Trung Quốc, Philippines cam kết tìm giải pháp "hữu nghị" cho tranh chấp Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 05/01/2023
Trung Quốc và Philippines cam kết giải quyết những bất đồng ở Biển Đông thông qua "tham vấn hữu nghị". Ngày 04/01/2023, khi tiếp tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Bắc Kinh, chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng nối lại đàm phán về khai thác dầu khí chung với Philippines.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cùng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/01/2023. AP - Shen Hong
Theo đài truyền hình Nhà nước CCTV, ông Tập Cận Bình nói với ông Marcos Jr. rằng Trung Quốc mong muốn mang "thêm năng lượng tích cực cho hòa bình và ổn định ở trong vùng" và "khuyến khích hợp tác để phát triển dầu khí ở những vùng không có tranh chấp".
Tổng thống Philippines công du Bắc Kinh vào lúc Trung Quốc bị cáo buộc bồi đắp nhiều thực thể đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Trong cuộc họp ngày 04/01, nguyên thủ hai nước kêu gọi "tham vấn hữu nghị để giải quyết một cách thỏa đáng những vấn đề hàng hải" dựa trên Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Theo thông cáo chung, được trang CNN Philippines trích dẫn, một cơ chế liên lạc trực tiếp đã được thiết lập giữa Ủy ban Biên giới và Hàng hải thuộc bộ ngoại giao Trung Quốc và Văn phòng Hàng hải và Đại dương thuộc bộ ngoại giao Philippines để tránh "mọi sai lầm về tính toán và trao đổi" ở Biển Đông. Ông Tập Cận Bình và ông Marcos Jr. đánh giá đường dây liên lạc này nhằm củng cố niềm tin và cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau.
Ngoài vấn đề chủ quyền lãnh hải, Philippines và Trung Quốc đã ký 14 thỏa thuận song phương trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, an ninh hàng hải, đánh bắt hải sản, cơ sở hạ tầng, du lịch, giáo dục. Tổng thống Marcos Jr. kết thúc chuyến công du Trung Quốc hôm nay.
Thu Hằng
***********************
Trung Quốc, Philippines nhất trí giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tăng cường hợp tác
VOA, 05/01/2023
Trung Quốc và Philippines đồng ý thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa hai bộ ngoại giao về Biển Đông để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, hai nước cho biết hôm thứ Năm 5/1.
Chủ tịch Tập của Trung Quốc và Tổng thống Marcos của Philippines duyệt đội danh dự ở Bắc Kinh, 4/1/2023.
Thỏa thuận của hai nước bao gồm 14 mục nhằm hạ nhiệt căng thẳng an ninh và thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 4/1, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định rằng hai quốc gia sẽ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Phát biểu khi trở về Manila, ông Marcos cho biết Philippines sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và sẵn sàng hợp tác vì hòa bình khu vực cũng như lợi ích quốc gia của hai nước.
Hai bên cũng nhất trí nối lại đàm phán về thăm dò dầu khí ở Biển Đông và thảo luận hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm cả năng lượng mặt trời, gió, ô tô điện và năng lượng hạt nhân.
Lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc và Philippines cũng sẽ gặp nhau "càng sớm càng tốt" để thảo luận về "sự hợp tác thực chất".
Hai nước sẽ xem xét việc thông báo cho nhau khi bắn tên lửa và hợp tác về thu dọn các mảnh vỡ tên lửa, hai nước cho hay trong tuyên bố chung.
Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải và hàng không và sẽ tổ chức đối thoại thường niên về an ninh.
Về hợp tác kinh tế, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thêm nhiều hàng Philippines, với mục đích đưa thương mại song phương trở lại hoặc vượt qua mức kim ngạch trước đại dịch.
Hai bên cũng hứa hẹn sẽ tăng lượng khách du lịch và các chuyến bay giữa hai thủ đô lên mức trước đại dịch.
Họ cũng cho biết hai bên sẽ hợp tác trong việc mua vắc xin. Trung Quốc là một trong những nước xuất khẩu vắc xin Covid-19 hàng đầu thế giới.
Hai bên cũng gia hạn thỏa thuận về Sáng kiến Vành đai-Con đường, là chiến lược mang tính dấu ấn của ông Tập về đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.
Thư ký báo chí Philippines cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc cam kết đầu tư 22,8 tỷ đô la sau cuộc họp về hoạt động kinh doanh với ông Marcos.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 05/01/2023
***********************
Tổng thống Philippines muốn "tăng cường" hợp tác kinh tế với Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 04/01/2023
Tổng thống Philippines Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. bắt đầu chuyến công du Trung Quốc ngày 04/01/2023 với cuộc họp với ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại để giúp hai nước vượt qua đại dịch Covid-19 là những chủ đề chính của cuộc trao đổi.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong cuộc họp với chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/01/2023. AP
Trong cuộc họp với ông Lật Chiến Thư, tổng thống Philippines nhấn mạnh Manila "coi trọng việc tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines". Chủ tịch Hạ viện Philippines Martin Romualdez, được trang Philstar trích dẫn ngày 04/01, đánh giá cuộc gặp giữa hai nhà lanh đạo là "một lời cam kết tích cực". Ông Lật Chiến Thư đề cập đến việc hai nước cần phát triển nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, thương mại, đầu tư, đặc biệt là trao đổi giữa người dân.
Trước khi hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay, tổng thống Marcos Jr. hy vọng rằng "các hiệp định quan hệ đối tác giúp ổn định và củng cố nền kinh tế của chúng ta" sẽ kết nối hai nước với nhau. Theo AFP, hai nước sẽ ký khoảng 14 thỏa thuận song phương trong chuyến công du của tổng thống Philippines kết thúc ngày 05/01.
Trước khi lên đường công du Bắc Kinh, tổng thống Marcos Jr. cho biết hy vọng thảo luận với chủ tịch Trung Quốc "những vấn đề về an ninh chính trị cũng như quan hệ song phương và trong vùng", vì theo ông, "những vấn đề giữa hai nước chúng ta là những vấn đề không có chỗ đứng giữa hai quốc gia bằng hữu".
Theo dự kiến, Philippines và Trung Quốc cũng sẽ lập đường dây liên lạc trực tiếp để tránh "mọi sai lầm về tính toán và thông tin ở Biển Tây Philippines ( Biển Đông )». Trước đó, ngày 22/12/2022, Philippines thông báo tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông sau khi có thông tin về việc Trung Quốc bồi đắp nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa, khu vực mà Việt Nam cũng khẳng định toàn bộ chủ quyền.
Thu Hằng