Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/06/2022

Mỹ không để Biển Đông biến thành ao nhà Trung Quốc

Thụy My, Thanh Hà, RFA tiếng Việt

Biden tấn công Trung Quốc bằng Bản ghi nhớ chống đánh cá bất hợp pháp

Thụy My, RFI, 28/06/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/06/2022 đã ký Bản ghi nhớ an ninh quốc gia về chống đánh cá trái phép. Đây là một phần của nỗ lực đối phó với những vi phạm của các đoàn tàu đánh cá "phi pháp", đặc biệt của Trung Quốc.

biendong1

Tàu Trung Quốc neo đậu tại Rạn san hô Whitsun, Biển Đông, ngày 7/3/2021. Ảnh của Cảnh sát biển Philippines. AP

Trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết sẽ lập một liên minh với Canada và Anh để "hành động khẩn cấp" nhằm cải thiện việc theo dõi, kiểm soát, giám sát, trong cuộc chiến chống lại "nạn đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định" (IUU - cụm từ viết tắt của Illegal, Unreported và Unregulated fishing).

Các viên chức Mỹ muốn đưa vào những quy tắc để có thể đối phó tốt hơn trước nạn đánh cá lậu, nhất là tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong khuôn khổ cam kết chặt chẽ hơn ở khu vực để chống lại ảnh hưởng Trung Quốc. Một số quốc gia trong vùng phẫn nộ trước tình trạng những đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, càn quét hải sản, gây thiệt hại lớn cho môi trường và kinh tế.

Bản Ghi nhớ đòi hỏi có những hành động để "chấm dứt nạn buôn người, cưỡng bức lao động, xúc tiến việc khai thác đại dương một cách an toàn, bền vững".Bộ Lao Động, bộ Quốc Phòng, lực lượng tuần duyên và các cơ quan thực thi luật pháp có thể làm việc với các đối tác tư nhân và nước ngoài để "điều tra các tàu đánh cá và công ty bị nghi ngờ dùng lao động cưỡng bức để thu hoạch hải sản".

Tuy không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, nhưng phía Mỹ cho biết Trung Quốc là nước vi phạm hàng đầu. Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới về các vụ đánh cá bất hợp pháp, và cản trở việc triển khai các biện pháp chống IUU và khai thác hải sản bừa bãi của các tổ chức quốc tế. Viên chức Mỹ nói rằng Bắc Kinh phải có trách nhiệm tôn trọng những cam kết, cần chỉnh đốn hoạt động của các tàu treo cờ Trung Quốc tại vùng biển những nước khác.

Ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phản bác, cho rằng cáo buộc của Mỹ "hoàn toàn sai lạc".

Reuters nhắc lại, đầu tháng Sáu, Philippines tố cáo Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ tuyên bố nạn đánh cá lậu đã vượt qua nạn cướp biển, trở thành mối đe dọa lớn nhất cho an ninh hàng hải thế giới, có nguy cơ gây căng thẳng giữa các quốc gia. Điều phối viên về chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương Kurt Campbell hồi tháng Năm nói rằng các nước trong khu vực đang hợp tác để tăng cường tuần tra và huấn luyện, chia sẻ các công nghệ để truy vết các tàu đánh cá lậu đã tắt thiết bị định vị.

Thụy My

***********************

Lo ngại Trung Quốc vẫn muốn khai thác dầu khí chung với Philippines ở Biển Đông

Thanh Hà, RFI, 27/06/2022

Với một chính quyền mới ở Manila, Trung Quốc và Philippines có sẽ nối lại đàm phán về dự án cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông hay không ? Bắc Kinh muốn khởi động lại đối thoại với Manila về dự án, trong lúc hiệp hội ngư nghiệp quốc gia Philippines kêu gọi tổng thống tân cử Bongbong Marcos "vĩnh viễn đình chỉ" kế hoạch hợp tác với Trung Quốc.

biendong2

Tổng thống tân cử Philippine Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. trong cuộc họp báo tại Mandaluyong, Philippines, ngày 20/06/2022. AP - Aaron Favila

Ba ngày trước khi ông Bongbong Marcos tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ngày 27/06/2022, hiệp hội ngư nghiệp quốc gia Philipines, Pamalakaya, ra thông cáo kêu gọi "vĩnh viễn ngừng đàm phán với Trung Quốc" về các dự án khai thác dầu khí tại Biển Đông, mà Manila gọi là "Biển Tây Philippines". Thông cáo nói rõ : Philippines cần "tập trung bảo vệ chủ quyền lãnh hải" ở vùng biển này. Tổng thống Marcos "cần công khai đưa ra tuyên bố hoàn toàn gạt bỏ dự án này và Manila sẽ không trở lại với hồ sơ này nữa" theo lời của chủ tịch hiệp hội ngư nghiệp Philippines, Fernando Hicap, được báo Inquirer trích dẫn.

