Thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa : Trung Quốc hứa chi 124 tỷ đô la (RFI, 14/05/2017)
Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới mở ra ngày 14/05/2017 tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết một ngân khoản 124 tỷ đô la dành cho dự án đầy tham vọng của ông. Đó là kế hoạch "Một Vành Đai, Một Con Đường", nhằm làm sống lại con đường tơ lụa thời xa xưa, khôi phục lại động cơ của kinh tế toàn cầu, kết nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, thông qua một mạng lưới cơ sở hạ tầng mới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 14/05/2017. REUTERS/Thomas Peter
Hội nghị thượng đỉnh mà Trung Quốc tổ chức trong hai ngày nhằm phô trương lợi ích của sáng kiến liên quan trực tiếp đến hơn 65 quốc gia, chiếm tổng cộng một phần ba GDP của thế giới. Tham dự hội nghị, có 29 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, trong đó nổi bật nhất là tổng thống Nga Vladimir Putin, trong lúc các lãnh đạo cao cấp nhất ở các nước phương Tây đều vắng bóng.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, dự án Con Đường Tơ Lụa Mới trước hết phục vụ cho Trung Quốc :
Cách nay 2000 năm, đế chế Trung Hoa đã dùng Con Đường Tơ Lụa để vận chuyển sản phẩm của họ sang Châu Âu bằng lạc đà. Ngày nay, sự khôi phục tuyến đường này sẽ cho phép Bắc Kinh áp đặt uy thế của cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo ông Tom Miller, tác giả quyển biên khảo "Giấc mơ Châu Á của Trung Quốc", "một bước ngoặt quan trọng đã được thực hiện dưới thời Tập Cận Bình. Ngày nay, Trung Quốc muốn đóng một vai trò tích cực trên sân khấu quốc tế. Trung Quốc thực sự hiện diện ở hàng đầu và đang tìm cách đóng vai trò chủ đạo".
Guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc cố gắng cho mọi người tin rằng các tuyến đường bộ, đường sắt và hệ thống hải cảng được tài trợ với hàng tỉ euro, sẽ có lợi cho tất cả. Trên thực tế, nước chủ yếu được lợi là Trung Quốc.
Trên vấn đề này, ông Tom Miller nhận định : "Trung Quốc muốn trở thành động lực kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi lên và thành nhà lãnh đạo ở Châu Á. Trung Quốc tin rằng khi giúp các nước khác phát triển, các nước đó sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng !".
Trung Quốc cũng nhìn thấy rằng dự án đó là một giải pháp mầu nhiệm cho nền kinh tế của chính họ. Chuyên gia Tom Miller ghi nhận : "Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, và Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới ở nước ngoài. Một ví dụ : Trung Quốc sản xuất quá nhiều thép. Vì vậy, nếu có thể xuất khẩu sản phẩm này, họ có thể giảm bớt tình trạng sản xuất thừa".
Trọng Nghĩa
***********************
Trung Quốc chi mạnh cho Con đường Tơ lụa mới (VOA, 14/05/2017)
Ông Tập Cận Bình phát biểu khai mạc diễn đàn kéo dài hai ngày ở Bắc Kinh hôm 14/5.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/5 cam kết chi 124 tỷ đôla vào kế hoạch Con đường Tơ lụa mới, đồng thời kêu gọi chấm dứt mô hình hợp tác cũ dựa trên sự tranh giành quyền lực ngoại giao.
Theo Reuters, ông Tập sử dụng hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của nhiều nhà lành đạo và các quan chức hàng đầu thế giới, trong đó có Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, để củng cố vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên thế giới.
Chính sách củng cố thương mại tự do với sự tham gia của nhiều nước được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chiến lược "Nước Mỹ đầu tiên", đồng thời đặt dấu hỏi về các thỏa thuận thương mại tự do trên thế giới.
Phát biểu khai mạc diễn đàn kéo dài hai ngày ở Bắc Kinh, ông Tập nói : "Chúng ta cần phải xây dựng một nền tảng hợp tác mở và duy trì cũng như mở rộng một nền kinh tế mở trên thế giới".
Ông Tập chụp ảnh chung với các quan chức dự hội nghị thượng đỉnh.
Trung Quốc coi sáng kiến với tên gọi chính thức là "Vành đai và Con đường" là một cách thức mới nhằm củng cố phát triển.
Ông Tập công bố kế hoạch này năm 2013 nhằm mở rộng sự hợp tác giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu với hàng tỷ đôla đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng thế giới cần phải tạo ra "các điều kiện thúc đẩy phát triển và khuyến khích việc xây dựng các hệ thống luật lệ và thương mại đầ tư toàn cầu công bằng, hợp lý và minh bạch".
Vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc, Bắc Hàn lại phóng thử một quả tên lửa đạn đạo, trắc nghiệm sự kiên nhẫn của Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ hôm 12/5 đã gửi công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh, phản đối sự tham dự của Bắc Hàn tại hội nghị thượng đỉnh.
*************************
7 nước vào ngân hàng được Trung Quốc ‘chống lưng’ (VOA, 14/05/2017)
Việt Nam mới đề nghị ông Kim Luật Quần (ảnh) tài trợ vốn cho Việt Nam.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), vốn được Trung Quốc hậu thuẫn mạnh, hôm 13/5 đã chấp thuận thêm 7 thành viên mới, một ngày trước khi diễn ra sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Bắc Kinh trong năm 2017.
Lãnh đạo từ 29 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ tham dự một diễn đàn về Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh vào ngày 14 và 14/5.
Đây là một sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa nhiều nước ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình, với việc đổ hàng tỷ đôla vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo Reuters, các quốc gia thành viên mới là Bahrain, Bolivia, Chile, Síp, Hy Lạp, Romania, và Samoa, đưa số thành viên của ngân hàng này lên 77 nước, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới kêu gọi AIIB "tài trợ vốn cho Việt Nam".
13 thành viên tiềm năng của AIIB từ khắp thế giới đã được thông qua vào tháng Ba vừa qua.
Thoạt đầu, Hoa Kỳ phản đối định chế tài chính đa phương, vốn được coi là đối thủ của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, do phương Tây thống trị, nhưng sau đó vẫn thu hút được các đồng minh của Mỹ, trong đó có Anh, Đức, Australia và Nam Hàn.
Trong một diễn biến mới nhất, Truyền hình Việt Nam đưa tin hôm 11/5 rằng trong khi tiếp Chủ tịch AIIB Kim Luật Quần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng "nhu cầu về vốn của Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng đang rất lớn" và kêu gọi "tài trợ vốn cho Việt Nam".