Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/01/2023

Bán đảo Triều Tiên không yên bình trong năm 2023

RFI tổng hợp

Viễn cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên năm 2023

Anh Vũ, 03/01/2023

Bước sang năm mới 2023, tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng thêm. Sau các vụ bắn thử tên lửa liên tiếp của Bắc Triều Tiên, hôm thứ Hai (02/01) lần đầu tiên tổng thống Hàn Quốc thông báo chuẩn bị "tập trận hạt nhân" chung với Hoa Kỳ, những dấu hiệu cho thấy bán đảo Triều Tiên khó mà có được một năm yên bình.

coree1

Ảnh Bộ quốc phòng Hàn Quốc phổ biến : Chiến đấu cơ và máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trên bầu trời bán đảo Triều Tiên ngày 20/12/2022. AP

RFI giới thiệu bài trên France 24 ghi nhận những phân tích của các chuyên gia xung quanh những dấu hiệu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trên bán đảo Triều Tiên, năm 2023 được khởi đầu bằng một chút dư âm của năm 2022. Sau gần một năm đều đặn bắn thử tên lửa, Bắc Triều Tiên ngày đầu năm mới 01/01/2023 tiếp tục bắn một tên lửa tầm ngắn. Trước đó một hôm, Bình Nhưỡng đã khép lại năm cũ bằng ba vụ bắn thử tên lửa. 

Ngày Chủ nhật (01/01), lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hứa hẹn năm 2023 cũng sẽ giống như năm 2022 về kỷ lục bắn thử tên lửa. Ông kêu gọi tăng gấp bội kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong năm nay bằng việc triển khai "chế tạo hàng loạt" các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. 

Trong bài diễn văn, lãnh đạo Bắc Triểu Tiên không ngần ngại coi Hàn Quốc là "mục tiêu". Đó là những lời lẽ có hệ quả nặng nề. Theo Christoph Bluth, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên thuộc Đại học Bradford, Anh Quốc, "thường lệ, Kim Jong-un vẫn tránh các ngôn từ như vậy vì thấy cần phải duy trì ý tưởng 'thống nhất hai miền anh em'". 

Thế nhưng, những ngày qua, một loạt yếu tố chưa từng có tiền lệ cho thấy "chúng ta đang ở trong tình hình rất lo ngại", như nhận định của ông Danilo delle Fave, nhà nghiên cứu về quan hệ hai miền Triều Tiên tại International Team for the Study of Security (ITSS) Verona, một cơ quan tư vấn an ninh quốc tế.

Trước tiên là sự kiện Bình Nhưỡng đưa 5 drone vào không phận Hàn Quốc hôm 27/12 trêu ngươi hệ thống phòng không của Seoul. Christoph Bluth lưu ý : "Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ họ có thể thành công trong lĩnh vực mà người láng giềng Hàn Quốc vẫn chưa thể hiện được khả năng, dù có trình độ công nghệ cao hơn".

Đặc biệt là việc tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol đã có những phát ngôn rất chủ chiến trong một cuộc phỏng vấn trên nhật báo Chosun Ilbo hôm thứ Hai. Trong cuộc phỏng vấn này, ông khẳng định Hàn Quốc phải "chuẩn bị tích cực" cho một cuộc xung đột, đồng thời quả quyết rằng Seoul dự tính tiến hành "các cuộc diễn tập hạt nhân chung với Hoa Kỳ". 

Thực sự đây là "thời kỳ chưa từng có" với Hàn Quốc cũng như với Washington, chuyên gia Danillo delle Fave nhấn mạnh. Nhưng Christoph Bluth lưu ý "điều đó không có nghĩa là sắp tới Seoul định trang bị vũ khí hạt nhân".

Đó chỉ là diễn tập giả định một cuộc tấn công hạt nhân của Bắc Triều Tiên, để chuẩn bị khả năng đáp trả, "bằng cả vũ khí quy ước lẫn hạt nhân", theo Danilo delle Fave. Washington sẽ huấn luyện cho đồng minh Châu Á cách hỗ trợ và triển khai một cuộc phản công hạt nhân nhắm vào Bắc Triều Tiên bằng vũ khí Mỹ từ đất Hàn Quốc. 

"Đây là lần đầu tiên một nước không thuộc khối NATO được huấn luyện như vậy để biết cách sử dụng vũ khí hạt nhân Mỹ", chuyên gia Danillo delle Fave nhận định. 

Theo nhật báo Chosun Ilbo, Washington có lẽ muốn để ngỏ viễn cảnh này. Nhưng chính quyền Mỹ đã không chính thức xác nhận, theo ghi nhận của Reuters. Tối hôm thứ Hai, khi được một phóng viên hỏi tại Nhà Trắng có hay không các cuộc thảo luận giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ về diễn tập hạt nhân chung, tổng thống Joe Biden đã phủ nhận.

Yoon Seok-yeol, tổng thống quá rắn ?

