Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/12/2022

Triển vọng nào cho Hải quân Châu Á trước sức mạnh Trung Quốc ?

RFI tiếng Việt

Làm thế nào để bảo vệ chủ quyền lãnh hải và tài nguyên khi kinh tế và thương mại khu vực này đã hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc ? Khả năng can thiệp của Hải quân Châu Á bị thu hẹp trước sức mạnh quân sự quá lớn và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Bài toán thêm nan giải đối với các nước bao quanh Biển Đông. Đó là câu hỏi chuyên gia Pháp, Roland Doise trên tạp chí về an ninh quốc phòng, DSI số tháng 11-12/2022.

asean1

Tàu sân bay Sơn Đông (Shandong) của Trung Quốc (ảnh chụp lúc công việc đóng tàu chưa hoàn tất). Châu Á trước sức mạnh của Hải quân Trung Quốc. Wikimedia

RFI Việt ngữ xin giới thiệu bài viết mang tựa đề Các lực lượng Hải quân Châu Á trước sức mạnh Trung Quốc : giới hạn và viễn cảnh, đăng trên báo chuyên về an ninh và quốc phòng DSI (Défense & Sécurité Internationale).

Ngay trong phần mở đầu, chuyên gia Roland Doise nêu bật khó khăn của Hải quân Châu Á, bao gồm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc đến các quốc gia Đông Nam Á. Tất cả những nước trong vùng không thể sánh được với sức mạnh và phương tiện của Trung Quốc cho nên các bên cố gắng hết sức "kềm chế" tránh để bị đẩy vào thế phải đối đầu.

Hơn nữa Bắc Kinh khai thác các "vùng xám" để uy hiếp đối phương, bất luận lớn hay bé, bằng cách huy động từ các lực lượng bán quân sự hay đội ngũ dân quân và cả những tàu cá để "thực hiện tham vọng về chủ quyền mà vẫn tránh dẫn tới xung đột". Bảo vệ chủ quyền lãnh hải lại càng khó khăn hơn. Các quốc gia trong khu vực, từ Philippines đến Indonesia hay Nhật, Úc đều "tăng cường khả năng phòng thủ" cho các lực lượng tuần duyên, cho Hải quân nhưng vẫn chưa đủ. Các bên bắt buộc phải "hợp tác" nhưng ngay cả giải pháp này cũng vấp phải hai trở ngại lớn : một là tính khả thi và hai là quyết tâm về chính trị của các bên liên quan.

Hợp lực trước cỗ máy đồ sộ Trung Quốc

Trước hết Roland Doise điểm lại các chương trình hợp tác giữa các lực lượng hải quân trong khu vực. Chuyên gia Pháp lưu ý, trên tuyến đầu đương nhiền là những quốc gia chung quanh Biển Đông và Hoa Đông. Số này cần hợp lực vì bốn mục tiêu : ngăn cản Trung Quốc lấn chiếm các vùng đặc quyền kinh tế, duy trì quyền tự do lưu thông trên biển, bảo vệ tài nguyên quốc gia và an ninh trước nguy cơ khủng bố cũng như các đường dây buôn lậu thuốc phiện hải tặc Trên cơ sở đó các bên đã có một loạt những thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương.

Tháng 8/2022 vào lúc công luận quốc tế tập trung vào mối căng thẳng tại eo biển Đài Loan, thì đó là thời điểm Hải quân Việt Nam và Indonesia tổ chức một chiến dịch thao diễn chung CODEX 22B-1. Cùng thời điểm này, Indonesia đã có hoạt động tương tự với nước láng giềng Malaysia. Vẫn trong tháng 8/2022 lãnh đạo Hải quân ASEAN đã họp lại tại Bali vào lúc 26 nước thuộc vành đai Thái Bình Dương RIMPAC tiến hành cuộc tập trận trên biển quy mô nhất trên thế giới.

Xa hơn về quá khứ, từ 2004 nhiều nước Châu Á hợp tác chống hải tặc tại eo biển Malacca. Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines hợp lực chống khủng bố Đó là chưa kể tới các chương trình hợp tác đa phương trong khuôn khổ Bộ Tứ QUAD (Mỹ - Úc - Nhật Bản - Ấn Độ) để bảo đảm an ninh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mà các đợt tập trận trong khuôn khổ chương trình Malabar luôn được chú ý đến nhiều hơn cả.

"Châu chấu đá voi"

Nhưng chính sách "hợp tác" đó của toàn Châu Á để làm đối trọng với Trung Quốc đã gặp nhiều giới hạn. Hạn chế thứ nhất là Hải quân Trung Quốc là một "ông khổng lồ" vào lúc mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông. Thế nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại quan trọng nhất của tất cả các bên liên quan.

