Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/05/2017

Lo sợ bị tấn công, Trung Quốc tăng cường phòng vệ vùng biển

Tổng hợp

Trung Quốc triển khai tên lửa HQ-9 tại Hải Nam để lập vùng cấm bay ? (RFI, 20/05/2017)

Trung Quốc đã cho triển khai hệ thống tên lửa địa đối không HQ-9 trên đảo Hải Nam, gần với Việt Nam. Thông tin được công ty ImageSat International (ISI) của Israel đưa ra dựa trên những phân tích các hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh.

phongve1

Tên lửa Hồng Kỳ (HQ-9) được phô trương tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2009. Ảnh minh họa Jian Kang - Wikipedia

Theo bản báo cáo của ISI, được trang ABS-CBN News đăng ngày 20/05/2017, "dường như Trung Quốc bắt đầu thực hiện vùng cấm bay trên Biển Đông".

Cụ thể là nhưng hình ảnh được chụp ngày 08/05 cho thấy hai xe phóng tên lửa HQ-9, một trung tâm radar và ba đường phóng tên lửa trên một ngọn đồi được cảnh giới ở phía nam đảo Hải Nam. Trung tâm radar dường như được sử dụng để triển khai hệ thống radar cảnh báo sớm và radar kiểm soát hỏa lực.

Những hình ảnh chụp ngày 15/03 trước đó không cho thấy bất kỳ xe phóng tên lửa hay radar nào trên cùng vị trí.

Trước đó, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát nhưng cả Việt Nam và Đài Loan cùng đòi chủ quyền.

Theo báo cáo của ISI, kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa trên hai đảo Phú Lâm và Hải Nam nhằm mục đích "hình thành một khu vực cấm bay rộng lớn bao phủ trục đường hàng hải quan trọng trong vùng". Các chuyên gia của ISI nhận định "trong tương lai sẽ có nhiều giàn pháo hơn trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp" nhằm tăng cường đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông.

Trong một báo cáo khác, các chuyên gia của ISI nhận thấy dường như Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đối hạm tại căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin), cực nam đảo Hải Nam. Những tên lửa này có tầm bắn khoảng 400 km.

Căn cứ vào việc Trung Quốc cho triển khai hệ thống tên lửa địa đối không và tên lửa đối hạm ở căn cứ Du Lâm và quần đảo Hoàng Sa, các chuyên gia đánh giá "Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập một hành lang kiểm soát hàng hải và hàng không tại Biển Đông".

Thu Hằng

********************

Súng chống người nhái của Trung Quốc hiệu quả cỡ nào ? (Tuổi Trẻ, 20/05/2017)

Các tờ báo chuyên về vũ khí cho rằng sản phẩm súng chống người nhái của Bắc Kinh, một lần nữa, lại là hàng sao chép của nước khác.

phongve2

Hệ thống CS/AR-1 của Trung Quốc (trái) là một bản sao hoàn hảo của hệ thống DP-65 của Nga (phải) - Ảnh : IHS Jane's

Ngày 17/5, xuất hiện thông tin Trung Quốc đưa súng chống người nhái trái phép đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Loại vũ khí này hoạt động ra sao và Trung Quốc có ý đồ gì khi đưa nó tới Trường Sa ?

Sản phẩm sao chép từ Nga

Theo Thời báo Quốc phòng của Trung Quốc, loại súng chống người nhái nói trên được xác định là CS/AR-1 do Tập đoàn công nghiệp Phương Bắc (Norinco) của Trung Quốc sản xuất. Nó được trình làng lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Chu Hải (Trung Quốc) năm 2014.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc khi đó đã lên tiếng dọa dẫm, nhấn mạnh CS/AR-1 sẽ là thứ vũ khí làm khiếp sợ những nước có ý đồ gây rắc rối với Bắc Kinh trên Biển Đông.

Theo nhà sản xuất Norinco, CS/AR-1 có thể được lắp đặt trên hầu hết các tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Một hệ thống CS/AR-1 hoàn chỉnh gồm 10 ống phóng và thiết bị điều khiển.

DP-65 của Nga thực hành bắn tiêu diệt mục tiêu trên biển - Nguồn : Youtube

Trang web của Norinco cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Trung không có dòng nào nhắc đến hay mô tả chi tiết tính năng kỹ chiến thuật của CS/AR-1.

Nhưng theo thông tin được nhà sản xuất cung cấp tại triển lãm năm 2014, hệ thống CS/AR-1 có khả năng xoay vòng 360 độ, góc bắn từ -30 đến 70 độ. 

Hệ thống này được thiết kế theo dạng mô-đun, tức là có thể tháo lắp và thay thế từng thành phần riêng biệt trong trường hợp cần di tản hoặc bảo trì, sửa chữa.