Lãnh đạo hiệp hội Pamalakaya giải thích : đồng khai thác với Trung Quốc sẽ là cơ hội lớn hơn để Bắc Kinh "vơ vét tài nguyên thiên nhiên trên biển" của Philippines, "vi phạm trắng trợn" luật lệ và chủ quyền của Manila trong vùng biển này, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye về chủ quyền của Philippines.

Hơn nữa theo Fernando Hicap, Philippines không cần dựa vào nước ngoài để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuần trước, ngoại trưởng Teodoro Locsin trước khi rời khỏi chức vụ đã tuyên bố "chấm dứt đàm phán với Trung Quốc về dự án cùng khai thác dầu khí" ở Biển Đông.

Một ngày sau đó, 24/06/2022, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố "Trung Quốc sẵn sàng cùng với chính quyền mới ở Manila thúc đẩy đảm phán để dự án được tiến triển. Bắc Kinh nỗ lực đưa ra những quyết định quan trọng cho thấy cùng khai thác tài nguyên có lợi cho cả hai quốc gia và hai dân tộc". Ông Uông Văn Bân nhắc lại, dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận khung về hợp tác khai dầu khí và văn bản đó đã được chủ tịch Tập Cận Bình ký hồi 2018 nhân một chuyến công du Philippines.

Trung Quốc gia tăng áp lực với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương

Đài truyền hình Úc ABC hôm 27/06/2022 đưa tin, Bắc Kinh mời ngoại trưởng 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương họp trực tuyến với ngoại trưởng Vương Nghị vào ngày 14/07/2022, đúng vào lúc khu vực này tổ chức Diễn Đàn Pacific Islands Forum tại Suva, thủ đô Fiji. Theo giới quan sát, Trung Quốc tiếp tục duy trì áp lực, mở rộng ảnh hưởng tại khu vực sau khi vào hôm 30/05/2022, 10 đảo quốc trong khu vực đã từ chối ký kết "Kế hoạch hành động 5 năm Trung Quốc –Thái Bình Dương vì phát triển chung".

Vào lúc Trung Quốc cố gắng chiêu dụ các đảo quốc Nam Thái Bình Dương thì đã xảy ra sự cố ngoại giao bên lề hội nghị về đại dương của Liên Hiệp Quốc ở Lisboa, Bồ Đào Nha. Hãng tin Anh Reuters cho biết ngoại trưởng Tuvalu, Simon Kofe,  đã tẩy chay lễ khai mạc sáng nay 27/06/2022 để phản đối Trung Quốc cấm ba đại biểu Đài Loan tham dự hội nghị trong khuôn khổ phái đoàn chính thức của Tuvalu. Tuvalu hiện là một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. 

Thanh Hà

***********************

Ý định biến Biển Đông thành "vùng nội thủy" của Trung Quốc có thể thực hiện ?

RFA, 24/06/2022

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong buổi họp báo thường kỳ hôm 23/6, đã phát biểu phản đối Trung Quốc tập trận ở Biển Đông ngày 19/6 tại khu vực phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời nêu quan điểm của Việt Nam về kế hoạch "lập vùng nội thủy" trên Biển Đông của nước láng giếng phía Bắc.

biendong3

Tàu chiến của Hải quân Australia và Hoa Kỳ ở Biển Đông hôm 18/4/2020 - R euters

Tờ Sankei của Nhật Bản ngày 18/6 có đưa tin về cuộc họp tại Ủy ban Giới hạn Thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc. Tại đó, đại diện chính phủ Nhật nói rằng "Trung Quốc đang tiến hành thiết lập vùng nội thủy" ở Biển Đông và cấm tàu thuyền nước ngoài qua lại ở khu vực này, nhưng không đưa thêm thông tin chi tiết.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng lập trường của Việt Nam về Biển Đông đã được thể hiện rõ ràng và đầy đủ trong công hàm số 22/HC/2020 gửi tới Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020, và"Việt Nam cho rằng các nước đều chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung là duy trì và thúc đẩy hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS".

Thăm dò thái độ các nước ASEAN ?

