Tướng Mỹ báo động nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc năm 2025
Thanh Phương, RFI, 28/01/2023
Một viên tướng Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ rất cao nổ ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc vào năm 2025, rất có thể là do vấn đề Đài Loan. Ông kêu gọi các sĩ quan của mình hãy trong tư thế sẵn sàng chiến đấu ngay từ năm nay.
Tướng hải quân Mỹ Michael Minihan và tổng thống Mỹ thời đó, Barack Obama tại căn cứ không quân Mỹ Andrew, ngày 01/01/2013. AP - Carolyn Kaster
Tư lệnh không quân Mỹ Michael Minihan đã đưa ra lời cảnh báo nói trên trong một tài liệu lưu hành nội bộ, mà Lầu Năm Góc hôm qua đã xác nhận tính xác thực với hãng tin AFP.
Viên tướng này đánh giá chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "vừa có một ê kíp, vừa có một lý do và một cơ hội cho năm 2025". Theo tư lệnh không quân Hoa Kỳ, cuộc bầu cử ở Đài Loan năm 2024 sẽ cho lãnh đạo chế độ Bắc Kinh một "lý do" để hành động. Ông còn cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, cũng diễn ra vào năm 2024, sẽ khiến nước Mỹ bớt để ý tới Trung Quốc.
Trong tài liệu lưu hành nội bộ, tướng Minihan kêu gọi quân của ông hãy tập luyện sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp nổ ra xung đột với Trung Quốc.
Hãng tin AFP nhắc lại là vào tháng 8/2022, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận lớn chung quanh Đài Loan, một cuộc biểu dương lực lượng với tầm mức chưa từng có, để đáp trả chuyến viếng thăm hòn đảo của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.
Khi đến thăm Đài Loan vào đầu tháng Giêng năm 2023, cựu tổng thư ký khối NATO Anders Fogh Rasmussen cũng đã kêu gọi các cường quốc Châu Âu gia tăng nỗ lực để ngăn chặn ý định của Bắc Kinh đánh chiếm hòn đảo này. Ông Rasmussen cho rằng các nước Châu Âu đã từng tỏ ra "quá ngây thơ" với Moskva trước khi Nga xâm lăng Ukraine và có thể sẽ lặp lại sai lầm này với Trung Quốc.
Thanh Phương
*************************
Tướng Mỹ kêu gọi tăng cường lực lượng răn đe Trung Quốc
Vũ Anh, VnExpress, 28/01/2023
Chỉ huy Bộ tư lệnh Không vận Mỹ cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Quốc trong hai năm tới, kêu gọi lực lượng nước này tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Tướng Minihan thăm căn cứ không quân Travis, bang California, Mỹ, hồi tháng 11/2022. Ảnh: USAF.
"Tôi hy vọng mình sai. Linh tính mách bảo rằng xung đột sẽ nổ ra trong năm 2025. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, trong khi đảo Đài Loan sẽ bầu lãnh đạo năm 2024. Bầu cử tổng thống Mỹ cũng diễn ra trong năm 2024 và khiến đất nước mất tập trung. Mọi yếu tố đều phù hợp với ông Tập vào năm 2025", đại tướng Mike Minihan, chỉ huy Bộ tư lệnh Không vận Mỹ (AMC), cho biết trong bản ghi nhớ nội bộ được tiết lộ hôm 27/1.
Phát ngôn viên AMC Zachary Boyer xác nhận bản ghi nhớ được chia sẻ trên mạng là thực, nhưng không bình luận về nội dung được tướng Minihan đề cập. AMC phụ trách lực lượng vận tải cơ và máy bay tiếp dầu của không quân Mỹ, cùng hàng loạt nhiệm vụ liên quan.
Trong bản ghi nhớ, tướng Minihan yêu cầu cấp dưới tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ, trong đó có cải thiện huấn luyện khả năng xạ kích nhằm hạ mục tiêu trong thời gian ngắn nhất.
"Chúng ta đã xây dựng nền tảng chiến thắng trong năm 2022, trong khi năm 2023 sẽ cải thiện khả năng tác chiến dựa trên nền tảng đó. AMC cần hành động nhanh hơn, củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng và tác chiến linh hoạt với bản thân chúng ta và lực lượng liên quân, nhằm răn đe và đánh bại Trung Quốc nếu cần thiết", ông nhấn mạnh.
Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại.
