Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/05/2017

Biển Đông dợn sóng trước mùa biển động

RFI tiếng Việt

Manila và Bắc Kinh đàm phán về Biển Đông (RFI, 19/05/2017)

Hôm 19/05/2017, tại Quý Châu, Trung Quốc, hai nước Philippines và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông. Trước cuộc gặp, Manila cho biết có thể nêu việc Bắc Kinh lắp đặt vũ khí chống người nhái trên Đá Chữ Thập.

bd1

Đá Chữ Thập - Ảnh vệ tinh của CSIS công bố ngày 22/02/2017. Courtesy CSIS via Reuters

Trong một đoạn tin ngắn công bố chiều nay, Tân Hoa Xã xác nhận là cuộc họp đầu tiên của "Cơ Chế Tham Vấn Song Phương" Philippines -Trung Quốc về Biển Đông - theo cách gọi của Trung Quốc - đã khai mạc. Phái đoàn Bắc Kinh do thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân dẫn đầu, còn trưởng đoàn Manila là đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santa Romana.

Tân Hoa Xã không cho biết nội dung thảo luận, nhưng theo ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của tổng thống Philippines Duterte, được nhật báo Philippine Daily trích dẫn, việc Trung Quốc lắp đặt các thiết bị phóng pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập (Philippines gọi là Kagitingan) ở vùng quần đảo Trường Sa, có thể là một chủ đề thảo luận.

Đá Chữ Thập mà Bắc Kinh đang kiểm soát là một thực thể địa lý ở Biển Đông mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, giống như Việt Nam và Đài Loan.

Phủ tổng thống Philippines đã nêu khả năng đề cập đến việc Trung Quốc đặt vũ khí trên Đá Chữ Thập sau khi một nghị sĩ có uy lực tại Quốc hội Philippines yêu cầu chính quyền Duterte phải có phản ứng dứt khoát và kiên quyết trước hành động của Bắc Kinh.

Trong một bản thông cáo, dân biểu Ruffy Biazon, phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh Hạ Viện Philippines cho rằng "mọi phản ứng nhẹ hơn sẽ bị Trung Quốc và các bên tranh chấp khác đánh giá là một sự đầu hàng hoặc cam chịu".

Trong một tuyên bố khác, dân biểu Gary Alejano, lãnh đạo một đảng chính trị tại Philippines cũng kêu gọi chính phủ phải gởi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc nếu thông tin về việc Trung Quốc đặt các hệ thống phóng pháo trên Đá Chữ Thập xác thực.

Trọng Nghĩa

**********************

Tập Cận Bình dọa Duterte : Sẽ gây chiến nếu áp dụng phán quyết Biển Đông (RFI, 19/05/2017)

bd2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Bắc Kinh, ngày 15/05/2017 - REUTERS

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 19/05/2017 cho biết chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa sẽ xảy ra chiến tranh giữa hai nước, nếu Manila quyết định áp dụng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye và khởi động khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông.

Theo AFP, ông Duterte kể lại rằng ông đã gặp gỡ Tập Cận Bình hôm thứ Hai 15/05 tại Bắc Kinh, và trong dịp này ông Tập đã cảnh báo ông, một cách thân mật nhưng kiên quyết.

Trong cuộc đối thoại, Rodrigo Duterte giải thích với Tập Cận Bình là Philippines có ý định tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Theo lời kể của Duterte, ông Tập trả lời : "Chúng ta là bằng hữu, chúng tôi không muốn tranh chấp với quý vị, mà muốn duy trì mối quan hệ thắm thiết. Nhưng nếu quý vị làm như thế, buộc lòng chúng tôi phải khởi chiến".

Từ khi lên nắm quyền, ông Rodrigo Duterte đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Tập Cận Bình, nhưng hứa hẹn sẽ nêu ra vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài.

Trước đó, Duterte muốn củng cố quan hệ hai nước, ngõ hầu Philippines có thể thụ hưởng đầu tư và tín dụng của Trung Quốc, lên đến hàng tỉ đô la.

Tháng 07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sau khi xem xét đơn kiện của Manila, đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng đường lưỡi bò được Bắc Kinh tự ý vẽ ra vào năm 1947 là "vô căn cứ" về pháp lý. Phía Bắc Kinh không công nhận phán quyết của Tòa.

