Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/09/2021

Điểm báo Pháp – Đưa ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ vào trường học

RFI tiếng Việt

Đưa ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ vào trường học : Cá nhân hóa quyền lực

Le Figaro hôm 07/09/2021 chú ý đến việc Tập Cận Bình buộc đưa tư tưởng của mình vào chương trình giáo dục ở học đường, để uốn nắn tư tưởng học sinh trước đại hội đảng 2022 nhằm gia tăng quyền lực.

tap1

Sinh viên Học viện Cán bộ Phố Đông lắng nghe phát biểu của Tập Cận Bình trong buổi học ở Tỉnh Cương Sơn, Giang Tây, Trung Quốc, 09/04/2021.  AP - Emily Wang

"Tư tưởng Tập Cận Bình" thành môn học bắt buộc từ tiểu học

Tờ báo cho rằng đây là mùa tựu trường khắc khổ đối với học sinh Hoa lục. Từ nay không còn được chơi game trong tuần, học sinh còn phải học tập kỹ lưỡng "tư tưởng Tập Cận Bình", trở nên môn học bắt buộc ngay từ cấp tiểu học.

Cuốn sách giáo khoa mới dành cho học sinh 10 tuổi mà Le Figaro có được đầy hình ảnh của chủ tịch nước, với dòng giới thiệu ở trang đầu : "Hãy học thuộc lòng những câu nói bằng vàng của bác Tập…". Tập Cận Bình ngự trị trong trang phục đại cán kiểu Mao, trên khán đài ở quảng trường Thiên An Môn, vẫy chào quần chúng với nụ cười tỏ vẻ phúc hậu.

Học sinh phải "học hỏi nghiêm túc tư tưởng Tập Cận Bình để nắm bắt được sự thật, và viết nên một chương quang vinh của cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ vì lợi ích của nhân dân". Gu Yuehua, phó giám đốc Sở Giáo dục Giang Tô, nói rằng cải cách này nhằm "hun đúc tinh thần học sinh".

Bộ Giáo dục hôm 24/08 loan báo "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa" đã được cho vào chương trình tiểu học và trung học. Tin này được báo chí đưa lấp lửng, như sợ giai đoạn mới của tôn sùng lãnh tụ sẽ gây bất bình cho một số phụ huynh.

Ngưỡng mới của cá nhân hóa quyền lực

Sách giáo khoa giải thích từ khi ông Tập lên ngôi năm 2013, "tổ quốc bước vào kỷ nguyên phục hưng mới". Sau khi nhấn mạnh đến "Giấc mơ Trung Hoa", chương hai nhắc lại "Đảng là chìa khóa cho sự thành công của Trung Quốc". Tất nhiên Trung Quốc là nước "dân chủ", nhưng ưu tiên hàng đầu là "an ninh quốc gia", mỗi công dân phải bảo vệ tổ quốc trong bối cảnh đối đầu chiến lược với Hoa Kỳ, phải tố cáo những kẻ phản bội.

Một ngưỡng mới của cá nhân hóa quyền lực đã được vượt qua, và theo một giảng viên đại học Bắc Kinh giấu tên, tất cả là để chuẩn bị cho đại hội đảng, "việc đưa vào sách giáo khoa nhằm áp đặt độc tài lãnh tụ". Vào thời Cách mạng Văn hóa, thanh thiếu niên phải học thuộc lòng Sách Đỏ của Mao Trạch Đông, và từ sau vụ đàn áp Thiên An Môn là "giáo dục ái quốc". Nhưng những người kế nhiệm Mao, từ Đặng Tiểu Bình cho đến Hồ Cẩm Đào đều chưa bao giờ dám áp đặt ý tưởng mình vào chương trình giáo dục.

"Tư tưởng Tập Cận Bình" đã được đưa vào Hiến pháp năm 2018 và hiện diện cùng khắp trong các bài diễn văn của quan chức và các định chế, cán bộ đảng phải học tập cật lực. Mười tám trung tâm chuyên nghiên cứu chủ thuyết của ông Tập vừa được thành lập, với các chủ đề chiến lược từ ngoại giao đến sinh thái.

