Từ đầu cuộc chiến tranh do Nga phát động tại Ukraine, dư luận quốc tế đã ngay lập tức đưa ra những xâu chuỗi liên hệ với hoàn cảnh của Trung Quốc với Đài Loan. Qua thái độ, lập trường của Trung Quốc với cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, phần đông giới quan sát nhận thấy Bắc Kinh đang theo dõi cuộc đối đầu giữa phương Tây và Moskva để rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho tham vọng thôn tính Đài Loan.
Binh sĩ Đài Loan chuẩn bị cuộc tập trận tại Đông Dẫn (Dongyin), ngày 16/03/2022. Reuters- ANhà nước Wang
Tại Đài Bắc, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine đã làm dấy lên những liên hệ với một cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào hòn đảo. Chính giới cũng như dư luận báo chí không ngớt nhắc lại câu khẩu hiệu "Hôm nay Ukraine, ngày mai là Đài Loan". Trong khi đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã nhanh chóng phân bua rằng "Đài Loan không phải là Ukraine. Hai vấn đề khác nhau về bản chất". Ý của Bắc Kinh muốn khẳng định lại Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh cố gắng tỏ khách quan đứng ngoài cuộc như khán giả, nhưng không giấu quan điểm Nga xâm lược Ukraine là "đòi hỏi chính đáng về an ninh".
Phần đông giới quan sát đến giờ nhận thấy Bắc Kinh nhìn sự đối đầu giữa phương Tây và Kremlin lần này như là một cuộc tổng dượt chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc luôn trong thế chờ thời, đứng ngoài quan sát để rút ra những bài học cần thiết về ngoại giao và quân sự từ cuộc xung đột ở Ukraine, bỏ qua những đề nghị của các nước Châu Âu muốn Bắc Kinh gây sức ép với Moskva hay đứng ra làm trung gian hòa giải.
Theo quan sát của Triệu Thông (Zhao Tong), nhà nghiên cứu của Trung tâm Carnegie Thanh Hoa tại Bắc Kinh, thì giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc "đã thấy sốc với quy mô phản ứng của phương Tây. Họ đang rút ra bài học từ cuộc chiến tranh, đó là điều sẽ có tác động sâu đối với chiến lược quân sự của Trung Quốc". Rõ ràng cuộc chiến tranh Ukraine đã làm dấy lên tinh thần đoàn kết chưa từng có giữa các nước phương Tây và NATO, qua các phản ứng trừng phạt Nga và cung cấp vũ khí cho Kiev. Đây cũng là cơ hội để Hoa Kỳ đẩy mạnh sự huy động của phương Tây để đối phó với Bắc Kinh, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ Đài Loan, như nhận định của Jude Blanchette, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS).
Chiến trường Ukraine cũng là một bài học thực địa cho Trung Quốc về sức kháng cự không cân xứng trong một cuộc chiến tranh xâm lược. Các khó khăn mà quân đội Nga vấp phải trong chiến dịch quân sự trên bộ có thể giúp cho Trung Quốc nhận ra rõ hơn các rủi ro của việc đổ bộ quy mô lớn vào hòn đảo nằm cách bờ biển Hoa Lục 130 cây số, nhất là trước một đội quân Đài Loan đã được trang bị những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất của Mỹ. Theo giới chuyện gia, đây sẽ là một cảnh báo cho Giải phóng quân Trung Quốc, một đội quân không thể gọi là thiện chiến, gần đây nhất mới chỉ có một lần tham chiến ở cường độ cao, đó là trong cuộc xâm lược Việt Nam thất bại năm 1979.
Dù đã được hiện đại hóa từ nhiều năm nay, khả năng tác chiến hỗn hợp của quân đội Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế. Quân đội Trung Quốc đang theo dõi rất kỹ hiệu quả của các hỗ trợ "ngầm" của Mỹ đối với Ukraine trong lĩnh vực tình báo, trinh sát, chiến tranh mạng và việc cung cấp các loại vũ khí mới. Với Đài Loan, sự hỗ trợ như vậy sẽ còn ở quy mô lớn hơn nhiều vì Washington vẫn giữ các cam kết bảo vệ hòn đảo đã có từ trước khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Nhất là giờ đây Đài Loan trở thành một vị trí không thể bỏ qua trong chiến lược an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Một bối cảnh như vậy sẽ thúc đẩy Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự hơn là dùng đến phương sách tấn công nhiều rủi ro. Chuyên gia Triệu Thông nhận định : "Cuộc xung đột Ukraine trong ngắn hạn sẽ làm giảm nguy cơ xâm lược (của Trung Quốc) nhưng lại tăng cuộc chạy đua vũ trang với mục đích răn đe Mỹ đến cứu Đài Loan".
Anh Vũ