Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/09/2022

Những chủ đề gây căng thẳng, bất đồng trong quan hệ Trung - Nhật

RFI tiếng Việt

Ngày 29/09/2022, Nhật Bản và Trung Quốc kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng song phương leo thang. Theo thủ tướng Fumio Kishida, Tokyo mong muốn quan hệ mang tính "xây dựng và ổn định" với Trung Quốc. Còn chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh muốn hai nước "cùng nhau xây dựng một mối quan hệ phù hợp với những đòi hỏi của một thời đại mới".

trungnhat1

Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Kong Xuanyou phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Nhật Bản, ngày 29/05/2022 tại Tokyo, Nhật Bản. AP - Eugene Hoshiko

Theo hai hãng tin AP và AFP, cho dù sự cải thiện quan hệ giữa hai nước được coi là điều quan trọng cho sự ổn định và thịnh vượng trong vùng, nhưng viễn cảnh này sẽ không diễn ra một sớm một chiều do Nhật Bản và Trung Quốc có thêm nhiều bất đồng, căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây.

Nhật - Trung tranh chấp lãnh thổ từ hơn một thế kỷ

Bất đồng lớn nhất là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo không có người ở trên biển Hoa Đông : Tokyo kiểm soát và gọi là Senkaku ; Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Tokyo đưa ra lập trường là trước đây có một nhà máy hải sản của Nhật Bản hoạt động ở quần đảo và thuộc chủ quyền của họ về mặt lịch sử, cũng như theo luật pháp quốc tế. Phía Trung Quốc khẳng định quần đảo đã bị Nhật Bản chiếm vào năm 1895 và lẽ ra phải được trả lại vào cuối Thế Chiến II.

Quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rất giầu tài nguyên cá và mỏ dầu. Tokyo cáo buộc Bắc Kinh đột nhiên đòi chủ quyền sau khi biết về những nguồn tài nguyên dưới biển được nêu trong một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 1969. Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương ngày 29/09/1972 đã không nêu vấn đề này. Tranh chấp trở nên căng thẳng từ khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo vào năm 2012, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình lớn chống Nhật Bản ở khắp Trung Quốc.

Lực lượng tuần duyên và tầu cá Trung Quốc gia tăng hoạt động trong vùng và thường xuyên vi phạm lãnh hải Nhật Bản. Ông Kenichiro Sasae, giám đốc Viện Đối ngoại Nhật Bản, tỏ ra lo ngại : "Tầu Trung Quốc lượn ở biển Hoa Đông trong vài chục ngày, một hòn đảo nhân tạo cùng với một căn cứ quân sự đã được xây ở Biển Đông. Tham vọng cường quốc hàng hải của Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu ?"

Lo sợ Trung Quốc "thống nhất" Đài Loan bằng vũ lực

Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ "không thể tách rời" và đe dọa dùng vũ lực thâu tóm nếu cần thiết. Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, công khai chỉ trích Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự ở biển Hoa Đông và cũng tìm cách duy trì hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung vì chiến tranh thương mại và Mỹ tuần tra vì tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan, Nhật Bản ngày càng lo ngại về những cấp bách liên quan đến Đài Loan. Vào tháng 08/2022, Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn bao vây Đài Loan để đáp trả chuyến công du Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi và bắn năm tên lửa đạn đạo vào vùng biển gần Okinawa.

Đảo Okinawa nằm ở phía tây nam nhất của Nhật Bản và gần với phía đông bắc của Đài Loan. Việc tên lửa Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế khiến Tokyo tức giận và lập tức triển khai lực lượng quân sự xuống phía tây nam, trong đó có Okinawa và trên nhiều hòn đảo ngay phía đông Đài Loan. Theo bà Amanda Hsiao, nhà phân tích về Trung Quốc của Viện Crisis, Tokyo không khỏi lo lắng rằng một cuộc xung đột vũ trang ở Đài Loan ít nhiều ảnh hưởng đến các vùng biển, không phận quanh Nhật Bản.

Cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine cũng gián tiếp khiến Nhật Bản lo ngại về tham vọng của Trung Quốc. Bắc Kinh không công khai lên án cuộc xâm lược Nga trong khi Tokyo về phe phương Tây phản chiến. Thủ tướng Fumio Kishida không giấu lo lắng : Tình hình ở Ukraine "có thể là tình hình ở Đông Á ngày mai".

Tham vọng quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc

Lo ngại về khả năng xảy ra xung đột Đài Loan là lý do chính buộc Tokyo khẩn cấp nâng cao phòng thủ và tăng ngân sách quốc phòng. Ngoài ra, vào lúc Nga vẫn đang xâm chiếm Ukraine, Bắc Kinh phối hợp với Moskva gia tăng các cuộc tập trận ngay gần bờ biển Nhật Bản. Nhìn rộng hơn, Nhật Bản "lo ngại" về việc Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách để hiện đại hóa quân đội từ 20 năm nay, theo Rumi Aoyama, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Đại học Waseda, ở Tokyo.

