Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/03/2023

Trung Quốc muốn sở hữu máy chế tạo chíp tinh vi

RFI tổng hợp

Máy chế tạo chíp : Quyết định cấm xuất của Hà Lan, đòn đau với Trung Quốc

Trọng Thành, RFI, 11/03/2023

Hà Lan quyết định siết chặt xuất khẩu máy sản xuất chíp điện tử cao cấp sang Trung Quốc, để hưởng ứng chủ trương của Mỹ. Philippines mở chiến dịch tố cáo các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu xuyên tạc sự thật về chiến tranh ở Ukraine của ngoại trưởng Nga bị chê cười tại hội nghị ở Ấn Độ.

chip1

Khâu lắp ráp cuối cùng của máy in thạch bản linh kiện bán dẫn Twinscan NXE:3400B của công ty Hà Lan ASML, ở Veldhoven, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 04/04/2019. © via Reuters - Handout, Bart van Overbeeke Fotografie/ASML.

Nhân dịp 08/03, để thúc đẩy bình đẳng giới, quốc gia Châu Âu Ireland ra quyết định trưng cầu dân ý xét lại điều khoản bất bình đẳng giới, về "vai trò của phụ nữ trong gia đình" của Hiến pháp trước Thế chiến 2. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây trung tuần tháng 3/2023.

***

Hà Lan đứng hẳn về phía Hoa Kỳ trong cuộc chiến chíp bán dẫn với Trung Quốc. Ngày 08/03 vừa qua, chính phủ Hà Lan khẳng định sẽ áp đặt kiểm soát đối với việc xuất khẩu máy chế tạo chíp điện tử tiên tiến nhất. Đây là lần đầu tiên La Haye chính thức đưa ra quyết định như vậy, kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra chính sách xây dựng liên minh quốc tế ngăn chặn xuất khẩu công nghệ bán dẫn cao cấp sang Trung Quốc. Từ hơn một năm nay, chính quyền Biden đã tìm cách thuyết phục Hà Lan, cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, tham gia mặt trận chíp bán dẫn chống Trung Quốc. Sau nhiều tháng lưỡng lự, cuối tháng 1/2023 vừa qua, chính quyền Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc, nhưng từ đó đến trước thông báo ngày 08/03, La Haye đã tránh đưa ra các bình luận.

Trả lời RFI, bà Mary-Françoise Renard, Viện Nghiên cứu về Kinh tế Trung Quốc (IDREC) nhận định : "Điều này gây tổn thất cho Trung Quốc bởi năng lực sản xuất chíp bán dẫn của Trung Quốc hiện đang ở mức thấp hơn so với các doanh nghiệp Mỹ, Hà Lan, hay Đài Loan. Như vậy, việc tước đi sản phẩm này khiến Trung Quốc phải mất nhiều thời gian hơn nữa để khắc phục tình trạng tụt hậu hiện nay. Có nghĩa là Trung Quốc phải tự làm ra được các công nghệ mới".

Việc siết chặt xuất khẩu máy chế tạo linh kiện bán dẫn cao cấp liên quan trực tiếp đến các linh kiện "lưỡng dụng", dân sự - quân sự, có thể được sử dụng để chế tạo các vũ khí hay phương tiện quân sự có độ chính xác cao. Thông báo của bộ trưởng Ngoại Thương Liesje Schreinemacher gửi đến các nghị sĩ Hà Lan nhấn mạnh : "Căn cứ vào sự phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ quyết định, vì lý do an ninh quốc gia, cần phải mở rộng quy định hiện hành đối với việc kiểm soát xuất khẩu một số thiết bị chế tạo linh kiện bán dẫn đặc biệt".

Cỗ máy "gây thèm muốn nhất thế giới"

Thông báo của Hà Lan không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh là đối tượng chính. Trong lá thư gửi Quốc hội, bộ trưởng thương mại Hà Lan khẳng định rõ việc kiểm soát bao gồm các máy in chíp với tia cực tím (DUV), tức loại máy đặc dụng để chế tạo các chíp bán dẫn nhỏ nhất. Đối tượng bị hạn chế xuất khẩu không ai khác hơn chính là công ty Hà Lan ASML.

ASML là công ty như thế nào ? Công ty Hà Lan với khoảng 39.000 nhân viên nằm ở Veldhoven, một khu vực không có gì đặc biệt hấp dẫn tại vùng biên giới Hà Lan – Bỉ, trên thực tế, chính là một doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu. Mỗi chiếc máy chế tạo chíp cao cấp của ASML tuy "chỉ" có giá 160 triệu đô la, nhưng là phần không thể thiếu với thị trường công nghệ thế giới trị giá hàng trăm tỉ đô la. Các công nghệ đỉnh cao của thế giới không thể có được, nếu thiếu mặt hàng chiến lược này.