Thụy My

*******************

Ấn Độ và Singapore tập trận thường niên ở Biển Đông (RFI, 19/05/2017)

bd3

Chiến hạm Sahyadri - một trong bốn chiến hạm được Ấn Độ điều đến Biển Đông tập trận với Hải quân Singapore. @wikimedia

Hải quân Ấn Độ và Singapore vào hôm qua 18/05/2017 đã cho khỏi động một tuần lễ tập trận chung tại Biển Đông. Đây là một cuộc tập trận thường niên giữa hai nước, kể từ năm 1994 đến nay, nhưng sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý trong bối cảnh Ấn Độ ngày càng năng nổ hơn trong việc can dự vào Biển Đông.

Theo báo chí Ấn Độ, Hải quân nước này đã cử 4 chiến hạm (Shivalik, Sahyadri, Jyoti và Kamorta) cùng một phi cơ tuần tra biển có khả năng chống tàu ngầm P8-I đến Biển Đông tham gia cuộc tập trận mang tên SIMBEX-17.

Về phía chủ nhà Singapore, Hải quân nước này đã cử ba chiến hạm (Supreme, Formidable và Victory), một chiến đấu cơ F-16 và một máy bay tuần tra hàng hải Fokker F50 cùng thao diễn với Ấn Độ.

Mục tiêu cuộc tập trận chung là nhằm tăng cường năng lực tương tác giữa Hải quân hai nước. Một phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ còn nói rõ là nội dung đợt tập trận năm nay tập trung vào việc nâng cao kỹ năng chống tàu ngầm, kỹ năng tích hợp các hoạt động trên không, trên biển và ngầm dưới biển, cũng như tiến hành các bài tập phòng không và hải chiến.

Báo chí Ấn Độ đã gắn liền quyết định của Hải quân Ấn Độ đến Biển Đông tập trận với chính sách "Hành Động Hướng Đông – Act East" của New Delhi hiện nay, với chủ trương tăng cường tầm với của Hải quân Ấn qua vùng Biển Đông, nơi Hải quân Trung Quốc ngày càng thêm quyết đoán.

Về phía Singapore, dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, và cũng không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng gần đây quốc đảo này đã bày tỏ quan ngại về khả năng quyền tự do hàng hải trong vùng Biển Đông bị đe dọa, và đã tăng cường quan hệ quân sự vốn đã rất chặt chẽ với Mỹ.

Bắc Kinh vào hôm nay đã lên tiếng phản ứng trước cuộc tập trận Ấn Độ-Singapore. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng Bắc Kinh không hề phản đối những hoạt động giao lưu "bình thường", nhưng lưu ý Ấn Độ và Singapore là những hoạt động giao lưu "không nên gây tổn hại tới lợi ích của các nước khác".

Trọng Nghĩa

**********************

Máy bay Trung Quốc đối đầu với phi cơ Mỹ ở biển Hoa Đông (RFI, 19/05/2017)

bd4

Quần đảo Senkaku-Điếu Ngư nơi tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc. (Ảnh chụp 9/2012) - REUTERS/Kyodo/File Photo

Hai máy bay SU-30 của Trung Quốc tối qua, 18/05/2017, đã ngăn chặn một phi cơ quân sự Mỹ phía trên biển Hoa Đông.

Theo NBC News, chiếc phi cơ WC-135 Constant Phoenix của Mỹ hôm thứ Tư 17/05 đang làm nhiệm vụ thường lệ trên không phận quốc tế biển Hoa Đông, thì bị hai chiếc Sukhoi 30 của Trung Quốc ngăn chận. Phi hành đoàn Mỹ cho biết đây là hành động "thiếu chuyên nghiệp", "do cách điều khiển của phi công Trung Quốc, cũng như tốc độ và khoảng cách rất gần giữa hai máy bay".

Phát ngôn viên Không quân Hoa Kỳ, nữ trung tá Lori Hodge tuyên bố : "Vấn đề này sẽ được giải quyết với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự", và nói thêm, quân đội Mỹ đang điều tra về vụ này.

