Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/04/2023

Điểm báo Pháp - Trung Quốc đe dọa Đài Loan

RFI tiếng Việt

Trung Quốc đe dọa Đài Loan : Macron dửng dưng, đồng minh bất bình

Nhiều báo Pháp hôm 11/04/2023 chỉ trích các phát biểu của tổng thống Pháp về Đài Loan : Khi nói rằng Châu Âu không nên "bị lôi kéo vào những cuộc khủng hoảng không phải của mình", vào đúng thời điểm Trung Quốc tập trận đe dọa Đài Loan, tổng thống Pháp khiến các đồng minh phương Tây tức giận. Về phía Bắc Kinh thực ra không thể đi xa hơn : Mỹ tỏ ra chừng mực, Đài Loan sắp bầu cử.

tqdl1

Một phi công Trung Quốc thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu Miền Đông tham gia cuộc tập trận xung quanh Đài Loan ngày Chủ nhật 09/04/2023. Ảnh của Tân Hoa Xã. AP - Mei Shaoquan

Phát biểu có lợi cho Bắc Kinh, tổng thống Macron lại gây bão

Chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Macron khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. La Croix nói về việc "Trung Quốc giả định 'bao vây' Đài Loan", Libération mô tả "Bắc Kinh nghênh ngang ở eo biển Đài Loan", Les Echos dùng từ "giương oai diễu võ". Le Figaro cho biết "Phương Tây giận dữ sau sai lầm của ông Macron về Đài Loan". Tương tự, trang web Le Monde nhận định "Sau chuyến thăm Trung Quốc, Emmanuel Macron lại khiến các đồng minh thêm khó hiểu".

Cũng như năm 2019 với câu nói về NATO "chết não", ông Emmanuel Macron lại gây bão, bị các đồng minh cáo buộc làm mất đi mối đoàn kết Âu-Mỹ. Trước các nhà báo, khi bày tỏ lo lắng về việc Châu Âu "bị lôi kéo vào những cuộc khủng hoảng không phải của mình" như ở Đài Loan, và "theo đuôi Mỹ", tổng thống Macron - người luôn bảo vệ một "con đường thứ ba" - gây nghi ngại về thái độ của Pháp trong trường hợp Trung Quốc xâm lăng Đài Loan.

Chuyên gia Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) nhận định : "Emmanuel Macron làm lợi cho Bắc Kinh khi hàm ý Pháp sẽ trung lập, đứng ngoài nếu khủng hoảng xảy ra ở eo biển Đài Loan". Giới nghiên cứu ở Pháp cũng cho rằng ngược với nhận định của ông Macron, Paris có nhiều lợi ích trong khu vực, eo biển Đài Loan rất quan trọng cho an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Đồng minh của Pháp tức giận

Phương Tây rất bất bình, nhiều người nhắc nhở nếu Hoa Kỳ không tham gia bảo vệ Ukraine ở Châu Âu, thì Vladimir Putin đã chiến thắng. Tại Mỹ, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói nếu Emmanuel Macron nhân danh Châu Âu, thì Hoa Kỳ cần rút ra bài học, "tập trung vào Đài Loan và mối đe dọa Trung Quốc, để Châu Âu lo cho Ukraine !". 

Đông Âu cũng không thể hiểu thái độ đi dây giữa Trung Quốc và Mỹ. Dân biểu Marko Mihkelson của Estonia cho rằng, Châu Âu ngược lại cần phải đứng bên cạnh Hoa Kỳ để cân bằng lại sức mạnh với Trung Quốc. Về phần nhà đối lập Nga Garry Kasparov nhắc nhở, chiến tranh đang diễn ra ở Châu Âu ngày nay chính là vì châu lục này cố tránh can thiệp khi Putin xâm lấn Ukraine năm 2014.

Cũng như Nga, Trung Quốc muốn phá vỡ trật tự quốc tế, chia rẽ Châu Âu với Hoa Kỳ, xâm lăng nước láng giềng, liên kết các chế độ độc tài chống lại dân chủ. Hai nước này có chung sự thù ghét Mỹ, và chỉ biết đến vũ lực. Emmanuel Macron cố gắng thuyết phục Moskva lẫn Bắc Kinh nhưng đều thất bại. Cũng theo Antoine Bondaz trên Le Figaro, "Macron coi Hoa Kỳ là người chịu trách nhiệm duy nhất, trong khi mục tiêu của Trung Quốc là chiếm lấy Đài Loan. Đó là một phân tích hoàn toàn sai lạc", và những phát biểu của ông sẽ "lưu lại dấu tích nơi các đối tác Châu Âu cũng như Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Trên trang Ý kiến, tác giả Renaud Girard cho rằng "Trung Quốc được lợi về mọi mặt". Châu Âu đến, lịch sự bàn về thương mại và biến đổi khí hậu, khi trong đầu ông Tập chỉ có việc đe nẹt Đài Loan. Tự do chính trị của Đài Loan phải chăng không quan trọng bằng Ukraine ? Trước đó Tập Cận Bình cũng đã thành công trong việc biến Moskva thành chư hầu, mua dầu khí rẻ hơn ít nhất 30%, tống đủ loại hàng hóa sang Nga nhưng từ chối bán vũ khí cho Putin.

