Covid-19 : Thế giới phản ứng khác nhau với dịch bùng phát ở Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 30/12/2022
Ngoài Hoa Kỳ, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng với Trung Quốc, đã quyết định áp dụng nhiều biện pháp hạn chế để kiểm soát dòng người đến từ Trung Quốc. Ngày 29/12/2022, tổng giám đốc Tổ chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom, cho rằng các biện pháp đó là "dễ hiểu", vì Bắc Kinh không cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh.
Hành khách đến từ Trung Quốc được xét nghiệm Covid khi đến sân bay Milan Malpensa, Ý, ngày 29/12/2022. AP - Alessandro Bremec
Kể từ ngày 30/12, Nhật Bản bắt buộc xét nghiệm ở ngay cửa khẩu đối với người đến từ Trung Quốc. Những người nhiễm Covid có triệu chứng sẽ bị cách ly 7 ngày, còn những người không có triệu chứng thì cách ly 5 ngày. Hàn Quốc thì yêu cầu chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với du khách đến từ Trung Quốc cho đến cuối tháng 02/2023. Trước đó, Mỹ, Ý, Đài Loan, Ấn Độ cũng thông báo áp dụng biện pháp tương tự. Malaysia cho biết sẽ theo dõi mọi trường hợp có biểu hiện sốt từ các chuyến bay quốc tế.
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa có biện pháp thống nhất. Trong một thông cáo ngày 29/12, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDE) cho rằng yêu cầu bắt buộc xét nghiệm Covid-19 trên quy mô toàn khối đối với du khách đến từ Trung Quốc là "không có cơ sở". Theo cơ quan này, các nước Liên Âu "đã có độ miễn dịch và tỉ lệ tiêm chủng tương đối cao" và "các biến thể ở Trung Quốc đã có ở Liên Âu".
Nếu như tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tỏ ra thông cảm với "các nước muốn bảo vệ người dân" trước làn sóng dịch phức tạp ở Hoa lục, truyền thông Trung Quốc hôm 29/12 cáo buộc biện pháp hạn chế của nhiều nước đối với hành khách đến từ Trung Quốc là "không có cơ sở" và "phân biệt", trong khi Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ cách ly bắt buộc những người nhập cảnh Trung Quốc kể từ ngày 08/01/2023. Tuy nhiên, hành khách vẫn phải trình chứng nhận xét nghiệm âm tính 48 giờ trước đó.
Dù dịch bùng phát mạnh, các nhà hỏa táng bị quá tải, nhưng Trung Quốc thông báo chỉ có thêm 5.000 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 29/12.
Thu Hằng
***************************
Thiếu thông tin về số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Trung Quốc gây lo ngại toàn cầu
AP, VOA, 30/12/2022
Việc một số quốc gia yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách đến từ Trung Quốc phản ánh mối lo ngại toàn cầu rằng có thể đã xuất hiện các biến thể mới của virus trong đợt bùng phát dịch đang diễn ra, và có lẽ chính phủ Trung Quốc không thông báo kịp thời cho phần còn lại của thế giới.
Một bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, 28/12/2022.
Trung Quốc lâu nay bị cáo buộc là đã không công khai về loại virus này kể từ khi nó xuất hiện lần đầu tiên ở nước này vào cuối năm 2019.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Ý đã công bố các yêu cầu về xét nghiệm đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Hoa Kỳ viện dẫn lý do gồm cả sự gia tăng các ca nhiễm lẫn tình trạng mà Mỹ gọi là thiếu thông tin, bao gồm cả thông tin về trình tự gen của các chủng virus ở Trung Quốc.
Các nhà chức trách ở Đài Loan và Nhật Bản cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.
Mỗi ca nhiễm mới đều tạo cơ hội cho virus corona đột biến và dịch đang lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc. Các nhà khoa học không khẳng định liệu tình trạng lây nhiễm tăng vọt có sản sinh ra một biến chủng mới trên thế giới hay không - nhưng họ lo rằng điều đó có thể xảy ra.
