Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/11/2022

Điểm báo Pháp – Nguy cơ xung đột vũ trang Mỹ-Trung

RFI tiếng Việt

"Pháo đài Trung Quốc" và nguy cơ xung đột vũ trang với Mỹ

Tập trung mọi quyền lực trong tay, chủ tịch mãn đời Tập Cận Bình muốn biến Trung Quốc thành một pháo đài để dấn lên thống trị hành tinh vào khoảng năm 2049. Mục tiêu là xây dựng một thế giới hậu phương Tây, mạnh được yếu thua, với ý thức hệ mác-xít và mưu đồ đế quốc, chấp nhận nguy cơ xung đột với Hoa Kỳ.

phaodai1

Các đại biểu quân đội trong dịp lễ khai mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 16/10/2022. AP - Mark Schiefelbein

Bắc Kinh chuẩn bị cho dân chúng về trừng phạt và xung đột

Trong bài bình luận "Pháo đài Trung Quốc", Le Figaro nhận định Đại hội Đảng lần thứ 20 kết thúc với quyền hành tuyệt đối nằm trong tay Tập Cận Bình, nay là chủ tịch mãn đời được sự hỗ trợ của tất cả sáu ủy viên thường trực Bộ Chính trị. Sự tập trung quyền lực này gắn liền với ý định biến Trung Quốc thành một pháo đài để nhảy lên dẫn đầu toàn thế giới vào khoảng năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm ngành thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Mục tiêu là xây dựng một thế giới hậu phương Tây, mạnh được yếu thua, tự do và nhân quyền bị cấm cản, ý thức hệ mác-xít và ý đồ đế quốc đứng trên kinh tế.

Pháo đài, trước hết về kinh tế. Sau bốn mươi năm huy hoàng nhờ toàn cầu hóa, Bắc Kinh nay dành ưu tiên tuyệt đối cho an ninh. Đại dịch Covid và những cuộc phong tỏa không ngơi nghỉ cũng được dùng để chuẩn bị cho dân chúng chịu đựng những trừng phạt của phương Tây và một cuộc xung đột với Hoa Kỳ. Tiếp đến về thương mại, tiền tệ và tài chánh. Thị trường Hoa lục đóng lại với các công ty ngoại quốc nhất là về xe hơi - nhờ sự thống trị của các nhà sản xuất nội địa về xe điện - và hàng không. Đồng thời Bắc Kinh tiếp tục chiến lược phi đô la hóa trong ngoại thương với Nga và cả với Trung Đông.

Kiểm soát xã hội, đối đầu với phương Tây

Vẫn theo Le Figaro, pháo đài này còn về chính trị và ý thức hệ. Covid đã giúp Đảng cộng sản kiểm soát xã hội và các cá nhân thông qua việc thiết lập một "Big Brother" điện tử, hạn chế di chuyển và cấm xuất ngoại. "Tư tưởng Tập Cận Bình" được tự nhận là "chủ nghĩa mác-xít của Trung Quốc đương đại và thế kỷ 21", cộng với tôn sùng cá nhân lãnh tụ, càng củng cố thêm tính chất toàn trị của chế độ.

Cuối cùng là về quân sự và chiến lược, xung quanh sự đối địch với Hoa Kỳ và xây dựng một trật tự thế giới với các vùng ảnh hưởng của đế quốc. Đó là lý do khiến Bắc Kinh tăng cường quân đội và kho vũ khí nguyên tử, gia tăng đe dọa Đài Loan thông qua việc phủ nhận độc lập của đảo quốc được ghi vào Hiến pháp và tập trận phong tỏa hòn đảo mùa hè rồi. Đó cũng là lý do của việc thiết lập đối tác chiến lược với nước Nga của Vladimir Putin và ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine. Bên cạnh đó là việc xúc tiến một quốc tế của các nền độc tài, tiếp tục bao vây phương Tây bằng cách tìm kiếm liên minh với các nước phương nam.

Chiến lược pháo đài của Trung Quốc nhằm đối đầu với phương Tây, chấp nhận nguy cơ xung đột vũ trang với Hoa Kỳ. Việc hy sinh tăng trưởng, đóng cửa biên giới làm xáo trộn khế ước với giai cấp trung lưu, nay chỉ còn dựa vào dân tộc chủ nghĩa cực đoan, nỗ lực tự cung tự cấp gắn liền với logic hiếu chiến.

