Bầu cử ở Campuchia là thử thách với ông Hun Sen (VOA, 04/06/2017)
Người dân Campuchia đi bỏ phiếu hôm 4/6 để bầu hơn 12.000 quan chức cấp quận huyện. Nhưng cuộc bỏ phiếu cũng được coi là cuộc đấu giữa hai đảng lớn giữa lúc có những lời đe doạ về nội chiến và có cuộc đàn áp người bất đồng chính kiến trong thời gian dẫn đến các cuộc bầu cử toàn quốc dự kiến diễn ra giữa năm sau.
Hoạt động kiểm phiếu tại một điểm bầu cử ở Phnom Penh, 4/6/2017
Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông tin rằng cuộc bầu cử cấp quận huyện sẽ phép thử quan trọng về mức độ họ được ủng hộ, điều này đã chịu áp lực lớn do ngày càng có nhiều người trẻ tuổi đi bầu và thái độ đang thay đổi.
Những người ủng hộ phe đối lập là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đã phấn chấn với vị thế mà đảng của họ đạt được trong cuộc bầu cử cấp quốc gia năm 2013 khi đảng CPP vẫn nắm quyền, nhưng thế đa số đã giảm còn 68 ghế, từ mức 90 ghế, trong quốc hội có 123 ghế.
Dù các cuộc bầu cử có tính chất địa phương, nhưng ông Hun Sen vẫn gây tác động ở cấp độ quốc gia, ông cảnh báo Campuchia có thể lại có chiến tranh nếu CPP thua trong bầu cử.
Tình hình chính trị cũng bị vấy bẩn bởi những vụ đánh đập các nghị sĩ phe đối lập, hình sự hóa các luật về phỉ báng và cấm bất cứ ai có tiền án được tranh cử.
***********************
Bầu cử địa phương Cam Bốt : Trắc nghiệm đối với thủ tướng Hun Sen (RFI, 04/06/2017)
Vài triệu cử tri Cam Bốt đã đi bỏ phiếu ngày 04/06/2017. Cuộc bầu cử cấp địa phương lần này được cho là bài trắc nghiệm về mức độ tín nhiệm của thủ tướng Hun Sen trước kỳ bầu cử Quốc Hội vào năm 2018.
Cam Bốt - Bầu cử địa phương : Thủ tướng Hun Sen lúc bỏ phiếu tại Phnom Penh, ngày 04/06/2017. Reuters
Các phòng phiếu tại hơn 1.600 địa phương đóng cửa vào chiều Chủ Nhật và kết quả sơ bộ được công bố vào tối cùng ngày. Phát biểu với AFP, một nữ cử tri 30 tuổi cho biết bỏ phiếu cho đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt (CNRP) vì "sự thay đổi" và "mong muốn đất nước tiến bộ hơn và nhân quyền được tôn trọng".
Đảng Cứu Nguy Dân Tộc thu hút một lượng lớn cử tri trẻ tại Cam Bốt, nơi có đến 70% dân số dưới 30 tuổi. Nắm rõ sự chán chường trước một hệ thống tham nhũng, đảng đối lập hy vọng chấm dứt sự thống trị từ hơn 30 năm qua của đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) của thủ tướng Hun Sen.
Trong khi đó, gần đây, ông Hun Sen khẳng định "một cuộc chiến có nguy cơ xảy ra" nếu đảng Nhân Dân Cam Bốt mất quyền lực và gia đình ông, bị cáo buộc chi phối nền kinh tế, bị phe đối lập truy tố. Thủ tướng Cam Bốt không ngừng nhắc lại là nếu ông rời khỏi chính trường, quốc gia Đông Nam Á này có nguy cơ rơi vào bất ổn. Những tuyên bố trên đã tác động được đa số người dân Cam Bốt, hiện vẫn còn bị ám ảnh bởi cuộc nội chiến và giai đoạn đen tối dưới thời Khmer Đỏ.
Ngược lại, ông Sam Rainsy, người đứng đầu đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, hiện đang lưu vong tại Pháp, lên án chính quyền Phnom Penh ngày càng tham nhũng và mạnh tay trấn áp. Ông Kem Sokha, người thay thế ông Sam Rainsy tại Cam Bốt, khẳng định "ngày càng có nhiều người ủng hộ đảng Cứu Nguy Dân Tộc" và tin rằng có thể lập kỷ lục mới với khoảng 60% số phiếu, nếu cuộc bầu cử lần này không bị gian lận.
Thu Hằng