Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/02/2022

Từ Ukraine sang Biển Đông : Putin và Tập Cận Bình gây lo ngại

RFI tổng hợp

Ukraine : Chưa phải xuất quân, Vladimir Putin đã ghi được nhiều bàn thắng lớn

Thanh Hà, RFI, 18/02/2022

Bắt cả thế giới phải theo dõi nhất cử nhất động của chủ nhân điện Kremlin, đưa Moskva trở lại trung tâm bàn cờ ngoại giao quốc tế, nhìn nhận sức mạnh quân sự lợi hại của nước Nga và tạm thời bắt Kiev quên đi tham vọng gia nhập liên minh quân sự NATO. Chưa cần xuất quân xâm chiếm Ukraine, tổng thống Vladimir Putin đã ghi được những bàn thắng quan trọng trong cuộc đọ sức với phương Tây, qua đó bảo đảm an ninh cho nước Nga. 

putintcb1

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng đô đốc Nikolai Yevmenov, tổng tư lệnh Hải quân Nga, thứ hai bên phải, và bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu (trái) tham dự duyệt binh Ngày Hải quân ở St. Petersburg, Nga, ngày 25/07//2022. AP - Alexei Nikolsky

Vẫn chưa thể khẳng định tình hình tại biên giới giữa Ukraine và Nga đã "được hạ nhiệt hay chưa" cho dù là Moskva trong chưa đầy một tuần, đã ba lần thông báo giảm quân số và khí tài khỏi khu vực "nóng". Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, vẫn nêu lên kịch bản "chiến tranh cận kề"

Chính quyền Kiev và cả giới tài chính Âu Mỹ nóng lòng muốn thoát khỏi bế tắc hiện nay, bởi viễn cảnh chiến tranh Ukraine khiến các sàn chứng khoán từ New York đến Luân Đôn, Paris hay Frankfurt mất giá nghiêm trọng.

Tại điện Kremlin, tổng thống Vladimir Putin dường như không vội làm sáng tỏ tình hình, bởi bối cảnh tranh tối tranh sáng đó cho phép ông đạt được một số mục tiêu quan trọng trong cuộc đọ sức với phương Tây. 

Điểm thứ nhất khiến nguyên thủ Nga hài lòng là kịch bản chiến tranh hay hòa bình tại Châu Âu đang được đặt tại Moskva. Điển hình là lãnh đạo Pháp và Đức, hai nước lớn tại Châu Âu, đều đã nhanh chóng mở kênh đối thoại trực tiếp với tổng thống Nga. Paris và Berlin hài lòng với cam kết của Moskva "không gây thêm căng thẳng". Tổng thống Nga, theo một kịch bản được dàn dựng với ngoại trưởng Lavrov để ngỏ khả năng tháo gỡ bế tắc bằng con đường ngoại giao cho dù là "tất cả những phương án vẫn được đặt trên mặt bàn".

Thắng lợi thứ nhì là nước Nga đã trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vào lúc chính quyền Biden muốn tập trung sức lực về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. Nga đã bắt Mỹ phải quan tâm trở lại đến Moskva, không còn xem quốc gia trải rộng trên hai Châu lục này là một "cường quốc khu vực". 

Thành công thứ ba của tổng thống Vladimir Putin là về mặt quân sự, chỉ cần phô trương thanh thế, dồn dập điều quân đến sát vùng biên giới với các trang thiết bị quân sự và khí tài cũng đủ để để thị uy cả với Ukraine, cả với Châu Âu và nhất là với Mỹ. Thêm vào đó như nhà nghiên cứu Taniana Kastouéva-Jean, viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI ghi nhận trên đài truyền hình Pháp France 5 (hôm 16/02/2022), phản ứng thái quá của phía Mỹ về nguy cơ Nga xâm chiếm Ukraine bắt đầu tạo ra một sự rạn nứt giữa Kiev với Washington. Đành rằng về mặt chính thức tổng thống Zelensky một mực tin tưởng vào "anh cả" Hoa Kỳ nhưng Kiev ý thức được rằng Mỹ không đưa quân sang Ukraine trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định điều đó. Chính quyền Zelensky "kẹt giữa hai làn đạn" và trong mọi trường hợp, "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết". Đó là lý do giải thích vì sao Kiev đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên "bình tĩnh". Đây có thể là dấu hiệu báo trước Ukraine sẽ dừng lại đúng lúc, không gia nhập liên minh quân sự NATO trở thành tiền đồn của phương Tây sát cạnh nước Nga. 

Vào lúc các nhà phân tích quốc tế tiếp tục đồn đoán về những nước cờ của Nga về thời điểm Moskva ra lệnh xâm chiếm Ukraine, tình báo Hoa Kỳ liên tiếp báo động về khả năng Ukraine bị tấn công thì điện Kremlin đã đạt được mục đích khuynh đảo chính quyền Kiev bằng những phương tiện "không quá tốn kém" như chuyên gia về địa chính trị, Frédéric Encel, giảng dậy tại trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris ghi nhận. Những phương tiện đó gồm các chiến dịch tấn công tin học, dùng lính đánh thuê của nhóm Wagner gây rối tại miền đông Ukraine, hỗ trợ phe nổi dậy đòi ly khai thoát khỏi vòng kiểm soát của Kiev và kèm theo đó là các chiến dịch tuyên truyền làm lung lạc công luận, thí dụ như phao tin Kiev dùng vũ khí được Hoa Kỳ viện trở để chiếm lại Donbas.

