Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/12/2022

Điểm tuần báo Pháp - Covid làm dân Trung Quốc tỉnh thức

RFI tiếng Việt

Covid làm dân Trung Quốc tỉnh thức, đẩy Tập Cận Bình ngạo nghễ vào ngõ cụt

Phong trào phản kháng ở Hoa lục là sự kiện tràn ngập các tuần báo kỳ này. Dù đầy kinh nghiệm đàn áp từ nhiều thập niên, đảng vẫn bị bất ngờ trước sự thức tỉnh của một xã hội đã đến tận cùng chịu đựng zero Covid. Người dân phẫn nộ không còn sợ hãi. Một Tập Cận Bình ngạo mạn trước phương Tây trong thời kỳ đầu đại dịch, nay lâm vào thế bí, rơi vào chiếc bẫy của chính mình.

trungquoc1

Công an lập hàng rào ngăn chặn người biểu tình ở Bắc Kinh, ngày 27/11/2022. AP - Ng Han Guan

Trên nền đen, L'Express đăng ảnh các thanh niên biểu tình mang khẩu trang, với dòng tít "Chiến lược zero Covid : Thất bại của Trung Quốc". Cũng với nền đen và cảnh sinh viên biểu tình đang hô khẩu hiệu, Le Point chạy tựa lớn "Khi Trung Quốc tỉnh thức" và dòng tít phụ "Ba mươi ba năm sau Thiên An Môn, những người hùng mới của tự do. Họ thách thức chế độ độc tài lớn nhất thế giới".

The Economist chọn màu đỏ cho trang bìa với chiếc bóng màu đen của một thanh niên đang ngồi bó gối, chân bị xiềng bằng chiếc cùm đầu mút tròn có những gai nhọn tua tủa như con virus, nhấn mạnh "Thất bại Covid của Trung Quốc". Cũng với nền đỏ, Courrier International đăng hình vẽ một chiếc xe tăng, trên nòng súng là một con bồ câu trắng bị trói chặt, tỏ ra sốt ruột với dòng tựa "Ukraine, con đường đến hòa bình còn quá dài". Riêng L'Obs chọn chủ đề "Từ giải độc tới đầu độc : Những biến thái của phương pháp thảo dược", được minh họa một tách nước tủa ra những nhánh lá xanh, trên nền bìa cũng màu xanh lá.

Giọt nước tràn ly

Hồ sơ của L'Express có bài phóng sự từ Bắc Kinh "Trung Quốc : Thời điểm của phẫn nộ", bài phân tích "Trung Quốc, sự thức tỉnh của một xã hội đã đến tận cùng sự chịu đựng". Đây là "Thách thức lớn đầu tiên cho Tập Cận Bình", với "Chiếc bẫy zero Covid đang khép lại", trong bối cảnh "Một nền kinh tế đang lao đao".

Tuần báo nhắc lại một thỏa thuận ngầm từ 30 năm qua : đừng đòi hỏi gì về chính trị, nhưng có thể làm giàu thông qua phát triển kinh tế. Người dân dần dà có được những tự do nho nhỏ, trước hết là được di chuyển trong nội địa. Trong hai thế hệ, 400 triệu lao động nông thôn đã dịch chuyển ra thành thị, thoát khỏi đói nghèo. Tại các thành phố, quyền hạn của "tổ dân phố" giảm hẳn. Lãnh vực tư nhân phát triển, xuất hiện giai cấp trung lưu và lớp người khá giả. Thế hệ mới có nhiều phương tiện truyền thông và mạng xã hội để biểu đạt ý kiến.