Trung Quốc hùng hổ tập trận, nhưng dọa Đài Loan là chính

Libération nhận thấy cuộc tập trận mang tên "Kiếm sắc" của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan mang mục đích răn đe về chính trị thay vì quân sự. Để biện minh cho việc múa võ đi quyền, Bắc Kinh đã phóng đại sự "phẫn nộ" trước những "khiêu khích" của tổng thống Đài Loan. Trên giấy tờ, động thái này xứng đáng là bộ phim ăn khách số một : bao vây eo biển, tập trận bắn đạn thật. Trên thực tế, chỉ là kịch bản mà người Đài Loan đã quá quen.

Tổng cộng có 134 máy bay và 74 tàu chiến vượt qua đường trung tuyến ; việc bắn đạn thật diễn ra trong một vịnh ở duyên hải Phúc Kiến cách đảo chính Đài Loan hơn 200 kilomet. Le Monde nhắc lại, lần trước Bắc Kinh còn bắn 11 hỏa tiễn sang không phận Đài Loan. Và dù tỏ ra hùng hổ như thế, nhưng các chiến hạm chỉ hoạt động ở vùng biển quốc tế hay lãnh hải Trung Quốc.

Phó giáo sư Yết Trọng (Chieh Chung) ở Đài Bắc nhận xét, mục đích của Trung Quốc nhằm tạo ấn tượng một cuộc tập trận rất lớn để đe dọa quốc tế không cho tiến gần Đài Loan. Khi tuyên truyền về "bao vây", Bắc Kinh lại bộc lộ một trong những điểm yếu là khó thể phong tỏa được hòn đảo tại một vùng hàng hải nhộn nhịp, dưới sự theo dõi của tất cả cường quốc khu vực. Lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Sơn Đông cho xuất kích 4 chiếc tiêm kích áp sát vùng nhận diện phòng không Đài Loan, nhưng theo ông, sự hiện diện của mẫu hạm này chỉ nhằm tạo tác động tâm lý.

Tập Cận Bình biết rằng không thể đi quá xa

Cuộc gặp giữa bà Thái Anh Văn với ông Kevin McCarthy lần này diễn ra trên đất Mỹ, trong khuôn khổ riêng tư, khác hẳn với chuyến đi của bà Pelosi. Cũng theo ông Yết Trọng, "Mỹ đã tỏ ra chừng mực, nên Trung Quốc biết rằng không thể đi quá xa". Le Monde nêu thêm lý do : Đài Loan bắt đầu chiến dịch tranh cử. Bà Thái tái đắc cử năm 2020 một phần là nhờ Tập Cận Bình đàn áp dữ dội Hồng Kông, khiến dân Đài Loan dồn phiếu cho bà. Bắc Kinh biết rằng nếu quá hung hăng, có thể lại tạo ưu thế cho ứng cử viên của Dân Tiến.

Trên mạng xã hội, đối phó với những video tuyên truyền đã lỗi thời trên nền nhạc khích động của truyền thông Hoa lục, quân đội Đài Loan đáp trả bằng những hình ảnh ấn tượng nhấn mạnh việc chuẩn bị chiến đấu và quyết tâm của Đài Loan.

Đối với ông Mathieu Duchâtel của Viện Montaigne, việc Bắc Kinh khoe khoang đã kiểm soát các tàu chở container về hướng Đài Loan trong ba ngày, vi phạm trắng trợn Luật Biển, là rất đáng lo ngại dù có thực hay không. Nhật Bản đã gởi các phi cơ tiêm kích đến, Washington điều một khu trục hạm tới gần Đá Vành Khăn, và từ hôm nay Philippines tập trận chung với Mỹ, tổng cộng gần 18.000 quân nhân tham gia.

