Tân thủ tướng Trung Quốc khẳng định khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5%
Trọng Thành, RFI, 13/03/2023
Hôm 13/03/2023, trong phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, tân thủ tướng Lý Cường, lần đầu tiên xuất hiện trước báo giới, đã cố gắng trấn an giới kinh tế tư nhân, và kêu gọi siết chặt hợp tác với Mỹ. Ông Lý Cường cũng thừa nhận Trung Quốc sẽ khó đạt được tỉ lệ tăng trưởng 5% trong năm nay, như thủ tướng mãn nhiệm đề ra.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh (Trung Quốc), sau phiên bế mạc của khóa họp Quốc hội Trung Quốc, ngày 13/03/2023. Reuters – Florence Lo
Tỉ lệ tăng trưởng 5% vốn đã là một trong những mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử Trung Quốc trong những thập niên gần đây. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
"Khuôn mặt tươi cười, ngón tay trỏ nhiều lần hướng về phía rừng máy quay, trong bài phát biểu đầu tiên trước báo giới, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã trở lại với mục tiêu tăng trưởng Trung Quốc. Theo ông, mức dự báo 5% cho năm nay "sẽ khó đạt được", nhưng người đứng đầu chính phủ Trung Quốc tự tin vào các nền tảng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với thị trường cực lớn, sự năng động của các công ty, đặc biệt là về xuất khẩu.
Chỉ trích những người ở Mỹ chủ trương tách Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc, ông Lý Cường khẳng định : "Theo các số liệu của Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đạt 760 tỷ đô la vào năm ngoái, đây là một kỷ lục trong lịch sử. Trung Quốc và Hoa Kỳ phải hợp tác.Nếu chúng ta hợp tác, chúng ta có thể đạt được nhiều điều lớn lao. Bao vây và trấn áp không phải là một giải pháp".
Để trấn an thị trường một lần nữa, thủ tướng Trung Quốc nhắc lại hiểu biết của mình về giới kinh doanh, đã được đúc kết trong thời gian làm việc tại các tỉnh miền đông, nơi mà chính sách mở cửa đã được thiết lập và ông cho biết sẽ tiếp tục mở cửa. Thủ tướng Lý Cường nói : "Tất cả các nước đều trải qua những khó khăn, người dân Trung Quốc luôn vượt qua khó khăn của mình".
Trọng Thành
************************
Trung Quốc bổ nhiệm tướng bị Mỹ trừng phạt làm bộ trưởng quốc phòng
Minh Anh, RFI, 12/03/2023
Quốc hội Trung Quốc, hôm 12/03/2023, thông qua thành phần nội các mới, bao gồm 4 phó thủ tướng, 4 ủy viên quốc vụ và 26 bộ trưởng. Đáng chú ý là thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), một quân nhân kỳ cựu nhưng lại là nhân vật bị Mỹ trừng phạt, đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng, thay tướng Ngụy Phượng Hòa về hưu.
Tướng Lý Thượng Phúc (bìa phải) tuyên thệ ttrước Quốc hội sau khi được bổ nhiệm là bộ trường quốc phòng, ngày 12/03/2023, Bắc Kinh, Trung Quốc. AFP - Noel Celis
Reuters trích dẫn nhận định từ nhiều chuyên gia cho rằng với quyết định bổ nhiệm này, ông Lý Thượng Phúc, 65 tuổi, một kỹ sư về hàng không vũ trụ sẽ nắm một vai trò then chốt để thực hiện các mục tiêu trung hạn do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra, đưa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thành một "quân đội đẳng cấp thế giới từ nay đến năm 2049".
Năm 2016, ông Lý được bổ nhiệm làm phó tư lệnh lực lượng Chi viện Chiến lược, một đơn vị tinh nhuệ chuyên trách thúc đẩy phát triển các năng lượng không gian và chiến tranh mạng của Trung Quốc. Sau đó, ông được đề bạt làm chủ nhiệm Cục Phát triển Trang bị (CMC), một cơ quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương do Tập Cận Bình chủ trì.
Tháng 9/2018, Lý Thượng Phúc bị đưa vào trong danh sách trừng phạt sau việc ký kết hợp đồng mua 10 chiến đấu cơ Su-35 của Nga năm 2017 và nhiều trang thiết bị khác có liên quan đến hệ thống phòng không địa đối không S-400 từ hãng Rosoboronexport của Nga.
Theo giới quan sát, việc ông Lý Thượng Phúc, một người thân tín làm bộ trưởng quốc phòng cho thấy Tập Cận Bình đã củng cố ảnh hưởng của mình trong quân đội. Đích thân Lý Thượng Phúc đã bổ nhiệm một người thân cận khác, ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) làm phó chủ nhiệm của CMC.
