Chiến tranh Ukraine : Liên kết với Putin, Tập Cận Bình đứng ở mặt tối Lịch sử
Nga xâm lăng Ukraine, vai trò của Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu trong cuộc chiến này là chủ đề chính của các tuần báo Pháp, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới chỉ chiếm rất ít diện tích mặt báo.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị. Bắc Kinh lúng túng vì chiến tranh Ukraine ? Ảnh tư liệu, 12/09/2021. AP - Kith Serey
Những đồn đãi về sự "mất tích" của bộ trưởng quốc phòng Nga
Trước hết về thời sự, trang web của L'Express phân tích về sự "mất tích" bí ẩn của bộ trưởng quốc phòng Nga. Ông Sergey Shoigu và cả tổng tham mưu trưởng Valery Guerassimov không thấy xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 11/03. Nạn nhân bị Vladimir Putin thanh trừng chăng ? Hôm nay ông Shoigu tái xuất trong một video không đề ngày do hãng tin Nga công bố, nhưng vẫn còn không ít nghi ngờ.
Moskva hôm thứ Sáu 24/03 tung ra một video dài 11 giây nhằm dập tắt những tin đồn, trong đó Putin họp hội đồng an ninh trực tuyến với khoảng 12 thành viên trong đó bộ trưởng quốc phòng xuất hiện bên trái màn hình. Nhưng nhiều tờ báo độc lập Nga đang lưu vong lập tức nhận thấy những cử chỉ của Shoigu y hệt cuộc họp trước, và cho rằng đã được cắt dán. Chuyện gì đã xảy ra ?
Theo nhà sử học Françoise Thom, Putin không thể cách chức công khai vì như vậy mặc nhiên nhìn nhận đã thất bại trong cuộc chiến. Nhà báo điều tra Andreï Soldatov cho rằng Kremlin bắt đầu tự hỏi vì sao tình báo Mỹ lại có những thông tin cụ thể như thế, phải chăng có rò rỉ ?
Ông Shoigu có thể bị nghi ngờ vì con gái ông là Knesia công khai phản đối chiến tranh, còn tổng tham mưu trưởng Valery Guerassimov có khả năng bị vạ lây vì tướng về hưu Leonid Ivashov khẳng định chiến tranh với Ukraine là hồi kết của Nga. Những người thân cận Shoigu nói rằng ông "có vấn đề về tim", nhưng sử gia Françoise Thom nhắc nhở, thời Stalin, cũng từng có trường hợp bị thất sủng với lý do chính thức là bị "bệnh tim".
Trung Quốc đang đứng về phía mặt trái của Lịch sử
Trang bìa L'Express đăng ảnh Tập Cận Bình và Vladimir Putin, bao quanh là xe tăng, máy bay, chạy tựa "Trung Quốc-Nga, những kẻ muốn phá hoại phương Tây". Tuần báo đặt vấn đề "Chiến tranh ở Ukraine : Liệu Trung Quốc có đứng về phía mặt tối của Lịch sử ?". Vẫn luôn đối địch với Mỹ, chế độ Bắc Kinh từ chối lên án cuộc xâm lăng của Nga.
Ngay cả chương trình nghị sự, đôi bên cũng không thỏa thuận được. Trong khi Mỹ muốn cảnh báo Trung Quốc là sẽ bị trừng phạt nặng nề nếu cung cấp vũ khí cho Vladimir Putin, phía Trung Quốc chỉ muốn yêu cầu Mỹ thôi ủng hộ "lực lượng ly khai" Đài Loan. Cuộc họp bảy tiếng đồng hồ giữa ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh của Joe Biden và Dương Khiết Trì, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc hôm 14/03 tại Roma không có tiến bộ nào.
Bắc Kinh vẫn cố tìm cách bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ, đặc biệt về công nghệ. Ngược lại, trong thời kỳ đại dịch, phương Tây ý thức được là phải đưa về sản xuất trong nước các sản phẩm chiến lược như chất bán dẫn. Cuộc khủng hoảng Ukraine càng làm tăng thêm xu hướng này. Cộng với cuộc chiến ý thức hệ và căng thẳng địa chính trị, chiến tranh ở Ukraine khiến một cuộc chiến tranh lạnh mới thêm rõ nét, giữa Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ với cặp Nga-Trung. Trừ phi sự sụp đổ của Nga khiến Bắc Kinh và Washington mặt đối mặt trực tiếp trong tương lai.
