Hồ trữ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đang cạn dần
Phan Minh, RFI, 24/09/2022
Nhà chức trách Trung Quốc hôm 23/09/2022, đã lần đầu tiên ban bố tình trạng "báo động đỏ" đối với hồ Bà Dương, hồ dự trữ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Do thiếu mưa, mực nước hồ giờ đây đã cạn xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1951.
Hồ Bà Dương, Trung Quốc trong những ngày khô hạn. Reuters – Thomas Peter
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
Đã chạm đáy hồ chưa ? Chưa, nhưng tình hình đã đủ nghiêm trọng để nhà chức trách kích hoạt quy trình "báo động đỏ" này. Mực nước của hồ Bà Dương chỉ còn 7,10 mét hôm thứ Năm 22/09. Các nhà thủy văn học ở tỉnh Giang Tây ở miền trung chưa bao giờ chứng kiến tình trạng khô cằn như vậy kể từ khi các kỷ lục về hạn hán được thiết lập cách đây hơn 70 năm. Do thiếu mưa và nguồn cung cấp nước đã giảm hơn 60% do hạn hán, hồ nước tự nhiên lớn của lưu vực sông Dương Tử đang bị thu hẹp lại một cách nhanh chóng. Hồ đã mất 90% diện tích trong vòng chưa đầy 50 ngày.
Việc hồ bị co lại không phải là điều bất thường vào mùa hè. Hồ có thể mất 4/5 bề mặt vào mùa khô, xuống còn 1.000 km². Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hồ chứa nước ngọt tự nhiên rộng lớn này giờ đây chỉ còn diện tích chưa đầy 250 km².
Các nhánh của con sông lớn nhất Trung Quốc đang rút đi từng ngày, giống như vẽ nên một bông hoa khổng lồ trên đáy khô. Quang cảnh nhìn từ trên không, theo những hình ảnh mà truyền thông nhà nước đăng tải, có thể được xem là tuyệt đẹp, nếu đây không phải là một báo động đỏ. Dự báo thời tiết không thấy có đám mây nào. Nếu trời vẫn không mưa, mực nước hồ có thể giảm xuống dưới 6 mét trong những tuần tới.
Phan Minh
**********************
Các thành phố duyên hải ở Châu Á bị sụt lún nhanh nhất thế giới
AFP, VOA, 24/09/2022
Các thành phố duyên hải ở Nam và Đông Nam Á đang bị sụt lún nhanh hơn các nơi khác trên thế giới, khiến hàng chục triệu người dễ bị tổn thương hơn do mực nước biển dâng cao, theo một nghiên cứu mới.
Các thành phố duyên hải ở Nam và Đông Nam Á đang bị sụt lún nhanh hơn các nơi khác trên thế giới
Theo nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, được công bố trên tạp chí Nature Sustainability vào tuần trước, vì quá trình đô thị hóa nhanh chóng nên các thành phố này phải sử dụng nhiều nước ngầm để phục vụ dân số đang phát triển của họ.
"Điều này khiến các thành phố đang bị tình trạng sụt lún đất cục bộ nhanh chóng có nguy cơ xảy ra các hiểm họa ven biển hơn so với những gì đã thấy vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu".
Trung tâm đô thị đông dân nhất Việt Nam và cũng là trung tâm thương mại chủ chốt, thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm đang bị sụt lún trung bình 16,2 mm, đứng đầu cuộc khảo sát nghiên cứu về dữ liệu vệ tinh từ 48 thành phố ven biển lớn trên thế giới.
Cảng Chittagong ở phía nam Bangladesh đứng thứ hai trong danh sách. Thành phố Ahmedabad phía tây Ấn Độ, thủ đô Jakarta của Indonesia và trung tâm thương mại Yangon của Myanmar cũng chìm hơn 20 mm trong những năm cao điểm.
Nghiên cứu cho biết : "Nhiều thành phố ven biển đang lún nhanh này đang mở rộng nhanh chóng các siêu đô thị, nơi nhu cầu cao về khai thác và tải nước ngầm từ các công trình xây dựng dày đặc đã góp phần làm sụt lún đất ở địa phương".
Hơn 1 tỷ người sống ở các thành phố ven biển gặp nguy cơ nước biển dâng cao vào năm 2050, theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC).
IPCC nói rằng mực nước biển toàn cầu có thể dâng lên tới 60 cm vào cuối thế kỷ này, cho dù là khí thải nhà kính có giảm mạnh đi chăng nữa.
(AFP)