Trung Quốc muốn thông qua COC mà không có bên ngoài can thiệp (VOA, 13/06/2017)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Hình ảnh đảo đá nhân tạo Subi trong quần đảo Trường Sa trên biển Đông chụp từ một máy bay không quân của Philippine. Trung Quốc vừa kêu gọi thông qua COC và không có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài.
Ông Vương đưa ra lời kêu gọi này tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp từ phía Singapore Vivian Balakrishman ở Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Vương nói Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý về một hiệp định khung cho Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông hôm 18/5 trước thời hạn được ấn định. Việc tư vấn về những điều kiện tiên quyết cho một môi trường an toàn và loại bỏ sự can thiệp từ mọi phía đã diễn ra thuận lợi, theo ghi nhận của Reuters.
Người đứng đầu Bộ ngoại giao Trung Quốc nói vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã ra một tuyên bố chung về việc tiến hành đầy đủ và hiệu quả của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuyên bố này quy định rằng những tranh cãi về các đảo Vĩnh Viễn (tiếng Anh là Nanshan) cần được giải quyết một cách ôn hòa bằng thương lượng giữa các bên có liên quan trực tiếp.
Trung Quốc và các thành viên ASEAN thảo luận Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. Ngoại trưởng Vương Nghị nói các bên đã đồng ý về 1 hiệp định khung của COC hôm 18/5 trước thời hạn dự kiến.
Kể từ đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên nồng ấm hơn và Philippines cũng đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán song phương về vấn đề biển Đông với Trung Quốc. Với những nỗ lực có phối hợp của Trung Quốc và các bên liên quan, tình hình biển Đông đã trở nên ổn định hơn. Tất cả những điều này đã tạo nên các tiền đề cần thiết cho việc đàm phán COC, theo Reuters.
Trong khi đó, ông Vương nhấn mạnh rằng việc thảo luận và lập COC được quy định trong DOC, và đó là điều mà Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã cam kết.
Vị ngoại trưởng này nói "Trung Quốc và các nước ASEAN, thông qua những nỗ lực chung của chúng ta, có đủ khả năng để lập nên những điều lệ mang tính khu vực cho hòa bình và sự ổn định trên biển Đông bằng một phương thức độc lập".
Người đứng đầu bộ Ngoại giao Trung Quốc được Reuters trích lời nói tiếp rằng "Tôi nghĩ chừng nào chúng ta tiếp tục tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, cùng làm sâu sắc thêm sự hợp tác và loại bỏ sự can thiệp từ bên trong và bên ngoài khu vực, có thể sự can thiệp từ bên ngoài là nhiều hơn, và sau khi có được những sự chuẩn bị cần thiết từ các bên, chúng ta sẽ có thể tổ chức các cuộc thảo luận trọng yếu về các văn bản COC tại một thời điểm thích hợp cho tới khi chúng ta đạt được những điều luật mang tính khu vực. Chúng tôi tự tin vào điều này".
*********************
Biển Đông : Trung Quốc ủng hộ Ấn Độ lập hệ thống báo động sóng thần (RFI, 12/06/2017)
Trái với lập trường cố hữu luôn xem mọi hoạt động của Ấn Độ tại Biển Đông là khiêu khích, Bắc Kinh bất ngờ ủng hộ kế hoạch dự báo sóng thần của Ấn Độ tại vùng biển này với lý do "vì quyền lợi chung của các bên". Hãng thông tấn Ấn Độ IANS cho biết như trên trong bản tin 11/06/2017.
Đá Xubi (Subi Reef), thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng. Ảnh chụp ngày 21/04/2017.© Reuters
Trả lời câu hỏi của IANS về dự kiến của Ấn Độ thành lập một hệ thống nghiên cứu báo động sóng thần ở Biển Đông, bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng "Trung Quốc và các nước liên can đã lập những cơ sở tuân thủ theo yêu cầu của các cơ quan Liên Hiệp Quốc". Do vậy, các bên cũng có thể "thảo luận vấn đề hợp tác dựa trên những cơ sở sẵn có".
Năm 2016, Trung Quốc loan báo xây dựng trung tâm báo động sóng thần tại Biển Đông trong bối cảnh bị lên án quân sự hóa khu vực tranh giành chủ quyền với Việt Nam và Philippines.
Nói cách khác, để có thể tiến hành nghiên cứu sóng thần ở Biển Đông, Ấn Độ phải thương lượng và nhìn nhận Trung Quốc là chủ nhân của vùng nghiên cứu.
IANS nhắc lại Trung Quốc luôn bực tức vì hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam (bloc 128). Tháng 05/2017, một "chuyên gia" của quân đội Trung Quốc còn phản đối Ấn Độ tập trận chung với Singapore ở Biển Đông, xem như một thái độ khiêu khích chủ quyền Trung Quốc.
Tại sao Bắc Kinh đột ngột thay đổi thái độ ? Theo IANS, Bắc Kinh muốn qua động thái này là dịu căng thẳng với New Delhi sau cuộc hội kiến được xem là "tích cực" giữa cấp lãnh đạo cao nhất là Tập Cận Bình và Narendra Modi bên lề hội nghị Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (09-10/06/2017). Ấn Độ cũng chính thức gia nhập tổ chức do Trung Quốc chủ xướng.
Tú Anh