Phía Norinco quảng cáo toàn bộ hệ thống CS/AR-1 được điều khiển thông qua bảng điều khiển kỹ thuật số nhằm tăng tính chính xác và tốc độ phản ứng. Không rõ hệ thống này có được tích hợp trang bị cảm biến hay hệ thống quản lý chiến đấu (CMS) hay không.

CS/AR-1 có thể bắn được loại đạn mang đầu nổ mạnh (HE) cỡ 55 ly, tầm bắn tối đa khoảng 500m. Loại đầu đạn này khi được bắn xuống nước có thể tạo ra một vụ nổ, có thể làm bị thương thậm chí giết chết người nhái nằm trong bán kính nổ của nó.

Nhà sản xuất từ chối cho biết quá trình phát triển CS/AR-1, chỉ nói nó đã được thiết kế trong một vài năm gần đây. 

phongve3

Hệ thống phóng lựu chống người nhái DP-65 do Nga chế tạo, nhìn từ phía sau. DP-65 chủ yếu được lắp trên các tàu chống biệt kích phá hoại lớp Grachonok - Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga

Tuy nhiên, dựa theo hình dáng bên ngoài và cơ chế hoạt động, CS/AR-1 là một bản sao "hoàn hảo" của hệ thống phóng lựu chống người nhái DP-65 do Nga chế tạo.

DP-65A được phát triển và sản xuất bởi nhà máy V.A. Degtyarev của Nga kể từ năm 1991. Hệ thống này được triển khai trên tàu chiến và các công trình phòng thủ ven biển, chống lại sự xâm nhập của người nhái.

Điểm khác biệt duy nhất giữa DP-65 và CS/AR-1, theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, có lẽ là góc xoay và loại đạn được sử dụng. Trung Quốc đã sao chép và cải tiến để CS/AR-1 có góc xoay rộng hơn so với phiên bản gốc.

Cũng theo IHS Jane’s, Trung Quốc đã mua các hệ thống DP-65A từ Nga và lắp đặt nó trên một số tàu chiến. Năm 2012, DP-65 được nhìn thấy trên một tàu chiến của Trung Quốc gần khu vực đá Chữ Thập của Việt Nam.

Chỉ hiệu quả ở vùng nước cạn

Hệ thống DP-65 trên tàu chống biệt kích phá hoại lớp Grachonok của Nga - Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một nhà nghiên cứu vũ khí nhận định bất kỳ loại vũ khí nào, dù hiện đại đến đâu cũng có điểm yếu và cách khắc chế. 

phongve4

Hệ thống DP-65 trên tàu chống biệt kích phá hoại lớp Grachonok của Nga - Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga

Cho đến bây giờ, vẫn chưa có bất kỳ chi tiết nào về hệ thống CS/AR-1 của Trung Quốc, nhưng có thể suy đoán dựa trên bản gốc của nó là DP-65.

Cần hiểu là góc bắn sẽ ảnh hưởng đến tầm xa của đạn. CS/AR-1 và DP-65 có góc bắn tương tự nhau (DP-65A : -38 đến 48 độ ; CS/AR-1 : -30 đến 70 độ) nên tầm bắn tối đa và tối thiểu sẽ khá tương đương nhau.

Với giới hạn góc bắn như vậy, phiên bản gốc DP-65 có tầm bắn từ 50 - 500m, nên có thể suy đoán giới hạn tầm bắn của bản sao chép CS/AR-1 cũng nằm trong phạm vi tương tự.

Điều đó cũng có nghĩa, nếu người nhái vượt qua an toàn khỏi tầm bắn tối thiếu của CS/AR-1 (tức dưới 50m), hệ thống này sẽ không phát huy tác dụng.

Tạp chí IHS Jane’s bình luận : hiệu quả tác chiến của CS/AR-1 vẫn còn là một dấu chấm hỏi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ sâu và điều kiện mặt nước. 

CS/AR-1 sẽ chỉ hữu dụng tại các vùng nước nông, nơi môi trường hoạt động của người nhái bị hạn chế đáng kể và đầu đạn HE có thể phát huy tối đa sức công phá.

Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá khách quan, bởi cho đến bây giờ vẫn chưa biết chính xác Trung Quốc sử dụng đầu đạn HE loại gì cho CS/AR-1. Điều này là quan trọng, bởi loại đạn được sử dụng sẽ quyết định độ sâu và phạm vi sát thương.

Lấy DP-65 của Nga làm ví dụ. Hệ thống này có thể bắn được các loại đạn RG-55M và RGS-55. Riêng đối với đạn RG-55M, nó có thể tiêu diệt người nhái lặn ở độ sâu 40m, bán kính sát thương 16m.