Dù các cuộc tập trận như vậy chỉ là viễn cảnh, đây cũng đã là sự khiêu khích và là một tín hiệu của Seoul gửi đến Bình Nhưỡng. "Đó là để cho Bắc Triều Tiên hiểu rằng trong trường hợp bị tấn công, có thể sẽ có sự đáp trả bằng vũ khí hạt nhân dù Hàn Quốc không có loại vũ khí đó", chuyên gia Christoph Bluth ghi nhận. Chuyên gia Danillo delle Fave phân tích : "Một trong những lo sợ chính của chế độ Bình Nhưỡng là người láng giềng miền nam được trang bị năng lực hạt nhân".

Trong trường hợp này, các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ giúp cho Seoul vừa thể hiện được sức mạnh hạt nhân, đồng thời về mặt chính thức vẫn giữ được vị thế là quốc gia không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Thông báo nói trên minh họa rõ nét thế tấn công của tổng thống Yoon Seok-yeol đối với Bắc Triều Tiên từ khi ông lên nắm quyền tháng 5/2022. "Chính phủ bảo thủ của Yoon Seok-yeol đã dũ bỏ hoàn toàn chính sách ngoại giao cởi mở của người tiền nhiệm thuộc phái tự do. Leo thang căng thẳng hiện nay phần nào là kết quả của cách tiếp cận cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Bắc Triều Tiên", ông Danillo delle Fave khẳng định 

Tổng thống Yoon Seok-yeol thậm chí cho biết ông dự tính trở lại xem Bắc Triều Tiên là "kẻ thù" trong sách trắng về an ninh quốc gia, cụm từ đã được bỏ từ năm 2018. 

Hiếm khi Seoul thể hiện trước vai trò làm xấu đi quan hệ hai miền. Thường là phải cả hai phía mới dẫn đến khủng hoảng. Đúng là Kim Jong-un không ngừng mang tên lửa có khả năng tấn công Hàn Quốc để đe dọa. Nhưng đồng nhiệm Hàn Quốc cũng không làm gì nhiều để hạ nhiệt ý đồ chủ chiến của nhà độc tài Bắc Triều Tiên. 

Trên thực tế, lãnh đạo Bắc Triều Tiên bị rơi vào thế kẹt từ cuộc gặp thượng đỉnh 2018 với Donald Trump, theo Christoph Bluth. "Ông John Bolton (một cố vấn An ninh của Donald Trump) đã đặt ra nguyên tắc là Bắc Triều Tiên phải hủy toàn bộ chương trình hạt nhân của họ trước khi được giảm trừng phạt, điều mà Bình Nhưỡng tuyệt đối không thể chấp nhận", chuyên gia này giải thích. 

Trước thái độ không khoan nhượng của chính quyền Trump và chính quyền Biden ưu tiên đối phó Nga và Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã chọn cách "tăng áp lực đối với Hàn Quốc với hy vọng Seoul sẽ thúc đẩy đồng minh Mỹ giảm nhẹ lập trường với Bình Nhưỡng", ông Christoph Bluth nhận định. 

Căng thẳng : Chuẩn mực mới trên bán đảo Triều Tiên ?

Nhưng Kim Jong-un đã mắc sai lầm trong tính toán. "Yoon Seok-yeol không phản ứng giống như dự tính, mà trái lại tổng thống Hàn Quốc lại thúc Washington can dự mạnh hơn về mặt quân sự trong vùng", chuyên gia của Đại học Bradford phân tích. 

Tổng thống bảo thủ Hàn Quốc định lợi dụng mối đe dọa bắc Triều Tiên để có thêm vũ khí Mỹ và hiện tại người ta chứng kiến Hàn Quốc đang quân sự hóa. 

Tuy nhiên, không chuyên gia nào được France 24 phỏng vấn nhận định rằng sự leo thang căng thẳng này sẽ dẫn đến xung đột mở trên bán đảo Triều Tiên. "Bắc Triều Tiên không thể tự cho phép mình đi quá xa, bởi họ phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ không để họ làm thế, vì biết Mỹ có đủ phương tiên để chiến thắng Bình Nhưỡng về quân sự", chuyên gia Danillo delle Fave kết luận. Theo ông, hai miền Triều Tiên ít nhiều đang chơi trò nguy hiểm : "Nguy cơ là một sự cố không may có thể khiến tình hình trở nên không kiểm soát được".

Ngay cả nếu không có sự cố xảy ra, thì "sự đối đầu giữa một Bắc Triều Tiên không ngần ngại thử tên lửa đạn đạo và một Hàn Quốc ngày càng tỏ ra không khoan nhượng về ngoại giao có nguy cơ trở thành chuẩn mực mới trên bán đảo Triều Tiên", chuyên gia Christoph Bluth lo ngại.

