Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/09/2021

Điểm báo Pháp - Bắc Kinh phải dè chừng Mỹ ở Thái Bình Dương

RFI tiếng Việt

Sau Afghanistan, Bắc Kinh phải dè chừng Mỹ ở Thái Bình Dương

Mỹ đã chính thức rút khỏi Afghanistan, nhưng đề tài này tiếp tục được Le Mondechú ý với tựa lớn trên trang nhất và các báo khác đề cập nhiều ở các trang trong hôm nay 01/09/2021.

kabul3

Trong bức ảnh chụp bằng kính hồng ngoại do Quân đội Hoa Kỳ cung cấp, thiếu tướng Chris Donahue, chỉ huy Sư đoàn Dù số 82 lên chiếc phi cơ C-17 tại phi trường quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, ngày 30/08/2021. Ông là quân nhân Mỹ cuối cùng rời Afghanistan.  AP - Master Sgt. Alexander Burnett

Vị tướng Mỹ, người cuối cùng rời Afghanistan

Trong bài "Taliban mừng chiến thắng trong Kabul đang khủng hoảng", Le Figaronhận định, lịch sử có thể lưu lại hình ảnh biểu tượng cho thất bại : bức ảnh màu xanh lá hơi nhòe nét của thiếu tướng Chris Donahue chỉ huy sư đoàn nhảy dù 82. Theo Le Monde, vị tướng đã đi vào lịch sử như là quân nhân Mỹ cuối cùng rời Kabul. Trong đêm đen, "Badri 313" lực lượng đặc nhiệm của Taliban tiến vào phi đạo, từ đầu đến chân là trang phục và vũ khí của Mỹ.

Tiếng động ầm ì của các phi cơ quân sự cuối cùng vừa dứt, những loạt đạn đủ loại của Taliban thi nhau xé nát màn đêm. Sáng tinh mơ, các nhóm quân Hồi giáo lần đầu tiên khám phá bên trong sân bay quân sự, chụp hình kỷ niệm trước những chiếc Humvee hay trực thăng Mỹ. Tại Kabul, những lá cờ Taliban phấp phới bay trên các tòa đại sứ, cửa hàng, các ngã tư… Các chiến binh có mặt khắp nơi, đôi khi tỏ ra thô bạo. Trong khi Taliban ăn mừng suốt đêm, nhiều người dân khóc cho số phận, và chưa gì âm nhạc trên truyền hình đã bị cấm.

Washington Post thuật lại chi tiết cho thấy sự sụp đổ chóng vánh của chính phủ Afghanistan gây bất ngờ cho chính quyền Biden : lúc Kabul sắp thất thủ, Joe Biden đang ở Camp David, còn ngoại trưởng Antony Blinken vừa đến nơi nghỉ mát ở Hamptons. Bị các phương tiện truyền thông thân cận với đảng Dân chủ (CNN, New York Times, MSNBC, Washington Post) chỉ trích kịch liệt, Nhà Trắng tỏ ra cay cú. Trên Le Monde, dân biểu Châu Âu Bernard Guetta kêu gọi : "Nước Mỹ đã quay mặt với thế giới, Châu Âu hãy tỉnh thức !". Theo ông, không nên chờ đợi đến ngày Putin nghênh ngang trên đường phố Kiev, nhắc nhở rằng Obama hồi 2008 không hành động gì khi Nga xâm lược Gruzia.

Hậu quả từ số vũ khí Mỹ nằm trong tay Taliban

Le Figarođặt vấn đề "Vũ khí Mỹ để lại cho Taliban mang lại những hậu quả gì ?". Những chiếc trực thăng, phi cơ, máy bay không người lái, xe bọc thép và nhiều loại vũ khí khác nhau… Quân Taliban nghênh ngang với những khí tài không dành cho họ. Trên mạng xã hội, các hình ảnh này là biểu tượng cho chiến thắng.

