Hoa Kỳ cử phái đoàn cấp cao đến Trung Quốc để hâm nóng quan hệ
Minh Anh, RFI, 11/12/2022
Tiếp theo cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia, tháng 11/2022, một phái đoàn đại diện cao cấp đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc. Mục tiêu nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh đầu năm 2023 của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken để sưởi ấm quan hệ song phương.
Mỹ cử phái đoàn cấp cao thăm Trung Quốc - Ảnh minh họa
Reuters trích dẫn thông cáo do bộ ngoại giao Mỹ ngày hôm qua 10/12/2022, cho biết ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cùng với bà Laura Rosenberger, giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc Gia về Trung Quốc và Đài Loan, sẽ lần lượt đến thăm các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày hôm nay 11/12 đến ngày 14/12/2022.
Theo bộ ngoại giao Mỹ, chuyến thăm Bắc Kinh của phái đoàn Mỹ lần này là nhằm "tìm cách xử lý một cách có trách nhiệm cạnh tranh giữa hai nước và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm tàng".
AFP nhắc lại, tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình tại Indonesia đã có những cuộc trao đổi trực tiếp về những chủ đề gây căng thẳng, từ hồ sơ Đài Loan, hạt nhân Bắc Triều Tiên cho đến cuộc chiến tranh tại Ukraine do Nga phát động, cũng như là những hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ…, nhằm tránh cho đôi bên đi đến một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.
Minh Anh
*************************
Anh muốn phát triển các quan hệ đối tác mới ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ
Thu Hằng, RFI, 11/12/2022
Ngoài những đồng minh "truyền thống", Luân Đôn tìm cách mở rộng quan hệ đối tác với nhiều nước đang trỗi dậy ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ. Ngoại trưởng Anh James Cleverly dự kiến công bố chiến lược mới ngày 12/12/2022.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly. AP - Rolf Vennenbernd
Thông cáo tối 10/12 của bộ ngoại giao Anh cho biết ông James Cleverly sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng đối với Luân Đôn về việc phát triển mối quan hệ vững mạnh hơn với nhiều nước ngày càng có ảnh hưởng ở ba khu vực trên, dù không phải là những "đối tác truyền thống" của vương quốc Anh.
Luân Đôn đang tìm vị trí mới trên trường quốc tế hậu Brexit nên cần phát triển quan hệ trong nhiều lĩnh vực với những nước "sẽ định hình tương lai thế giới". Chính phủ Anh cho rằng "trong những thập niên tới, một phần lớn của nền kinh tế thế giới sẽ nằm trong tay những quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ". Cho nên, ông James Cleverly sẽ nhấn mạnh đến việc "chính sách đối ngoại (của Anh) sẽ phải không ngừng dự đoán tương lai, phải nhìn xa được trước 10, 15 và 20 năm".
"Thời kỳ vàng son" giữa Luân Đôn và Bắc Kinh đã kết thúc
Theo AFP, ngoại trưởng Anh có bài diễn văn quan trọng chỉ hai tuần sau khi thủ tướng Rishi Sunak khẳng định "thời kỳ vàng son" giữa Luân Đôn và Bắc Kinh đã kết thúc. Mối quan hệ song phương từ giờ sẽ theo "hướng thực dụng mạnh mẽ". Trong quá trình vận động tranh cử chức thủ tướng, ông Rishi Sunak từng đánh giá Trung Quốc là "mối đe dọa chính" cho an ninh của Anh và thế giới. Ông cũng chỉ trích dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.
Lẽ ra thủ tướng Anh và chủ tịch Trung Quốc gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Bali nhưng cuộc gặp lần đầu tiên trong gần 5 năm qua đã bị hủy. Sự kiện này có thể cho thấy mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai nước.
Thu Hằng
**********************
Đoàn lưỡng đảng Úc công du đảo quốc Thái Bình Dương
Thu Hằng, RFI, 11/12/2022
Một phái đoàn chính trị gia của hai đảng lớn của nước Úc công du một số đảo quốc ở Thái Bình Dương trong tuần tới để tang cường mối quan hệ trong vùng. Thông cáo chung, công bố ngày 11/12/2022, cho biết phái đoàn của Úc lần lượt thăm các nước Vanuatu, tiếp theo là Liên bang Micronesia và Quần đảo Palau.
Bản đồ nước Úc và khu vực nam Thái Bình Dương © wikimedia
Trong phái đoàn Úc có ngoại trưởng Penny Wong, bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Pat Conroy, cùng với nhiều đồng nghiệp bên phe đối lập. Theo lịch trình, tại Vanuatu, các chính trị gia Úc dự lễ khánh thành một cầu cảng mới và chuyển giao một tầu hải cảnh "trong khuôn khổ hợp tác bền vững của Úc về những lợi ích chung liên quan đến an ninh trong vùng".
Chuyến công du tập trung vào các mục tiêu phát triển, "mối đe dọa hiện hữu" của biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan đến an ninh trong vùng. Ngoại trưởng Penny Wong nhấn mạnh đến "cam kết lâu dài của Úc nhằm tang cường những mối quan hệ đối tác với vùng Thái Bình Dương và giải quyết các thách thức khu vực".
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, một phái đoàn gồm chính trị gia của hai đảng đối lập và đảng cầm quyền cùng công du vùng Thái Bình Dương. Sự kiện này cho thấy quyết tâm của Canberra lấy lại niềm tin và trấn an các nước láng giềng trong khu vực vẫn được coi là nằm trong vòng ảnh hưởng của Úc.
Theo Reuters, cả Úc và Trung Quốc tổ chức nhiều chuyến thăm cấp cao trong năm 2022 để gia tang ảnh hưởng với các tiểu quốc ở Thái Bình Dương. Sự kiện khiến Úc và Mỹ đặc biệt quan ngại là Bắc Kinh ký hiệp định an ninh với quần đảo Salomon vào tháng 04/2022.
Thu Hằng