Wu Zunyou, trưởng bộ phận dịch tễ học tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, nói hôm thứ Năm 29/12 rằng Trung Quốc luôn báo cáo kịp thời các chủng virus mà họ phát hiện ra.
Ông phát biểu: "Chúng tôi không giữ bí mật gì cả. Mọi công việc đều được chia sẻ với thế giới".
Trung Quốc đã rút lại nhiều hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch vào đầu tháng này, tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh chóng ở một quốc gia từng chứng kiến tương đối ít ca nhiễm kể từ đợt bùng phát khủng khiếp ban đầu ở thành phố Vũ Hán.
Tiến sĩ David Dowdy, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công Johns Hopkins Bloomberg, nhận xét rằng động thái của Hoa Kỳ có thể nhằm tăng áp lực buộc Trung Quốc phải chia sẻ nhiều thông tin, hơn là ngăn chặn một biến thể mới xâm nhập vào Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã bị cáo buộc là che giấu tình hình virus ở nước này trong thời gian trước đây. Một cuộc điều tra của AP cho thấy chính phủ đã ỉm việc công bố thông tin di truyền về virus trong hơn một tuần sau khi giải mã được nó, khiến các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bất bình.
Chính phủ Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ việc phổ biến thông tin về nghiên cứu của Trung Quốc về virus, cản trở sự hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.
Nghiên cứu về nguồn gốc của virus cũng đã bị cản trở. Một nhóm chuyên gia của WHO cho biết trong một báo cáo trong năm nay rằng "một số dữ liệu quan trọng" về việc đại dịch bắt đầu bùng phát như thế nào đã bị mất, và họ kêu gọi cần tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu hơn.
(AP)
Nguồn : VOA, 30/12/2022
*****************************
Mỹ đòi hành khách đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm Covid, còn Anh đang cân nhắc
BBC, 29/12/2022
Hoa Kỳ trở thành quốc gia mới nhất áp dụng xét nghiệm Covid đối với du khách đến đến từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ mở lại biên giới vào tuần tới.
Trung Quốc bắt đầu mở lại biên giới sau ba năm
Ý, Nhật Bản, Đài Loan và Ấn Độ cũng công bố yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với du khách Trung Quốc.
Sau ba năm đóng cửa với thế giới, Trung Quốc sẽ cho người dân đi lại tự do hơn từ ngày 8/1/2023.
Nhưng làn sóng lây nhiễm Covid mới đang diễn ra trong đất nước này đã làm dấy lên sự cảnh giác từ các quốc gia khác.
Trung Quốc đang báo cáo khoảng 5.000 trường hợp mỗi ngày, nhưng các nhà phân tích nói rằng những con số thống kê như vậy là quá ít - và con số nhiễm thực sự mỗi ngày có thể lên tới gần một triệu.
Các bệnh viện ở Trung Quốc hiện quá tải và người dân chật vật tìm các loại thuốc cơ bản, theo báo cáo.
Hôm thứ Tư (28/12), Hoa Kỳ cho biết việc thiếu dữ liệu Covid "đầy đủ và minh bạch" ở Trung Quốc đã góp phần dẫn đến quyết định yêu cầu xét nghiệm Covid từ ngày 5/1/2023 đối với khách du lịch vào nước này từ Trung Quốc, Hong Kong và Macau.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết điều này là cần thiết "để giúp làm chậm sự lây lan của virus khi chúng tôi làm việc để xác định... bất kỳ biến thể mới tiềm năng nào có thể xuất hiện".
Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư nói rằng các quy tắc về virus corona chỉ nên được đưa ra trên cơ sở "khoa học" và cáo buộc các nước và phương tiện truyền thông phương Tây "thổi phồng" tình hình.
Bộ này cũng nói rằng "hiện tại sự phát triển của tình hình dịch bệnh của Trung Quốc là có thể dự đoán được và trong tầm kiểm soát".