Sau khi chiếm Kabul, Taliban có thể kiểm kê chiến lợi phẩm gồm các vũ khí của quân chính phủ Afghanistan mà Mỹ đã trang bị từ 20 năm qua, cộng với  vũ của quân đồng minh phương Tây. Khi phô trương chúng, Taliban đã thắng thêm trong cuộc chiến truyền thông. Nhưng không chỉ là vấn đề hình ảnh, mà hậu quả cũng rất nặng nề. Kho vũ khí bỏ lại chứng tỏ việc triệt thoái thiếu chuẩn bị, được tổ chức khẩn cấp trong hỗn loạn.

Cố vấn an ninh quốc gia Jack Sullivan nhìn nhận một lượng lớn đã rơi vào tay Taliban. Còn về những khí tài sử dụng tại chỗ cho đến tối thứ Hai ? Tướng McKenzie cho biết đã đưa đi một ít, và vô hiệu hóa một số khác, chẳng hạn hệ thống chống hỏa tiễn C-RAM để bảo vệ phi trường Kabul. Ngoài ra còn 70 xe bọc thép MRAP, 27 chiếc Humvee và 73 máy bay cũng không còn có thể sử dụng.

Nhưng thiệt hại tài chính là vô cùng lớn. Các xe MRAP có thể chống mìn, trị giá 1 triệu đô la/chiếc, trực thăng Black Hawk giá 6 triệu đô la. Chiến lược của Mỹ là đưa về nước tất cả, hoặc trang bị cho quân chính phủ Afghanistan, và thảm họa này sẽ gây tranh cãi, làm giảm uy tín của tổng thống Joe Biden mới nhậm chức được sáu tháng. Bên cạnh thiết bị quân sự, Taliban còn thừa hưởng 600.000 khẩu súng cùng với đạn dược ; tuy nhiên sau hai thập niên một số khí tài có lẽ không còn dùng được, và Taliban không có khả năng bảo trì cũng như sử dụng.

Một số được quân chính phủ khi bỏ chạy mang sang các nước láng giềng như Iran, Uzbekistan, Tadjikistan ; có thể được buôn lậu, cũng như các phụ tùng thu gom được. Theo tạp chí Janes, 26 trực thăng và 21 chiến đấu cơ do phi công quân đội Afghanistan điều khiển đã hạ cánh xuống Uzbekistan.

Sử gia : Sài Gòn 1975 rất khác với Kabul 2021

Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Michael Kazin, một trong những nhà sử học lỗi lạc nhất của cánh tả Mỹ nhấn mạnh, "Joe Biden phải xin lỗi vì chuẩn bị quá tệ hại cho việc triệt thoái khỏi Afghanistan".

Ngoài vụ khủng bố đẫm máu ở phi trường Kabul, chiến dịch rút quân là cả một sự hỗn loạn, nhưng Joe Biden trong cuộc họp báo thứ Năm tuần trước chỉ bày tỏ sự đau lòng và phẫn nộ. Bill Clinton hồi năm 1998 khi nhìn nhận quan hệ vói Monica Lewinsky đã xin lỗi, và năm 1961 John F. Kennedy cũng thẳng thắn đứng ra nhận lỗi sau thất bại ở Vịnh Con Heo, Cuba.

Sử gia Kazin không đồng ý với việc so sánh những hình ảnh Kabul với Sài Gòn năm 1975, vì có những khác biệt quá lớn. Chiến tranh Việt Nam và Afghanistan không có cùng tác động đối với xã hội Mỹ. Trong thập niên 60 và 70, việc can thiệp vào Việt Nam luôn là chủ đề tranh luận chính, và khi quân Mỹ rút đi năm 1973 theo hiệp định hòa bình Paris, Việt Nam vẫn là vấn đề hàng đầu. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn trụ được hai năm, trước khi Sài Gòn sụp đổ. Ngược lại, Afghanistan hầu như biến mất trong công luận Mỹ, kể từ sau cuộc chiến Irak năm 2003.