Hệ thống DP-65 của Nga sử dụng thiết bị định vị âm thanh dưới nước (sonar) ANAPA-ME để tự động phát hiện mục tiêu là các người nhái hay thiết bị phá hoại của kẻ thù. Loại sonar này sẽ chỉ đường cho hệ thống khai hỏa vào khu vực có mục tiêu. Không có thông tin về loại sonar được Trung Quốc sử dụng hay cách thức CS/AR-1 phát hiện mục tiêu.

Duy Linh

********************

Trung Quốc chống người nhái kiểu nào ? (Tuổi Trẻ, 21/05/2017)

Lực lượng người nhái Trung Quốc năm nào cũng tổ chức diễn tập ở "một khu vực không xác định trên Biển Đông" và được trang bị nhiều vũ khí hiện đại.

phongve5

Người nhái Trung Quốc sử dụng súng QBS-06 trong cuộc diễn tập tại "một khu vực không xác định" trên Biển Đông tháng 7-2016 - Ảnh : Chinamil

Là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong bất kỳ quân đội nào của các nước, lực lượng người nhái luôn phải trải qua chế độ tập luyện khắc nghiệt, đối mặt với nhiều nguy hiểm và các phương thức, vũ khí chống người nhái ngày càng hiện đại.

Lịch sử ghi nhận Ý là quốc gia đầu tiên sử dụng lực lượng người nhái vũ trang trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Giai đoạn đầu, phương thức tác chiến dưới nước mới mẻ này kém hiệu quả do trang bị vũ khí thô sơ và dễ bị phát hiện.

Phải đến sau này, khi có sự xuất hiện của loại ngư lôi có người lái, lực lượng này mới bắt đầu lập công. Tuy nhiên, trong một lần tấn công vào mục tiêu ở Anh, một quả ngư lôi có người lái của Ý đã bị tóm gọn. Người Anh sau đó đã sao chép và tổ chức các đợt tấn công ngược lại vào phe phát xít.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

phongve6

Một người nhái của Anh năm 1945 - Ảnh : Bảo tàng chiến tranh đế quốc Anh

Giai đoạn hậu chiến tranh, lực lượng đặc nhiệm người nhái tiếp tục được phát triển, tiến hành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Ngày nay, cuộc chạy đua giữa các quốc gia không chỉ ở chất lượng của lực lượng người nhái, mà còn ở trang thiết bị đặc biệt dành cho lực lượng này và các loại vũ khí chống người nhái.

Thuở ban đầu, để phát hiện và ngăn chặn người nhái của đối phương, chỉ có cách quan sát bằng mắt thường. Các loại máy dò sonar thời bấy giờ tỏ ra bất lực bởi âm thanh vọng lại từ các hoạt động bơi của người nhái là rất nhỏ. Phương thức đối phó đôi khi cũng rất thô sơ là bủa lưới sắt xung quanh các khu vực cảng, nơi neo đậu tàu chiến để ngăn người nhái tiếp cận.

Trong giai đoạn chiến tranh Lạnh, người ta đã bắt đầu sử dụng các loại sóng siêu âm và đặc biệt là động vật biển để phát hiện người nhái. Điển hình như chương trình MK6 của quân đội Mỹ đã sử dụng cá heo và sư tử biển như những sonar tự nhiên để phục vụ cho cuộc chiến tại Việt Nam (1970 - 1971), vịnh Persic (1987 - 1988).

Ngày nay, cá heo quân sự vẫn được sử dụng trong quân đội Mỹ và Nga cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả phát hiện người nhái và bảo vệ, giám sát các khu vực cảng trọng yếu.

Không có thông tin về việc Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý là năm 2000, Iran - một quốc gia có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, đã được Ukraine chuyển giao dự án đào tạo cá heo quân sự.

phongve7

Cá heo quân sự của Mỹ được huấn luyện có khả năng phát hiện người nhái, đồng thời được gắn camera theo dõi dưới nước - Ảnh : Reuters

Ngoài ra, còn phải kể đến một phương thức khá truyền thống nữa là triển khai người nhái để chống lại người nhái của đối phương. Cuộc chiến dưới nước này đã dẫn tới sự phát triển của các phương tiện liên quan như súng trường, súng ngắn và các thiết bị hỗ trợ lặn, di chuyển.

Trong lĩnh vực này, Nga tỏ ra là bậc thầy khi sở hữu một loạt các loại súng có thể tác chiến hiệu quả dưới nước, bao gồm súng trường tấn công dưới nước (APS), súng trường tấn công lưỡng cư (ADS) hay ASM-DT.

Giai đoạn hiện đại chứng kiến sự bùng nổ của các thiết bị lặn điều khiển từ xa (ROV). Chúng tỏ ra hiệu quả khi sử dụng để phát hiện người nhái. Trước sự phát triển của các loại tàu nổi không người lái (USV) như hiện nay, có thể trong tương lai sẽ sớm thấy những loại USV chống biệt kích xuất hiện.