Tập Cận Bình đã tính sai nước cờ
Le Point nói về "Những tính toán sai lầm của Tập Cận Bình". Tuy cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không tham gia, nhưng cuộc chiến tranh Ukraine sẽ định dạng lâu dài sự đối địch giữa hai đại cường. Việc Nga xâm lăng Ukraine đang vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới.
Sau một tháng gây chiến, tình hình xem chừng bất lợi cho Vladimir Putin, hy vọng đánh nhanh thắng nhanh tan thành mây khói. Hậu quả cũng tai hại cho Tập Cận Bình, đã sai lầm làm chỗ dựa cho kẻ chuyên quyền ở điện Kremlin. Một tính toán thiển cận, có nguy cơ khiến gậy ông đập lưng ông. Chủ tịch Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón Putin hôm 04/02, chưa đầy ba tuần lễ trước khi đoàn xe tăng Nga hùng hổ tiến vào Ukraine.
Tập ngầm cá cược vào chiến thắng của Nga, coi đó là phương cách để lăng nhục phương Tây và phô bày sự yếu kém của NATO - buộc phải đứng ngoài bất lực nhìn Ukraine bị xâu xé. Dưới mắt Tập Cận Bình, đó sẽ là bài học cho tất cả những nước nào mon men xích lại gần phương Tây, thiết lập chế độ dân chủ. Ông Tập có lẽ cũng thú vị nhìn thấy đe dọa dùng vũ khí nguyên tử của ông chủ điện Kremlin khiến mọi nguy cơ phương Tây can thiệp xa dần. Ông ta coi Putin như đối tác chiến lược quan trọng để đối phó với Washington, và làm mọi cách để tránh cho cuộc xung đột đi đến thất bại, hoặc tệ hơn, Putin bị lật đổ - sẽ là tiền lệ nguy hiểm cho ông.
Tuy nhiên khả năng hành động của Tập Cận Bình không có mấy. Gần hết hai nhiệm kỳ, thành tích ông không nhiều, mà đại hội đảng sắp đến. Trong nước, dịch Covid lại bùng phát, kinh tế ì ạch, trừng phạt của phương Tây với Nga khiến mục tiêu tăng trưởng 5,5% không thể nào đạt nổi. Hoàng đế đỏ không thể tự cho phép quốc gia xuất khẩu số một thế giới và cũng là nơi nhận được đầu tư nhiều nhất thế giới, mất đi lợi ích từ toàn cầu hóa từ ba thập niên qua. Các đối tác thương mại chính của Trung Quốc là Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ chứ không phải Nga. Nếu phương Tây nói cùng một tiếng nói, rằng Bắc Kinh sẽ trả giá đắt cho việc hỗ trợ Moskva, mới có thể buộc Trung Quốc giữ khoảng cách với cuộc chiến của Putin.
Vladimir Putin, "ông bạn" vướng víu của Tập Cận Bình
Theo L'Express, Vladimir Putin là "người bạn rắc rối" của Tập Cận Bình. Dù siết chặt quan hệ trong những năm gần đây, cuộc xâm lăng Ukraine có thể thay đổi thế cờ.
Tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc đã gặp nhau 38 lần, và nay Putin đang trong ngõ cụt. Nga có thể mất khả năng chi trả, và tại Ukraine quân Nga chịu thiệt hại nặng nề, đến nỗi nhà độc tài phải muối mặt nhờ Bắc Kinh giúp đỡ về quân sự và tài chính. Nếu thông tin được báo chí tiết lộ là đúng và nếu Tập Cận Bình chấp nhận, thì cuộc chiến sẽ chuyển sang một tầm vóc khác.
Tập Cận Bình đứng trước chọn lựa khó khăn. Liệu có thể liên kết với một nhà lãnh đạo bị Washington lên án là "tội phạm chiến tranh", liệu vẫn tiếp tục lặp lại luận điệu của Nga trong khi luôn nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ ? Theo chuyên gia Bonnie Glaser, "đây là thời điểm quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung và cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc".