Từ sau 2008 với khủng hoảng kinh tế, ngoại giao, phe cải cách thất thế, ưu tiên được dành cho chống tham nhũng và bất bình đẳng. Chỉ một thiểu số trong xã hội lo ngại về việc ngày càng bị giám sát gắt gao thông qua vô số camera và công cụ kỹ thuật số. Việc áp dụng zero Covid từ tháng 1/2020 đã kết thúc những chuyến du lịch nước ngoài, tổ dân phố lại làm mưa làm gió, mã QR quyết định cuộc sống. Nỗi ám ảnh bị xét nghiệm dương tính, dù không triệu chứng cũng bị cưỡng bức đưa đi cách ly khiến nhiều người bị trầm cảm.

Sự ngạo mạn tự sát của Tập Cận Bình

L’Obs cũngđi tìm "Những nguyên nhân của cuộc nổi dậy" mà từ ngữ chính thức gọi là "tụ tập đông người" - dù đó là vài chục người hay mấy chục ngàn người biểu tình. Vào năm 2005, năm cuối cùng thống kê còn được công bố, có 87.000 vụ và theo giáo sư xã hội học Tôn Lập Bình (Sun Liping) thì đến năm 2010 số vụ biểu tình tăng gấp đôi, tức 500 cuộc một ngày ! Có nghĩa là chế độ biết rất rõ hiện tượng và thừa sức dập tắt.

Tuy nhiên dù đầy dẫy kinh nghiệm từ nhiều thập niên, đảng vẫn bất ngờ trước đợt phản kháng mới nổ ra. Vụ hỏa hoạn ở Tân Cương được thông báo là có 10 người thiệt mạng, nhưng thực tế đến mấy chục người – các tổ chức phi chính phủ người Duy Ngô Nhĩ đã xác minh được. Có những trường hợp cả gia đình đều bị chết cháy do cửa thoát hiểm bị khóa kín theo zero Covid. Một làn sóng phẫn nộ nổi lên trên cả nước, tuy trước đó đa số người Hán không quan tâm đến số phận người Duy Ngô Nhĩ.

Giáo sư Hoàng Á Sinh của MIT giải thích, các cuộc xuống đường phản đối Nhà nước ở Trung Quốc sở dĩ hiếm hoi vì thiếu cơ chế phối hợp : không có tôn giáo lẫn hiệp hội hay công nghệ. Điều mỉa mai là zero Covid đã cung cấp cơ chế cần thiết để vượt qua những khác biệt về vùng miền và kinh tế xã hội. Cơn ác mộng đen tối nhất của chế độ dường như đang biến thành sự thật. Trong bài xã luận "Sự ngạo mạn tự sát của Tập Cận Bình", L’Obs nhận định sai lầm trầm trọng của ông Tập là ngỡ rằng có thể tái lập chuyên chính vô sản và nhốt 1,4 tỉ dân trong nhà tù lớn.

Sáu đặc điểm của làn sóng phản kháng

Courrier International dịch bài viết từ trang Tân Thế Kỷ nhấn mạnh "Sự phẫn nộ còn mạnh mẽ hơn nỗi sợ". Tờ báo mạng do một nhà báo tên tuổi nạn nhân của Thiên An Môn nay lưu vong ở Mỹ lập ra, nhận thấy dân chúng Hoa lục đã quá chán ngán sau ba năm phong tỏa, đã phát hiện rằng có thể hợp sức để tạo ra thay đổi. Nhiều người rất xúc động về vụ "Siêu nhân" ở Trùng Khánh hôm 24/11 đã dám hô vang trên đường phố "Tự do hay là chết !". Cũng như vụ Bành Lập Pháp (Peng Lifa) trước đó, người đã căng băng-rôn phản đối ở cầu Tứ Thông (Sitong), Bắc Kinh. "Siêu nhân" bị công an đè xuống kẹp cổ, nhưng đám đông xung quanh đã xúm vào, giải thoát được người hùng vô danh ra khỏi mõm chó sói.

Sau Đại hội đảng 20, bộ máy kiểm soát zero Covid càng siết chặt, gây ra một làn sóng phản kháng vô cùng rộng lớn với nhiều đặc điểm.