Reuters nhận định, ông Lý Thượng Phúc bắt đầu một nhiệm kỳ vào lúc Washington đang nỗ lực tái lập đối thoại và liên lạc quân sự đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Bắc Kinh đã giận dữ phản ứng chuyến thăm Đài Loan của cựu chủ tịch Hạ Viên Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022. Trả lời báo chí trong tuần, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, trung tá Marty Meiners, tuyên bố quân đội Mỹ vẫn muốn duy trì các kênh liên lạc với PLA.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm chi tiết về thành phần chính phủ mới :
"Những gương mặt mới của Quốc Vụ Viện Trung Quốc được các đại biểu họp tại Lễ đường Nhân dân sáng nay xác nhận đều không xa lạ. Do tân thủ tướng bổ nhiệm, hầu hết những người này là những người cộng tác lâu năm của nguyên thủ quốc gia.
Nếu như các đối thủ của Tập Cận Bình phải nghỉ hưu, thì nhiều người khác đã được đặc cách tiếp tục tại vị. Đó là trường hợp của thống đốc Ngân hàng Trung ương và bộ trưởng Tài Chính đã vượt quá tuổi hạn định, nhưng vẫn phụ trách chính sách kinh tế và tiền tệ.
Ông Dịch Cương và Lưu Côn, đang trên cùng một con thuyền, đó là rủi ro hệ thống tài chính ngày một tăng (khủng hoảng bất động sản, nợ cấp tỉnh) và một mức tăng trưởng Trung Quốc trì trệ. Đối mặt với sự bất mãn của xã hội, Đảng cộng sản Trung Quốc đã chọn sự ổn định và phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một ưu tiên. Xin lưu ý là các nỗ lực thay đổi cơ cấu và quy định cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Một ưu tiên khác cho nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình, chính là cuộc chiến chống nguy cơ bóp nghẹt công nghệ và nhất là chống thế bá quyền của đồng đô la. Do vậy, các bộ trưởng Nông Nghiệp và Công Nghệ vẫn được giữ nguyên chức vụ."
Minh Anh
************************
Tân thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, nhân vật thân tín với ông Tập
Thanh Hà, RFI, 11/03/2023
Một trong những nhân vật thân tín nhất của ông Tập Cận Bình, ông Lý Cường (Li Qiang), 63 tuổi, được Quốc hội Trung Quốc bầu vào chức vụ thủ tướng. Trong cuộc bỏ phiếu sáng 11/03/2023, nguyên bí thư Thượng Hải được 2.936 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống và 8 đại biểu Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Thủ tướng Lý Cường, lúc còn là bí thư Thành ủy Thượng Hải tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022. © Noel Celis / AFP
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại ông Lý Cường là ứng viên duy nhất vào chức vụ thủ tướng được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cử để thay thế thủ tướng Lý Khắc Cường.
Sinh năm 1959 tại Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, tân thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tốt nghiệp Đại Học Nông Nghiệp Chiết Giang. Đây cũng là nơi ông xây dựng một phần lớn sự nghiệp và trở thành nhân vật thân tín với bí thư tỉnh ủy Chiết Giang Tập Cận Bình. Lý Cường được giới quan sát quốc tế xem là thuộc thành phần "phái Chiết Giang" chung quanh ông Tập.
Ngay từ Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10/2022, ông Lý Cường đã là ứng viên làm lu mờ hết tất cả những đối thủ khác để thay thế thủ tướng mãn nhiệm Lý Khắc Cường, bất chấp quyết định tai hại phong tỏa thành phố Thượng Hải trong nhiều tuần lễ. Ở cương vị bí thư thành phố Thượng Hải, Lý Cường áp dụng chính sách zero-Covid, làm tê liệt lá phổi kinh tế, công nghiệp và tài chính của Trung Quốc với 25 triệu dân này.
Richard McGregor thuộc viện nghiên cứu Úc Lowy Institut tại Sydney đánh giá trường hợp của ông Lý Cường "là bằng chứng rõ rệt nhất thể hiện sự trung thành với tổng bí thư và chủ tịch nước Tập Cận Bình là yếu tố quan trọng hơn hết" để thăng tiến. "Khó có thể hiểu được làm sao họ Lý vươn lên được đến cương vị này nếu không nhờ quan hệ cá nhân" với ông Tập, bởi đến nay, ông này không có nhiều "kinh nghiệm ở cấp trung ương".
Thủ tướng Trung Quốc có trọng trách điều hành chính sách kinh tế vào lúc nền kinh tế thứ nhì thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Một số nhà phân tích chờ đợi, với ông Lý Cường ở chức vụ này, kinh tế Trung Quốc có khuynh hướng "bảo thủ" và họ Lý sẽ chỉ là người thi hành ý của Tập Cận Bình.
Cũng trong cuộc biểu quyết hôm nay, Quốc hội Trung Quốc thông qua việc chỉ định ông Lưu Kim Quốc (Liu Jinguo) vào chức vụ chủ nhiệm Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia, với trọng trách chống tham nhũng. Ông Trương Quân (Ying Yong) sẽ đứng đầu Tòa Án Nhân Dân Tối Cao.
Thanh Hà