Tại Việt Nam, Hoa Kỳ phải chiến đấu với một kẻ thù được Trung Quốc và Liên Xô viện trợ và được cánh tả tại nhiều nước ủng hộ kể cả ở Mỹ. Đây không phải là trường hợp của Taliban : chủ thuyết Hồi giáo cứng rắn đi ngược lại tất cả những gì cánh tả thế giới bảo vệ, không có được sự hỗ trợ của phong trào phản chiến như Bắc Việt trong những năm 60 và 70. Các nhà sử học có thể coi chiến tranh Việt Nam như sự kiện đã mở ra một cuộc khủng hoảng niềm tin sâu sắc và cuối cùng là sự xuống dốc của Hoa Kỳ.

Nga và Iran chờ thời

Người Mỹ ra đi, "Moskva và Tehran chờ đợi thời điểm của mình", theoLe Figaro. Tờ báo cho biết bốn phi cơ vận tải của Nga tuần trước đã lặng lẽ đưa công dân Nga và các nước đồng minh di tản khỏi Kabul. Được bí mật tổ chức với sự đồng ý của Mỹ và Taliban, các chuyến bay này là biểu trưng cho chủ trương của Moskva. Hiện diện ở trung tâm cuộc xung đột nhưng kín tiếng, Moskva đối thoại với tất cả các bên và bảo vệ những lợi ích của mình.

Nga coi trọng sự hiện diện quân sự tại Trung Á, nhất là Tadjikistan và Uzbekistan, hai nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Moskva lãnh đạo. Đồng thời duy trì quan hệ với Taliban, tuy về mặt chính thức bị coi là tổ chức khủng bố, nhưng hồi tháng Bảy đã được tiếp đón ở Moskva. Igor Delanoe, phó giám đốc Đài quan sát Pháp-Nga nhận xét, lòng đất Afghanistan ngập đầy lithium và đất hiếm. Các tập đoàn kỹ nghệ Nga có thể quan tâm, và những nhóm lính đánh thuê như Wagner có thể được điều đến để thương lượng khai thác.

Về phía Tehran, mọi thất bại của "Đại Satan", tức kẻ thù số một là Mỹ, luôn được hoan nghênh, nhưng thực tế không đơn giản với 921 kilomet đường biên giới dọc Afghanistan. Trong thời kỳ Taliban nắm quyền lần đầu, chế độ Shia ở Tehran suýt nữa đã khởi động chiến tranh sau vụ thảm sát 8 nhà ngoại giao Iran năm 1988. Nhưng nay Iran tỏ ra hòa dịu với phe Hồi giáo Sunni. Đầu tháng Tám, việc vận chuyển nhiên liệu xuyên biên giới được tái lập, vì Iran luôn cần tiền mặt do bị Mỹ cấm vận, trong khi Taliban không tìm được mạng lưới cung ứng.

Tehran có chính sách nước đôi, chứa chấp thủ lãnh chiến tranh của Herat là Ismail Khan sau khi nhân vật này đầu hàng Taliban, nhưng duy trì tòa đại sứ ở Kabul, liên tục kêu gọi đối thoại về một chính phủ "hòa hợp". Iran nắm trong tay một số con cờ khác, và có mạng lưới dân quân từng được huy động để giúp chế độ Assad ở Syria. Và nếu người thiểu số Hazara theo Hồi giáo Shia bị Taliban đàn áp, Tehran vẫn có thể nhắm mắt bỏ qua, như đã xử sự với người Tchechenya hay Duy Ngô Nhĩ.

Đắc chí trước thất bại Mỹ, nhưng Bắc Kinh phải dè chừng ở Thái Bình Dương

Báo chí Hoa lục đắc chí trước hình ảnh tệ hại của Mỹ tại Afghanistan. Hoàn Cầu Thời Báo hớn hở chạy tựa lớn "Thất bại toàn diện" và dự báo Joe Biden cũng như đảng Dân chủ sẽ thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh "Hoa Kỳ phá hoại chứ không xây dựng", và hôm Chủ nhật, ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm đã giảng đạo đức cho ngoại trưởng Anthony Blinken, đòi hỏi "những hành động cụ thể" trước khủng bố, tố cáo sự rút lui "vội vã".

