Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/06/2017

Đông Nam Á : thị trường vũ khí mới của Nhật

Tổng hợp

Nhật muốn đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang Đông Nam Á (RFI, 13/06/2017)

Nhật Bản đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị quân sự sang các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

nhat1

Chiến đấu cơ F-35A, sản phẩm quốc phòng hàng đầu của Nhật, do Mitsubishi lắp ráp. Ảnh chụp ngày 05/06/2017.STR / JIJI PRESS / AFP

Theo hãng tin AP, giám đốc Cơ quan Hậu cần và Công nghệ của bộ quốc phòng Nhật, ông Hideaki Watanabe vừa cho biết là ngày, 15/06/2017, Tokyo sẽ chủ trì một cuộc họp với các quan chức quốc phòng từ các nước Đông Nam Á để thảo luận về việc chia sẻ các công nghệ và thiết bị quân sự. Ông Watanabe thông báo như trên vào ngày 12/06 nhân cuộc một cuộc triển lãm vũ khí quốc tế gần thủ đô Tokyo, với sự tham dự của hàng trăm quan chức quốc phòng và lãnh đạo ngành công nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.

Cuộc họp ngày mai là nằm trong khuôn khổ chính sách của thủ tuớng Shinzo Abe thúc đẩy vai trò quân sự của Nhật trên trường quốc tế, đồng thời gia tăng xuất khẩu thiết bị quốc phòng của Nhật, đặc biệt là sang các nước Đông Nam Á, khu vực mà Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc bán vũ khí.

Chiếu theo bản Hiến pháp hoà bình được ban hành sau Đệ nhị Thế chiến, cho tới nay Nhật Bản vẫn hạn chế tối đa việc xuất khẩu vũ khí, chủ yếu là giới hạn trong việc cùng nghiên cứu và phát triển vũ khí với Mỹ trong khuôn khổ hiệp ước quốc phòng song phương. Kể từ khi các quy định đó được nới lỏng, Nhật Bản nay đã có các thỏa thuận phát triển thiết bị quân sự chung với Anh Quốc, Úc và Pháp. Để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật, Tokyo đã tăng ngân sách nghiên cứu lên hơn 10 tỷ yen (90 triệu đôla) năm nay.

Trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã xúc tiến việc chuyển giao công nghệ thiết bị quốc phòng sang các nước Đông Nam Á để giúp các nước này nâng cao khả năng bảo vệ an ninh trên biển trước việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông. Tuy nhiên cho tới nay, Tokyo chỉ mới ký hợp đồng cho Philippines thuê ít nhất 5 phi cơ giám sát TC-90 để tuần tra trên biển. Hai chiếc đầu tiên đã được giao cho Manila tháng 3 vừa qua và 3 chiếc còn lại sẽ được giao vào tháng 3 năm tới. Các phi công của hải quân Philippines sẽ được huấn luyện tại Nhật để lái các chiếc TC-90 này.

Nhân chuyến viếng thăm Việt Nam đầu năm nay, thủ tướng Shinzo Abe cũng đã thông báo quyết định cung cấp cho Việt Nam thêm 6 tàu tuần tra mới để nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

Theo hãng tin AP, hiện giờ các nhà sản xuất của Nhật vẫn còn thận trọng về viễn cảnh xuất khẩu thiết bị quân sự. Chẳng hạn như Mitsubishi Heavy Industries, nhà sản xuất khu trục hạm Aegis và chiến đấu cơ phản lực, không dự trù sẽ tăng mạnh số bán ngay lập tức, vì các thương vụ bán thiết bị quốc phòng của Nhật hiện tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực phòng chống thiên tai và hòa bình quốc tế.

Đông Nam Á là một thị trường tuy nhỏ, nhưng có rất nhiều hứa hẹn đối với Nhật, vì cùng với đà tăng trưởng kinh tế, các nước khu vực này đang đồng loạt gia tăng chi tiêu quân sự, nhất là để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Cuộc triển lãm vũ khí gần Tokyo, do các bộ quốc phòng, ngoại giao và công nghiệp Nhật bảo trợ, sẽ là dịp để các nhà sản xuất Nhật "chào hàng" với các đối tác Đông Nam Á. Nhưng họ sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, nhất là vì Trung Quốc bán vũ khí giá rẻ hơn cho các nước Đông Nam Á.

Thanh Phương

*****************

hật Bản muốn đẩy mạnh bán vũ khí cho Đông Nam Á (Tiền Phong, 13/06/2017)

Chính phủ Nhật Bản muốn đẩy mạnh bán vũ khí, công nghệ quân sự cho Đông Nam Á, trong bối cảnh khu vực đang đối mặt nhiều thách thức an ninh và Tokyo dần dần thay đổi chính sách quân sự.

nhat2

Mô hình máy bay tìm kiếm, cứu nạn US-2 do Cty Nhật Bản ShinMaywa Industries sản xuất. Ảnh: Getty Images.

