" và có thể sẽ dẫn đến những vết rạn nứt khác có thể khó nhận ra hơn nhưng lại nguy hại hơn : quyền của phụ nữ, bình đẳng về cơ hội ...
Thùy Dương