Không chỉ các nước trong khu vực lo lắng, mà ngay tại Hoa lục vấn đề Đài Loan lâu nay là cấm kỵ, cũng đang được nhiều người bàn luận. Một nhà kỹ nghệ ở Thượng Hải nói với Le Monde : "Ông Tập muốn chiếm Đài Loan năm 2027. Thật là điên rồ, chúng tôi sẽ không còn vào được thị trường phương Tây". Cũng như nhiều doanh nhân khác, người này muốn chuyển dịch một phần sản xuất sang nước khác để đề phòng trường hợp Trung Quốc bị trừng phạt.

Tài liệu mật bị rò rỉ từ nội bộ Mỹ ?

Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro nhận thấy "Lầu Năm Góc là nạn nhân của vụ rò rỉ tài liệu mật quy mô". Đây là vụ lớn nhất kể từ sau vụ Snowden năm 2013, FBI và Bộ tư pháp phải mở điều tra. Những tài liệu này gồm các phân tích chi tiết về cuộc chiến tranh ở Ukraine, cho thấy có thể Mỹ xâm nhập được vào quân đội Nga, và cả nghe lén đồng minh. Khoảng 100 bản sao tài liệu mật đã được đăng trên những trang web khác nhau từ nhiều tuần qua. Trước tiên là Discord, một diễn đàn video game, rồi được sao chép và phổ biến trên các mạng như Twitter, 4chan, Telegram.

Nhiều yếu tố cho thấy các tài liệu này từ nội bộ chứ không phải tin tặc hay gián điệp lấy cắp. Đa số là những tờ A4 đóng dấu mật, được đặt trên bàn để chụp lại bằng điện thoại di động, đôi khi bị gấp lại để bỏ túi mang ra khỏi khu vực an ninh. Một số dành cho người Mỹ, số khác mang chữ "Five Eyes", nhóm năm nước tiếng Anh chia sẻ tin tình báo. Hầu hết liên quan đến tình hình Ukraine vào đầu tháng Ba, cho biết về trợ giúp của Mỹ và NATO.

Vụ tiết lộ làm thiệt hại cho Ukraine

Tài liệu xác nhận quân đội Nga đã yếu đi sau một năm chiến tranh, nhưng Kiev cũng khó khăn hơn là những gì nói công khai. Phòng không Ukraine hầu như không còn đạn. Ước tính từ đầu cuộc chiến Nga đã mất 43.000 lính, có 17.500 chiến sĩ Ukraine tử trận và 41.000 thường dân.  

Hồ sơ này cũng cho thấy Washington có thể cảnh báo các vụ oanh kích của Nga cho Kiev hầu như hàng ngày, đôi khi còn đưa ra nhiều chi tiết cụ thể về những tranh luận trong nội bộ Nga liên quan đến việc cung cấp đạn cho Wagner, kế hoạch chống phương Tây và Ukraine của tình báo Nga ở Châu Phi, Haiti ; việc bí mật mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Mali. Một tài liệu tiết lộ khoảng 100 đặc nhiệm phương Tây có mặt tại Ukraine, chủ yếu là Pháp – thông tin này được Bộ quân lực Pháp đính chính.

Những rò rỉ trên đây làm thiệt hại cho sự trợ giúp của Mỹ đối với Ukraine, nhất là giúp Nga nhận diện được nguồn tin trong bộ máy tình báo và quân đội, đồng thời làm giảm sự chia sẻ tin mật giữa các đồng minh NATO. Những vụ tiết lộ quy mô tài liệu mật trước đây của Edward Snowden năm 2013 hay Julian Assange năm 2010 tuy có làm Washington bối rối, nhưng xì-căng-đan mới này là chưa từng thấy, vì liên quan đến một cuộc chiến đang diễn ra.

Macron chiếm trang nhất các báo Pháp

Le Figaro hôm nay chạy tựa "Macron vẫn hy vọng tái thúc đẩy như thế nào", khi năm đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai kết thúc trong bối cảnh chính trị xã hội hết sức khó khăn. Libération than phiền "Cánh tả : Có hẳn đại lộ nhưng lại chọn con đường hẹp". Sau mối hy vọng được Nupes dấy lên trong kỳ bầu cử Quốc hội, phe tả mong tận dụng nhưng còn lâu mới đạt được - đó là do chia rẽ hay thiếu vắng lãnh đạo tài năng ? Le Monde sau khi ra số đúp vẫn còn nghỉ lễ. La Croix nói về "Ánh sáng Phục Sinh", người công giáo từ Sainte-Soline ở Pháp cho đến Madurai ở Ấn Độ mừng ngày lễ trọng. Les Echos đăng chân dung tổng thống Pháp trên trang nhất, với bài phỏng vấn độc quyền "Châu Âu phải nhắm đến tự chủ chiến lược".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)