Le Figaro dẫn lời các chuyên gia nhận định, phía sau những bình luận cay độc này là nỗi lo của các nhà chiến lược đỏ. Những ông chủ mới của Kabul tuy cần gấp trợ giúp của Bắc Kinh để duy trì nền kinh tế được phương Tây nuôi dưỡng, nhưng vụ khủng bố ở sân bay cho thấy Taliban không áp đặt được quyền hành lên nhiều nhóm khủng bố cạnh tranh. Giáo sư Mã Hiểu Lâm (Ma Xiaolin) ở Hàng Châu nhìn nhận, việc triệt thoái của Mỹ khiến tương lai Afghanistan trở nên bất định hơn.

Theo chuyên gia Raffaello Pantucci ở Singapore, thắng lợi của Taliban gây phấn chấn cho các nhóm Hồi giáo ở Trung Á, và nguy cơ lớn nhất là các cuộc tấn công vào người Hoa, nhất là tại Pakistan. Vụ sát hại 9 người lao động Trung Quốc bằng tấn công tự sát vào một chiếc xe buýt ở Dasu, miền bắc Pakistan hôm 14/07 chứng tỏ mối đe dọa này là có thật. Đối với Mã Hiểu Lâm, Afghanistan có tiềm năng rất lớn, nhưng hãy còn quá sớm để đầu tư.

Rút ra bài học của Liên Xô và Hoa Kỳ, Bắc Kinh không muốn can dự về quân sự vào "chiếc bẫy" Afghanistan, nhưng cũng không thể dửng dưng vì sự gần gũi địa lý. Thất bại của Biden trước mắt có lợi cho Trung Quốc về hình ảnh, nhưng để lại phía sau một thùng thuốc súng khu vực, là trắc nghiệm cho Bắc Kinh. Nhất là sự rút lui chiến lược này nhằm tập trung sức mạnh Mỹ vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, để chống lại Trung Quốc. Tờ báo kết luận, một trò chơi lớn có thể ẩn giấu một ván cờ khác.

Trung Quốc : "Thịnh vượng chung" để giảm nghèo 

Về nội tình người khổng lồ Châu Á, Le Mondechú ý đến khái niệm "Thịnh vượng chung, bước chuyển của Trung Quốc", khi Tập Cận Bình muốn giảm bớt bất bình đẳng xã hội, cân bằng lại việc phân bổ thu nhập. "Thịnh vượng chung", nguyên văn trong tiếng Hoa "cộng đồng phú dụ" là chủ trương thống soái từ sau kỳ nghỉ hè. Cụm từ này xuất hiện từ ngày 17/08, sau cuộc họp của Ủy ban Trung ương về tài chính kinh tế. Tập Cận Bình tuyên bố "thịnh vượng chung là đòi hỏi chính của chủ nghĩa xã hội và thành phần chủ chốt của hiện đại hóa theo kiểu Trung Hoa".

Đặng Tiểu Bình từng nói "làm giàu không phải là một cái tội", và chỉ trong một thế hệ, người Trung Quốc từ cơm không đủ ăn đã tiến lên dùng túi xách Vuitton. Nhưng không phải tất cả, và Đặng cũng nhìn nhận "nên để cho một số người làm giàu trước đã". Kết quả là 40 năm sau, Trung Quốc cũng bất bình đẳng như ở Hoa Kỳ, và có nhiều tỉ phú đô la hơn cả Mỹ.

Theo nghiên cứu hàng năm của Credit Suisse, 1% người Trung Quốc giàu nhất sở hữu 30,6 % tài sản quốc gia, tăng 10 điểm trong vòng 20 năm qua. Số triệu phú sẽ tăng 92% trong 5 năm tới, trong khi theo thủ tướng Lý Khắc Cường, hiện có 600 triệu người Trung Quốc sống với dưới 130 euro một tháng.