Joseph Trevithick, nhà bình luận chuyên về quân sự của Drive, đánh giá bình luận của tướng Minihan "rõ ràng rất quyết liệt". Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao Mỹ gần đây cũng cho rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ thu hồi Đài Loan bằng vũ lực, nhận định điều này có thể diễn ra trước năm 2027.
Phó đô đốc Karl Thomas, tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ, hồi tháng 9/2022 thừa nhận Bắc Kinh đủ khả năng triển khai lực lượng bao vây đảo Đài Loan. Quân đội Trung Quốc từng gặp nhiều khó khăn trong hiệp đồng liên quân chủng, vốn là phương thức tác chiến hiện đại. Đây được coi là điểm yếu tiềm tàng với lực lượng vũ trang Trung Quốc, nhưng ông Thomas cho rằng Bắc Kinh đã đạt nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.
Tướng Clinton Hinote, phó tư lệnh không quân Mỹ phụ trách chiến lược, cuối năm ngoái cảnh báo Lầu Năm Góc sẽ làm mọi cách để ngăn Trung Quốc thu hồi đảo Đài Loan bằng vũ lực, biến nó thành một trong những chiến dịch quân sự khó khăn nhất trong lịch sử. "Tôi mong họ nhận ra rằng Mỹ sẽ không để dòng chảy hậu cần của Trung Quốc tiếp diễn nếu điều đó xảy ra", ông nói.
Vũ Anh (theo AFP)
*************************
Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự trong sân sau của Bắc Kinh
Reuters, VOA, 28/01/2023
Trong vài tiếng đồng hồ dưới bầu trời xám xịt, hàng chục máy bay chiến đấu và trực thăng gầm rú bay lên, đáp xuống bãi đáp của tàu sân bay Nimitz, trong một cuộc biểu dương sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ tại một trong những vùng biển tranh chấp gay gắt nhất thế giới : Biển Đông.
Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ.
Máy bay trực thăng MH-60 Seahawk và máy bay phản lực F/A-18 Hornet với các ‘bí danh’ như ‘Fozzie Bear’, ‘Pig Sweat’ và ‘Bongoo’ phát ra những tiếng rú chói tai khi hạ cánh trong mưa phùn xuống Nimitz, chiếc tàu sân bay dẫn đầu một nhóm tàu tiến vào Biển Đông hai tuần trước.
Chỉ huy của nhóm, Chuẩn đô đốc Christopher Sweeney, cho biết chuyến đi là một phần trong cam kết của Hoa Kỳ nhằm duy trì quyền tự do đi lại trong vùng biển và vùng trời của một khu vực quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ ra khơi, bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ làm điều đó một cách an toàn và chúng tôi sẽ kiên quyết về điều đó", Chuẩn đô đốc Sweeney nói với Reuters hôm 27/1.
"Đây thật ra là di chuyển và vận hành dĩ nhiên với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực và đảm bảo với họ về thương mại tự do và cởi mở ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông, nơi vận chuyển khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại hàng năm, đã được các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Úc hoan nghênh, nhưng nó tiếp tục chọc giận đối thủ Trung Quốc, vốn coi các cuộc diễn tập này là hành động khiêu khích trong sân sau của họ.
Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.
Bắc Kinh cũng đã tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên và duy trì sự hiện diện lớn của lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu cá ở xa đất liền - một nguồn căng thẳng thường xuyên với các nước láng giềng.
Nhóm tàu sân bay Nimitz 11 bao gồm tàu tuần dương phi đạn hành trình dẫn đường Bunker Hill và các tàu khu trục phi đạn dẫn đường Decatur, Wayne E. Meyer và Chung-Hoon. Tàu Chung-Hoon vào ngày 5 tháng 1 đã đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm, khiến Trung Quốc khó chịu.
Điều đó xảy ra hai tuần sau khi một máy bay chiến đấu J-11 của hải quân Trung Quốc gây báo động khi bay cách một máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ trong vòng 3 mét trên Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Sweeney nói rằng điều quan trọng là phải tuân thủ các quy tắc quốc tế và cho biết sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh trong khu vực.
"Chúng tôi đã hoạt động trong cùng một vùng biển với hải quân Trung Quốc, Singapore hoặc Philippines kể từ khi chúng tôi đến và tất cả đều an toàn và chuyên nghiệp," ông nói.
"Chúng tôi sẽ ra khơi, bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà vùng biển quốc tế cho phép, chúng tôi sẽ không đi đâu cả".