Trước hết là tầm vóc : chỉ trong vài ngày đã lan ra Quảng Châu, Trùng Khánh, Trịnh Châu, Urumqi và nhiều thành phố lớn khác, với cùng kết quả là những hàng rào phong tỏa bị lật đổ trong không khí nổi dậy.

Thứ hai, là đến hàng mấy chục ngàn người tham gia, kéo dài trong nhiều ngày.

Thứ ba là mức độ bạo lực : dân chúng vũ trang bằng gạch đá và gậy gộc, không ngần ngại lật ngửa xe công an hay phóng hỏa những gì tóm được như ở Quảng Châu. Công an thì dùng hơi cay, vòi rồng và dường như cả nổ súng.

Thứ tư, chính quyền có nhượng bộ.

Thứ năm, dù truyền thông nhà nước đã hết sức cố che giấu sự kiện, nhưng thông tin đã được chia sẻ rộng rãi, cho thấy việc kiểm soát internet đã chạm đến giới hạn.

Thứ sáu, nay người dân phản kháng cả về chính trị. Sau khi trấn áp người được mệnh danh là "Siêu nhân" Trùng Khánh, người dân thậm chí còn đi xa hơn, họ hô "Đả đảo Tập Cận Bình !". Ba năm phong tỏa, mỗi ngày lại xảy ra một bi kịch mới, tạo ra những xúc cảm dần dà trở thành căm phẫn. Sự thô bạo của các "đại bạch" (những người mặc đồ bảo hộ trắng chuyên kiểm soát dịch tễ) và bạo lực công an khiến bất mãn được nhân rộng. Chính quyền và dân chúng nay thành hai phe đối địch.

Phẫn nộ đã mạnh hơn sợ hãi

Cũng theo Tân Thế Kỷ, tệ hơn nữa cho Bắc Kinh là phong trào không chỉ lan ra mà các yêu sách ngày càng mạnh mẽ hơn. Từ mong muốn cải thiện cuộc sống hàng ngày, đã trở thành những đòi hỏi về kinh tế rồi đến chính trị, và nay thì toàn bộ hệ thống đều bị cáo buộc. Giờ đây người dân không còn tin vào những gì chính quyền nói, không mù quáng tuân thủ những chỉ thị. Họ bắt đầu cảm thấy tình liên đới đã tiếp thêm sức mạnh.

Chỉ cần nhiều người xúm lại là có thể xô đổ hàng rào phong tỏa. Tại sao lại phải sợ các "đại bạch" ? Đó cũng là những con người, một cú đấm sẽ làm đau. Công an thô bạo thật, nhưng đám đông hợp sức sẽ lật đổ được xe. Số người phản kháng quá đông đảo, các phương tiện kiểm soát người dân, từ công nghệ tối tân nhất đến mạng lưới đảng viên cùng khắp đành bó tay. Các quan chức đảng dù khắc nghiệt, nếu công luận làm nên được biển người, cũng sẽ run sợ.

Tập Cận Bình phải làm gì đây ? Nếu lùi bước, uy quyền của ông ta sẽ sụp đổ, còn nếu công an trấn áp không nổi, phải điều quân đội, xe tăng đến các thành phố dìm người biểu tình trong biển máu, sẽ khiến đất nước chìm trong khói lửa, và là hồi chuông báo tử cho đảng. Ông Tập đã tung một mẻ lưới khổng lồ trùm xuống 1,4 tỉ dân ; nhưng không ngờ rằng chính mình cũng bị kẹt trong màn lưới không vùng vẫy được.

Sinh viên Trung Quốc và tiếng vọng từ quá khứ

Hồ sơ của The Economist lần lượt nói về "Thất bại Covid", "Zero phương án : Chính sách chống Covid của Tập Cận Bình biến thành khủng hoảng chính trị". Trong đó "Sinh viên luôn là trung tâm các cuộc phản kháng tại Trung Quốc", với "Tiếng vọng từ quá khứ" Thiên An Môn, "Bài học từ cuộc nổi dậy" cùng một số bài phỏng vấn.

