Một thủy thủ Việt Nam được quân đội Philippines giải thoát khỏi quân Hồi giáo (RFI, 17/06/2017)
Quân đội Philippines hôm 17/06/2017 loan báo đã cứu thoát một thủy thủ Việt Nam bị quân Hồi giáo bắt giữ từ bảy tháng qua tại miền nam.
Một nhóm chiến binh Abu Sayyaf ở Philippines. Reuters
Theo AFP, ông Hoàng Võ, 28 tuổi, hôm qua đã được giải cứu khỏi một trại của Abu Sayyaf trên đảo Basilan, sau khi những kẻ bắt cóc phải chạy trốn vì quân đội Philippines không kích và bắn pháo vào trại này. Bà Jo-Ann Petinglay, phát ngôn viên quân đội Philippines, cho biết thuyền viên này đã được chăm sóc vết thương ở lưng.
Ông Võ bị bắt tháng 11 năm ngoái cùng với năm thuyền viên Việt Nam khác tại đảo Sibago, miền nam Mindanao. Theo một thông báo của bộ chỉ huy quân đội Zamboanga, Abu Sayyaf đang giữ 26 con tin trên đảo Sulu và Basilan, trong đó có nhiều người ngoại quốc.
Phiến quân Abu Sayyaf trong nhiều năm qua thường bắt cóc người nước ngoài cũng như dân địa phương, nhốt trong rừng rậm để đòi tiền chuộc, và chặt đầu con tin nếu không nhận được tiền. Công dân Đức Jurgen Kantner, 70 tuổi, năm nay đã bị sát hại man rợ theo kiểu này vì nhóm bắt cóc không nhận được số tiền chuộc mang 30 triệu peso (600.000 đô la) theo đòi hỏi. Năm ngoái, Abu Sayyaf cũng đã chặt đầu hai con tin Canada.
Phe Abu Sayyaf, một mạng lưới phiến quân hình thành trong thập niên 90 được al-Qaeda tài trợ, đã bị chia thành nhiều nhóm nhỏ, và một số nhóm tiếp tục các hoạt động cướp phá và bắt cóc.
Thụy My
*******************
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tái khẳng định hợp tác quốc phòng với Philippines (RFI, 15/06/2017)
Kết thúc chuyến thăm Philippines kéo dài 3 ngày, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Scott Swift hôm qua 14/06/2017 tái khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ quân đội Philippines trong chiến dịch chống khủng bố tại Marawi, cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng và chống khủng bố với Manila.
Thiết giáp của quân đội Philippines tại Marawi, ngày 01/06/2017-REUTERS/Romeo Ranoco
Đô đốc Scott Swift phát biểu : "Tôi rất vui khi có cơ hội làm việc với các quan chức chính phủ cấp cao và các nhà lãnh đạo quân sự ở Manila. Chúng tôi tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và tái khẳng định cam kết hợp tác để đối mặt với những thách thức chung".
Báo Philstar của Philippines cho biết tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift đã gặp ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana, tổng tham mưu trưởng quân đội Eduardo Año và Phó Tư lệnh Hải Quân Ronald Mercado.
Liên quan tới cuộc chiến ở thành phố Marawi miền nam Philippines, một chính trị gia nước này dẫn lời nhiều dân thường trốn thoát khỏi thành phố Marawi miền nam Philippines cho biết đã nhìn thấy thi thể của ít nhất 100 người trong khu vực diễn ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh Philippines và các chiến binh Hồi Giáo Maute. Hiện vẫn còn 500-1000 dân thường bị mắc kẹt bên trong thành phố.
Trong khi đó, quân đội Philippines hôm nay cho biết đã bắt được Mohammad Noaim Maute, một trong bẩy anh em nhà Maute, thành viên cao cấp của nhóm Hồi Giáo cực đoan Maute ủng hộ Daech, tại một trạm kiểm soát gần thành phố biển Cagayan de Oro.
Thùy Dương
********************
Philippines : Hàng trăm xác người ở khu vực giao tranh (RFA, 15/06/2017)
Những người đang chạy trốn khỏi thành phố Marawi, miền Nam Philippines cho biết thấy nhiều xác chết tại khu vực giao tranh giữa lực lượng chính phủ và các phiến quân Hồi giáo trong suốt ba tuần qua.