(Theo france24.com)

Anh Vũ

*************************

Hàn Quốc tăng tốc phát triển tên lửa siêu thanh

Minh Anh, RFI, 25/01/2023

Giới chức quân sự và các ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc ngày 24/01/2023 loan báo, quân đội nước này có kế hoạch lắp ráp một tên lửa siêu thanh địa đối không trong quý II/2023, với mục tiêu có thể bắn thử nghiệm vào năm 2024. 

coree2

Ảnh tư liệu : Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup phát biểu trong lễ kỷ niệm 44 năm ngày thành lập bộ chỉ huy liên quân Mỹ-Hàn (CFC), tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 15/11/2022. AFP – Lee Jin-man

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết, trong bản báo cáo của bộ quốc phòng đệ trình lên tổng thống, tên lửa siêu thanh có thể vượt qua vận tốc Mach 5 (tức hơn 6.120 km/giờ) và có khả năng chuyển hướng bay bất thường từ trái sang phải. 

Báo cáo cho rằng dự án phát triển loại tên lửa này còn nhằm mục đích tăng cường năng lực đáp trả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên. Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) sẽ đảm trách việc nghiên cứu làm chủ các công nghệ thiết kế tên lửa siêu thanh địa đối không và chế tạo một tên lửa mẫu có điều khiển, lắp ráp cho một chiến đấu cơ trước khi tiến hành bắn thử. 

Căn cứ vào tiến độ phát triển, tên lửa siêu thanh sẽ được lắp ráp trong quý II/2023 và có thể sẽ được bắn thử lần đầu trong năm tới. Theo ước tính, loại tên lửa này có thể bắn tới Bình Nhưỡng chỉ trong vòng 2 phút. 

Theo một báo cáo do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (Service de Recherche du Congrès) công bố hôm 12/01/2023, hiện có 7 quốc gia đang phát triển tên lửa siêu thanh : Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Đức và một nước khác. Còn Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đã có tên lửa siêu thanh. 

Cũng liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, Yonhap dẫn lời phát ngôn viên bộ quốc phòng Mỹ, chuẩn tướng Pat Ryder cho biết Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi chặt chẽ khả năng Bắc Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. 

Minh Anh

**************************

Bắc Triều Tiên khẳng định thử thành công tên lửa siêu thanh

Anh Vũ, RFI, 29/06/2021

AFP dẫn nguồn hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA hôm 29/09/2021, thông báo Bình Nhưỡng đã đạt tiến bộ lớn về công nghệ trong vụ bắn thử thành công tên lửa siêu thanh.

coree3

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa. Ảnh ngày 28/09/2021. Jung Yeon-je AFP

Hãng tin KCNA khẳng định thành công của vụ thử tên lửa hôm 28/09/2021 có "tầm quan trọng lớn về chiến lược" vào lúc Bình Nhưỡng đang tìm cách tăng gấp bội khả năng quốc phòng của mình.

Tên lửa siêu thanh bay nhanh hơn rất nhiều lần so với các loại tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình thông thường mà Bắc Triều Tiên đã có. Hơn nữa theo các chuyên gia về vũ khí, tên lửa siêu thanh rất khó bị phát hiện và đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có của Mỹ.

Trong thông báo, KCNA cho biết vụ thử được tiến hành tại tỉnh Jagang, ở miền bắc Bắc Triều Tiên và "kết quả của các thử nghiệm đã cho thấy mọi tính năng kỹ thuật của tên lửa đều đáp ứng yêu cầu như thiết kế".

Vụ thử tên lửa siêu thanh có tên gọi Hwasong-8 lần này được một quan chức cấp cao của chế độ giám sát thực hiện, theo thông báo của Bình Nhưỡng. Nhật báo Rodong Sinmun của đảng Lao Động Triều Tiên còn đăng ảnh tên lửa đang được bắn lên lúc buổi sáng.

Theo AFP, quân đội Hàn Quốc đã thông báo có vụ bắn thử của miền Bắc ngay sau khi phát hiện. Nhưng có điều, không như thường lệ, Seoul không cho biết chi tiết độ cao và quãng đường bay của tên lửa.

Hôm nay (29/09), các chỉ huy liên quân tại Seoul khẳng định quân đội Mỹ và Hàn Quốc có đủ khả năng phát hiện và đánh chặn loại tên lửa siêu thanh.

Trong một thông cáo chung liên quân Mỹ-Hàn nhận định, "trên cơ sở đánh giá những tính năng như tốc độ bay thì đây là tên lửa vẫn trong giai đoạn sơ khởi, còn phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể triển khai".

Trong tháng này, Bắc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ bắn thử, từ tên lửa hành trình tầm xa đến loại đạn đạo tầm ngắn, bất chấp lệnh cấm của quốc tế.

Theo ông Lim Eul Chul, giáo sư Viện nghiên cứu Viễn Đông, được AFP trích dẫn, Bình Nhưỡng dùng việc phát triển vũ khí như là "cách để tạo cho mình một không gian hành động trong ngoại giao đồng thời cũng để tăng cương vị thế quân sự của mình".

Trong khi đó Hàn Quốc cũng không ngừng tăng cường khả năng quốc phòng. Viễn cảnh giải trừ quân bị trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Minh Anh
Read 250 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)