Le Point dành nhiều trang báo để thuật lại "Khi Trung Quốc tỉnh thức", phóng sự từ Thượng Hải "Tập Cận Bình hãy từ chức !". Bên cạnh đó tuần báo tóm lược "Ba mươi ba năm sau Thiên An Môn". Theo một danh sách do cư dân mạng lập ra từ các video trên mạng xã hội, trên 100 trường đại học trong đó có những trường danh giá đã có những hành động phản kháng vào cuối tuần trước. Tại Hồng Kông dù bị khống chế, sinh viên vẫn biểu tình để ủng hộ bạn bè cùng trang lứa ở Hoa lục.

Tập Cận Bình thường khuyến cáo nên cảnh giác trước "thế lực thù địch" và những cuộc "cách mạng màu". Nhưng lời kêu gọi của ông bắt đầu vào thời điểm thuận lợi cho đảng, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh, Mỹ chưa phát động chiến dịch ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình đang tạm lắng khi công an được triển khai khắp nơi. Tuy nhiên là người rất quan tâm tới lịch sử đảng, ông Tập sẽ phải rùng mình trước bóng ma quá khứ.

Cuộc nổi dậy 1989 diễn ra sau đám tang của nhà lãnh đạo cải cách Hồ Diệu Bang, và mới đây, ngày 30/11 cựu chủ tịch Giang Trạch Dân qua đời. Vài ngày trước đó trong cuộc biểu tình tại đại học Thanh Hoa tập hợp hàng trăm sinh viên, một người đã nói lên một ý tưởng từng được lan truyền rộng rãi thời kỳ Thiên An Môn, rằng sinh viên được lịch sử chọn lựa để dẫn đầu cuộc đấu tranh cho tự do chính trị. "Nếu chúng ta không dám lên tiếng vì sợ bị bắt, nhân dân sẽ thất vọng vì chúng ta". Tuy nhiên ông Tập có thể tự an ủi : vào thời đó giới lãnh đạo Bắc Kinh bị chia rẽ trầm trọng giữa phe bảo thủ và cải cách, khiến không thể nhanh chóng ngăn chặn bất ổn. Lần này công an vào cuộc nhanh hơn, và toàn bộ Bộ Chính trị đều là những nhân vật trung thành với Tập Cận Bình.

Ông Tập rơi vào chiếc bẫy của chính mình

Tập Cận Bình đang đứng trước một cuộc khủng hoảng do chính ông tạo ra. Le Point cho biết nhà nghiên cứu Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong) thuộc cơ quan tư vấn Council on Foreign Relations ở Hoa Kỳ, cũng như nhiều chuyên gia khác, ngay từ năm 2020 đã cảnh báo về chiếc bẫy zero Covid. Không loại trừ được hẳn con virus trên cấp độ thế giới, việc duy trì một chính sách khắt khe như vậy là bất khả. Nhưng nếu mở cửa mà không kiểm soát nổi, theo nghiên cứu của Nature Medicine, sẽ có 1,6 triệu người tử vong. Còn theo tính toán của The Economist, giả sử tất cả bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt đều có chỗ, số người thiệt mạng vì Covid là 680.000.

Giải pháp tốt nhất là chích ngừa hàng loạt bằng vac-xin ARN của phương Tây. Nhưng chính quyền dân tộc chủ nghĩa đã chặn đường công ty Đức BioNTech dù đã ký hợp đồng với tập đoàn Phục Tinh (Fosun) từ đầu đại dịch, và vac-xin nội địa không hiệu quả. Chỉ có 67% trong số 267 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi đã chích ngừa, tức gần 90 triệu người vẫn chưa được bảo vệ trước con virus.