Trung Quốc chống người nhái như thế nào ?

Trong điều kiện việc tiếp cận những thông tin này là có hạn, dựa trên những nguồn mở có thể truy cập được, người viết nhận thấy hiện nay Trung Quốc đang sử dụng hai cách để chống người nhái.

Thứ nhất : Sử dụng lực lượng người nhái để tiêu diệt người nhái đối phương

Lực lượng người nhái của Trung Quốc được trang bị nhiều vũ khí hiện đại và phù hợp để đảm bảo có thể tác chiến cả trong môi trường dưới nước lẫn trên bờ. Trong môi trường nước, đặc biệt là nước mặn khắc nghiệt, các loại súng trường tấn công thông thường hiện có trong biên chế của Trung Quốc như QBZ-95 không đáp ứng được yêu cầu tác chiến.

Trước tình hình này, Trung Quốc đã phát triển một loại súng trường tấn công dành riêng cho người nhái, có tên gọi QBS-06. Nó lần đầu tiên xuất hiện trên một chương trình của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc năm 2010. Quan sát hình dáng bên ngoài, nếu không tìm hiểu kỹ, nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là một phiên bản nâng cấp của APS do Nga sản xuất.

phongve8

So sánh súng trường tấn công dưới nước APS (trên) do Liên Xô / Nga phát triển và súng trường tấn công "lưỡng cư" QBS-06 (dưới) của Trung Quốc - Ảnh : weaponland

Về cơ bản, QBS-06 có hình dáng và kích cỡ tương tự APS, với độ dài súng đạt 680mm (không báng tì), khối lượng súng chưa kèm đạn là 3,15kg và băng đạn bắn được 25 viên, cỡ 5,8mm tiêu chuẩn của Trung Quốc với đầu đạn hình mũi tên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, QBS-06 của Trung Quốc có rất nhiều điểm ưu việt hơn phiên bản gốc APS. Theo trang modernfirearms, QBS-06 có nòng trơn, không xẻ khương tuyến. Sự xuất hiện của ốp lót tay và loa che lửa đầu nòng trên QBS-06 cho thấy nó có khả năng hoạt động hiệu quả trong cả môi trường trên cạn. Những chi tiết này không hề có trên APS, cho thấy loại súng của Nga chỉ có thể hoạt động được dưới nước.

QBS-06 bắt đầu được biên chế vào lực lượng người nhái Trung Quốc kể từ năm 2010 và xuất hiện gần như trong mọi cuộc diễn tập/huấn luyện của lực lượng này. Theo truyền thông Trung Quốc thì hầu như năm nào người nhái Trung Quốc cũng diễn tập tại "một khu vực không xác định" trên Biển Đông.

phongve9

Người nhái Trung Quốc sử dụng QBS-06 trong một cuộc diễn tập tại "một khu vực không xác định" trên Biển Đông tháng 7-2016 - Ảnh : Chinamil

Thứ hai : Sử dụng các hệ thống vũ khí chuyên trị người nhái

Có thể kể ra một số hệ thống như CS/AR-1 55 ly, loại vừa có thông tin nói đã được Trung Quốc lắp đặt trái phép ở đá Chữ Thập của Việt Nam hay hệ thống phóng lựu chống người nhái DP-65 do Nga sản xuất.

Trung Quốc mua DP-65 từ Nga và lắp đặt nó trên các tàu chiến. Năm 2012, DP-65 được nhìn thấy trên một tàu chiến gần đá Chữ Thập. Còn CS/AR-1 xuất hiện lần đầu trong Triển lãm hàng không Chu hải năm 2014 ở Trung Quốc. Giới quan sát nhận định thực chất CS/AR-1 là một bản sao hoàn hảo của DP-65.

Không loại trừ khả năng Trung Quốc đã lắp đặt CS/AR-1 lên các tàu chiến, tàu tuần tra để phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông.

Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ tàu lặn không người lái gần đây của Trung Quốc có thể tạo điều kiện tiền đề cho Bắc Kinh tiếp tục phát triển các loại tàu không người lái chống biệt kích.

Năm 2015, truyền thông Trung Quốc khoe Bắc Kinh đã thử nghiệm thành công robot tự hành "Hải Yến" tại một khu vực biển nước sâu 1.500m ở biển Đông. Thực chất, đây là một tàu lặn không người lái. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho rằng loại Hải Yến có thể ngăn chặn hiệu quả hoạt động của người nhái "từ một quốc gia nào đó", khi người nhái tiếp cận thì nó sẽ tự động tấn công.

Duy Linh

Quay lại trang chủ
Read 828 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)