Một bệnh viện hoang phế sau khi quân đội chính phủ tấn công nhóm Maute, thành phố Marawi, Philippines ngày 12 tháng 6 năm 2017. AFP photo
Hãng tin Reuters ngày 15/6 dẫn lời chính trị gia Zia Alonto Adiong nói với báo giới rằng những người dân cho ông biết có ít nhất 100 xác nằm rải rác trong khu vực giao tranh. Tuy nhiên thông tin này chưa được phía quân đội xác minh.
Cuộc chiến giữa quân đội Phi và phiến quân Hồi giáo đã bước vào tuần thứ 4, với số người thiệt mạng được báo cáo là 290 từ cả hai phía và thường dân. Trung sĩ Jo-Ar Herrera, phát ngôn viên quân đội Phi nói với hãng Reuters rằng họ đang tiến vào trung tâm thương mại của thành phố Marawi nơi các phiến quân đang chiếm đóng, nói thêm rằng phía quân đội đang cố gắng hết sức để kết thúc cuộc chiến càng sớm càng tốt.
********************
Quân đội Philippines giải cứu con tin người Việt từ Abu Sayyaf (RFA, 16/06/2017)
Lính Philippines đứng cạnh xác của một trong hai chiến binh Abu Sayyaf đã bị giết chết trong cuộc chạm trán với quân đội ở thị trấn Calape, tỉnh Bohol, miền trung Philippines, ngày 15 tháng 5 năm 2017. AFP Photo
Quân đội Philippines vào ngày 16 tháng 6 giải cứu được một thuyền viên người Việt Nam ở Basilan bị phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc hồi tháng 11 năm ngoái và giam giữ suốt thời gian qua.
Tuyên bố của quân đội Phi nói rõ, người được cứu là anh Hoang Vo, 28 tuổi, đến từ tỉnh Nghệ An. Anh này là một thuyền viên của chiếc tàu MV Royal 16 bị phiến quân bắt giữ.
Anh Hoang Vo chạy trốn khỏi phiến quân Abu Sayyaf khi quân đội Phi tiến hành không kích và nã pháo vào phiến quân.
Tuyên bố cũng nói khi được giải cứu anh Hoang Vo bị thương ở lưng nhưng hiện đã được chăm sóc y tế nên sức khỏe ổn định.
Hiện chưa rõ cụ thể con số thương vong trong vụ tấn công này nhưng tin cho biết vẫn còn 26 con tin hiện vẫn đang bị Abu Sayyaf giam giữ ở Sulu và Basilan.
***********************
Phóng viên Úc bị bắn ở Marawi (RFA, 15/06/2017)
Phóng viên Úc Adam Harvey được sơ cứu trước khi đến bệnh viện tại tỉnh Lanao Del Sur ở Marawi, Philippines vào ngày 15 tháng 6 năm 2017. AFP photo
Một phóng viên của hãng phát thanh truyền hình Úc đã bị bắn vào cổ khi đến tác nghiệp tại thành phố Marawi, Philippine nơi đang diễn ra cuộc chiến dữ dội giữa quân đội nhà nước và phiến quân Hồi giáo.
Phóng viên Adam Harvey viết trên trang Twitter rằng ông cảm thấy rất may mắn vì không bị thương nặng, đính kèm tấm hình X quang cho thấy viên đạn nằm ngay trong cổ ông, sát với xương sống.
Hãng AFP dẫn lời người phát ngôn nhân Ủy ban Quản lý Khủng hoảng, Zia Alonto Adiong, cho biết tất cả các phóng viên nhà báo trong nước và quốc tế đều cư trú tại một khu nhà dù đã được quân đội bảo vệ nhưng chỉ nằm cách khu giao chiến chừng 2 km.
Qua sự việc trên, Trung tá Jo-ar Herrera đã lên tiếng cảnh báo rằng các phóng viên cần cẩn thận vì khu nhà nằm rất gần, thậm chí là trong tầm nhìn của phiến quân.
***********************
Một số phiến quân có thể đã trốn khỏi Marawi (RFA, 16/06/2017)
Các thành viên Philippines của Special Weapons and Tactics (SWAT) tuần tra khu phố nơi những người sơ tán từ Marawi đang tạm thời sống ở thành phố Iligan vào ngày 16 tháng 6 năm 2017. AFP Photo
Quân đội Philippines hôm 16 tháng 6 cho biết một số phiến quân Hồi Giáo ở thành phố Marawi, miền Nam Philippines, có thể đã trà trộn vào những người di tản để ra khỏi thành phố đang có chiến tranh.
