Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/12/2022

Chiến lược an ninh mới của Nhật Bản : Hoa Kỳ hoan nghênh, Trung Quốc đả kích

RFI tiếng Việt

Ngay sau khi Nhật Bản chính thức loan báo chiến lược an ninh mới vào hôm 16/12/2022, Hoa Kỳ đã lên tiếng hoan nghênh một bước đi "táo bạo và lịch sử" nhằm giúp duy trì hòa bình ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trung Quốc ngược lại đã cực lực đả kích một ý đồ "bành trướng quân sự".

nhat1

Khu trục hạm Kurama của Nhật Bản tham gia Lễ Duyệt Hạm Đội ngày 14/10/2021 ở Vịnh Sagami, phía nam Tokyo (Nhật Bản). AP - Itsuo Inouye

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, trong một tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ Joe Biden đã công nhận rằng liên minh Mỹ-Nhật là "nền tảng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" đồng thời cho biết là Hoa Kỳ "hoan nghênh những đóng góp của Nhật Bản cho hòa bình và thịnh vượng".

Trong một tuyên bố, cố vấn An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhận thấy rằng Nhật Bản đã thực hiện "một bước đi táo bạo và lịch sử nhằm củng cố và bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở với việc thông qua Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới" và hai tài liệu quốc phòng khác có liên quan.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng ủng hộ quyết định của Nhật Bản để có được "khả năng phản công, cho rằng động thái đó sẽ "tăng cường khả năng răn đe trong khu vực" đồng thời cam kết hợp tác với Nhật Bản để hỗ trợ các mục tiêu được ghi trong chiến lược của cả hai nước.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết các tài liệu mới của Nhật Bản "định hình lại" khả năng của liên minh trong việc thúc đẩy hòa bình trong khu vực và gọi Nhật Bản là "đối tác không thể thiếu" trong việc đối phó với những thách thức cấp bách nhất đối với sự ổn định toàn cầu, bao gồm cả cuộc xâm lược Ukraine mà Nga khởi sự từ tháng Hai vừa qua.

James Schoff, cựu cố vấn cấp cao về chính sách Đông Á tại Lầu Năm Góc, cho biết cuộc chiến của Nga và sự tăng cường quân sự của Trung Quốc, kết hợp với việc củng cố quyền lực chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình, đã khiến Nhật Bản đưa ra quyết định mới nhất, với mục tiêu thúc đẩy Bắc Kinh từ bỏ suy nghĩ cho rằng việc sử dụng vũ lực có thể giúp họ đạt được những gì họ muốn xung quanh Nhật Bản".

Trong một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng, chính phủ Nhật Bản đã quyết định trang bị cho mình các loại phương tiện có khả năng tiếp cận lãnh thổ của kẻ thù và đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội trong 5 năm tới.

Quyết định của Nhật Bản dĩ nhiên đã bị Trung Quốc phản đối. Vào hôm qua, Bắc Kinh đã bày tỏ thái độ "hết sức bất bình" và tuyên bố "kiên quyết phản đối" các tài liệu an ninh quốc phòng quan trọng vừa được Tokyo cập nhật, xác đinh Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất" từ trước đến nay đối với Nhật Bản.

Trong một tuyên bố, đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cho biết động thái của Nhật Bản "sai lệch nghiêm trọng so với thực tế cơ bản" và "gây nên tình trạng căng thẳng và đối đầu trong khu vực".

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng kêu gọi Nhật Bản "hành động dựa trên sự đồng thuận chính trị theo đó hai nước là đối tác hợp tác và không gây ra mối đe dọa cho nhau". Theo nhân vật này : "Việc (Nhật Bản) thổi phồng 'mối đe dọa Trung Quốc' để tìm cớ cho việc tăng cường quân sự chắc chắn sẽ thất bại".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 307 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)