Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/05/2022

Lập trường Mỹ Phi về Biển Đông, kinh tế Trung Quốc khó khăn

RFI tổng hợp

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng trật tự thế giới

Trọng Thành, RFI, 26/05/2022

Hơn 16 tháng kể từ khi Joe Biden nhậm chức tổng thống, ngày 26/05/2022 ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có một bài phát biểu quan trọng làm rõ lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, đối thủ chính của Mỹ tại Châu Á, tại đại học Georges Washington.

bd1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp với đồng nhiệm Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi tại Washington, Mỹ. Ảnh chụp ngày 20/05/2022.  Kazakh Foreign Ministry

Trước đó, một nhà ngoại giao cao cấp Mỹ cho biết một số nét lớn trong bài diễn văn này. Đó là Hoa Kỳ không có chiến lược "ngăn chặn, bao vây bất cứ một cường quốc nào. Vấn đề là duy trì, và chấn hưng trật tự quốc tế, theo hướng bảo vệ các nguyên tắc nền tảng, vốn đã cho phép nền hòa bình và thịnh vượng trong nhiều thập niên. Và điều này trên thực tế đã cho phép sự trỗi dậy của Trung Quốc".

Theo một số giới chức cấp cao Hoa Kỳ, tương phản với chính sách đối đầu trực diện với Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump, chính quyền Joe Biden tránh nói đến một xung đột toàn cầu lan rộng, và cũng không yêu cầu các quốc gia khác tham gia vào nỗ lực chung nhằm cô lập Trung Quốc. Hãng tin Pháp AFP nhấn mạnh thông điệp chính của Mỹ gửi đến Trung Quốc là "kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng trật tự quốc tế".

AFP nhắc lại, kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Joe Biden đã coi Trung Quốc "là đối thủ cạnh tranh duy nhất, xét về dài hạn, trên quy mô toàn cầu", và nước Nga thời Putin là "đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp" đối với trật tự quốc tế.

Ngoại trưởng Blinken đã dự kiến phát biểu vào đầu tháng 5/2022, trước chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, mọi việc bị hoãn lại do ông nhiễm Covid-19.

Trọng Thành

********************

Tổng thống Philippines khẳng định dùng phán quyết Tòa Trọng Tài để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Trọng Thành, RFI, 26/05/2022

Tổng thống tân cử Philippines hôm 26/05/2022, đưa ra một phát biểu cứng rắn về Biển Đông. Ông Ferdinand Marcos Jr. khẳng định giá trị của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, và không để Bắc Kinh chà đạp lên chủ quyền quốc gia tại vùng biển này.

bd2

Tổng thống tân cử Philippines Ferdinand Marcos Jr., ngày 07/05/2022 tại thành phố Paranaque, Philippines. AP - Aaron Favila

Theo AFP, trả lời truyền thông địa phương, tổng thống tân cử Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh : "Chúng ta đã có được một phán quyết rất quan trọng có lợi cho chúng ta, và chúng ta sẽ sử dụng phán quyết này để tiếp tục khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Đây không phải là một yêu sách. Đây là quyền lãnh thổ của chúng ta".

Phát biểu của ông Ferdinand Marcos Jr. được coi là cứng rắn hơn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trước các đe dọa từ Trung Quốc. Ông Ferdinand Marcos Jr., sẽ nhậm chức ngày 30/06, khẳng định "sẽ nói chuyện với Trung Quốc một cách nhất quán với lập trường kiên quyết này". Tổng thống tân cử Philippines một lần nữa khẳng định "sẽ không cho phép một milimet nào của chủ quyền trên biển của chúng ta bị chà đạp". 

Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, đưa ra vào tháng 7/2016, trong vụ Manila kiện Bắc Kinh về Biển Đông được coi là một thắng lợi về pháp lý quan trọng đối với Philippines. Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Tuy nhiên, tổng thống tiền nhiệm Philippines Rodrigo Duterte khi lên cầm quyền đã có nhiều phát biểu hạ thấp giá trị của phán quyết này, với mục tiêu siết chặt quan hệ với Trung Quốc.