Tướng Restituto Padilla nói với báo giới ở Manilna rằng hiện quân đội Philippines đang xiết chặt việc kiểm soát ở các thành phố lân cận là Iligan và Cagayan de Oro để tìm kiếm những kẻ tình nghi mà họ cho rằng có thể sẽ tìm cách gây rối hoặc khủng bố.
Quân đội Philippines cho biết có khoảng 200 tay súng phiến quân, chủ yếu là thuộc các nhóm nổi dậy ở địa phương đã thề trung thành với nhà nước Hồi giáo, cùng một số chiến binh nước ngoài đang cố thủ ở thành phố Marawi. Phiến quân sử dụng dân thường và các nhà thờ Hồi giáo làm các nơi ẩn nấp.
Tướng Padilla cho biết những đồn đãi về khả năng các phiến quân sẽ tấn công các thành phố lân cận dựa trên các thông tin sai do phiến quân loan ra, nhưng trên thực tế khả năng của phiến quân đã bị giảm rõ rệt. Quân đội Philippines cho biết khả năng chiến đấu của những nhóm phiến quân còn sót lại trong thành phố hiện đang yếu đi.
Theo số liệu thống kê của giới chức chính phủ, kể từ khi giao tranh bắt đầu từ hồi cuối tháng 5, đã có hơn 300 người thiệt mạng tại Marawi, bao gồm 225 phiến quân, 59 quân lính chính phủ và 26 dân thường.
Manila và Bắc Kinh đàm phán về Biển Đông (RFI, 19/05/2017)
Hôm 19/05/2017, tại Quý Châu, Trung Quốc, hai nước Philippines và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông. Trước cuộc gặp, Manila cho biết có thể nêu việc Bắc Kinh lắp đặt vũ khí chống người nhái trên Đá Chữ Thập.
Đá Chữ Thập - Ảnh vệ tinh của CSIS công bố ngày 22/02/2017. Courtesy CSIS via Reuters
Trong một đoạn tin ngắn công bố chiều nay, Tân Hoa Xã xác nhận là cuộc họp đầu tiên của "Cơ Chế Tham Vấn Song Phương" Philippines -Trung Quốc về Biển Đông - theo cách gọi của Trung Quốc - đã khai mạc. Phái đoàn Bắc Kinh do thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân dẫn đầu, còn trưởng đoàn Manila là đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santa Romana.
Tân Hoa Xã không cho biết nội dung thảo luận, nhưng theo ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của tổng thống Philippines Duterte, được nhật báo Philippine Daily trích dẫn, việc Trung Quốc lắp đặt các thiết bị phóng pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập (Philippines gọi là Kagitingan) ở vùng quần đảo Trường Sa, có thể là một chủ đề thảo luận.
Đá Chữ Thập mà Bắc Kinh đang kiểm soát là một thực thể địa lý ở Biển Đông mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, giống như Việt Nam và Đài Loan.
Phủ tổng thống Philippines đã nêu khả năng đề cập đến việc Trung Quốc đặt vũ khí trên Đá Chữ Thập sau khi một nghị sĩ có uy lực tại Quốc hội Philippines yêu cầu chính quyền Duterte phải có phản ứng dứt khoát và kiên quyết trước hành động của Bắc Kinh.
Trong một bản thông cáo, dân biểu Ruffy Biazon, phó chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh Hạ Viện Philippines cho rằng "mọi phản ứng nhẹ hơn sẽ bị Trung Quốc và các bên tranh chấp khác đánh giá là một sự đầu hàng hoặc cam chịu".
Trong một tuyên bố khác, dân biểu Gary Alejano, lãnh đạo một đảng chính trị tại Philippines cũng kêu gọi chính phủ phải gởi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc nếu thông tin về việc Trung Quốc đặt các hệ thống phóng pháo trên Đá Chữ Thập xác thực.
Trọng Nghĩa
**********************
Tập Cận Bình dọa Duterte : Sẽ gây chiến nếu áp dụng phán quyết Biển Đông (RFI, 19/05/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Bắc Kinh, ngày 15/05/2017 - REUTERS
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 19/05/2017 cho biết chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa sẽ xảy ra chiến tranh giữa hai nước, nếu Manila quyết định áp dụng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye và khởi động khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông.
Theo AFP, ông Duterte kể lại rằng ông đã gặp gỡ Tập Cận Bình hôm thứ Hai 15/05 tại Bắc Kinh, và trong dịp này ông Tập đã cảnh báo ông, một cách thân mật nhưng kiên quyết.