Bắc Kinh cần đến Moskva trong cuộc so găng lâu dài với địch thủ chính Washington, do đã ấn định mục tiêu trở thành lãnh đạo toàn cầu vào năm 2049. Trong giới tinh hoa ở Hoa lục, có một số tiếng nói - đã bị nhanh chóng kiểm duyệt - cảnh báo nếu hỗ trợ Vladimir Putin trong cuộc chiến điên cuồng của ông ta sẽ khiến Trung Quốc gánh chịu những nguy cơ to lớn. Hồ Vĩ (Hu Wei), giảng viên đại học Thượng Hải hôm 05/03 đã viết "Trung Quốc cần nhanh chóng cắt đứt với Putin". Nhưng ông khó có khả năng được lắng nghe, và theo nhà nghiên cứu Alexander Gabuev của trung tâm Carnegie, Bắc Kinh biết rằng không thể cải thiện quan hệ với phương Tây với bảng "thành tích" đàn áp Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc "đi dây" vì chưa đến lúc đối đầu trực diện với Mỹ
Nhà sử học François Godement nhắc nhở, hai nhà độc tài cùng có những điểm chung. Vladimir Putin đã chứng kiến Liên Xô sụp đổ, còn Tập Cận Bình đã trải qua Cách mạng Văn hóa ; cả hai đều mơ rửa được "nỗi nhục" quá khứ và tái lập vinh quang đế quốc cũ, kể cả viết lại lịch sử và trừ khử mọi tiếng nói chỉ trích. Mục tiêu chung là tạo lập một trật tự thế giới mới, trong đó các nền dân chủ ở thế yếu.
Cũng như Nga, Trung Quốc coi NATO là liên minh quân sự bành trướng, nên cũng đã lên án AUKUS. Vladimir Putin rất ấn tượng với độc tài kỹ thuật số của Tập Cận Bình và đã bắt chước "Vạn lý Hỏa thành" để kiếm soát xã hội Nga, còn Tập Cận Bình coi Putin là con người mạnh mẽ, dám đối đầu với Hoa Kỳ.
Hai hiện tượng đang diễn ra khá giống thời chiến tranh lạnh : thế giới đang trở nên lưỡng cực với sự đối địch ý thức hệ. Trung Quốc của Tập Cận Bình công khai tham vọng xúc tiến hệ thống chính trị toàn trị của mình trước các nước phương Tây đang "suy tàn".
Theo nhà phân tích Triệu Thông (Zhao Tong), Bắc Kinh lo sợ nếu Nga sụp đổ, sẽ khuyến khích phương Tây dùng biện pháp trừng phạt tương tự hoặc mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ cô đơn hơn. Trung Quốc cũng cần công nghệ và thị trường phương Tây để duy trì tăng trưởng, nên đang phải "đi dây". Chuyên gia Steve Tsang cho rằng Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để giúp đỡ Putin ở chừng mực không bị trả đũa, có thể thuận theo một số trừng phạt nhưng vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Nga. Hợp đồng mua dầu khí cũng giúp Moskva giảm nhẹ thiệt hại từ trừng phạt.
Tập Cận Bình càng thận trọng khi sắp đến Đại hội 20 của Đảng. Xung đột với Hoa Kỳ không hề có lợi, nên ông Tập không hề muốn để "ông bạn" Putin áp đặt nghị trình. Chuyên gia Alice Ekman nhận thấy đối với Trung Quốc, chưa phải là lúc đối đầu trực diện với Mỹ.
Dù thắng hay bại ở Ukraine, Nga cũng lệ thuộc Bắc Kinh
L'Obs không ngần ngại nhấn mạnh "Chọn lựa của Trung Quốc ? Đó chính là Trung Quốc !". Trong tam giác chiến lược xung quanh cuộc chiến ở Ukraine, giữa phương Tây mới hình thành lại, kẻ tấn công là Nga và siêu cường tương lai Trung Quốc, rất đáng chú ý đến thái độ bối rối của Bắc Kinh. Đó là vì trong cuộc xung đột này, Trung Quốc đã chọn lựa... Trung Quốc.
Bắc Kinh có vẻ bất ngờ trước tầm vóc cuộc tấn công của Nga, và khởi đầu khó khăn của một quân đội có tiếng là vượt trội. Trung Quốc sẽ dễ chịu hơn nếu đó là một cuộc chiến chớp nhoáng như Crimea năm 2014. Lần này không chỉ là một cuộc chiến tranh kéo dài mà còn thảm sát thường dân, gây rối loạn kinh tế thế giới.