Nhà nghiên cứu Alice Ekman lưu ý, nhà cầm quyền Hoa lục có xu hướng coi tất cả biến thể như nhau. Đã lỡ khoe khang sự "ưu việt" so với phương Tây, rất khó thối lui, nhất là chính sách zero Covid gắn liền với cá nhân Tập Cận Bình. Áp lực đè nặng lên cán bộ địa phương, dẫn đến việc áp đặt dân chúng xét nghiệm liên tục, thậm chí cả trên rau quả và cá. Chế độ cảm thấy bị đe dọa.

Chi phí xét nghiệm bằng phân nửa ngân sách giáo dục

Zero Covid là một công cuộc to lớn : phải phát hiện tất cả những người bị nhiễm và cách ly họ cũng như thân nhân trong vòng vài tiếng đồng hồ. Từ chối sống chung với virus, Trung Quốc dùng cách xét nghiệm đại trà để sàng lọc hàng trăm triệu người một ngày, xây dựng những trung tâm cách ly trên cả nước, phong tỏa toàn bộ thành phố thậm chí cả một vùng trong nhiều tháng. Zero Covid có kết quả tốt trong năm 2020 và 2021, khiến Bắc Kinh có thể đắc thắng khoe khoang khi ở phương Tây số người thiệt mạng lên cao. Nhưng sự xuất hiện của biến thể Omicron đã đảo lộn tất cả, là cái tát cho một Tập Cận Bình ngạo nghễ. Mùa đông đang đến, virus sẽ lây lan nhanh hơn, số ổ dịch ngày càng tăng.

Ở cách văn phòng của The Economist tại Bắc Kinh vài mét, một "đại bạch" run rẩy ngồi ngoài trời trong thời tiết dưới 0 độ, giám sát một khu chung cư đã bị giăng dây gần một tuần vì một ca nhiễm duy nhất. Tất cả nhà hàng, tiệm buôn xung quanh đều đã đóng cửa, các trường học lại chuyển sang trực tuyến, hàng dài người xếp hàng quanh các lều xét nghiệm. Chi phí của việc này là khủng khiếp : 35 công ty lớn nhất sản xuất các bộ xét nghiệm đã thu về 21 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm nay. Ước tính Trung Quốc chi ra 1,7 ngàn tỉ nhân dân tệ cho xét nghiệm, tương đương 1,5% GDP, gần bằng phân nửa tổng chi cho giáo dục.

Bắc Kinh hiện chưa thể tìm ra lối thoát. Trung Quốc đã chế tạo hàng không mẫu hạm, đưa phi thuyền lên Mặt Trăng, tổ chức hai Thế vận hội trong vòng 20 năm qua, nhưng số giường bệnh hồi sức lại quá thấp. Ngay cả nếu khắc phục được Covid vào lúc này, cũng sẽ không có dấu hiệu tích cực nào cho kinh tế Trung Quốc trước năm 2024.

Châu Âu nhu nhược khiến Putin mạnh dạn gây tội ác

Nhìn sang Châu Âu, Le Point phẫn nộ cho rằng "Chính sự hèn nhát của chúng ta đã thúc đẩy tội ác của Putin và Erdogan". Việc Nga xâm lăng Ukraine đã không gây ra được sức bật cần thiết, châu lục vẫn muốn dựa hoàn toàn vào NATO, có nghĩa là Hoa Kỳ. Vậy thì hãy để cho Biden làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu. Nếu Mỹ không can thiệp, thì Châu Âu, hạ vũ khí cả vừa tinh thần vừa quân sự, đã phủ phục trước Putin, và Ukraine bị Nga hóa một cách không thương tiếc. Đó là sự thật phũ phàng. Ngoài Anh và Ba Lan, một bộ phận của giới "tinh hoa" Châu Âu bị Putin mê hoặc đã khiến cựu lục địa giống như một đàn cừu ngoan ngoãn đi đến lò sát sinh.