Việc ASML đứng về phía Hoa Kỳ có nghĩa quyết định trong cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung. Điều đáng chú ý là ASML nắm đến "80% thị trường thế giới máy công cụ chế tạo chíp, và 100% máy công cụ tiên tiến nhất", theo lãnh đạo ASML. Năm khách hàng chính của ASML là công ty Đài Loan TSMC (chiếm 60% thị trường), tập đoàn Samsung (13%), hai công ty Trung Quốc UMC và Smic (11%) và công ty Mỹ GlobalFoundries (6%).

Theo giáo sư Douglas Fuller, Đại học Copenhagen, một chuyên gia về công nghệ Đông Á, việc mất nguồn công nghệ cao cấp này buộc Trung Quốc phải mất "ít nhất khoảng 10 năm và rất nhiều tiền để có thể bắt chước được". Công nghệ chế tạo máy in thạch bản chíp bán dẫn của ASML hiện được coi là cỗ máy công nghiệp "bị nhòm ngó nhất thế giới" (Le Point). Giữa tháng 2 vừa qua, một trong số 1.500 nhân viên của một chi nhánh Trung Quốc của ASML bị bắt quả tang đánh cắp dữ liệu mật. Đây là điều không gây ngạc nhiên. Tổng giám đốc Peter Wennink cho biết công ty đầu tư khoảng 100 triệu đô la hàng năm cho bảo mật, với sự tham gia của hàng trăm công tác viên.

Tổng giám đốc Peter Wennink tự hào gọi đây là "cỗ máy phức tạp nhất thế giới". Đánh cắp bí mật hoàn toàn không dễ. Để làm chủ công nghệ chế tạo máy này, chỉ riêng về phần laser của một chiếc DUV, các gián điệp sẽ phải "nhận dạng và nắm bắt được cách lắp ráp hoàn hảo 457 329 bộ phận".

"Chiến tranh Lạnh" chất bán dẫn : Châu Âu nhập cuộc

Trên thực tế, không phải đợi đến quyết định ngày 08/03/2023. Ngay từ năm 2019, ASML đã không được phép xuất khẩu máy công cụ in thạch bản tia cực tím cao cấp nhất sang Trung Quốc. Khách hàng chủ yếu của ASML là TSMC Đài Loan, nhà sản xuất linh kiện bán dẫn siêu nhỏ số một thế giới. Cuộc chiến tranh Lạnh về chất bán dẫn với Trung Quốc đã bắt đầu.

ASML không chỉ là át chủ bài của Hà Lan, mà còn là của cả Châu Âu trong cuộc chiến công nghệ. Nhiều nước Châu Âu cũng có thể áp dụng quy định hạn chế xuất khẩu tương tự như Hà Lan.

Châu Âu đã tăng tốc trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp then chốt bán dẫn từ năm ngoái với kế hoạch Chips Act, với khoảng 45 tỉ đô la từ đây đến 2030, để bớt phụ thuộc vào Châu Á. Hôm 03/03, tập đoàn Mỹ Apple đầu tư thêm 1 tỉ đô la vào một cơ sở sản xuất chíp tại Munich, Đức, trung tâm công nghệ cao, thường được coi là "Silicon Design Center" của Châu Âu. Apple cũng dự kiến xây dựng thêm ba cơ sở nghiên cứu về phát triển các sản phẩm công nghệ cao tại Đức.

Biển Đông : Philippines mở chiến dịch tố cáo thủ đoạn của Trung Quốc

Không để Trung Quốc tiếp tục lấn lướt tại Biển Đông là chủ trương của chính quyền Philippines gần đây. Đầu tuần qua, Tuần Duyên Philippines mở chiến dịch truyền thông tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, nhằm gây sự chú ý quốc tế.

Hãng tin Mỹ AP dẫn lời của tư lệnh lực lượng tuần duyên Philippines hôm thứ Tư 08/03. Tại một diễn đàn về các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, tổ chức tại Manila, thiếu tướng Jay Tarriela khẳng định : "Tôi muốn nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để hóa giải các hoạt động trong "vùng xám" của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) là phơi bày chúng".

