Ấn Độ gia tăng tập trận ở Châu Á để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh
Ấn Độ và Úc hiện đang tiến hành cuộc tập trận chung AUSINDEX (có từ năm 2015) từ ngày 06-10/09/2021. Trước đó, vào cuối tháng Tám, cả hai nước cùng tham gia cuộc tập trận thường niên Malabar của Bộ Tứ - QUAD ở Tây Thái Bình Dương. Úc là nước thứ năm tập trận song phương với Ấn Độ trong vòng một tháng, sau Việt Nam, Philippines, Indonesia, Singapore.
Tàu sân bay Ấn Độ tự chế Vikrant gần thành phố cảng Kochi, cực nam Nhật Bản. Ảnh do Hải Quân Ân Độ cung cấp ngày 04/08/2021. © AFP
Bảo vệ lợi ích thương mại ở Biển Đông
Về mặt chính thức, New Delhi khẳng định những cuộc tập trận song phương và đa phương nói trên là nhằm "tăng cường phối hợp và điều phối giữa Hải Quân Ấn Độ và các nước bạn có chung lợi ích hàng hải và cam kết vì tự do lưu thông trên biển". Dù không nêu đích danh, nhưng có thể thấy Trung Quốc là đối tượng bị nhắm đến, vì nước này vẫn khẳng định chủ quyền trên hơn 80% diện tích Biển Đông. Theo trang Mint, chuyên về tài chính của Ấn Độ, chính quyền New Delhi không chấp nhận việc một tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới lại bị một nước độc chiếm, ép các nước khác phải tuân thủ những đạo luật hàng hải tự ban hành, như trường hợp đạo luật mới nhất, có hiệu lực từ ngày 01/09/2021, bắt tầu nước ngoài phải khai báo khi đi qua vùng mà Bắc Kinh coi là "lãnh hải"Trung Quốc.
Đối với Ấn Độ, cần phải duy trì những tuyến giao thương hàng hải "mở" và "an toàn", vì sự phát triển kinh tế của Ấn Độ và của nhiều nước trong vùng phụ thuộc vào những con đường này. Trong năm 2019-2020, khoảng 18% khối lượng hàng xuất khẩu (tương đương 80 tỉ đô la) từ Ấn Độ sang Trung Quốc phải đi qua tuyến đường này, chưa kể đến số hàng xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thể hiện sức mạnh đối phó với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc
Ngoài bảo vệ lợi ích thương mại, yếu tố quốc phòng là lý do quan trọng khác buộc New Delhi tăng cường khả năng "răn đe quân sự". Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan đẩy Ấn Độ lên thành tác nhân chính trong khu vực, trong khi Trung Quốc không ngừng gây ảnh hưởng với Pakistan và Afghanistan, đặc biệt thông qua lĩnh vực kinh tế.
Giữa Bắc Kinh và New Delhi thường xuyên xảy ra tranh chấp biên giới dọc Đường kiểm soát thực tế Ấn - Trung (LAC), thậm chí đã từng đụng độ gây thiệt hại nhân mạng cho cả hai bên trong năm 2020. Chính những sự kiện này buộc New Delhi phải điều chỉnh lại chiến lược đối với Trung Quốc, để bảo vệ lợi ích từ dãy Himalaya đến lĩnh vực hàng hải, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của các đồng minh vào vai trò lớn hơn của Ấn Độ ở trong vùng.
PUBLICITÉ
Ngoài cuộc tập trận thường niên Malabar của Bộ Tứ - QUAD (Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Mỹ), năm cuộc tập trận song phương lần lượt với năm nước chỉ trong vòng một tháng được cho là dấu hiệu gửi đến Bắc Kinh rằng Ấn Độ khẳng định sự hiện diện vững chắc ở trong vùng, để "bảo đảm trật tự trong lĩnh vực hàng hải và tăng cường mối quan hệ vốn có giữa Ấn Độ và các nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Theo trang Mint, thách thức trở nên ngày càng lớn đối với Ấn Độ, tỉ lệ thuận với việc Trung Quốc không ngừng củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Cho nên New Delhi buộc phải năng động hơn, cả về ngoại giao và quân sự.
Trung Quốc vẫn kêu gọi sớm đúc kết với ASEAN một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng khăng khăng muốn loại mọi "thế lực bên ngoài" khỏi văn kiện này. Cho nên ngoại trưởng Ấn Độ, trong cuộc họp gần đây với ASEAN, đã một lần nữa nhắc lại rằng COC phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và các cuộc đàm phán về chủ đề này không được vi phạm quyền và lợi ích của những nước không phải là các bên tham gia đàm phán bộ quy tắc này.
Thu Hằng