Phát biểu cứng rắn về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng tổng thống tân cử Philippines cũng nhắc lại là điều quan trọng là phải tránh chiến tranh, và Philippines không có khả năng đối đầu Trung Quốc về quân sự. Ông Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh Philippines sẽ tìm cách đạt được "thế cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai quốc gia hiện đang cạnh tranh để có quan hệ chặt chẽ nhất" với chính quyền Manila. "Chính sách đối ngoại độc lập, làm bạn với tất cả là giải pháp duy nhất", theo tổng thống tân cử. 

Trọng Thành

**********************

Bắc Kinh thừa nhận kinh tế khó khăn do chiến lược Zero Covid

Thanh Phương, RFI, 26/05/2022

Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận là do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp những khó khăn lớn hơn cả so với năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh.

bd3

Một công nhân gần một khu giao thực phẩm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/05/2022.  AP - Ng Han Guan

Trước đà bùng phát trở lại của dịch Covid-19, chủ yếu do biến thể Omicron, từ nhiều tháng qua, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược Zero Covid, chủ yếu bằng các biện pháp phong tỏa, nhất là phong tỏa triệt để thành phố Thượng Hải từ đầu tháng 4 đến nay.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho tới nay vẫn kiên quyết bảo vệ chiến lược này. Nhưng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã gây tác hại nặng nề lên nền kinh tế, với nhiều cửa hàng đóng cửa, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, và các dây chuyền sản xuất bị rối loạn rất nhiều.

Theo hãng tin AFP, trích dẫn Tân Hoa Xã hôm 25/05/2022, trong một cuộc họp trực tuyến với hàng ngàn quan chức địa phương, thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết từ tháng 3 và nhất là từ tháng 4, các chỉ số kinh tế về việc làm, sản xuất công nghiệp, mức tiêu thụ điện và khối lượng hàng hóa vận chuyển đều giảm mạnh. 

Như vậy, Bắc Kinh sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đề ra cho năm 2022 là 5,5%, trong bối cảnh trên nguyên tắc, ông Tập Cận Bình sẽ được bầu lại làm lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu tới.

Trước mắt, chính quyền thành phố Bắc Kinh hôm qua đã cách chức lãnh đạo ngành y tế của thành phố, ông Vu Lỗ Minh (Yu Luming).

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde, tường trình :

"Số ca nhiễm mới dường như đang có xu hướng giảm tại Bắc Kinh, ít ra là theo các số liệu chính thức. Nhưng điều này không ngăn cản việc trừng trị các quan chức địa phương. Theo Tân Hoa Xã, ông Vu Lỗ Minh đang bị điều tra về "những vi phạm nghiệm trọng kỷ luật và quy định pháp luật", một tội danh thường được dùng trong các vụ án tham nhũng. Ông đã bị cách chức. 

Các quan chức của ba quận ở Bắc Kinh và của hai doanh nghiệp cũng bị trừng phạt trong khuôn khổ hai cuộc điều tra về các ổ dịch gần đây. 

Cuộc điều tra thứ nhất liên quan đến một văn phòng của Công ty Đường sắt Trung Quốc, vì một nhân viên của văn phòng này dường như đã để cho những người lao động rời khỏi khu vực kiểm soát và ngăn ngừa Covid. Cuộc điều tra thứ hai nhắm vào một chi nhánh của công ty chuyển phát nhanh Yunda, vì công ty này đã không tổ chức xét nghiệm Covid cho những người giao hàng, theo như yêu cầu của nhà chức trách. Các công chức của hai cơ quan giám sát công nghiệp và phòng chống dịch bệnh cũng đã bị trừng phạt. 

Từ khi xuất hiện dịch Covid-19 ở Vũ Hán vào mùa đông 2019, các quan chức địa phương của Trung Quốc thường xuyên bị cách chức hoặc trừng phạt, cho nên đôi khi họ thi hành quá nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống Covid. Tại Thượng Hải, ít nhất 15 quan chức đã bị trừng phạt vì bị xem đã lơ là trong việc phòng chống dịch khi biến thể Omicron lây lan mạnh trở lại. Một số nhà quan sát thậm chí tự hỏi không biết Lý Cường (Li Qiang), bí thư thành ủy của thủ phủ kinh tế Trung Quốc, có sẽ giữ được chiếc ghế của ông hay không".

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Thanh Phương
Read 498 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)