Mỹ quyết chặn toàn trị Bắc Kinh, Đức vẫn mù quáng

Về lâu về dài, sự chuyển đổi Trung Quốc thành pháo đài chỉ dẫn đến suy sụp, như vẫn thường xảy ra trong lịch sử. Trước mắt, chủ trương này tạo ra mối đe dọa chính cho tự do chính trị. Trước sự cứng rắn hơn của chủ nghĩa toàn trị Trung Quốc và tham vọng đế quốc, Hoa Kỳ đã xác định và áp dụng một chiến lược ngăn chận rõ ràng, là một trong những điểm đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Chiến lược này sẽ được nối dài qua việc thành lập một hội đồng các nền dân chủ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, nhằm hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc và tạo mối liên hệ giữa phương Tây và các nước phương nam, nhất là xung quanh vấn đề khí hậu. Nhưng Châu Âu vẫn là mắt xích yếu trước Bắc Kinh.

Theo nhận định của Le Figaro, đó là do sự mù quáng của Đức, đã lặp lại sai lầm như đối với Nga, qua việc tìm cách duy trì xuất khẩu sang Hoa lục bằng mọi giá, vốn là trung tâm mô hình trọng thương của Đức. Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Olaf Scholz, với việc gia tăng đầu tư Đức vào Trung Quốc và cho tập đoàn nhà nước Cosco chiếm 25% vốn của cảng container Hamburg, theo tác giả, là một chính sách hòa dịu sẽ dẫn đến thất bại. Như cựu thủ tướng Anh Churchill đã nói : "Chính sách hòa hoãn cũng như nuôi ăn một con cá sấu, với hy vọng mình sẽ là người cuối cùng bị nó ăn thịt".

Đơn thương độc mã trước Trung Quốc là gánh lấy thiệt thòi

Tương tự, trả lời Libération, ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa và quốc phòng, ông Thierry Breton cho rằng "Không thể thảo luận với Trung Quốc mà mỗi người ngồi một góc riêng". Nước Đức, buộc lòng phải thay đổi mô hình do chiến tranh Ukraine, chừng như muốn đi theo "sonderweg", một con đường đơn độc, mà minh chứng là căng thẳng Pháp-Đức và chuyến đi solo của ông Olaf Scholz đến Bắc Kinh. Thierry Breton nhấn mạnh chỉ có tư cách tập thể mới giúp Liên Hiệp Châu Âu (EU) tạo được sức mạnh trên trường quốc tế. Thứ Tư tới, Ủy ban giới thiệu một Hiệp ước ổn định nhằm đầu tư vào môi trường và quân đội, sẽ gây giận dữ cho những con diều hâu Đức.

Không ai có thể quên rằng Bắc Kinh đã làm mọi cách để chia rẽ EU trong cuộc khủng hoảng Covid, cho thấy rõ Trung Quốc là "đối thủ mang tính hệ thống" như đã đánh giá hồi năm 2019. Từ đó đến nay, một loạt quy định đã được Châu Âu thông qua nhằm chấm dứt sự ngây thơ trước Trung Quốc. Dù vẫn là đối tác thương mại quan trọng, nhưng mối liên hệ phải nằm trong khuôn khổ địa chính trị đặc thù, các Nhà nước cần phối hợp với nhau. Chẳng hạn sắp tới không còn có thể để cho Trung Quốc tham gia vào những cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Theo ông Breton, cần phải cân bằng lại quan hệ qua việc xác lập tương quan lực lượng với Trung Quốc. EU là thị trường lớn hơn Hoa Kỳ 1,5 lần và Bắc Kinh rất cần đến, vì nếu tách khỏi Châu Âu, Trung Quốc sẽ bị mất từ 3 đến 4 điểm GDP.

Đức biện minh có đề cập đến Ukraine, Đài Loan, nhân quyền

Về phía thủ tướng Đức Olaf Scholz thì biện minh nhân chuyến đi này đã đề cập các vấn đề chiến tranh Ukraine, Đài Loan và nhân quyền với Tập Cận Bình. Ông Scholz khẳng định đã nói với ông Tập rằng một "nước lớn" và thành viên Hội đồng Bảo an "cần dùng đến ảnh hưởng của mình đối với Nga". Le Monde nhận thấy thông cáo của Trung Quốc sau đó có nói rằng "cộng đồng quốc tế (...) phải cùng phản ứng với việc đe dọa và sử dụng vũ khí nguyên tử". Ngược lại, Bắc Kinh dường như không có ý định làm áp lực với Moskva.

Về các điểm bất đồng khác, thủ tướng Đức nhấn mạnh hiện trạng của Đài Loan "chỉ có thể thay đổi một cách hòa bình và bằng thỏa thuận chung", và tính chất "phổ quát" của nhân quyền. Nhưng ông Tập gián tiếp cảnh báo "Phá hủy lòng tin chính trị lẫn nhau thì dễ, xây dựng mới khó".

