Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/01/2017

Thời sự Hồng Kông : mô hình Bắc Kinh, tư pháp

tổng hợp

Một đề án bảo tàng theo mô hình Bắc Kinh gây phẫn nộ (RFI, 11/01/2017)

hongkong1

Biểu tình ở Hồng Kông phản đối dự án xây bảo tàng theo kiểu Cấm Thành, Bắc Kinh. Ảnh ngày 10/01/2017. Reuters

Hồng Kông đang muốn mở một chi nhánh của một viện bảo tàng nổi tiếng ở Bắc Kinh hầu củng cố tính ‘văn hóa’ của đặc khu hành chính. Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP ngày 11/01/2017, dự án đã bị nhiều người phản đối cho đấy là thêm một dấu hiệu đi theo Trung Quốc trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật và trong bối cảnh người dân Hồng Kông ngày càng bực bội trước việc Bắc Kinh siết chặt quyền kiểm soát đối với họ.

Với các bộ sưu tầm đồ gốm, tranh, nữ trang, ngọc, đồng hồ từ hàng thế kỷ qua nhiều triều đại, bảo tàng chiếm một khoảng diện tích lớn ở Cấm Thành, Bắc Kinh, thu hút hàng triệu khách đến xem hàng năm. Đây là bảo tàng mà lãnh đạo Hồng Kông nhòm ngó và muốn có một phiên bản trên lãnh thổ này.

Những người chủ trương, theo AFP, giải thích là nhánh bảo tàng này sẽ tô điểm thêm nét văn hóa cho Hồng Kông, một nơi chỉ được biết qua các tòa nhà chọc trời và ngân hàng. Khách đến đây sẽ có thể xem những vật quý báu mà Bắc Kinh cho mượn dài hạn.

Những người chống đối dự án lại nhìn dưới gốc độ khác, đó là Hồng Kông muốn làm vui lòng Bắc Kinh.

Trả lời AFP, Avery Ng, chủ tịch Liên Đoàn Xã Hội Dân Chủ, nhận thấy là dự án không chú ý đến tính cách của Hồng Kông, lịch sử của vùng đất này và những khía cạnh đen tối của lịch sử Trung Quốc.

Những ý kiến khác cho là bảo tàng mới này có thể là một điều tốt, nếu dự án được đề cập một cách minh bạch.

Người dân đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối đề án bảo tàng dự kiến xây ở Kowloon (bán đảo Cửu Long). Một số người còn ném hình xe tăng bằng giấy vào lãnh đạo Hông Kông nhắc lại vụ đàn áp phong trào sinh viên Thiên An Môn.

Theo ông Lee Cheuk–Yan, người tổ chức các lễ tưởng niệm hàng năm phong trào Thiên An Môn thì "quyết định mà không tham khảo ý kiến là cách tiếp cận độc tài".

Theo dự kiến của những người chủ trương, viện bảo tàng sẽ mở cửa vào năm 2022 và sẽ được Jokey Club, quản lý đua ngựa, cá độ, vé số, tài trợ ở mức 3,5 tỷ đô la Hồng Kông.

Trước làn sóng chỉ trích, chính quyền vào hôm nay đã mở chiến dịch tham khảo ý kiến quần chúng về dự án, cấu trúc, chương trình của bảo tàng. Cuộc tham khảo ý kiến sẽ kéo dài trong 6 tuần lễ, tuy nhiên không hỏi ý kiến về việc có nên xây bảo tàng này hay không, về tính chính đáng, hợp lý của nó.

Trả lời AFP nhiều người dân rất dè dặt không mấy tán đồng, xem đây là một nỗ lực "lục địa hóa Hồng Kông, xóa nhòa văn hóa" của đặc khu hành chính.

Mai Vân

****************

Giới luật gia Hồng Kông phản đối Bắc Kinh can thiệp vào tư pháp (RFI, 10/01/2017)

hongkong2

Luật gia Mã Đạo Lập (bên trái), người đứng đầu ngành tòa án Hồng Kông, phát biểu nhân dịp đầu năm mới ngày 09/01/2017. REUTERS/Bobby Yip

Giới luật gia Hồng Kông hôm qua, thứ Hai 9 tháng Giêng 2017, đồng loạt bày tỏ thái độ lo ngại trước việc chính quyền Trung Quốc can thiệp vào hệ thống tư pháp của đặc khu trong thời gian gần đây, đặc biệt với các áp lực nhằm phê truất hai dân biểu, đắc cử hồi tháng 9/2016.

Ngày 07/11/2016, Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc dựa vào điều 104 của Luật Căn Bản, tức Hiến pháp Hồng Kông, yêu cầu tư pháp đặc khu loại trừ các nghị sĩ có quan điểm ly khai với Trung Quốc. Hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), có quan điểm đòi độc lập cho Hồng Kông, bị một tòa án cấp dưới của Hồng Kông phế truất, với lý do không tuân thủ các quy định về tuyên thệ, khi giương khẩu hiệu "Hồng Kông không phải là Trung Quốc" trong buổi lễ nhậm chức ngày 12/10/2016.

Phát buổi trong buổi lễ khai mạc năm mới hành chính, chủ tịch Hiệp hội Luật Gia Hồng Kông, nữ luật gia Winnie Tam khẳng định việc Quốc Hội Trung Quốc can thiệp trực tiếp giải thích luật như trên là "không cần thiết". Bà cũng khuyến cáo chính giới Hồng Kông không để cho thể chế nhà nước pháp quyền bị xâm phạm.

Về phần mình, người đứng đầu ngành tòa án Hồng Kông, ông Geffroy Ma, tức Mã Đạo Lập (Ma Tao-li), không trực tiếp nhắc đến việc Quốc Hội Trung Quốc diễn giải luật Hồng Kông nói trên, nhưng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là ngành tư pháp và các thẩm phán, khi thực thi các phận sự trên cơ sở Hiến pháp, phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức căn bản, trong đó có nguyên tắc "độc lập tư pháp". Ông Mã Đạo Lập là người đứng đầu Tòa án chung thẩm, tức tòa án cấp cao nhất của Hồng Kông.

Phát biểu trước các luật sư, người phụ trách tư pháp của chính quyền Hồng Kông, ông Rimsky Yuen, tức Viên Quốc Cường (Yuen Kwok-keung), cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không nên can thiệp vào vụ việc các nghị sĩ có những phát biểu chống lại Trung Quốc trong lễ tuyên thệ. Theo người phụ trách tư pháp Hồng Kông, những vấn đề này tốt nhất là nên được xử lý "trong nội bộ hệ thống tư pháp hay hệ thống pháp lý Hồng Kông".

"Phản đối việc diễn giải điều 104 Luật Căn Bản" cũng là một khẩu hiệu chính trong cuộc tuần hành đòi dân chủ, đòi quyền tự quyết, nhân ngày đầu năm mới, mùng một tháng Giêng 2017, được hàng ngàn người dân Hồng Kông tham gia.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 773 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)