Trung Quốc khó lắng nghe "lợi ích" của Liên Hiệp Châu Âu
Thu Hằng, RFI, 01/12/2022
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel công du Bắc Kinh ngày 01/12/2022 để "bảo vệ lợi ích" của khối 27 nước. Chuyến công du của một nhà lãnh đạo Châu Âu, nơi nổi tiếng với những quyền tự do, diễn ra đúng lúc chính quyền Trung Quốc tập trung dập phong trào phản đối các biện pháp chống Covid-19, bóp nghẹt "quyền cơ bản" là được bày tỏ ý kiến.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 01/12/2022 via Reuters – European union
Điều này giải thích cho những chỉ trích chuyến công du diễn ra "không đúng thời điểm". Tuy nhiên, điều quan trọng là Bắc Kinh có tâm trí để lưu ý đến những quan ngại của Liên Âu hay không. Ngoài "không đúng lúc", báo La Croix ngày 30/11 đánh giá chuyến công du của ông Charles Michel "gặp nhiều chông gai", từ nội bộ Liên Âu đến lập trường của Trung Quốc. Mối quan hệ song phương xấu đi kể từ khi Trung Quốc đóng cửa chống dịch từ ba năm nay và Bruxelles áp đặt các biện pháp trừng phạt vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Liên Âu muốn tránh phụ thuộc vào Trung Quốc
Mục tiêu quan trọng đầu tiên của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu là "tìm cách tái cân bằng cán cân thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc". Đây là điểm được toàn khối 27 nước nhất trí tại thượng đỉnh tháng 10/2022. Bài học từ đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Ukraine cho thấy Liên Âu phụ thuộc quá lớn vào Nga, Bruxelles muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong những lĩnh vực chiến lược và phát triển khả năng tự chủ.
Thực ra, Bruxelles đang tăng tốc quá trình thoát khỏi "sự nhu nhược ngây thơ" khi xác định Trung Quốc là "đối tác, đối thủ cạnh tranh" và cũng là "đối thủ có hệ thống" vào năm 2019. Tuy nhiên, nội bộ Liên Âu không thống nhất trong quan hệ với Bắc Kinh. Nhiều nước Đông và Trung Âu theo lập trường của Mỹ có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, trong khi Đức và một số nước khác cố tìm cách duy trì và gia tăng giao thương với Trung Quốc, đặc biệt sau khi Nga bị phương Tây cấm vận.
Giới quan sát Pháp cho rằng trong chuyến công du chớp nhoáng, ông Charles Michel khó thuyết phục được chủ tịch Trung Quốc thực hiện chính sách đa phương theo mô hình phương Tây, trong khi ông Tập Cận Bình bảo vệ chính sách đa phương theo mầu sắc Trung Hoa. Tương tự, bất đồng sẽ còn nhiều đối với các chủ đề quốc tế và trong vùng. Liệu Bắc Kinh có chịu "lắng nghe" chủ tịch Hội Đồng Châu Âu trình bày quan ngại về vấn đề Đài Loan và áp lực ngày càng lớn của Trung Quốc đối với hòn đảo hay không ? Trong khi chính quyền đang tìm cách dập tắt phong trào phản đối thắt chặt các biện pháp chống Covid-19, liệu Bắc Kinh có để yên cho Bruxelles "can thiệp vào chuyện nội bộ" khi đề cao các quyền tự do ngôn luận, nhân quyền, trong đó có Tân Cương ? Ông Charles Michel không những phải tìm được tiếng nói để tránh làm phật lòng Bắc Kinh, mà còn tránh để bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích.
Liên Âu ảo tưởng khi muốn thuyết phục Trung Quốc ngừng ủng hộ Nga ?
Liên quan đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine, ông Charles Michel "giải thích cho chủ tịch Tập Cận Bình những biện pháp trừng phạt" Moskva được Liên Hiệp Châu Âu ban hành. Tuy nhiên, thuyết phục Bắc Kinh ngừng ủng hộ Nga có lẽ là "nhiệm vụ bất khả thi".
Trước tiên, Trung Quốc chuyển hướng chuyên chế hơn, như mô hình ở Nga. Dù đây là một thách thức ngày càng lớn đối với các nước Châu Âu nhưng lại là biện pháp bảo đảm cho nhà lãnh đạo Trung Quốc khi nắm hết quyền lực. Tiếp theo, trong khi phương Tây bày tỏ quan ngại, gây sức ép về tình hình Đài Loan hoặc một số vấn đề nội bộ Trung Quốc, Bắc Kinh hiểu rằng họ chỉ thiệt nếu từ bỏ tiếng nói ủng hộ từ Nga, cũng như từ một số nước cùng hệ (Iran, Bắc Triều Tiên).
Chuyến công du Bắc Kinh của ông Charles Michel, được 27 nước ủy quyền, có lẽ chỉ mang tính hình thức, bày tỏ với Trung Quốc "những lợi ích" của Liên Hiệp Châu Âu. "Cơ hội đối thoại" song phương, được nêu trong thông cáo của Hội Đồng Châu Âu, có lẽ sẽ không có nhiều cơ may thành công.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 01/12/2022
*************************
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu tới Bắc Kinh thăm dò lập trường Trung Quốc về các hồ sơ lớn
Thu Hằng, RFI, 01/12/2022
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel công du Bắc Kinh và gặp chủ tịch Trung Quốc ngày 01/12/2022 theo lời mời của ông Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20. Chuyến đi của ông Charles Michel là bước tiếp theo của "thảo luận chiến lược về Trung Quốc" được các nhà lãnh đạo Châu Âu họp bàn tại thượng đỉnh tháng 10.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tại hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc ở trụ sở Hội Đồng Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 01/04/2022. Reuters - Pool
Chiến tranh Ukraine, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 và lợi ích của Châu Âu là những chủ đề chính được Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đề cập trong chuyến công du. Một quan chức Châu Âu ẩn danh cho AFP biết là ông Charles Michel "đề nghị chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng để chấm dứt cuộc xâm lược của Nga", đồng thời "giải thích cho ông Tập về những biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Châu Âu ban hành".
Ông Charles Michel cũng "bảo vệ những lợi ích của Châu Âu" trong các cuộc đối thoại với chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường và chủ tịch Quốc Hội Ngô Bang Quốc. Tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 10, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã thảo luận về việc Bắc Kinh từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thâm hụt thương mại ngày càng tăng của Châu Âu với Trung Quốc và nhận thức về sự phụ thuộc lớn của Liên Âu vào Bắc Kinh về công nghệ và nguyên liệu thô.
Các vấn đề nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cũng được ông Charles Michel đề cập, vào lúc chính quyền Trung Quốc trấn áp phong trào phản đối biện pháp nghiêm ngặt phòng chống Covid-19 và bị chính quyền coi là "lực lượng thù nghịch". Trước những chỉ trích cho rằng chuyến công du của ông Charles Michel diễn ra "không đúng lúc", thông cáo của Hội Đồng Châu Âu khẳng định "trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế căng thẳng, chuyến công du này là cơ hội tốt cho Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đối thoại".
Năm 2019, Liên Hiệp Châu Âu coi Trung Quốc là "một đối tác, một nước cạnh tranh kinh tế và là một đối thủ có hệ thống".
Thu Hằng