Một số người đã phản ứng giận dữ trên mạng xã hội bị kiểm duyệt của Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng tất cả các quốc gia nước ngoài đã mở cửa. Đây không phải là phân biệt chủng tộc sao?" một bình luận nhận được 3.000 lượt thích trên Weibo.
Nhưng những người khác cho biết họ hiểu lý do của các điều kiện này : "Điều này không là gì so với tất cả những hạn chế mà chúng ta áp dụng đối với những người vào Trung Quốc," một người dùng viết.
Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Nhưng không rõ có bao nhiêu người Trung Quốc sẽ ra nước ngoài sau ngày 8/1 do số lượng chuyến bay bị hạn chế và nhiều công dân cần gia hạn hộ chiếu.
Một số quốc gia đã áp dụng các hạn chế đối với du khách Trung Quốc :
Nhật Bản : từ thứ Sáu 30/12, du khách từ Trung Quốc sẽ được xét nghiệm Covid khi đến nơi. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải cách ly trong tối đa bảy ngày. Số chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cũng sẽ bị hạn chế
Ấn Độ : những người đi từ Trung Quốc và bốn quốc gia Châu Á khác phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid trước khi đến. Hành khách dương tính cũng sẽ bị cách ly
Đài Loan cho biết những người đến trên các chuyến bay từ Trung Quốc, cũng như bằng thuyền tại hai hòn đảo, sẽ phải thực hiện xét nghiệm Covid khi đến đây từ ngày 1/1 đến ngày 31/1. Người có kết quả dương tính sẽ có thể cách ly tại nhà
Trong khi đó, Malaysia đã áp dụng các biện pháp theo dõi và giám sát bổ sung
Ý cũng đã áp dụng xét nghiệm Covid bắt buộc đối với du khách đến từ Trung Quốc
Trung Quốc bắt đầu mở cửa du lịch trong và ngoài nước lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020
Vương quốc Anh đang cân nhắc
Ủy ban Châu Âu cho biết ủy ban an ninh y tế của họ được triệu tập vào thứ Năm để thảo luận về "các biện pháp khả thi cho cách tiếp cận phối hợp của EU" đối với sự gia tăng Covid của Trung Quốc.
Cơ quan này sau đó nói việc theo dõi người từ Trung Quốc tới là "không công bằng", và làn sóng lây nhiễm "không bị cho là sẽ gây ảnh hưởng" tới EU.
Nhưng Ý, một quốc gia thành viên EU và là tâm điểm của virus vào cuối năm 2019 và 2020, cho biết họ đang hành động trước để "đảm bảo giám sát và xác định" bất kỳ biến thể mới nào của virus.
Các chuyến bay đến Milan trong tuần này đã xét nghiệm hành khách đến từ Trung Quốc. Nhà chức trách phát hiện 52% hành khách nhiễm Covid trên một chuyến bay hạ cánh hôm 26/12.
Thủ tướng Giorgia Meloni kêu gọi xét nghiệm rộng rãi trên toàn EU đối với hành khách Trung Quốc, và cho rằng các biện pháp của riêng mình Ý có thể không hiệu quả.
Chính phủ Anh đang xem xét liệu có nên đưa ra các hạn chế Covid đối với du khách đến từ Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết.
Ông Wallace cho biết Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp nhận các lời khuyên y tế và thảo luận với Bộ Y tế.
Trước đó, một cựu bộ trưởng y tế đã kêu gọi chính phủ cân nhắc xét nghiệm Covid với người đến từ Trung Quốc.
Khi được hỏi liệu chính phủ có xem xét các hạn chế hay không, ông Wallace nói: "Chính phủ đang xem xét, việc này đang được cân nhắc, chúng tôi nhận thức rõ những gì Hoa Kỳ đã làm và Ấn Độ và tôi nghĩ Ý đã xem xét chuyện này."
"Chúng tôi luôn xem xét một cách rõ ràng các mối đe dọa sức khỏe đối với Vương quốc Anh, bất kể chúng có thể ở đâu."