Chỉ huy Tuần Duyên Philippines tố cáo các biện pháp sử dụng các tàu cá, hoạt động mang danh nghiên cứu khoa học, hay các hành xử hung hăng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc tại các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tức các khu vực mà Trung Quốc cố tình tạo ra cái gọi là vùng tranh chấp, hay "vùng xám", đặc biệt với việc sử dụng tia laser, nguy hiểm cho mắt người. Theo chỉ huy Tuần Duyên Philippines, với việc công bố các hình ảnh và video về các thủ đoạn gây hấn của Trung Quốc, "các hành động trong bóng tối của Trung Quốc giờ đây đã bị lộ diện, điều này khiến họ buộc phải nói dối công khai".

Áp lực Trung Quốc buộc Philippines "đừng gây thêm rắc rối"

Đại tá không quân Mỹ nghỉ hưu Raymond Powell, chuyên nghiên cứu về các chiến lược của Trung Quốc, đã ca ngợi những nỗ lực của tuần duyên Philippines trong việc tố cáo Trung Quốc, nhưng cảnh báo rằng chính phủ Philippines sẽ phải chịu nhiều áp lực của Bắc Kinh, buộc Manila "đừng gây ra quá nhiều rắc rối, đừng công khai thêm".

Hành động của chỉ huy Tuần Duyên Philippines như trên cho thấy Manila không lùi bước. Theo tư lệnh Tuần Duyên Philippines, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines có sứ mạng phát ngôn cho lập trường chống lại việc Trung Quốc bành trướng trên biển. Chiến dịch truyền thông như vậy "cho phép các quốc gia có cùng quan điểm" tham gia vào việc lên án và chỉ trích, đặt Bắc Kinh vào "tâm điểm chú ý".

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã có phản ứng, gọi đây là "hành vi nguy hiểm" "đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực" và "phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp". Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam và Malaysia. Hoa Kỳ có Hiệp định phòng thủ chung với Philippines. Washington nhiều lần cảnh báo sẽ bảo vệ Philippines, nếu các lực lượng Philippines bị tấn công ở Biển Đông.

Ấn Độ : Phát biểu của ngoại trưởng Nga gây cười

Ấn Độ cố gắng hòa giải Nga với phương Tây. Sau hội nghị G20, ở New Delhi, Ấn Độ đã mời ngoại trưởng Nga dự hội nghị quốc tế Raisina hôm 04/03, hội nghị đối thoại thường niên do Ấn Độ tổ chức từ 2016. Tại hội nghị, phát biểu của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrvov thu hút chú ý, công chúng đã cười rộ trước một phát biểu xuyên tạc của ngoại trưởng Nga về chiến tranh tại Ukraine.

Thông tín viên Côme Bastin tường trình từ Bangalore :

"Ngoại trưởng Nga Lavrov tham dự hội nghị đối thoại Raisina, do bộ ngoại giao Ấn Độ và Viện Địa Chính trị ORF, trụ sở ở New Delhi, phối hợp tổ chức. Sự tham gia của ngoại trưởng Nga phản ánh mong muốn của Ấn Độ đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây, hội nghị diễn ra một ngày sau khi khối G20 không ra được thông cáo chung tại hội nghị ở Bangalore, do bị Nga và Trung Quốc phản đối.

Trong phần trả lời các câu hỏi của khán phòng, ông Lavrov thoạt tiên đã được hoan nghênh, khi cáo buộc phương Tây lừa dối : "Người ta cứ nói rằng Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế.Nhưng về phần mình, Hoa Kỳ viện dẫn các mối đe dọa hiện hữu để can thiệp vào khắp nơi trên hành tinh, từ Nam Tư, đến Iraq, hay Syria… Nga chỉ đơn giản là can thiệp trong vùng thuộc lãnh thổ của mình.Nếu như đó không phải là chuyện tiêu chuẩn kép, nhất bên trọng, nhất bên khinh, thì tôi không đáng mặt là bộ trưởng."

Tuy nhiên, ngoại trưởng Nga cũng đã khiến cử tọa cười rộ khi tuyên bố rằng Ukraine là bên khởi xướng xung đột. Ông Lavrov nói : "Các vị biết đấy, sau cuộc chiến mà chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn và cuộc chiến do người Ukraine phát động chống lại chúng tôi… (cười), chúng tôi sẽ không bao giờ dựa vào bất kỳ đối tác nào ở phương Tây nữa".

Phát biểu của ngoại trường là một lời kêu gọi ủng hộ hướng về Ấn Độ, quốc gia nay đã trở thành khách hàng khí đốt chủ yếu của Nga."