Trong cuộc đối thoại, Rodrigo Duterte giải thích với Tập Cận Bình là Philippines có ý định tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Theo lời kể của Duterte, ông Tập trả lời : "Chúng ta là bằng hữu, chúng tôi không muốn tranh chấp với quý vị, mà muốn duy trì mối quan hệ thắm thiết. Nhưng nếu quý vị làm như thế, buộc lòng chúng tôi phải khởi chiến".
Từ khi lên nắm quyền, ông Rodrigo Duterte đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Tập Cận Bình, nhưng hứa hẹn sẽ nêu ra vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trước đó, Duterte muốn củng cố quan hệ hai nước, ngõ hầu Philippines có thể thụ hưởng đầu tư và tín dụng của Trung Quốc, lên đến hàng tỉ đô la.
Tháng 07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sau khi xem xét đơn kiện của Manila, đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng đường lưỡi bò được Bắc Kinh tự ý vẽ ra vào năm 1947 là "vô căn cứ" về pháp lý. Phía Bắc Kinh không công nhận phán quyết của Tòa.
Thụy My
*******************
Ấn Độ và Singapore tập trận thường niên ở Biển Đông (RFI, 19/05/2017)
Chiến hạm Sahyadri - một trong bốn chiến hạm được Ấn Độ điều đến Biển Đông tập trận với Hải quân Singapore. @wikimedia
Hải quân Ấn Độ và Singapore vào hôm qua 18/05/2017 đã cho khỏi động một tuần lễ tập trận chung tại Biển Đông. Đây là một cuộc tập trận thường niên giữa hai nước, kể từ năm 1994 đến nay, nhưng sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý trong bối cảnh Ấn Độ ngày càng năng nổ hơn trong việc can dự vào Biển Đông.
Theo báo chí Ấn Độ, Hải quân nước này đã cử 4 chiến hạm (Shivalik, Sahyadri, Jyoti và Kamorta) cùng một phi cơ tuần tra biển có khả năng chống tàu ngầm P8-I đến Biển Đông tham gia cuộc tập trận mang tên SIMBEX-17.
Về phía chủ nhà Singapore, Hải quân nước này đã cử ba chiến hạm (Supreme, Formidable và Victory), một chiến đấu cơ F-16 và một máy bay tuần tra hàng hải Fokker F50 cùng thao diễn với Ấn Độ.
Mục tiêu cuộc tập trận chung là nhằm tăng cường năng lực tương tác giữa Hải quân hai nước. Một phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ còn nói rõ là nội dung đợt tập trận năm nay tập trung vào việc nâng cao kỹ năng chống tàu ngầm, kỹ năng tích hợp các hoạt động trên không, trên biển và ngầm dưới biển, cũng như tiến hành các bài tập phòng không và hải chiến.
Báo chí Ấn Độ đã gắn liền quyết định của Hải quân Ấn Độ đến Biển Đông tập trận với chính sách "Hành Động Hướng Đông – Act East" của New Delhi hiện nay, với chủ trương tăng cường tầm với của Hải quân Ấn qua vùng Biển Đông, nơi Hải quân Trung Quốc ngày càng thêm quyết đoán.
Về phía Singapore, dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, và cũng không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng gần đây quốc đảo này đã bày tỏ quan ngại về khả năng quyền tự do hàng hải trong vùng Biển Đông bị đe dọa, và đã tăng cường quan hệ quân sự vốn đã rất chặt chẽ với Mỹ.
Bắc Kinh vào hôm nay đã lên tiếng phản ứng trước cuộc tập trận Ấn Độ-Singapore. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng Bắc Kinh không hề phản đối những hoạt động giao lưu "bình thường", nhưng lưu ý Ấn Độ và Singapore là những hoạt động giao lưu "không nên gây tổn hại tới lợi ích của các nước khác".
Trọng Nghĩa
**********************
Máy bay Trung Quốc đối đầu với phi cơ Mỹ ở biển Hoa Đông (RFI, 19/05/2017)
Quần đảo Senkaku-Điếu Ngư nơi tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc. (Ảnh chụp 9/2012) - REUTERS/Kyodo/File Photo
Hai máy bay SU-30 của Trung Quốc tối qua, 18/05/2017, đã ngăn chặn một phi cơ quân sự Mỹ phía trên biển Hoa Đông.