Theo giáo sư Encel, đó là những "kênh can thiệp không đòi hỏi nhiều phương tiên tài chính" nhưng cũng đủ sức đem lại hiệu quả mong muốn, cho phép mặc cả ngang hàng với phương Tây để bảo đảm an ninh về lâu dài cho Liên bang Nga. Đó là thắng lợi thứ tư của tổng thống Vladimir Putin. 

Bàn thắng thứ 5 quan trọng không kém mà tổng thống Vladimir Putin đang nhắm tới đó là thâu phục trở lại một số các nước từng thuộc ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Sau tuyên bố hôm 17/02/2022 của tổng thống Alexander Lukashenko, để ngỏ khả năng cho phép Nga triển khai vũ khí, kể cả vũ khí nguyên tử, trên lãnh thổ Belarus là bằng chứng hiển nhiên nhất cho thấy Moskva đã ít nhiều đạt được mục tiêu này. 

Tuy vậy cuộc đọ sức giữa một bên là tổng thống Vladimir Putin và bên kia là các nước phương Tây vẫn chưa hạ màn. Giám đốc viện nghiên cứu về Ukraine, European Expert Association, Maria Avdeeva cho rằng Moskva sẽ tiếp tục cứng giọng với Âu- Mỹ cho đến khi nào được "công nhận là một đối tác ngang hàng". Hơn nữa, thắng lợi của chủ nhân điện Kremlin chưa được trọn vẹn, bởi như chuyên gia về Nga, Fiona Hill, viện Brookings ghi nhận : những tính toán của tổng thống Putin về Ukraine là động lực khiến NATO và Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết hơn. Đó có lẽ đã là một nước cờ không nằm trong kế hoạch của Vladimir Putin. 

Thanh Hà

*******************

Tướng Mỹ : Bắc Kinh có thể lợi dụng khủng hoảng Ukraine để "khiêu khích" ở Châu Á

Trọng Thành, RFI, 16/02/2022

Khủng hoảng Ukraine có thể tạo bối cảnh thuận lợi để Trung Quốc có các hành động "khiêu khích" ở Châu Á. Đó là nhận định của một tư lệnh không quân Mỹ ngày 16/02/2022.

putintcb2

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận ở vùng Donetsk, phía đông Ukraine, ngày 15/02/2022.  AP - Vadim Ghirda

Theo AFP, trả lời báo giới bên lề Triển lãm hàng không tại Singapore, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, nhấn mạnh : Sự ủng hộ mà Trung Quốc dành cho Nga trong các căng thẳng hiện nay giữa Moskva và phương Tây, đặt ra nhiều câu hỏi về các ý đồ của Trung Quốc tại Châu Á. Tướng Kenneth Wilsbach nêu bật lo ngại về việc Trung Quốc theo sát các diễn biến tại Châu Âu, để khi gặp thời cơ, có các hành động khiêu khích ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, "nhằm trắc nghiệm phản ứng của cộng đồng quốc tế".

Tư lệnh không quân tại khu vực Thái Bình Dương cũng cho biết đã có các thảo luận với các đối tác và các "thực thể" tại khu vực về những hệ quả của tuyên bố chung Bắc Kinh – Moskva, đưa ra hồi đầu tháng Hai 2022. Trong tuyên bố chung nói trên, Trung Quốc và Nga phản đối việc mở rộng khối NATO.

Chính quyền Nga hiện duy trì hơn 100.000 binh sĩ tại các khu vực giáp biên giới Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine một lần nữa, sau khi đã sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014. Trong khi đó, Nga khẳng định chỉ muốn được bảo đảm về an ninh, trước thái độ thù địch từ phía Kiev và NATO.

Các lực lượng không quân dưới quyền của tướng Kenneth Wilsbach, có trụ sở chính tại Hawai, có vai trò then chốt, nếu một xung đột bùng phát tại khu vực Thái Bình Dương.

Dư luận Đông Nam Á lo ngại Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông 

Theo AFP, từ nhiều năm nay, Bắc Kinh bị cáo buộc gây căng thẳng trong khu vực, đặc biệt với việc tăng cường quân sự hóa các đảo và thực thể địa lý tại Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này. Nhiều đòi hỏi của Trung Quốc bị các quốc gia ven biển như Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei bác bỏ.

Hãng tin Bloomberg hôm nay, 16/02, dẫn lại một kết quả thăm dò dư luận Đông Nam Á của Viện Singapore Iseas-Yusof Ishak Institute, theo đó các hành động lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông là mối lo ngại hàng đầu của dân chúng trong vùng, nhất là tại các quốc gia tranh chấp (tỉ lệ là 71,2% đối với Philippines, 56,9% với Malaysia, và 55,3% với Việt Nam). Nhìn chung, hơn 58% người được khảo sát tỏ ra không tin tưởng vào Trung Quốc. Gần một nửa trong số này lo sợ Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa chủ quyền của đất nước mình. 

76% dân Đông Nam Á, theo khảo sát trên, coi Trung Quốc là một cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhất, vượt xa Hoa Kỳ (9,8%).

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trọng Thành
Read 389 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)