Biển Đông : Trung Quốc và ASEAN thảo luận về Bộ Quy tắc về ứng xử vào tuần tới
RFA, 04/03/2023
ASEAN và Trung Quốc sẽ nối lại các vòng thảo luận về Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) vào tuần tới, theo thông báo hôm 4/3 của Bộ Ngoại giao Indonesia (DFA).
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại họp báo ở Jakarta hôm 22/2/2023 - AFP
DFA thông báo tin này sau khi Ngoại trưởng nước chủ tịch luân phiên của ASEAN là Retno Marsudi có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc là Tần Cương hồi tuần trước.
Theo thông báo của DFA, cuộc thảo luận giữa hai bên sẽ diễn ra vào từ ngày 8 đến 9 tháng 3 tại Ban thư ký ASEAN và nhân cuộc họp lần thứ 38 của Nhóm làm việc chung.
Cuộc gặp cuối cùng giữa ASEAN và Trung Quốc về COC diễn ra tại Campuchia hồi tháng 10 năm ngoái.
"Cuộc gặp sẽ tiếp tục đàm phán và xem xét các câu chữ đang được đàm phán trong COC" - Teresita Daza, người phát ngôn của DFA cho báo chí biết.
ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán COC từ khoảng 10 năm qua kể từ sau khi hai bên đạt được Tuyên bố chung về ứng xử tại Biển Đông ở Phnom Penh, Campuchia hồi năm 2002.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông. Các nước khác cũng có những đòi hỏi chủ quyền tại vùng biển này gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
Tình hình Biển Đông trong những tháng gần đây đã trở nên căng thẳng khi Philippines lên tiếng tố cáo Trung Quốc liên tục đe dọa chủ quyền của nước này ở vùng biển tranh chấp. Báo chí Việt Nam đưa tin, các tàu cá của ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thời gian qua thường xuyên bị tàu Trung Quốc đe doạ, cướp phá, thậm chí bắt nộp tiền chuộc.
************************
Philippines phát hiện nhiều tàu Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ
RFA, 04/03/2023
Philippines cho biết phát hiện một tàu Hải quân và hằng chục tàu dân quân biển Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ thuộc Trường Sa.
Đảo Thị Tứ - Reuters
Reuters loan tin ngày 4/3 dẫn thông báo của Tuần duyên Philippines như vừa nêu. Lực lượng bảo vệ biển này của Manila nói rõ số tàu dân quân biển của Trung Quốc lên đến hơn 40 chiếc. Còn chiếc tàu Hải quân Trung Quốc di chuyển chậm quanh đảo.
Thông cáo của Tuần duyên Philippiines cho rằng sự hiện diện phi pháp tiếp diễn của Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ rõ ràng vi phạm trắng trợn vùng biển của Philippines cũng như không nhất quán về quyền qua lại vô hại.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa phản hồi gì về yêu cầu bình luận của Reuters đối với thông tin vừa nêu.
Đảo Thị Tứ hiện do Philippines trấn giữ và gọi tên là Pag-asa. Đảo này cách tỉnh Palawan chừng 480 km về phía Tây và có khoảng 400 nhân khẩu trên đó. Số này gồm quân nhân và lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển của Philippines.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trong đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra tại Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye vào năm 2016 ra phán quyết tuyên rõ đường này không có giá trị cả về mặt pháp lý và mặt lịch sử ; tuy nhiên Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa.
Ngoài Trung Quốc và Đài Loan, còn bốn nước khác trong khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Đó là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
***********************
Philippines nói phát hiện tàu hải quân Trung Quốc gần đảo tranh chấp
Reuters, VOA, 04/03/2023
Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ đã phát hiện một tàu hải quân Trung Quốc và hàng chục tàu dân quân xung quanh một hòn đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông, giữa lúc căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ gia tăng trong khu vực.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa nằm dưới sự quản lý của Philippines.
Lực lượng Tuần duyên Philippines nói 42 tàu được cho là của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã được nhìn thấy ở khu vực lân cận đảo Thị Tứ, trong khi một tàu hải quân và tàu cảnh sát biển Trung Quốc được quan sát thấy "lảng vảng chậm chạp" ở vùng biển xung quanh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về phát biểu này.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa là tiền đồn lớn nhất và quan trọng nhất về mặt chiến lược của Manila ở Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, nơi một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr hai tuần trước cho biết Philippines "sẽ không để mất một tấc đất" lãnh thổ nào khi các nước Đông Nam Á phản đối "các hoạt động hung hăng" của Trung Quốc trên biển.
Với tên địa phương là Pag-asa, Thị Tứ nằm cách khoảng 480 km về phía tây tỉnh Palawan của Philippines. Là nơi sinh sống của hơn 400 người, bao gồm cả nhân viên quân sự và chấp pháp, hòn đảo này được Manila sử dụng để duy trì yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình.
Các chuyên gia nói rằng các đội tàu đánh cá và lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là trọng tâm trong tham vọng chiến lược của nước này ở Biển Đông, duy trì sự hiện diện mà thường xuyên gây phức tạp cho các hoạt động đánh cá và năng lượng ngoài khơi của các quốc gia ven biển khác.
"Sự hiện diện trái phép liên tục của họ rõ ràng là không phù hợp với quyền đi lại bình thường và vi phạm trắng trợn sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines," lực lượng tuần duyên cho biết trong một phát biểu.
Ông Marcos tháng trước đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phàn nàn về cường độ và tần suất của các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines đã đệ trình 77 công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc trên biển, trong đó nói rằng một tàu hải cảnh Trung Quốc vào ngày 6 tháng 2 đã chiếu "tia laser cấp độ quân sự" vào một tàu tuần duyên Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong khi Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền đối với một số hoặc tất cả các đảo.
(Reuters)