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho rằng ý định Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành khu vực nội thủy của mình là hành động thăm dò thái độ của các nước nằm trong vùng biển này. Theo ông, trong thời gian tới chắc chắn các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới sẽ lên án và từng nước sẽ có hành động để đối phó kế hoạch này của Trung Quốc :

"Nếu Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là nội thủy của họ cũng như trước đây họ dự định lập vùng cấm bay cho khu vực Biển Đông nhưng đã không thực hiện được. Tôi cũng tin rằng họ chỉ nói để răng đe các nước ở khu vực Đông Nam Á mà thôi. Thế giới sẽ không bao giờ để cho Trung Quốc hành động như vậy. Nó trái với luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Và tôi cũng tin rằng Trung Quốc muốn thăm dò thái độ từng nước ở Đông Nam Á đối với sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hiện nay, và đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên qua qua đó chúng ta cũng đã thấy rằng Trung Quốc không phải là một người bạn tốt, không phải là một người đồng chí tốt".

Cũng theo ông Đinh Kim Phúc, ý định muốn biến khu vực Biển Đông ở Đông Nam Á trở thành nội thủy của Trung Quốc là tham vọng từ lâu của nước này. Nó cũng cho thấy Trung Quốc là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, lại là thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982, nhưng mà họ hành xử và phát biểu kiểu vô pháp, không tuân theo bất cứ một cái gì mà họ đã cam kết :

"Giới cầm quyền Trung Quốc lúc nào cũng hai mặt. Một mặt là họ trấn an các nước Đông Nam Á, mặt khác họ luôn ấp ủ và thực hiện tham vọng bá quyền ở khu vực Đông Nam Á và trước nhất là trên biển Đông.

Mới đây tại hội nghị Shangri-La 2022, Bộ trưởng quốc phòng của Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nói những lời hay ý đẹp về mối quan hệ của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng như các nước ASEAN, và lời nói đó 10 ngày sau đã thành gió bay.

Nó bộc lộ rõ tham vọng của Trung Quốc sẽ không bao giờ buông tha khu vực Biển Đông, không bao giờ từ bỏ tham vọng bá quyền của họ ở khu vực này".

Trong bài phát biểu "Tầm nhìn của Trung Quốc đối với Trật tự khu vực" hôm 11/6 tại Đối thoại Sangri-La 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói rằng mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang rất tốt đẹp, và bản thân ông cũng là một người anh tốt và một người bạn tốt với người đồng cấp của Việt Nam là Bộ trưởng của Việt Nam Phan Văn Giang.

biendong4

Đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. AFP

Khó khăn cho Trung Quốc

Trở lại với ý định "lập vùng nội thủy" của Trung Quốc, Thạc sỹ, nhà nghiên cứu Quốc tế Hoàng Việt nhận định thực ra kế hoạch này được phía Nhật đưa ra nhưng tới nay cũng chưa biết chính xác, cụ thể thông tin như thế nào.

Tuy nhiên, cái mà Trung Quốc gọi là "vùng nội thủy" ở khu vực Biển Đông này cũng không phải là điều mới mẻ. Bởi vì, từ trước đến nay, Trung Quốc đã tự vẽ nên đường Lưỡi Bò đi qua khoảng 90% Biển Đông.

Một trong những cách giải thích của Trung Quốc là Đường Lưỡi Bò là biên giới biển của Trung Quốc, như vậy thì mặc nhiên vùng biển, vùng nước ở trong đó chính là "vùng nội thủy" của Trung Quốc.

Như vậy là Trung Quốc đang muốn biến một vùng biển quốc tế theo Công ước Luật Biển trở thành lãnh hải của riêng Trung Quốc, và càng ngày, họ sẽ càng đẩy mạnh thực hiện điều đó hơn.

Tuy nhiên, Biển Đông là một khu vực cực kỳ quan trọng đối với thương mại, hàng hải và an ninh quốc phòng trên thế giới. Do đó, theo Thạc sỹ Hoàng Việt, các quốc gia khu vực Đông Nam Á và cả thế giới sẽ không bao giờ để Trung Quốc hiện thực hoá kế hoạch này :

"Bởi vì Biển Đông có rất nhiều con đường đường vận tải biển, thương mại hàng hóa quan trọng bậc nhất trên thế giới. Nếu mà Trung Quốc kiểm soát thì thì rõ ràng là toàn bộ thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Điều này rõ ràng là các quốc gia khác sẽ phải lên tiếng. Đầu tiên họ sẽ phải nói rằng tất cả các quốc gia ở khu vực Biển Đông và cả Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Luật biển năm 1982, thì cứ phải đúng theo quy định đó mà làm, chứ không thể nào biến từ vùng biển Quốc tế trở thành vùng biển của Trung Quốc được.