Theo NBC News, chiếc phi cơ WC-135 Constant Phoenix của Mỹ hôm thứ Tư 17/05 đang làm nhiệm vụ thường lệ trên không phận quốc tế biển Hoa Đông, thì bị hai chiếc Sukhoi 30 của Trung Quốc ngăn chận. Phi hành đoàn Mỹ cho biết đây là hành động "thiếu chuyên nghiệp", "do cách điều khiển của phi công Trung Quốc, cũng như tốc độ và khoảng cách rất gần giữa hai máy bay".
Phát ngôn viên Không quân Hoa Kỳ, nữ trung tá Lori Hodge tuyên bố : "Vấn đề này sẽ được giải quyết với phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự", và nói thêm, quân đội Mỹ đang điều tra về vụ này.
Chiếc WC-135, được mệnh danh là "máy bay đánh hơi", có khả năng nhận ra tất cả các dấu hiệu hoạt động nguyên tử trong khí quyển.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ chối bình luận, nói rằng không có thông tin về sự cố trên đây, còn bộ Quốc Phòng Trung Quốc không trả lời AFP và Reuters.
Hôm 08/02, một phi cơ do thám P-3 của Hải quân Mỹ và một máy bay quân sự Trung Quốc đã bay sát nhau trên Biển Đông. Phía Mỹ cho rằng việc này là không an toàn, nhưng không phải do cố ý. Reuters cho biết thêm, sự cố trên xảy ra ở gần bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh luôn nghi ngờ các hoạt động quân sự của Mỹ tại vùng biển đang tranh chấp với các láng giềng nhỏ hơn như Philippines, Việt Nam.
Cũng trên biển Hoa Đông, Nhật Bản hôm nay loan báo đã điều bốn máy bay gồm hai phi cơ tiêm kích F-15, một chiếc E-2C và một phi cơ giám sát AWACS đến khu vực Senkaku, sau khi lực lượng tuần duyên phát hiện bốn tàu Trung Quốc xâm nhập. Chánh văn phòng chính phủ Nhật Yoshihide Suga nhận xét : "Lần đầu tiên chúng tôi trông thấy một vật thể giống như máy bay không người lái được điều khiển từ một tàu Trung Quốc. Đây là một dạng hoạt động mới của Bắc Kinh".
Trong cuộc họp báo, ông Suga cho biết Nhật "cực lực phản đối", và tố cáo Trung Quốc "đơn phương làm trầm trọng thêm tình hình". Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi điện thoại đến đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo để phản đối, nhưng phía Trung Quốc vẫn cho rằng có quyền tuần tra tại Senkaku/Điếu Ngư, mà theo Bắc Kinh là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trong năm ngân sách vừa qua (kết thúc vào cuối tháng Ba), Tokyo đã phải điều phi cơ quân sự 1.168 lần - một con số kỷ lục - để bảo vệ không phận, trong đó 73% nhằm đối phó với máy bay Trung Quốc.
Thụy My
**********************
Tầu sân bay Reagan rời Nhật Bản tuần tra Biển Đông (RFI, 17/05/2017)
Tàu sân bay USS Ronald Reagan.wikipedia
Tầu sân bay USS Ronald Reagan đã xuất phát từ căn cứ hải quân Yokosuka tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, ngày 16/05/2017 để tiến hành tuần tra thường niên tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chuyến tuần tra năm nay diễn ra trong bối cảnh cẳng thẳng gia tăng trong khu vực vì chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông.
Theo trang Japan Times, tầu Reagan rời cảng neo đậu thường trực chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng lại tiến hành thử tên lửa hiện đại. Dù chương trình ghé thăm cảng một số nước và các chiến dịch khác không được thông báo, nhưng tầu sân bay Reagan sẽ tiến hành các cuộc" tuần tra thông thường" tại Biển Đông đang có tranh chấp, theo cách gọi của Hải quân Mỹ. Hành động này có thể khiến Bắc Kinh tức giận.
Ngoài ra, trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tầu sân bay USS Reagan cũng sẽ tiếp tục hoạt động tại vùng biển Nhật Bản. Hiện tại, tầu sân bay USS Carl Vinson, được phái đến khu vực để gây sức ép với Bắc Triều Tiên cách đây một tháng, đang tiến hành nhiều cuộc tập trận với Hải quân Hàn Quốc. Tuy nhiên, trước nguy cơ căng thẳng gia tăng, tầu Reagan sẽ thay thế tầu Vinson tại vùng biển Nhật Bản.