Trong khi đó tại Hồng Kông diễn ra một loạt phiên xử các nhà đấu tranh nhân quyền. Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen) 90 tuổi, vị tu sĩ nổi tiếng nhất Hồng Kông, ra tòa cùng với hai cựu dân biểu Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), Hà Tú Lan (Cyd Ho), nhà xã hội học Hứa Bảo Cường (Hui Pokeung) và ngôi sao nhạc pop Hà Vận Thi (Denise Ho).

Phiên tòa liên quan đến "Quỹ 612" được lập ra để giúp đỡ tài chánh cho những người biểu tình bị bắt trong mùa hè 2019, "612" biểu thị ngày 12/06/2019, khi xảy ra những cuộc đụng độ dữ dội đầu tiên với cảnh sát. Nhiều người đóng góp trên 100.000 đô la Hồng Kông (12.000 euro) cho quỹ, dù hoàn toàn hợp pháp, đã bị cảnh sát "hỏi thăm". Tuy tư pháp Hồng Kông có truyền thống độc lập, các luật sư tiếp tục hăng hái biện hộ, nhưng tất cả đều biết rằng trong hầu hết các phiên tòa chính trị, bản án đã có trước khi tòa bắt đầu xử.

Ukraine chuẩn bị cho trận đánh lớn ở Kherson

Tình hình Ukraine tiếp tục được chú ý. Le Figaro cho biết ở những vùng quê vừa được giải phóng gần Kherson "dân làng dè dặt quay về". Tại làng Novomykolaivka, chỉ cách tiền tuyến có 5 kilomet, những hỏa tiễn Grad vẫn tiếp tục bay ngang ngôi làng, thỉnh thoảng xe tăng Nga lại bắn pháo sang. Từ khi Ukraine phá hủy một phần cầu Kerch, Nga vẫn trả thù như thế. Chỉ còn khoảng 120 người ở lại, nay có thêm một số người lục tục quay về dù không điện nước, không tiệm buôn, không bác sĩ… Có người sống nhờ tiền tiết kiệm trong thời gian làm việc ở nước ngoài, người thì thất nghiệp do chiến tranh nên quay về mưu sinh với đàn gia súc còn sống sót.

Les Echos có bài phóng sự "Tại Kherson, các chiến sĩ Ukraine chuẩn bị cho một trận đánh dữ dội". Từ nhiều ngày qua, các video trên mạng cho thấy các vị trí của Nga bị bỏ trống, cờ Nga không còn treo trên các cơ quan hành chánh. Quân Nga đã mang theo chiến lợi phẩm như các tác phẩm nghệ thuật, xe cộ… sang bên kia sông. Nhưng những người lính Ukraine không tin rằng Nga rút khỏi Kherson, từ lâu Nga đã chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công, đã đào nhiều hầm hào kiên cố. Họ cho rằng có thể đó là một cái bẫy. Chính quyền Kiev cũng nghi ngờ đây là chiến dịch tâm lý nhằm thu hút lực lượng Ukraine vào Kherson, bỏ trống những mặt trận khác.

Những thay đổi nếu Cộng hòa giành được đa số ở Quốc hội Mỹ 

Hội nghị khí hậu COP27 khai mạc hôm qua và cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tại Mỹ ngày mai là hai chủ đề thời sự quốc tế chính trên các báo. Les Echos quan tâm đến những gì sẽ diễn ra nếu phe đa số thay đổi ở Quốc hội Hoa Kỳ.

Nếu đảng Cộng hòa chiếm đa số, trước hết mức trần ngân sách có nguy cơ không được gia hạn, chính quyền liên bang đến giữa năm 2023 sẽ không còn tiền để trả lãi vay, trả lương công chức… Viện trợ cho Ukraine cũng có thể bị ảnh hưởng. Kế đến là ông Joe Biden khó thể thông qua kế hoạch đầu tư quy mô vào cơ sở hạ tầng và chuyển dịch các ngành kỹ nghệ thiết yếu ; các biện pháp xã hội của "Build Back Better" phải xem lại.

Kết quả bầu cử còn ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, và sự chọn lựa người đứng đầu ở lưỡng viện. Joe Biden nói rằng sẽ tái ứng cử, nhưng ở tuổi 80, tuyên bố của ông được cho là nhằm làm chậm lại cuộc chiến kế vị trong đảng. Ngoài ra nếu Cộng hòa chiếm đa số, ủy ban điều tra về vụ tấn công đồi Capitol có thể bị giải thể, ngược lại các đại biểu đảng này đe dọa tiến hành thủ tục truất phế ông Joe Biden, chủ yếu về nội dung trong máy tính xách tay của con trai ông là Hunter Biden - bị cáo buộc dựa vào vị thế của cha để thủ lợi ở Ukraine. 