Bất bình đẳng làm lung lay tính chính danh của đảng cộng sản

Rõ ràng là Trung Quốc có vấn đề về tái phân phối thu nhập, làm lung lay tính chính danh của đảng cộng sản. Bước ngoặt sang tả của chính quyền dựa vào nghiên cứu của một nhà kinh tế là Li Yining, đã xưa đến 1/4 thế kỷ. Năm 1994, ông giải thích có ba cách để phân phối lại thu nhập : thứ nhất là thị trường, thứ hai là Nhà nước phân bổ qua thuế và phúc lợi, thứ ba là nhờ các mạnh thường quân.

Trước mắt, đây là hướng ưu tiên. Ngay từ 18/08, tập đoàn Tencent đã loan báo tăng gấp đôi số tiền dành cho nghĩa vụ xã hội, lên 100 tỉ nhân dân tệ (13 tỉ euro). Tuy nhiên, việc kêu gọi sự hào phóng của người giàu không nhận được nhiều đồng thuận, như lời một giáo sư đại học Phục Đán : "Cướp của người giàu đem cho người nghèo chỉ dẫn đến tất cả đều nghèo đi". Một người khác cảnh báo "thịnh vượng chung" có thể trở thành một kiểu Đại nhảy vọt, kéo lùi nền kinh tế.

Về trung hạn, đòn bẩy thứ hai có thể được vận dụng qua việc củng cố dịch vụ công, mà tỉnh Chiết Giang giàu có sẽ là thí điểm. Khi đưa ra chủ trương này, Tập Cận Bình cũng nhắm vào giới tinh hoa đỏ, vào lúc chưa đầy một năm nữa sẽ đến đại hội đảng thứ 20, dự kiến vào mùa thu 2022.

Pháp tràn trề hy vọng thoát khỏi Covid

Tình hình trong nước chiếm trang nhất của Les Echosvới giá nhà đất tiếp tục tăng lên, La Croix lo âu về việc làm. Libération dành hồ sơ cho Marseille, nơi tổng thống Pháp bắt đầu chuyến đi ba ngày để tìm cách giải quyết những vấn đề tồn đọng của thành phố này từ nhiều năm qua. Le Figarochạy tít "Covid : Pháp sắp ra khỏi khủng hoảng ?" và tỏ ra lạc quan trong bài xã luận.

Vào cuối 2020, mọi việc tưởng chừng đơn giản. Vac-xin, có loại hiệu quả tới 90% đã được cung ứng, hy vọng thoát khỏi Covid đến gần hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một loạt tin xấu lại đến, trước hết là biến thể Delta có thể lây nhiễm cao gấp đôi con virus đã thoát ra từ Vũ Hán lúc ban đầu. Đồng thời, người ta biết rằng vac-xin bị giảm tác động sau vài tháng. Ngay cả Israel, vô địch về tiêm chủng nhanh chóng cho dân, lo ngại lại gặp một làn sóng nhập viện mới. Đành phải chấp nhận một thực tế là vac-xin không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng trước con virus này.

Một cuộc khủng hoảng dịch tễ không bao giờ kết thúc chăng ? May mắn là không. Vac-xin vẫn giúp tránh được các trường hợp nặng phải nhập viện, và đây là cốt yếu, trừ phi ca khúc khải hoàn quá sớm như Israel và bỏ quên tất cả những biện pháp phòng ngừa căn bản. Thống kê cho thấy tại Pháp nguy cơ phải nhập viện vì Covid đối với một người đã được tiêm chủng giảm đi đến bảy lần. Chỉ trong hai tháng qua, nhờ áp dụng chứng nhận y tế, số người đã chích ngừa từ 50% tăng lên 70%, nước Pháp đang ra khỏi vùng nguy hiểm. Việc quay lại với cuộc sống bình thường không còn xa, thậm chí sẽ được đẩy nhanh, nếu các loại thuốc ngừa Covid chứng tỏ được hiệu quả.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 483 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)