Một số cơ quan truyền thông địa phương Nhật Bản, trích nguồn tin chính phủ, cho biết, tầu Reagan đồng thời có thể sẽ tập trận chung với Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản tại vùng biển Nhật Bản hoặc tại biển Hoa Đông nhằm gây thêm sức ép với Bình Nhưỡng.
Dài 300 mét với hơn 5.000 nhân viên và có khoảng 60 máy bay, tầu sân bay USS Ronald Reagan thay thế tầu USS George Washington từ năm 2015 và thuộc Đội Tầu sân bay tấn công số 5 (Carrier Strike Group 5) đóng tại căn cứ Yokosuka.
Thu Hằng
Philippines : Quân chính phủ giao tranh với phe Abu Sayyaf ở Jolo (RFA, 02/03/2017)
Quân đội Philippines vừa có một cuộc giao tranh kéo dài 45 phút với phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở đảo Jolo, miền Nam Philippines vào hôm thứ tư 1 tháng 3 vừa qua. Đại tá Cirilito Sobejana, người đứng đầu lực lượng chống khủng bố của Philippines cho biết tin này hôm 2 tháng 3.
Binh lính Philippines chuẩn bị cho một hoạt động chống lại nhóm cực đoan Abu Sayyaf. Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO
Cuộc giao tranh đã khiến 11 lính chính phủ bị thương.
Đại tá Sobejana cho biết nhóm phiến quân đứng đằng sau vụ giết hại một người Đức hôm chủ nhật 26 tháng 2 vừa qua sau khi yêu cầu đòi tiền chuộc 30 triệu peso (tương đương 600.000 đô la) của nhóm này không được đáp ứng.
Đại diện quân đội Philippines cho biết quân đội sẽ tiếp tục các nỗ lực để tìm được thi thể và đầu của người bị giết hại.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ ba đã lên tiếng xin lỗi vì không thể cứu được con tin người Đức và cho biết quân đội Philippines sẽ gia tăng các hoạt động chống lại Abu Sayyaf.
************************
Lần đầu tiên Trung Quốc bị Daesh đe dọa (RFI, 01/03/2017)
Một địa điểm nằm dưới sự kiểm soát của Daesh tại Iraq. Ảnh chụp năm 2014. REUTERS/Stringer
Trong một đoạn video do một chi nhánh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daesh tại Iraq công bố ngày 28/02/2017, một số thành phần người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc đã thề quyết hồi hương để làm cho "máu chảy thành sông". Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên mà Daesh đe dọa đánh vào các mục tiêu tại Trung Quốc.
Theo công ty SITE Intelligence Group tại Hoa Kỳ, chuyên giám sát các trang web của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong đoạn video dài nửa tiếng đồng hồ, các tay súng người Duy Ngô Nhĩ của Daesh đã tung ra những lời đe dọa như trên, sau khi xử tử một người bị cho là chỉ điểm cho kẻ thù.
Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh đã quy trách nhiệm cho những người bị Bắc Kinh gọi là "phần tử ly khai" Duy Ngô Nhĩ, là tác giả nhiều vụ khủng bố ở vùng Tân Cương, miền tây Trung Quốc, quê hương của sắc dân thiểu số này. Trong khi đó, nhiều người Duy Ngô Nhĩ thì lại tố cáo Bắc Kinh tiến hành một chính sách đàn áp và phân biệt đối xử nhắm vào họ.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, tiến sĩ Michael Clarke, chuyên gia về Tân Cương thuộc Đại Học Quốc Gia Úc ghi nhận rằng đoạn video có lẽ là lời "đe dọa trực tiếp đầu tiên" của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhắm vào Trung Quốc, và cũng là lần đầu tiên mà người ta thấy chiến binh Duy Ngô Nhĩ "tuyên bố trung thành với Daesh".
Theo chuyên gia này thì có hai giả thuyết : Trung Quốc đã trở thành mục tiêu đánh phá của Daesh nói chung, hoặc là đã có chia rẽ trong nội bộ chiến binh Duy Ngô Nhĩ.
Theo AFP, đoạn video được tung ra cùng ngày với việc Trung Quốc tổ chức những cuộc mít tinh của lực lượng an ninh tại vùng Tân Cương nhằm chứng tỏ quyết tâm tận diệt "khủng bố".
Đã có hơn 10.000 cảnh sát vũ trang họp mít tinh tại Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương, trong một động thái biểu dương lực lượng lần thứ tư từ đầu năm đến nay.
Mai Vân