"Bác Tập" xâm nhập vào trường học để "uốn nắn" măng non

Sau khi áp đặt đường hướng trong đảng ở nhiệm kỳ đầu, Tập Cận Bình có mục tiêu siết lại ý thức chính trị trên toàn xã hội một cách lâu dài. Khống chế xong đại học, ông ta tấn công vào các trường trung, tiểu học. Alex Payette, cơ quan phân tích Cercius nhận định : "Đó là chiến dịch uốn nắn giáo dục, nhằm đào tạo ra đám đông quần chúng trung thành với chế độ". Lãnh vực giáo dục bị tăng cường giám sát từ ngày 01/09 để bảo đảm đường hướng của đảng được giảng dạy đúng đắn trong lớp.

Tất nhiên không có chỉ trích trực tiếp nào được đưa ra tại một đất nước bị kiểm duyệt gắt gao, nhưng theo Le Figaro, việc "bác Tập" xâm nhập vào trường học không phải là không có rủi ro, trong một nước Trung Quốc vẫn còn bị ám ảnh bởi các thảm kịch thời Mao.

Phụ huynh quan tâm trước hết đến thành công của con em trong bối cảnh kinh tế xã hội đang u ám. William Callahan, chuyên gia ở London School of Economics, nhận xét : "Họ muốn con cái học toán hơn là chính trị. Giáo dục ái quốc là một thành công, nhưng sự hãnh diện là người Trung Hoa không có nghĩa là phải đứng nghiêm xếp hàng sau một cá nhân". 

Lệnh cấm trẻ vị thành niên không được chơi game quá một tiếng đồng hồ vào cuối tuần, đưa ra hồi cuối tháng Tám, cũng nằm trong chương trình chỉnh đốn tư tưởng chưa từng thấy từ nhiều thập niên qua. Alex Payette cho rằng "Tập muốn áp đặt sùng bái lãnh tụ, nhưng xã hội đã thay đổi".

Đảng không muốn bị mờ nhòa vì các "thần tượng" của giới trẻ

Trên lãnh vực văn hóa, Bắc Kinh tấn công vào các "thần tượng ẻo lả". Nền tảng Douyin, tương đương TikTok, đã khóa tài khoản một blogger nổi tiếng chuyên bình phẩm về ẩm thực, chỉ vì anh này mang vẻ nữ tính. Cơ quan quản lý phát thanh truyền hình tiết lộ kế hoạch 8 điểm cấm các chương trình tạo ra thần tượng, nhất là truyền hình thực tế.

Sự biến mất trên mạng của diễn viên Triệu Vy (Zhao Wei) từ cuối tháng Tám được cho là lời cảnh báo cho lãnh vực giải trí, vốn đã từng chứng kiến sự sụp đổ của ngôi sao Phạm Băng Băng (Fan Bingbing) năm 2018. Lần này Bắc Kinh quyết "dọn dẹp cho sạch sẽ" màn ảnh và internet.

Sau các nhà ly khai, luật sư, giảng viên đại học, đến lượt các "thần tượng" trên mạng trong tầm ngắm. Có rất nhiều người nổi tiếng, ăn mặc theo kiểu sao Hàn hoặc có phong cách phương Tây, được giới trẻ bắt chước, nay đảng muốn nắm độc quyền chi phối lớp trẻ.

Trong lúc tỉ lệ sinh thấp, Bắc Kinh quảng bá mô hình gia đình truyền thống, nhưng khó thuyết phục được những người trẻ luôn lo lắng về chi phí học hành nếu sinh con. Nhà nước trong những tuần qua cũng đẩy mạnh tấn công vào cộng đồng người đồng tính, được cho là làm giảm tỉ lệ sinh sản. Trên Vi Bác, cư dân mạng lo ngại việc "áp đặt một kiểu sắc đẹp duy nhất", cho rằng việc cấm đoán các bộ phim Hàn Quốc, Mỹ là quay lại với thời phong kiến.

Sẽ không có việc Mỹ triệt thoái khỏi Hàn Quốc, Nhật Bản

Cũng tại Châu Á, Le Monde nhận định "Seoul và Tokyo đặt lại vấn đề an ninh sau khi Kabul sụp đổ". Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan khiến các đồng minh Đông Bắc Á phải xét lại vị thế của mình.

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia dân chủ và giàu có, sở hữu lực lượng quân sự đáng kể, có hiệp ước an ninh hỗ tương với Hoa Kỳ và nhất là có giá trị chiến lược đối với Washington – từ 70 năm qua vẫn duy trì 80.000 G.I. trú đóng – mà Afghanistan không thể sánh nổi. Tuy nhiên, cú sốc Kabul vừa qua khiến hai nước này phải tự vấn về sự lệ thuộc vào Mỹ. Một phần là sự khả tín của các cam kết, nhưng chủ yếu các quyết định đơn phương của Washington khiến Seoul và Tokyo lo ngại.