Một quan chức quốc phòng Nhật Bản hôm qua cho biết, Nhật Bản đang muốn đẩy mạnh bán vũ khí cho các quốc gia ở Đông Nam Á, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực đang gia tăng. Đây là một phần trong chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tăng cường vai trò quân sự của Nhật Bản và đẩy mạnh bán trang thiết bị quốc phòng, đặc biệt cho Đông Nam Á, nơi Trung Quốc đã mở rộng bán vũ khí.

Ông Hideaki Watanabe, Giám đốc Cơ quan Mua sắm công nghệ và hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết, Nhật Bản sẽ tổ chức một hội nghị vào thứ 5 tuần này với các quan chức quốc phòng từ ASEAN để thảo luận về việc chia sẻ thiết bị và công nghệ. Ông Watanabe cho biết như vậy tại một triển lãm vũ khí quốc tế gần Tokyo, với sự tham gia của hàng trăm quan chức, lãnh đạo quốc phòng khắp thế giới.

Ông Watanabe nói rằng, gần đây có nước nỗ lực hung hăng nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông. “Cần phải duy trì vùng biển mở và ổn định theo nguyên tắc pháp quyền. Bảo đảm an toàn hàng hải và an toàn bay góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng ở Nhật Bản và quốc tế. Việc Nhật Bản nghiên cứu và phát triển trang thiết bị quốc phòng chất lượng cao đóng góp cho quốc phòng của Nhật Bản và những nơi khác”, ông Watanabe nói.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản hiện nay mới đạt doanh thu mỗi năm khoảng 16 tỷ USD, trong khi ngành công nghiệp ô-tô của nước này đạt 470 tỷ USD. Nhật Bản phải hạn chế xuất khẩu vũ khí do hiến pháp hòa bình, nên nước này chỉ có một số hoạt động nghiên cứu và phát triển vũ khí hạn chế theo một thỏa thuận an ninh song phương với Mỹ. Từ khi nới lỏng quy định năm 2014, Nhật Bản giờ đang có những thỏa thuận nghiên cứu chung với Anh, Úc và Pháp.

Để tăng quy mô ngành công nghiệp quốc phòng, chính phủ Nhật tăng chi cho nghiên cứu lên hơn 90 triệu USD trong năm nay. Nhật Bản cũng đang thúc đẩy chuyển giao trang thiết bị quốc phòng cho các nước Đông Nam Á để giúp họ nâng cao năng lực an ninh trên biển, trong khi Trung Quốc quyết liệt quân sự hóa trên biển Đông. Nhưng đến nay, Nhật Bản mới có thỏa thuận bán máy bay  giám sát TC-90 cho Philippines.

Bớt e ngại

Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất khẩu rất nhiều thiết bị quân sự giá rẻ cho các nước Đông Nam Á. “Điều rất quan trọng với Đông Nam Á là chi phí và Trung Quốc sẽ mời chào với giá rẻ”, ông Paul Burton, giám đốc hàng không, quốc phòng và an ninh tại công ty dịch vụ tài chính IHS Markit ở Singapore, nhận xét.

Triển lãm Công nghệ và hệ thống hàng hải châu Á (MAST) diễn ra trong 3 ngày, được các ngành công nghiệp, quốc phòng và ngoại giao Nhật Bản tài trợ. Khi MAST diễn ra lần đầu tiên năm 2015, các công ty Nhật Bản còn e ngại việc quảng cáo các sản phẩm quốc phòng của họ vì không muốn bị hiểu là Nhật Bản đang quay lại thời kỳ quân phiệt. Khi đó chỉ có tập đoàn NEC có gian triển lãm riêng, còn các công ty khác gộp chung với nhau.

Sự e ngại đó dường như đã bớt đi. Triển lãm năm nay chứng kiến ít nhất 16 công ty Nhật Bản có gian trưng bày riêng, trong đó có nhà sản xuất vũ khí hàng đầu là Mitsubishi Heavy Industries, nhà sản xuất máy bay tuần tra săn tàu ngầm P-1 Kawasaki Heavy Industries, và nhà sản xuất thủy phi cơ US-2 ShinMaywa Industries. “Chúng tôi muốn giới thiệu hàng loạt sản phẩm và công nghệ với những người tham gia sự kiện”, phát ngôn viên của Mitsubishi Heavy nói.

Việc Nhật Bản đang từng bước trở thành một quốc gia “bình thường” dường như vẫn là vấn đề nhạy cảm với một số nước ở châu Á, nhưng việc Tokyo đóng góp ngày càng lớn trong các vấn đề khu vực được nhiều quốc gia hoan nghênh, ông Yoon Sukjoon, chuyên gia quốc phòng vốn là sĩ quan hải quân Hàn Quốc, nói khi đang dự triển lãm. “Chúng tôi đối mặt mối đe dọa thực sự từ Triều Tiên”, ông Yoon nói.

“Nhật Bản là nước láng giềng của chúng tôi. Khi chúng tôi chia sẻ lợi ích chung, chia sẻ khái niệm an ninh chung thì không có lý do gì để chúng tôi gạt bỏ hợp tác về trang thiết bị quốc phòng và chia sẻ thông tin”, Reuters dẫn lời ông Yoon.

Quay lại trang chủ
Read 1027 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)