Lord Bethell, người từng là thứ trưởng y tế trong thời kỳ đại dịch, cho biết có lý do chính đáng để xem xét xét nghiệm hành khách khi họ hạ cánh, một chính sách mà Ý đã áp dụng.
"Những gì người Ý đang làm là giám sát sau chuyến bay đối với những người đến Ý, để hiểu liệu có bất kỳ biến thể mới nổi nào hay không và để hiểu tác động của virus lên hệ thống y tế Ý," ông nói với chương trình Today của BBC Radio 4.
"Đó là một việc làm hợp lý và là điều mà chính phủ Anh nên nghiêm túc xem xét."
Ông nói thêm : "Quý vị phải nhận thức rõ rằng rất nhiều người lên những chuyến bay này, từ kinh nghiệm chúng tôi đã rút ra, là những người mà bản thân họ không được khỏe và đến phương Tây để được trợ giúp y tế.
"Đó là một viễn cảnh khá khó khăn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta và điều quan trọng là chúng ta phải biết ai trong số họ đã nhiễm virus và họ đã nhiễm loại virus nào."
Tuy nhiên, ông tỏ ra nghi ngờ chính sách xét nghiệm trước chuyến bay, như Hoa Kỳ đang làm. Điều này được đưa ra để làm chậm sự lây lan của virus, nhưng Lord Bethell cho biết việc cố gắng kiềm chế virus corona "giống như cố gắng ngăn chặn biển cả".
Nguồn : BBC, 29/12/2022
**********************
Liên Âu họp khẩn để "phối hợp đối phó" dịch Covid-19 ở Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 29/12/2022
Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ chiến lược "Zero Covid" khiến nhiều nước trên thế giới lo ngại, do số ca nhiễm tại Trung Quốc tăng mạnh và có nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói chuyện với giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla tại nhà máy của Pfizer ở Puurs, Bỉ, ngày 23/04/2021. AP - John Thys
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và người dân Trung Quốc không còn bị cấm xuất cảnh, Ủy Ban Châu Âu triệu tập phiên họp khẩn vào sáng 29/12/2022 để "thảo luận các biện pháp có phối hợp" giữa các nước thành viên Liên Âu và các cơ quan y tế của khối.
Bruxelles phải tìm cách làm sao để tránh tình trạng các nước thành viên đơn phương đưa ra các biện pháp hạn chế ở biên giới, như đã xảy ra hồi đầu đại dịch vào mùa xuân 2020.
Thông tín viên RFI Laxmi Lota tại Bruxelles cho biết thêm :
"Bộ trưởng Y tế Ý đã quyết định bắt buộc xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Ông giải thích đó là "một biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Ý".
Tại Bỉ, thị trưởng Bruges, thành phố nổi tiếng du lịch nhất, muốn giám sát du khách Trung Quốc ra vào thông qua chứng nhận xét nghiệm hoặc tiêm chủng. Ông muốn có các quyết định ở cấp Liên Hiệp Châu Âu. Còn Pháp cho biết "sẵn sàng nghiên cứu mọi biện pháp cần thiết, tùy theo diễn biến tình hình ở Trung Quốc".
Theo những khuyến nghị gần đây nhất của Hội Đồng Châu Âu, được công bố ngày 13/12, không một nước thành viên nào hạn chế việc nhập cảnh vào lãnh thổ vì lý do y tế cộng đồng, trừ trường hợp xuất hiện một loại biến thể mới hoặc tình hình dịch nghiêm trọng trở lại. Trường hợp này đã xảy ra hồi tháng 11/2021 : khối 27 nước đã nhất trí đóng cửa biên giới bên ngoài Liên Âu đối với nhiều nước miền nam Châu Phi sau khi biến thể Omicron xuất hiện".
Trả lời đài phát thanh France Classique sáng 29/12, nhà dịch tễ học Pháp Brigitte Autran, chủ tịch Ủy ban theo dõi và dự đoán nguy cơ dịch tễ, cho rằng "hiện chưa cần phải thiết lập các biện pháp kiểm tra đặc biệt ở biên giới", vì "tình hình được kiểm soát" và "những thông tin khoa học mà chúng tôi có chưa cho thấy xuất hiện những biến thể đáng ngại ở Trung Quốc".
