Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện gây chiến với dân
Thu Hằng, RFI, 04/03/2023
Trong bản báo cáo về tình hình 2 năm sau cuộc đảo chính ở Miến Điện, được công bố ngày 03/03/2023, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo tập đoàn quân sự Miến Điện coi người dân là đối thủ và gây chiến với nhân dân. Tại Miến Điện, "thảm họa ngày càng tồi tệ", trong khi quân đội "hoàn toàn không bị trừng phạt".
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại Naypyidaw, Miến Điện ngày 31/01/2023. AP
Ngoài những lời lên án nghiêm khắc trên, Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 2.940 người đã chết, trong đó gần 30% tử vong khi bị giam cầm. Tuy nhiên, ông James Rodehaver, phụ trách văn phòng Miến Điện tại Cao ủy Nhân quyền, cho rằng số người chết trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. AFP lưu ý là ông, cũng như các cộng tác viên, không được trực tiếp đến Miến Điện.
Quân đội Miến Điện hoạt động trên khoảng 13 mặt trận, được không lực và pháo binh gia tăng yểm trợ và đã tiến hành hơn 300 đợt không kích trong năm 2022. Gần 80% trên tổng số 330 địa phương ở Miến Điện bị tác động từ các cuộc đối đầu vũ trang. Phát biểu trong buổi họp báo tại Genève, ông James Rodehaver nhận định "chưa có lúc nào cuộc khủng hoảng ở Miến Điện lại đạt đến quy mô như vậy trên khắp cả nước".
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, gần 39.000 ngôi nhà trên khắp Miến Điện đã bị thiêu rụi hoặc bị phá hủy trong các chiến dịch quân sự từ tháng 02/2022, "tăng hơn 1.000 lần" so với năm 2021. Quân đội và lực lượng giữ an ninh đã tiến hành 17.572 vụ bắt giam kể từ cuộc đảo chính. Ngoài ra, tập đoàn quân sự còn sử dụng chiến lược, được gọi là "Bốn kiểu cắt" : cắt lương thực, cắt tuyển mộ, cắt truyền thông và cắt nguồn tiền hoặc phương tiện thay thế của đối lập.
Người phụ trách văn phòng Miến Điện tại Cao ủy Nhân quyền đánh giá hành động của tập đoàn quân sự cho thấy "họ coi nhân dân Miến Điện là đối lập, là đối thủ" và "cả một quân đội đang gây chiến với chính dân tộc của họ", khiến mọi quyền của con người bị thụt lùi.
Thu Hằng
**************************
Quân đội Myanmar liên tục gây ra khủng hoảng nhân quyền’
VOA tiếng Việt, 03/04/2023
Phúc trình của Liên Hiệp Quốc ngày 3/3 cáo buộc quân đội Myanmar ‘không ngừng gây ra khủng hoảng nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực.
Các làng mạc ở Myanmar bị đốt cháy
Kể từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền cách nay hai năm, Myanmar đã rơi vào hỗn loạn, với phong trào kháng chiến đấu tranh chống chính quyền quân sự trên nhiều mặt trận theo sau cuộc đàn áp đẫm máu các đối thủ khiến các nước phương Tây tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Phúc trình, ghi lại các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong giai đoạn từ ngày 1/2 2022 đến ngày 31/1 năm 2023, cho thấy bạo lực đã gia tăng ở tây bắc và đông nam Myanmar bằng ‘các cuộc không kích bừa bãi và pháo kích, đốt cháy ồ ạt các ngôi làng để di dời dân thường và từ chối cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận’ của quân đội Myanmar.
Phúc trình cho biết chiến thuật được quân đội sử dụng này là nhằm để cắt đứt các nhóm vũ trang phi nhà nước khỏi nguồn cung thực phẩm, tài chính, tình báo và tuyển quân.
"Quân đội, vốn trở nên tàn bạo do từ trước tới nay tuyệt đối không bị trừng phạt, trước sau vẫn thể hiện sự coi thường các nghĩa vụ và nguyên tắc quốc tế", Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Volker Turk, cho biết trong một tuyên bố.
"Cần có hành động cụ thể, khẩn cấp để chấm dứt thảm họa đang manh nha này".
Chính quyền Myanmar không trả lời ngay lập tức các cuộc gọi và email hỏi ý kiến của Reuters.
Chính phủ quân phiệt Myanmar trước đó nói rằng họ có nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và an ninh và phủ nhận họ có hành động tàn bạo và nói rằng họ đang tiến hành chiến dịch hợp pháp chống lại những kẻ khủng bố.
Ông James Rodehaver, đại diện Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Myanmar, cho biết các cuộc đụng độ vũ trang đang xảy ra ở khoảng 77% diện tích đất nước.
"Chưa có lúc nào và hoàn cảnh nào mà khủng hoảng ở Myanmar lại đi xa đến mức này, rộng đến mức này trên khắp đất nước", ông phát biểu trong một cuộc họp báo ở Geneva.
Trong các khuyến nghị của mình, phúc trình kêu gọi các giới chức Myanmar chấm dứt bạo lực và ngừng đàn áp các đối thủ.
"Các hoạt động quân sự phải dừng lại để có chỗ cho đối thoại để có thể chấm dứt khủng hoảng này", phúc trình viết.
Theo Reuters