Các đợt dịch bùng phát mới đây tại Đông Nam Á làm tổn hại hoạt động của các nhà máy trong mọi lĩnh vực, đe dọa sự phục hồi của khu vực từ đại dịch Covid và làm gián đoạn chuỗi cung cấp hàng hóa toàn cầu như hàng may mặc, ô tô, và điện tử.
Gần 1 triệu người dân Đông Nam Á bị nhiễm virus covid. Ảnh minh họa một chốt kiểm soát dịch Covid tại Indonesia
Các biện pháp ngăn chặn virus corona khiến các công ty đóng cửa hãng xưởng, ngưng hay giảm hoạt động trong lúc lĩnh vực sản xuất ở Châu Á đã chật vật vì chi phí nguyên vật liệu tăng và những dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Việt Nam, Malaysia và Thái Lan là 3 trung tâm sản xuất chính trong khu vực, nơi gia công hàng hóa cho một số nhãn hiệu tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Việt Nam
Đợt dịch từ tháng Tư khiến những thành phố lớn nhất và những trung tâm công nghiệp lớn nhất của Việt Nam phải áp đặt biện pháp phong tỏa gắt gao, buộc các nhà sản xuất điện tử, may mặc và giày dép phải ngưng hay giảm hoạt động. Những hạn chế này bắt đầu được nới lỏng gần đây.
Dịch ban đầu xảy ra tại các vùng công nghiệp phía Bắc, nơi đặt các hãng xưởng của các nhà cung cấp cho Apple, Samsung và các công ty công nghệ toàn cầu.
Vào tháng 5, tỉnh Bắc Giang ra lệnh 4 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu có những cơ sở sản xuất của công ty Foxconn Đài Loan, phải tạm thời đóng cửa.
Dịch bệnh bùng phát lan xuống phía Nam và, vào tháng 7, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh công nghiệp lân cận có các biện pháp phong tỏa gắt gao.
Trong tháng đó, tập đoàn Pou Chen Đài Loan, nơi làm giày cho Nike và Adidas, đình chỉ hoạt động tại nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh và công ty Changshin Vietnam của Hàn Quốc sản xuất giày cho Nike phải đóng cửa ba nhà máy.
Nike đã cắt giảm doanh số kỳ vọng trong năm tài khóa 2022 và cảnh báo có những trì hoãn trong dịp lễ. Khách mua iPhone 13 mới của Apple đang chờ đợi được giao hàng vì dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, nơi lắp ráp các thành phần cho camera mới của iPhone 13.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho hay một số nhãn hiệu thời trang quốc tế đã chuyển đơn đặt hàng ra khỏi Việt Nam và 60% các nhà sản xuất vải vóc và giày dép trong nước đã bị phạt vì chậm giao hàng.
Malaysia
Một số công ty sản xuất ô tô và vật liệu bán dẫn cho hay trong những tháng gần đây rằng những gián đoạn vì đại dịch tại Malaysia đã tác hại lên chuỗi cung cấp.
Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa vào tháng 6 khi lây nhiễm lên mức kỷ lục, nhưng đã dần dần nới lỏng những hạn chế về sản xuất kể từ tháng 7.
Malaysia là nước cung cấp khoảng 67% thị trường găng tay cao su toàn cầu. Các giãn cách Covid tại Malaysia cũng khiến nhiều nhà sản xuất găng tay phải ngưng hoạt động vào tháng 6 và tháng 7.
Malaysia là nơi có các nhà máy phục vụ cho các nhà sản xuất chất bán dẫn như STMicroelectronics và Infineon của Châu Âu, cũng như những công ty sản xuất ô lớn như Toyota và Ford.
STMicroelectronics tháng 7 cho biết tạm đóng cửa nhà máy lắp ráp tại Malaysia trong 11 ngày vì virus corona.
Công ty làm chip điện tử Infineon của Đức cho biết hồi tháng 8 là sẽ bị thiệt hại vài chục triệu euro vì các nhà máy tại Malaysia đóng cửa.
Cùng tháng đó, Ford nói sẽ tạm thời đóng nhà máy ở Mỹ sản xuất xe tải bán chạy nhất của hãng vì thiếu các bộ phận liên hệ đến chất bán dẫn vì dịch bệnh bùng phát tại Malaysia.
Thái Lan
Thái Lan áp đặt những hạn chế gắt gao vào tháng 7 và tháng 8 tại những tỉnh thành có nguy cơ cao kể cả Bangkok.
Để tránh đóng cửa các nhà máy như tại một số nơi ở Đông Nam Á, chính phủ Thái Lan cho các bệnh nhân Covid đi chữa trị và những ai tiếp xúc gần với các bệnh nhân đó phải cách ly.
Tuy nhiên, một số công ty đã phải tạm thời đóng các hoạt động để khử trùng toàn diện sau khi có các ca Covid trong những tháng gần đây, trong đó có Charoen Pokphand Foods, Thai Plastic Industrial, và Soomboon Advance Technology.
Vào tháng 7, công ty Toyota ngưng sản xuất ô tô tại 3 trong số các nhà máy ở Thái Lan vì thiếu các linh kiện do đại dịch.
Thái Lan là nơi lắp ráp ô tô lớn hàng thứ tư tại Châu Á và là trung tâm xuất khẩu của một số hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới như Toyota và Honda.
Thiếu công nhân nhập cư vì kiểm soát chặt chẽ biên giới, lây nhiễm và cách ly, cũng tác hại đến việc sản xuất thực phẩm và cao su.
Công ty Siam Agro-Food Industry, một nhà xuất khẩu trái cây chế biến, chỉ có thể trám 400 trong số 550 vị trí vì nhiều người đã về nước, không trở lại Thái Lan được do biên giới đóng cửa.
Theo Reuters