Suốt những năm vừa qua, trong những cuộc chiến công hàm thì các quốc gia đã phản đối liên tiếp những lập luận này của Trung Quốc. Về mặt pháp lý là không ai chấp nhận điều này cả, còn về mặt thực tế thì các quốc gia sẽ phải xem xét như thế nào sau".

Trung Quốc có thể đạt được mục đích, nếu…

Trả lời Đài Á Châu Tự do hôm 23/6, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam và vấn đề Biển Đông, cho biết kế hoạch biến Biển Đông thành nội thủy của Trung Quốc không phải là điều mới. Tuy nhiên, lời phát biểu từ phía Nhật Bản coi như là một bước để khiến các nước Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia... quan tâm đến về vấn đề này.

Theo vị Giáo sư người Úc, đúng là Trung Quốc sẽ không dễ dàng thực hiện được ý đồ của họ bởi vì trong bối cảnh hiện nay, tất cả các nước đều phản đối yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc.

Mỹ đưa các tàu chiến đi qua khu vực Biển Đông cho thấy nước này không công nhận đây là vùng nội thủy của Trung Quốc. Và Úc, dù không có hoạt động tự do hàng hải như Mỹ, nhưng họ cũng có một số chương trình tương tự. Và, theo giáo sư Carl, thật đáng quý khi không có một quốc gia nào chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nếu các nước không tiếp tục lên tiếng phản đối, Trung Quốc sẽ dần hiện thực hoá ý đồ đó :

"Vấn đề là bạn sẽ làm gì nếu Trung Quốc cố gắng thực hiện các bước thiết thực để thực thi kế hoạch này.

Điều đó có thể xảy ra nếu Trung Quốc có những can thiệp phù hợp. Cho nên, như đã thấy, Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ, Úc hay các nước Đông Nam Á đều đáp trả rằng Trung Quốc không thể làm như vậy.

Nhưng nếu không có ai làm bất cứ điều gì thì Trung Quốc có thể đạt được mục đích. Bởi vì không ai phản đối có nghĩa là các nước đã chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc".

Giáo sư Carl Thayer cho rằng Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch về vùng nội thủy ở Biển Đông cũng giống như cách mà họ đang làm đối với Eo biển Đài Loan.

Trong cuộc họp báo ngày 13/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố nước này có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan. Đây không phải là vùng biển quốc tế, mà là vùng nội thủy của Trung Quốc.

Một ngày sau, Đài Loan lên tiếng phủ nhận, nói rằng "eo biển thuộc về hải phận quốc tế, nằm ngoài lãnh hải của Đài Loan. Do vậy, eo biển Đài Loan phải tuân theo nguyên tắc tự do hàng hải.

************************

Philippines bỏ đàm phán khai thác chung với Trung Quốc trên Biển Đông

RFA, 24/06/2022

Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Philippines hôm 23/6 cho biết đàm phán về khai thác chung giữa Manila và Bắc Kinh đã chấm dứt vì những khó khăn liên quan đến vấn đề hiến pháp và chủ quyền. Hãng tin Reuters loan tin này vào cùng ngày.

biendong5

Người biểu tình Philippines đốt cờ Trung Quốc và ảnh ông Tập Cận Bình ngay trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila hôm 13/7/2019 để phán đối Trung Quốc gây ảnh hưởng lên chính quyền Philippines vào khi có những căng thẳng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông - AFP

Đàm phán khai thác dầu khí chung giữa hai nước được bắt đầu vào năm 2018, hai năm sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền tại Philippines. Ông Duterte là người có chủ trương mềm mỏng hơn với Bắc Kinh so với người tiền nhiệm.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin nói : "Ba năm đã qua và chúng tôi vẫn không đạt được mục tiêu khai thác dầu khí rất quan trọng với Philippines mà không phải với cái giá là chủ quyền của mình, ngay cả chỉ là một phần nhỏ của nó".

Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, nơi các nước như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có những đòi hỏi về chủ quyền.

Việc khai thác dầu khí chung giữa các nước với Trung Quốc có thể dẫn đến việc nhượng bộ đối với Bắc Kinh và Trung Quốc có thể sử dụng điều này để đòi hỏi chủ quyền đối với vùng khai thác chung vốn thuộc chủ quyền của nước khác.

Ngoại trưởng Locsin cho biết việc khai thác chung giữa hai nước không thể đạt được mà không vi phạm hiến pháp của Philippines hoặc Trung Quốc sẽ tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển của Philippines. Ông Locsin cho biết, Tổng thống Duterte đã đích thân ra lệnh chấm dứt đàm phán này với Bắc Kinh.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Thanh Hà, RFA tiếng Việt
Read 368 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)