Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới "đừng quên Miến Điện"
Phan Minh, RFI, 23/09/2022
Trước Hội Đồng Nhân Quyền, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Tom Andrews hôm 22/09/2022 đã có một bài phát biểu nhằm đánh động cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng Miến Điện dường như đang bị lãng quên.
Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Tom Andrews, ngày 22/09/2022. AFP – Fabrice Coffrini
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :
Phải chăng Đại Hội Đồng Liên Quốc ở New York đã làm cho cuộc họp của Hội Đồng Nhân Quyền trống vắng đến ba phần tư đại diện các nước ? Tuy nhiên, những lời phát biểu của ông Tom Andrews vẫn còn vang vọng trong hội trường ở Geneve. Vị đặc phái viên người Mỹ đã tố cáo một cách chi tiết, những hành động sách nhiễu của chính quyền quân sự Miến Điện, cũng như việc cộng đồng quốc tế bỏ rơi hồ sơ Miến Điện nhưng nhanh chóng phản ứng trong vấn đề Ukraine.
Ông nói : Không giống như trong hồ sơ Ukraine, không có phiên họp đặc biệt của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và cũng không có bộ phận phản ứng nhanh nào chịu trách nhiệm phong tỏa tài sản của giới tướng lãnh Miến Điện. Hành động có sức thuyết phục lời nói. Và sự tương phản trong hai cuộc xung đột này nói lên rất nhiều điều đối với người dân Miến Điện.
Báo cáo viên đặc biệt cũng đề cập lại về vụ tấn công một trường học cách đây vài ngày và dường như đã giết chết hơn một chục trẻ em. Ông cũng kêu gọi các nước hãy cô lập chính quyền quân sự về mặt kinh tế và chính trị. Ví dụ, qua việc từ chối công nhận cuộc bầu cử mà chính quyền quân sự định tổ chức vào năm tới.
Ông Andrews nói tiếp : Đó sẽ không phải là một cuộc bầu cử. Đó sẽ là một vụ đánh cắp. Không thể có bầu cử tự do nếu bỏ tù, tra tấn và hành quyết các nhà đối lập.
Mặc dù xúc động, ông Tom Andrews vẫn tỏ ra rất thực tế. Ông nói : Tôi biết Hội Đồng Bảo An sẽ không hành động, nhưng các quốc gia riêng lẻ thì cần phải hành động.
Phan Minh
**************************
Hoa hậu Myanmar bị kẹt lại ở sân bay Thái Lan, lo sợ bị bắt nếu về nước
Reuters, VOA, 23/09/2022
Một hoa hậu từng lên tiếng chống đối giới quân đội cầm quyền của Myanmar bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế của Thái Lan 3 ngày nay, tính đến thứ Sáu 23/9. Cô hy vọng sẽ được cấp phép nhập cảnh, trong khi các nhà hoạt động và hãng chủ quản của cô kêu gọi nhà chức trách Thái không đưa cô trở về tổ quốc của cô.
Hoa hậu Han Lay của Myanmar ở Bangkok, Thailand, hồi ngày 31/3/2021 (ảnh tư liệu).
Hoa hậu Han Lay thu hút sự chú ý của quốc tế hồi năm ngoái với bài phát biểu trong cuộc thi hoa hậu về hành động đàn áp chết chóc của quân đội đối với các cuộc biểu tình chống chính quyền ở tổ quốc Myanmar. Những ngày này, cô bị chính quyền Thái Lan từ chối nhập cảnh mặc dù cô đã tị nạn ở Thái Lan trong cả năm qua.
Giờ là người mẫu 23 tuổi, hoa hậu có tên thật là Thaw Nandar Aung, đã bị chặn lại tại sân bay Suvarnhabhumi, Bangkok, hôm 21/9, khi quay lại Thái Lan sau chuyến thăm ngắn ngày ở Việt Nam. Cục xuất nhập cảnh Thái cho biết cô sử dụng giấy thông hành không hợp lệ.
Han Lay nói với Reuters rằng cô đã bị bộ phận xuất nhập cảnh chặn lại và bị giữ một đêm trong phòng tạm giam nhưng "hiện tại đã ổn".
"Tôi đang chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", cô nói qua điện thoại, không tiết lộ hiện tại cô đang ở đâu.
Đội ngũ quản lý sự kiện làm việc với Han Lay cho biết họ hy vọng cô có thể tái nhập cảnh vào Thái Lan.
"Điều duy nhất chúng tôi muốn là cô ấy không quay trở lại Myanmar vì nếu cô ấy quay trở lại, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với cô ấy", một vị đại diện giấu tên cho biết.
Khi được hỏi về trường hợp của Han Lay hôm 23/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat cho hay nhà chức trách "không bắt giữ và không có kế hoạch đưa cô ấy đi bất cứ đâu trong giai đoạn này".
Reuters không thể liên lạc được với người phát ngôn của quân đội Myanmar để đề nghị đưa ra bình luận về trường hợp của Han Lay.
Trong một bài đăng trên Facebook, Han Lay cho biết cảnh sát Myanmar có mặt ở sân bay Bangkok để tìm cách gặp cô, nhưng cô từ chối gặp và đã liên lạc với cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc.
UNHCR cho hay chính sách của họ là không xác nhận về các trường hợp riêng rẽ.
Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra ý kiến trên Twitter rằng chính quyền Thái Lan nên bảo vệ Han Lay và "trong bất kỳ hoàn cảnh nào" cũng đừng trả cô về Myanmar.
(Reuters)