Tờ báo gọi thẳng tên "Merkel, Mélenchon, Le Pen, Orban, Schröder, Royal, Salvini" cùng một giuộc. Không phải họ đưa được Putin đến bàn đàm phán, mà ngược lại, sự hèn nhát của Châu Âu đã khiến Putin thêm can đảm. Tuy nhiên nếu Châu Âu đang gặp khó khăn thì các nhà độc tài cố bám vào quyền lực như những con hàu bám chặt vào đá, cũng đang trong tình cảnh tương tự. Động cơ thúc đẩy Putin xâm lược Ukraine tất nhiên không phải là để khẩn cấp "phi quốc xã hóa". Đó là sự nhu nhược bệnh hoạn của Châu Âu, và xung động tử thần của một nhà độc tài nhằm chinh phục vùng đất bị coi là lợi ích thiết yếu của mình.

Sau hơn hai mươi năm trị vì, Vladimir Putin có thể là người giàu nhất thế giới, nhưng dù đầy ắp tài nguyên thiên nhiên, đất nước đáng thương của ông ta chỉ đứng thứ 65 thế giới về GDP tính theo đầu người, chỉ bằng 1/10 so với Ireland hay Thụy Sĩ, 1/7 Hoa Kỳ và 1/4 so với Pháp. Cho dù đang ở đoạn cuối cuộc đời, khuôn mặt căng cứng vì cortisone hay botox, Putin vẫn tin rằng kích động dân tộc chủ nghĩa sẽ giúp ông ta trụ vững.

2022 : Năm xui tháng hạn cho các nhà độc tài

Trong bài xã luận "Năm xui xẻo cho các nhà độc tài", Le Point nhận thấy sự tréo ngoe là năm 2022 đã bắt đầu một cách tốt đẹp cho Tập Cận Bình và Vladimir Putin. Trung Quốc và Nga bắt tay trong việc áp đặt một trật tự thế giới mới, trong đó các chế độ chuyên chính thống trị. Họp lại ở Bắc Kinh hôm 04/02 để khai mạc Thế vận hội mùa đông, hai kẻ đồng lõa tuyên bố "tình hữu nghị không giới hạn". Ba tuần sau, tổng thống Nga xua quân sang tấn công Ukraine. Người đứng đầu Đảng cộng sản Trung Quốc vụng về che giấu hy vọng phương Tây sẽ thất bại và NATO suy sụp, con đường thênh thang mở ra để nuốt gọn Đài Loan, theo cách Putin sáp nhập Crimea năm 2014.

Than ôi, mọi việc không hề như dự kiến. Ukraine chiến đấu dũng cảm, NATO huy động sức mạnh. Quân đội Nga chịu thương vong lớn, chiếc ghế của Putin bị lung lay. Và nay ngay cả các công dân Trung Quốc cũng xuống đường đòi tự do, dân chủ, hô đả đảo Tập Cận Bình và đảng cộng sản, sự kiện chưa từng thấy kể từ Thiên An Môn. Những cuộc biểu tình vẫn thường xuyên xảy ra tại Hoa lục nhưng chỉ nhằm đòi trung ương can thiệp vào những vụ lạm quyền của quan chức địa phương. Ngày nay, sự phẫn nộ trực diện nhắm vào đảng cộng sản và tổng bí thư - chính là điều mà Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá kể từ 1989.

Đòn quá đau cho Tập Cận Bình, vừa mới đắc thắng giành thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Điều gắn kết giữa Tập và Putin là nỗi ám ảnh từ sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Tổng thống Nga coi đó là "thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20", luôn tìm cách trả thù phương Tây dù đế quốc xô-viết tự tan rã. Về phía chủ tịch Trung Quốc cho rằng chủ trương perestroika (đổi mới) và glasnost (minh bạch) của Mikhail Gorbachev đã tạo điều kiện cho sự sụp đổ của Liên Xô. Đã hẳn chế độ của Tập Cận Bình và Vladimir Putin vẫn còn vững vàng, nhưng người ta vẫn luôn cho rằng những chế độ toàn trị kiểu này là vĩnh viễn. Cho đến cái ngày ngai vàng bị lật đổ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)