Trưng cầu dân ý Ireland : Loại bất bình đẳng giới khỏi Hiến pháp

Châu Âu vốn được coi là một khu vực mà quyền phụ nữ được khẳng định ở mức độ cao. Điều bất ngờ là tình hình ở quốc gia Tây Âu Ireland không hẳn như vậy. Hôm 08/03, chính quyền Ireland quyết định trưng cầu dân ý vào tháng 11 để sửa đổi một số điều khoản bất bình đẳng giới trong Hiến pháp, đã có từ trước Thế chiến II.

Thông tín viên Laura Taouchanov tường trình từ Dublin :

"Hai điều khoản trong Hiến pháp đặt ra vấn đề. Điều 40 và 41 khẳng định vị trí của người phụ nữ là ở trong gia đình, vì vậy Nhà nước cần bảo đảm sao cho họ không bị bắt buộc phải làm việc để bảo đảm rằng họ có thể thực hiện các công việc gia đình của mình.

Những lời lẽ này có thể gây sốc với chúng ta, nhưng chúng đã có từ năm 1937, tức thời kỳ mà Ireland chịu ảnh hưởng của một nhánh trong Giáo hội Công giáo có quan điểm rất khắc nghiệt. Do đó, hội nghị công dân Ireland đã yêu cầu thay đổi các điều khoản này từ lâu.

Các dòng chữ này sẽ bị xóa và và phải được thay thế bằng các diễn đạt phi giới tính để nói về cuộc sống ở gia đình. Hội đồng công dân Ireland yêu cầu Hiến pháp phải đề cập rõ ràng khái niệm bình đẳng giới và không phân biệt đối xử. Cũng sẽ phải có một thay đổi liên quan đến việc bảo vệ tất cả các gia đình, chứ không chỉ giới hạn ở kiểu gia đình của một cặp vợ chồng (một nam, một nữ).

Ireland từ lâu đã bị coi là rất bảo thủ, quốc gia này đã hiện đại hóa trong những năm gần đây. Bằng chứng là những cuộc trưng cầu dân ý về quyền phá thai và kết hôn với các cặp đồng tính, trong đó đa số trường hợp, lá phiếu "có" đã giành phần thắng".

Trọng Thành

*************************

Tình báo Mỹ : Trung Quốc lợi dụng vị thế kiểm soát "chuỗi cung ứng" ép buộc chuyển giao công nghệ

Trọng Thành, RFI, 09/03/2023

Trung Quốc là "mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất" mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Đó là nội dung chính bản báo cáo thường niên của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ được công bố hôm 08/03/2023. Chính quyền Bắc Kinh có khả năng "khai thác vị thế kiểm soát nhiều nguồn cung ứng thiết yếu", để gây áp lực với "các công ty nước ngoài, và buộc chính quyền nhiều nước phải chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ".

chip2

Một bộ vi xử lý máy chủ Yitian 710 do tập đoàn Alibaba của Trung Quốc chế tạo. AP

Thủ đoạn nói trên của Bắc Kinh được nêu bật ngay trong phần đầu tiên về các thách thức "công nghệ và kinh tế" của Trung Quốc, trong "Bản báo cáo của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đánh giá mối đe dọa toàn cầu" (The Intelligence Community’s Worldwide Threat Assessment). 

Báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ dẫn lại một phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4/2020, khẳng định mục tiêu tăng cường kiểm soát các chuỗi cung ứng thiết yếu nhằm "sử dụng tình trạng phụ thuộc này để gây áp lực và cô lập một số quốc gia trong thời gian khủng hoảng".

AFP nhắc lại việc trong thời gian đại dịch Covid, chỉ cần một nhà máy tại Trung Quốc hay một nơi nào đó bị đình trệ là đủ để gây ra sự đứt đoạn trong các hoạt động sản xuất công nghiệp ở một nơi khác.

Báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ cho biết trong một số chuỗi cung ứng công nghệ, Trung Quốc đang ở vị thế thống trị, như bán dẫn, một số kim loại hiếm, pin mặt trời, hay một số dược phẩm. Báo cáo của tình báo Mỹ nhấn mạnh : "Sự thống trị của Trung Quốc đối với các thị trường này có thể đặt ra các nguy cơ quan trọng đối với nhiều lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ của Mỹ và phương Tây, nếu chính quyền Trung Quốc có khả năng sử dụng một cách khéo léo vị thế này để thu nhiều lợi ích về chính trị và kinh tế".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 265 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)