Pennsylvania, "ba tổng thống và hai nước Mỹ"

Nhật báo kinh tế nêu ra năm cặp ứng cử viên cần theo dõi ở Ohio, Georgia, Nevada, Arizona và Pennsylvania. Libération có bài phóng sự "Ở Pennsylvania, ba tổng thống và hai nước Mỹ", Le Figaro cũng chú ý đến sự kiện ba tổng thống đều có mặt tại Pennsylvania để vận động : Joe Biden và hai người tiền nhiệm Donald Trump, Barack Obama.

Điều không may cho gà nhà của phe Dân chủ, John Fetterman là ông này bị đột quỵ trong lúc hầu như cầm chắc chiến thắng trong tay trong cuộc bầu cử sơ bộ. Khi được tuyên bố là ứng cử viên của đảng Dân chủ, ông đang trên giường bệnh, vợ ông phải đọc diễn văn thay. Trong khi đó đảng Cộng hòa đưa ra một khuôn mặt mới là Mehmet Oz, bác sĩ nổi tiếng thường xuất hiện trên truyền hình và là triệu phú, ông này nhanh chóng chiếm được thế thượng phong trước đối thủ Dân chủ vẫn còn di chứng.

COP27, lời hứa và hành động

Về hồ sơ khí hậu, các báo đều dành một lượng lớn bài vở, riêng Le Figaro  Les Echos ra hẳn hai phụ trang cho hội nghị COP27. Trong bài xã luận, Le Figaro nghi ngờ khả năng "biến lời hứa thành hành động" qua hội nghị này. Chỉ riêng danh sách khách mời đã nói lên vấn đề : cả Trung Quốc - nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới - lẫn Ấn Độ đều không đến dự.

Nhiều thành viên G20 cũng vắng mặt, lãnh đạo các nước này có nhiều mối lo hơn là những con số của GIEC : phải làm đầy kho dự trữ dầu khí, lạm phát gây căng thẳng xã hội và bùng nổ nợ công. Cú sốc năng lượng và cuộc xâm lăng Ukraine đã vẽ lại bàn cờ thế giới, đối với họ bây giờ không phải là thời điểm cho đa phương. Nhưng cũng chính là lúc mà các nước phương nam đòi hỏi phương bắc phải giữ lời hứa hỗ trợ tài chánh theo Hiệp ước Paris. Tuy nhiên tờ báo nhắc nhở những người tranh đấu sinh thái cực tả : các tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn vô tội, hành tinh chúng ta không cần đến những hành động thiếu chín chắn và oán thù.

Buôn người : Cam Bốt bị xếp cùng Syria, Afghanistan, Bắc Triều Tiên

Ở Đông Nam Á, Les Echos đưa lại thông tin của Los Angeles Times "Tại Cam Bốt, hàng ngàn nô lệ bị mafia người Hoa giam giữ". Nhiều thanh niên Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông đang nằm trong tay các mạng lưới tội phạm Trung Quốc.

Theo nhật báo Mỹ, khoảng 100.000 thanh niên Châu Á bị gài bẫy qua Facebook, thông qua lời rao hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao". Một thanh niên Thái Lan 20 tuổi kể lại, khi được đưa đến biên giới Cam Bốt, anh bị nhốt trong một cao ốc, phía trên một casino, bị tịch thu hộ chiếu và dọa nếu toan trốn chạy sẽ bị bán cho một băng đảng khác.

Các nô lệ này sẽ phải lừa đảo qua điện thoại hay internet để làm lợi cho mafia Trung Quốc. Mỗi ngày họ phải đóng vai một thiếu nữ tìm người yêu, một nhân viên địa ốc, một người muốn bán lại vé World Cup, một nhà buôn, nhà đầu tư... Những ai làm đủ chỉ tiêu được cho ăn uống, thưởng tiền và một ít tự do, ngược lại sẽ bị đánh đập, tra tấn hay bán lại cho băng khác qua Telegram chẳng hạn. Một số ít thoát được địa ngục này nhờ các sứ quán, nhà hoạt động hay nhờ gia đình.

Chính quyền Cam Bốt nhìn nhận con số trên nhưng bác bỏ cáo buộc, nói rằng đa số tự ý đến và chỉ là xung đột giữa chủ và nhân viên về hợp đồng làm việc. Mùa hè vừa qua chính quyền Mỹ đã xếp Cam Bốt vào số những nước tệ hại nhất, cùng với Syria, Afghanistan và Bắc Triều Tiên về nạn buôn người.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 383 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)