Chiếc WC-135, được mệnh danh là "máy bay đánh hơi", có khả năng nhận ra tất cả các dấu hiệu hoạt động nguyên tử trong khí quyển.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ chối bình luận, nói rằng không có thông tin về sự cố trên đây, còn bộ Quốc Phòng Trung Quốc không trả lời AFP và Reuters.

Hôm 08/02, một phi cơ do thám P-3 của Hải quân Mỹ và một máy bay quân sự Trung Quốc đã bay sát nhau trên Biển Đông. Phía Mỹ cho rằng việc này là không an toàn, nhưng không phải do cố ý. Reuters cho biết thêm, sự cố trên xảy ra ở gần bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh luôn nghi ngờ các hoạt động quân sự của Mỹ tại vùng biển đang tranh chấp với các láng giềng nhỏ hơn như Philippines, Việt Nam.

Cũng trên biển Hoa Đông, Nhật Bản hôm nay loan báo đã điều bốn máy bay gồm hai phi cơ tiêm kích F-15, một chiếc E-2C và một phi cơ giám sát AWACS đến khu vực Senkaku, sau khi lực lượng tuần duyên phát hiện bốn tàu Trung Quốc xâm nhập. Chánh văn phòng chính phủ Nhật Yoshihide Suga nhận xét : "Lần đầu tiên chúng tôi trông thấy một vật thể giống như máy bay không người lái được điều khiển từ một tàu Trung Quốc. Đây là một dạng hoạt động mới của Bắc Kinh".

Trong cuộc họp báo, ông Suga cho biết Nhật "cực lực phản đối", và tố cáo Trung Quốc "đơn phương làm trầm trọng thêm tình hình". Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi điện thoại đến đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo để phản đối, nhưng phía Trung Quốc vẫn cho rằng có quyền tuần tra tại Senkaku/Điếu Ngư, mà theo Bắc Kinh là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Trong năm ngân sách vừa qua (kết thúc vào cuối tháng Ba), Tokyo đã phải điều phi cơ quân sự 1.168 lần - một con số kỷ lục - để bảo vệ không phận, trong đó 73% nhằm đối phó với máy bay Trung Quốc.

Thụy My

**********************

Tầu sân bay Reagan rời Nhật Bản tuần tra Biển Đông (RFI, 17/05/2017)

bd5

Tàu sân bay USS Ronald Reagan.wikipedia

Tầu sân bay USS Ronald Reagan đã xuất phát từ căn cứ hải quân Yokosuka tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, ngày 16/05/2017 để tiến hành tuần tra thường niên tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chuyến tuần tra năm nay diễn ra trong bối cảnh cẳng thẳng gia tăng trong khu vực vì chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông.

Theo trang Japan Times, tầu Reagan rời cảng neo đậu thường trực chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng lại tiến hành thử tên lửa hiện đại. Dù chương trình ghé thăm cảng một số nước và các chiến dịch khác không được thông báo, nhưng tầu sân bay Reagan sẽ tiến hành các cuộc" tuần tra thông thường" tại Biển Đông đang có tranh chấp, theo cách gọi của Hải quân Mỹ. Hành động này có thể khiến Bắc Kinh tức giận.

Ngoài ra, trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tầu sân bay USS Reagan cũng sẽ tiếp tục hoạt động tại vùng biển Nhật Bản. Hiện tại, tầu sân bay USS Carl Vinson, được phái đến khu vực để gây sức ép với Bắc Triều Tiên cách đây một tháng, đang tiến hành nhiều cuộc tập trận với Hải quân Hàn Quốc. Tuy nhiên, trước nguy cơ căng thẳng gia tăng, tầu Reagan sẽ thay thế tầu Vinson tại vùng biển Nhật Bản.

Một số cơ quan truyền thông địa phương Nhật Bản, trích nguồn tin chính phủ, cho biết, tầu Reagan đồng thời có thể sẽ tập trận chung với Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản tại vùng biển Nhật Bản hoặc tại biển Hoa Đông nhằm gây thêm sức ép với Bình Nhưỡng.

Dài 300 mét với hơn 5.000 nhân viên và có khoảng 60 máy bay, tầu sân bay USS Ronald Reagan thay thế tầu USS George Washington từ năm 2015 và thuộc Đội Tầu sân bay tấn công số 5 (Carrier Strike Group 5) đóng tại căn cứ Yokosuka.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 801 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)