Sẽ không có việc Mỹ triệt thoái : cuộc chiến Triều Tiên vẫn đang "treo" với hiệp đình đình chiến năm 1953, và mối đe dọa từ hỏa tiễn nguyên tử liên lục địa của Bắc Triều Tiên. Còn Nhật Bản là "chìa khóa Thái Bình Dương" để ngăn chặn Trung Quốc. Nhìn từ Seoul và Tokyo, sự trở lại của Taliban không gây lo ngại như với Mỹ và Châu Âu. Ku Miseon, đại học Ohio (Hoa Kỳ) nhận định : "Ngược với các cường quốc phương Tây, Hàn Quốc không có lợi ích chiến lược ở Afghanistan". Masayuki Tadokoro, đại học Keio (Nhật) cho biết : "Nhật Bản chưa bao giờ là mục tiêu của khủng bố Hồi giáo. Việc Taliban lên nắm quyền không mang lại tác động địa chính trị với Tokyo, nếu có thì chỉ là về quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ".

Rút khỏi Afghanistan, Washington tập trung đối phó Trung Quốc

Từ sau sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, Hàn Quốc và Nhật Bản vốn là hậu cứ của quân đội Mỹ, đã tìm cách thay đổi ván cờ. Tổng thống Phác Chính Hy âm thầm khởi động chương trình vũ khí nguyên tử - nhưng bị Washington tuýt còi - và Nhật Bản ký hiệp ước hòa bình hữu nghị với Trung Quốc năm 1978 sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1972. Còn bây giờ, tăng cường năng lực quốc phòng là ưu tiên hàng đầu của Seoul và Tokyo.

Theo Tadokoro, tại Hàn Quốc đã có những tiếng nói kêu gọi xem lại chính sách an ninh, trong một Châu Á ít nhiều bị Trung Quốc thống trị, và tìm cách giữ thăng bằng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Dân chúng Hàn Quốc đa số ủng hộ việc duy trì sự hiện diện của Mỹ, và theo Ku Miseon, "thất bại ở Kabul sẽ được phe bảo thủ sử dụng để chỉ trích phe muốn Mỹ rút quân".

Tại Nhật Bản, việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan được đón nhận với sự lạc quan thận trọng, coi như khởi đầu của việc Hoa Kỳ tập trung vào khu vực Châu Á. Narushige Michishita, chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính trị ở Tokyo, nhận xét : "Kết quả duy nhất có thể mang tính tích cực của việc rút quân khỏi Afghanistan là Mỹ có thể tập trung hơn cho việc cạnh tranh trên toàn cầu, trước sự đi lên của một Trung Quốc độc tài và bành trướng".

Cánh hữu của đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền tìm cách siết chặt quan hệ với Đài Loan, coi mọi hành động của Bắc Kinh chống lại Đài Bắc là mối đe dọa cho an ninh của Nhật Bản. Koichi Tanaka, đại học Keio cho rằng nếu trông cậy ít hơn vào Washington thì phải xác định lại các mục tiêu của Bộ Tứ (QUAD - gồm Úc, Ấn, Nhật, Mỹ) tại Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. Ngược lại, sự tăng cường hợp tác giữa Bắc Kinh và Kabul có thể giúp Trung Quốc có được ngõ vào biển Ả Rập thông qua Pakistan, gây lo ngại cho Ấn Độ.

Khủng bố Paris, Belmondo : Tựa chính báo Pháp

Phiên tòa lịch sử xử các vụ khủng bố Paris ngày 13/11/2015, tài tử nổi tiếng Jean-Paul Belmondo của Pháp qua đời ở tuổi 88. Đó là hai đề tài nổi bật trên trang nhất các báo Paris hôm nay. 

Le Mondechạy tựa "Khủng bố ngày 13 tháng 11 : Thời khắc của công lý". Phiên tòa vô tiền khoáng hậu mở ra ngày mai 08/09/2021, đến tháng 5/2022 mới kết thúc, với 20 bị cáo, 1.780 nguyên đơn dân sự, được báo chí dành cho rất nhiều giấy mực.

Ảnh của diễn viên Belmondo thời trẻ với biệt danh "Bébel" chiếm trang bìa các báo La Croix, Libération, Le Figarovới dòng tựa "Nghệ sĩ được yêu mến", "Cuộc đời Bébel", "L’as des as" (tên một bộ phim do Belmondo đóng vai chính).

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 496 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)