Thu Hằng
*************************
Ấn Độ sẵn sàng đối phó với làn sóng Covid-19 tại Trung Quốc
Phan Minh, RFI, 29/12/2022
Đối mặt với sự bùng nổ các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối hành khách trên các chuyến bay đến từ Trung Quốc và kêu gọi bệnh viện trên toàn quốc luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nhân viên y tế tại bệnh viện Ahmedabad, Ấn Độ, 27/12/2022 chuẩn bị đón các bệnh nhân Covid mới. AP - Ajit Solanki
Từ Bangalore, thông tín viên RFI Côme Bastin tường trình :
"Với chưa đến 200 ca nhiễm mỗi ngày, Ấn Độ dường như đã thoát khỏi dịch Covid, mặc dù số người xét nghiệm cũng giảm mạnh. Nhưng làn sóng dữ dội và gây nhiều chết chóc của biến thể Delta vào năm 2021 vẫn khiến nhiều người cảm thấy lo lắng.
Chính phủ không muốn một lần nữa bị cáo buộc đã tỏ ra khinh suất. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bang trong nước cung cấp cho bệnh viện giường và nguồn oxy, mô phỏng các tình huống khẩn cấp, trong khi các trung tâm nghiên cứu về gen tìm cách xác định các biến thể mới.
Tuy nhiên, theo nhà toán học và dịch tễ học Manindra Agrawal, mọi người chưa cần phải hoảng sợ : "Các mô hình dự đoán của chúng tôi cho thấy 92% người dân Ấn Độ đã phát triển khả năng miễn dịch để chống lại virus. Thật khó để so sánh Ấn Độ với Trung Quốc, quốc gia đã áp dụng chính sách zero-Covid trong vòng 3 năm. Virus đã không lưu hành và nhất là vacxin của Trung Quốc thì không đáng tin cậy. Chính phủ Ấn Độ hành động, chủ yếu để tránh bị chỉ trích".
Với thuật ngữ có phần phân biệt chủng tộc "virus Trung Quốc" đang quay trở lại, một số chuyên gia lên án việc mối lo ngại dịch tễ vào mục đích chính trị. Phe đối lập bị cáo buộc tổ chức các cuộc mít tinh và điều này không làm cho đảng cầm quyền Nhân dân Ấn Độ (BJP) phải bận tâm khi biến thể Ấn Độ, được đổi tên thành biến thể Delta, bùng nổ ở nước này".
Phan Minh
*************************
Covid-19 : Mỹ siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 28/12/2022
Hoa Kỳ lo ngại về làn sóng khách Trung Quốc sau khi Bắc Kinh hủy chính sách Zero-Covid, dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc với người nhập cảnh. Hôm 28/12/2022, chính quyền Mỹ cho biết xem xét siết chặt kiểm soát dịch tễ đối với khách từ Trung Quốc, để tránh bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ. Giới chuyên gia Hoa Kỳ, Châu Âu và nhiều nơi khác lo ngại từ Trung Quốc sẽ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, nhất là vì Bắc Kinh che giấu thông tin về dịch.
Hành khách tại sân bay quốc tế Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ, ngày 24/12/2021. AP - David Zalubowski
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một số giới chức Hoa Kỳ xin ẩn danh, nhấn mạnh là "cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về các làn sóng dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và việc chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thiếu minh bạch dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu về giải trình tự gien virus". Các giới chức Mỹ dẫn lại các lo ngại của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời cho biết là Mỹ có thể áp dụng các biện pháp tương tự như Nhật Bản, Ấn Độ và Malaysia, cụ thể là buộc khách Trung Quốc phải xét nghiệm PCR khi nhập cảnh.