Theo chuyên gia về quốc phòng và an ninh Roland Doise, trong thời gian phải đối mặt với khủng hoảng y tế - Covid - ngân sách quốc phòng của các nước Đông Nam Á tuy không giảm sụt nhưng đã không tăng lên tương tự như trong giai đoạn từ 2008-2020. Trong khi đó Bắc Kinh tiếp tục tăng ngân sách quan sự. Nói cách khác, Đông Nam Á không thu hẹp được khoảng cách với Trung Quốc. Tác giả đơn cử trường hợp cụ thể của Việt Nam chẳng hạn : 2009 Hà Nội đặt mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga và chỉ một khoản chi tiêu này, theo ông Roland Doise chiếm hết "phân nửa" ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm ấy.

Giới hạn thứ nhì trong các chương trình hợp tác Hải quân giữa các nước Châu Á để làm đối trọng với Trung Quốc là "ý chí chính trị" .

Chỉ riêng điểm này tác giả bài báo trên tạp chí về an ninh quốc phòng DSI nêu bật một số nét như sau : Thứ nhất một mặt các bên đều quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, khu đặc quyền kinh tế, nhưng quốc gia nào thì cũng "sợ" Trung Quốc và cố gắng "giữ thế cân bằng" tránh để làm phương hại đến những lợi ích kinh tế và thương mại.

Hơn nữa ASEAN chẳng hạn chỉ là một "không gian đối thoại" chứ không hẳn là một liên minh quân sự như NATO hay khối Liên Hiệp Châu Âu, do vậy trong trường hợp phải đương đầu với Bắc Kinh thì quốc gia nào cũng ý thức được rằng họ sẽ "đơn thương độc mã". Ở góc đài bên kia, Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội để khai thác kẽ hở đó sao cho có lợi nhất cho mình.

Yếu tố thứ nhì giải thích giới hạn chính trị trong hợp tác quân sự giữa các nước Châu Á là ngay cả các "đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực" như Hàn Quốc hay Thái Lan, Philippines chẳng hạn, ai cũng hiểu rằng, Mỹ thì xa, Trung Quốc thì gần. Seoul chẳng hạn tăng cường khả năng can thiệp và trang bị những phưng tiện hiện đại nhất cho Hải quân để có đương đầu với Hải quân Trung Quốc nếu cần, nhưng Hàn Quốc lại không dám công khai nói lên điều đó. Còn trong trường hợp của Bangkok, tuy có quy chế "Đồng minh lớn ngoài khối NATO" của Hoa Kỳ nhưng Thái Lan vẫn trang bị tàu ngầm, tàu đổ bộ của Trung Quốc. Indonesia, Malaysia cũng đã từng hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự và hợp tác với các tập đoàn sản xuất vũ khí Trung Quốc.

Vẫn theo Roland Doise, yếu tố thứ ba khiến mặt trận chung đối phó với Trung Quốc lỏng lẻo nằm ở chỗ một số thành viên trong khu vực không hoàn toàn thoải mái với các liên minh quân sự đa phương như QUAD hay AUKUS Tác giả nêu ra trường hợp cụ thể của Indonesia hay Malaysia. Lý do là các nước Đông Nam Á không muốn phải chọn đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc.

Sau cùng, chuyên gia Pháp lưu ý rằng, chỉ riêng khái niệm về "tự do lưu thông trên trên biển", đừng quên rằng các nước Đông Nam Á không nhất thiết chia sẻ tầm nhìn của Mỹ. Không ít trong số này có "tầm nhìn về quyền tự do lưu thông của các tàu quân sự nước ngoài hạn hẹp không thua gì của Trung Quốc khi những chiếc tàu đó đi qua khu đặc quyền kinh tế" của các bên liên quan.

Để kết luận Roland Doise trong bài viết trên tạp chí chuyên đề DSI cho rằng, trước sức mạnh của Hải quân Trung Quốc, các nước trong vùng chia ra thành hai nhóm : một số dám nhìn nhận bất đồng với Bắc Kinh. Đó là những nước đồng minh của Mỹ và có một lực lượng phòng thủ khá tốt, như trường hợp của Úc, hay Nhật Bản, và trong một chừng mực nào đó là Philippines và Hàn Quốc. Số còn lại chủ trương "tránh voi chẳng xấu mặt nào" và do vậy tìm mọi cách tránh phải đương đầu với một ông khổng lồ quá lớn và "chỉ đẩy mạnh các hoạt động cộng tác về quân sự khi thực sự cần thiết".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 09/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 262 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)