Hậu quả là Bắc Kinh phải nói nước đôi, vừa lặp lại tuyên truyền của Nga vừa kêu gọi "kềm chế" và "đối thoại", tuy không muốn dính líu. Một sự ủng hộ ngầm cuộc xâm lăng. Tập Cận Bình biết rằng nếu giúp Nga tránh né trừng phạt kinh tế, đến lượt mình sẽ bị trừng trị "vòng ngoài". Thế nên Trung Quốc đã từ chối cung cấp phụ tùng cho hàng không dân dụng Nga - tuy cũng có những cách luồn lách nhưng không hiệu quả bằng chính thức.
Trung Quốc muốn gì ? Trước hết, không làm điều gì có thể ảnh hưởng đến quá trình tiến lên siêu cường hàng đầu thế giới, hoặc gây tác động trở lại trong tương lai và cuối cùng, không làm sụp đổ quan hệ với Nga khiến uy tín Tập Cận Bình bị lung lay. Nhưng Bắc Kinh cũng chăm chú theo dõi diến biến cuộc chiến để rút ra bài học nhằm đối phó với Đài Loan. Song song đó chuẩn bị khống chế một nước Nga bị yếu đi, dù chiến tranh kết thúc như thế nào đi nữa.
Những đòn ngầm của Mỹ và vai trò tế nhị của Biden
L'Obs nói về "Cuộc chiến tranh ngầm của Biden". Theo tuần báo thiên tả, tuy luôn bị đảng Cộng Hòa chỉ trích, nhưng tổng thống của đảng Dân Chủ phải bảo đảm một nghịch lý : đứng ngoài hoạt động ngoại giao liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng đồng thời vẫn đả kích dữ dội Putin.
Giáo sư Nina Tannenwald của đại học Brown nhận xét, chính quyền Biden quyết tâm giúp đỡ tối đa Ukraine, nhưng tránh không kích hoạt chiến tranh nguyên tử với Nga. Mỹ đã tuyệt vời khi thu thập và công bố những thông tin về âm mưu của Nga khiến Moskva không thể tạo cớ. Joe Biden không đến dự thượng đỉnh NATO hôm 24/03 với tay không : Mỹ viện trợ bổ sung 800 triệu đô la, tổng cộng từ đầu nhiệm kỳ đã giúp Ukraine 2 tỉ đô la. Gói quà mới đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của Kiev : giao thêm 800 hỏa tiễn phòng không Stinger, 2.000 hỏa tiễn chống tăng Javelin, 1.000 vũ khí loại nhẹ và 6.000 hệ thống chống xe bọc thép.
Đó là phần nổi. Trong hậu trường, ngay từ trước chiến tranh phía Mỹ đã tăng cường trợ giúp quân sự như gởi cố vấn, cung cấp tin tình báo... Về việc trừng phạt, đã có một loạt cuộc họp ở Bruxelles, Paris, Luân Đôn, Berlin từ đầu tháng Hai để sắp xếp cuộc phong tỏa kinh tế lịch sử. Washington bí mật chuẩn bị việc phong tỏa tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga, và nhanh chóng được các đồng minh thông qua khi cuộc xâm lăng bắt đầu, nhờ đó đóng băng được phân nửa trong số 600 tỉ đô la nguồn lực chiến tranh của Vladimir Putin.
Về chiến tranh tin học, việc không bị Nga tấn công cũng gây ngạc nhiên, có thể là Mỹ đã giúp Ukraine đối phó. Washington cũng đã tính đến khả năng Putin dùng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân "chiến thuật". Đây là lần đầu tiên hai siêu cường nguyên tử gián tiếp đối mặt trong một cuộc chiến tranh "nóng".
Đối với tổng thống Mỹ, đó là một trò chơi phức tạp. Tại Hoa Kỳ, Joe Biden không thể hành động quá mạnh (chẳng hạn đưa quân sang) hay quá nhẹ (dây dưa trong việc giao vũ khí). Với các đồng minh, ông không thể đứng về phía các nước đòi thẳng tay vì chịu nhiều rủi ro trước Nga (như vùng Baltic, Ba Lan), cũng không thể nghe theo những nước muốn thỏa hiệp, đòi mở ra cho Putin "một lối thoát".