Ngay sau quyết định của Bắc Kinh tối thứ Hai 26/12 giảm nhẹ tối đa các biện pháp phòng dịch đối với người nhập cảnh kể từ ngày 08/01/2023, số người Trung Quốc mua vé bay ra nước ngoài tăng vọt. Quyết định của Bắc Kinh gây phấn chấn tại Trung Quốc sau 3 năm giao thông hàng không với bên ngoài gần như tê liệt.
Schengen cần lập lại kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc
Ngoài Hoa Kỳ và các nước Châu Á nêu trên, nhiều chuyên gia ở Châu Âu ủng hộ kiểm soát dịch tễ đối với khách đến từ Trung Quốc. Theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, đại học Genève, Thụy Sĩ, "toàn bộ không gian đi lại tự do Schengen cần thiết lập nhanh chóng trở lại việc kiểm soát dịch tễ, với việc xét nghiệm và giải trình tự gien virus". Nhà dịch tễ học Thụy Sĩ lưu ý : "Chỉ có như vậy mới có thể ghi nhận được kịp thời sự xuất hiện của các biến thể mới mà chúng ta đang lo ngại. Và điều này cho phép chuẩn bị sớm và tốt hơn các biện pháp đối phó".
Đài France 24 cũng dẫn lời chuyên gia dịch tễ học Pháp Mircea Sofonea, Đại học Montpellier, cho biết rõ hiểm họa đáng sợ là "việc xuất hiện của một biến chủng mới, khác xa với biến chủng Omicron phổ biến hiện nay, sẽ vô hiệu hóa cơ chế miễn dịch thông qua vac-xin và con đường miễn dịch tự nhiên". Việc dịch bệnh bùng phát mạnh tạo cơ hội cho virus dễ dàng đột biến. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault nhấn mạnh : "Nguy cơ này là hiển nhiên khi virus lan truyền tại một đất nước 1,4 tỷ dân, và trong một cộng đồng dân cư còn rất ít được miễn dịch".
Trọng Thành
*************************
Covid-19 : Hồng Kông ráo riết chuẩn bị mở cửa với Hoa lục
Anh Vũ, RFI, 28/12/2022
Sau quyết định của Bắc Kinh chấm dứt cách ly bắt buộc du khách đến Trung Quốc, lãnh đạo Hồng Kông, ông Lý Gia Siêu (John Lee), hôm 27/12/2022, khẳng định các hoạt động trao đổi qua lại giữa đặc khu hành chính và Trung Quốc đại lục sẽ được nối lại "trước giữa tháng Giêng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/12/2022. © Li Tao / AP
Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông :
Thông báo mở cửa trở lại biên giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc từ giữa tháng Giêng đang gây xáo động nhiều lĩnh vực ở Hồng Kông, nơi mà trước đại địch Covid, du khách Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn trong lĩnh vực bán lẻ.
Hải quan Hồng Kông đang chuẩn bị mở lại những trạm biên giới mà đa số đã bị đóng cửa, tương tự với nhà ga tốc hành nối với mạng lưới đường sắt Trung Quốc.
Các dịch vụ xe ca chở khách du lịch, hiện đang thiếu lái xe, đang hoang mang, lo lắng. Từ 3 năm nay, các đội xe không còn hoạt động ở Hồng Kông.
Hãng hàng không Hồng Kông Cathay Pacific đang cần 700 phi công để đáp ứng với nhu cầu chuyến bay cực lớn đến Trung Quốc.
Nhân lực cũng đang thiếu trầm trọng trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, do đã từ năm 2020 đã có 200 nghìn người rời khỏi Hồng Kông.
Thông báo trên được mong chờ từ nhiều tháng qua và được đưa ra vào đúng lúc mà tại Trung Quốc cũng như Hồng Kông, số ca nhiễm Covid những ngày qua bùng phát dữ dội. Sau ngày Noel, thời gian chờ cấp cứu tại nhiều bệnh viện ở Hồng Kông phải mất tới 8 tiếng. Các kho thuốc Paracetamol đã bị cạn kiệt.
Anh Vũ