Những yếu tố này buộc Tokyo mở rộng mạng lưới đối tác để đối phó với Bắc Kinh. Nhật Bản ủng hộ thúc đẩy liên minh Bộ Tứ - QUAD (với Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ). Ông Fumio Kishida là nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản tham dự thượng đỉnh NATO vào tháng 06/2022 tại Madrid, Tây Ban Nha.

Tiếp theo, chính phủ Nhật Bản đang xét lại chiến lược an ninh quốc gia, theo hướng tăng khả năng tấn công phủ đầu và dự kiến tăng ngân sách quốc phòng, có thể tương đương với 2% GDP từ nay đến 5 năm tới. Đây là bước thay đổi triệt để đối với một đất nước vẫn theo khuynh hướng chủ hòa từ năm 1947. Theo ông Sasae, giám đốc Viện Đối ngoại Nhật Bản, quyết định này có thể dẫn đến những căng thẳng mới mà "Nhật Bản phải cho biết rõ là không có ý định đối đầu quân sự".

Bất đồng về lịch sử chiến tranh và đền thờ Yasukuni

Trung Quốc và Hàn Quốc bị Nhật Bản đô hộ từ năm 1910 đến 1945. Trong chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945), quân đội thiên hoàng đã phạm rất nhiều tội ác man rợ ở Trung Quốc, trong đó có vụ "Thảm sát Nam Kinh", sử dụng vũ khí hóa học và sinh học và thí nghiệm tàn nhẫn trên người ở Mãn Châu, nơi có một đơn vị bí mật về vũ khí sinh học. Gần 40.000 công nhân Trung Quốc bị đưa đến các mỏ than, nhà máy của Nhật Bản và rất nhiều người bỏ mạng vì thiếu ăn, bị ngược đãi.

Trong thông cáo chung ngày 29/09/1972, Bắc Kinh đã từ chối quyền được bồi thường chiến tranh. Đổi lại, theo một số chuyên gia, Tokyo phải xin lỗi và công nhận Trung Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất, có nghĩa là từ bỏ công nhận Đài Loan. Tuy nhiên, trong suốt 4 thập niên sau, Nhật Bản vẫn viện trợ phát triển tổng cộng khoảng 25 tỉ đô la cho Trung Quốc.

Đền thờ Yasukuni ở Tokyo cũng là mối bất đồng lịch sử. Bị coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, đền Yasukuni tưởng niệm 2,5 triệu người chết vì chiến tranh, nhưng có cả những tội phạm chiến tranh bị kết án. Đối với Bắc Kinh, cũng như Seoul, việc các bộ trưởng và nghị sĩ Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni thể hiện thái độ thiếu ăn năn về cuộc xâm lược thời chiến.

An ninh kinh tế phụ thuộc lẫn nhau

Dù có nhiều bất đồng, hai nước lại phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Do là đồng minh quan trọng của Mỹ nên Tokyo luôn ở trong thế khá tế nhị, phải cân bằng giữa hai cường quốc. Để đối phó với chính quyền Bắc Kinh ngày càng tự tin gây sức ép để các nước đi theo những dự án của Trung Quốc, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (BRI)… Nhật Bản, cùng với Mỹ, cũng tìm cách tăng cường an ninh kinh tế với những nền dân chủ khác trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, bảo vệ các công nghệ nhạy cảm…

Theo giáo sư Sasae, Bắc Kinh cho rằng Tokyo "chỉ nghe theo những gì Mỹ nói". Còn cựu thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda, người vận động nhiệt tình cho cải thiện quan hệ với Trung Quốc, khẳng định những xích mích giữa Tokyo và Bắc Kinh phần lớn là do những vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói : "Vấn đề là cần biết liệu thương mại thế giới có hoạt động tốt hơn bằng cách loại Trung Quốc ra hay không".

Chính sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế dường như là "yếu tố quyết định để ngăn mối quan hệ song phương rơi tự do", theo đánh giá của giáo sư sử học Aurelio Insisa, Đại học Hồng Kông. Cách đây vài năm, quan hệ song phương tưởng chừng thăng hoa với kế hoạch chuyến thăm cấp Nhà nước của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hiện tại, Tokyo dự tính tổ chức trong những tháng tới một cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, không giữ liên lạc từ sau cuộc điện đàm tháng 10/2021.

Tuy nhiên, liệu lợi ích thương mại có đủ để hâm nóng mối quan hệ song phương hay không ? Giáo sư Insisa cho rằng "cách hành xử với láng giềng của Bắc Kinh và cách Tokyo tiếp nhận thái độ đó là hai nhân tố chính có khả năng làm thay đổi tình hình hiện nay". Tuy nhiên, ông lại "không đánh cược vào bất kỳ sự cải thiện nào từ cả hai phía".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 30/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 314 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)