Châu Âu không còn bình yên, Pháp xem lại mô hình quốc phòng
Về phía Châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng, hồ sơ của Le Point đặt ra câu hỏi "Chúng ta còn biết tự vệ hay không". Với cuộc chiến ở Ukraine, Châu Âu tuy không tham chiến nhưng không còn bình yên.
Khi xâm lược Ukraine, Vladimir Putin đã bộc lộ thực tế một thế giới thô bạo của cường quyền. Chiến tranh không còn là sự chọn lựa mà là bị áp đặt. Cú sốc đã đánh thức nước Đức và sức mạnh của Châu Âu qua việc trừng phạt.
Đối với Pháp, sau khi Liên Xô sụp đổ, ưu tiên dành cho hoạt động viễn chinh, chống thánh chiến, đối phó với các địch thủ yếu hơn. Ngân sách quốc phòng từ 2000 đến 2015 đã bị cắt giảm đến 20 %, vũ khí, quân số đều giảm. Pháp chỉ có thể huy động 15.000 quân trong sáu tháng, trong khi tại Ukraine hiện có đến 150.000 quân Nga và 100.000 chiến binh tham gia phía Ukraine, thêm vào đó là dân quân và quân tình nguyện. Pháp cần xây dựng mô hình mới dựa trên bốn cột trụ : răn đe nguyên tử, chuyển đội quân viễn chinh thành lực lượng có khả năng chiến đấu cao độ, lập vệ binh quốc gia để bảo vệ lãnh thổ, và nắm vững lãnh vực thông tin.
Bức màn sắt mới tại Nga
Còn tại Nga, Courrier International dành hồ sơ cho "Bức màn sắt mới", trong loạt bài này tờ báo trích đăng bài viết "Một đất nước khép kín" của tờ Le Devoir xuất bản tại Montréal (Canada).
Dầu lửa và khí đốt Nga đã bị cấm tại Hoa Kỳ. Coca-Cola và McDonald's không còn phục vụ thực khách Nga. Máy bay Nga phải bay vòng tránh không phận các nước Châu Âu, các ngân hàng Nga không còn có thể kinh doanh ở nước ngoài. Báo chí quốc tế bị bịt miệng tại xứ sở của Putin, điện Kremlin phong tỏa mạng xã hội Facebook, Twitter.
Nga lún sâu vào cô độc trên đủ mọi phương diện : kinh tế, thể thao, văn hóa, internet... Những mối liên hệ bị cắt đứt : phương Tây trừng phạt, chính quyền Nga muốn kiểm soát thông tin, các tập đoàn đa quốc gia muốn duy trì tên tuổi của mình. Thậm chí với một môi trường vi mô chưa bao giờ bị ảnh hưởng ngay cả trong thời chiến tranh lạnh : giới cờ vua.
"Đó là điều chưa từng thấy !" - Richard Bérubé, tổng giám đốc Liên đoàn Cờ vua Québec nhận xét. Giải vô địch cờ vua thế giới lần thứ 44 lẽ ra tổ chức tại Moskva vào tháng Bảy sẽ dời sang nước khác, và Liên đoàn Cờ vua Quốc tế (FIDE) phê phán Nga. Đáng ngạc nhiên là chủ tịch FIDE, Arkadi Dvorkovitch từng là phó tổng thống trong chính phủ của ông Dimitri Medvedev.
Ví dụ ấn tượng từ giới cờ vua cho thấy chỉ trong vài ngày, bức màn sắt mới đã ập xuống như thế nào. Trong chiến tranh lạnh trước đây, những bức tường bê-tông và kẽm gai mọc lên để "bảo vệ" dân các nước cộng sản khỏi "đế quốc tư bản và bọn phát-xít", chận không cho chạy sang phương Tây. Giờ đây, người Nga không hẳn là không ra khỏi được đất nước, nhưng hiện đã rất khó khăn, và giá trị đồng rúp đang teo tóp dần. Họ sẽ cảm thấy tác động của cấm vận khi nào hàng hóa không còn thấy trên các kệ hàng, giá cả tăng lên.
Thụy My