Liên Hiệp Quốc lên án quân đội Miến Điện tấn công thường dân
Minh Anh, RFI, 12/04/2023
Tập đoàn quân sự Miến Điện sáng sớm ngày 12/04/2023 xác nhận đã tiến hành một đợt oanh kích nhằm vào một ngôi làng làm hàng chục người chết. Liên Hiệp Quốc lập tức lên án hành động "ghê rợn" này.
Ngôi làng Pazi Gyi ở thị trấn Kanbalu, vùng Sagaing, Miến Điện bị không kích, ngày 11/04/2023. AP
Ông Zaw Min Tun, phát ngôn viên tập đoàn quân sự khẳng định, đợt oanh kích diễn ra ngày hôm qua, lúc 8 giờ sáng, vào lúc Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (People's Defence Force - PDF) đang làm lễ "khai trương một văn phòng" ở làng Pazi Gyi. Cũng theo ông Zaw Min Tun trong số các nạn nhân, nhiều người mặc quân phục, vốn là những chiến binh chống đảo chính.
Quân đội Miến Điện biện minh rằng, số nạn nhân cao không chỉ do cuộc tấn công mà vì "còn có mìn do PDF cài xung quanh khu vực này", và tuyên bố là cuộc oanh kích đã đánh trúng khu vực cất trữ thuốc súng và mìn.
Theo trang mạng The Irrawaddy, có ít nhất 50 người chết và hàng chục người khác bị thương. Nhưng con số tử vong có thể lên đến 100 người, theo một nhân viên cứu hộ của nhóm nổi dậy vũ trang nói với hãng tin Pháp AFP.
Ngay sau vụ việc, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Volker Turk, trong thông cáo lên án quân đội Miến Điện đã phớt lờ "các nghĩa vụ pháp lý rõ ràng, bảo vệ thường dân khi tiến hành các hành động thù nghịch". Và điều này thể hiện "sự coi thường trắng trợn các quy tắc liên quan đến luật pháp quốc tế."
Trong khi đó, Bộ ngoại giao Mỹ bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và chỉ trích thái độ coi thường nhân mạng của chế độ quân sự. Hoa Kỳ nhấn mạnh đến trách nhiệm của tập đoàn quân sự trong cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo kinh hoàng đang hoành hành Miến Điện sau cuộc đảo chính tháng 2/2021.
Minh Anh
*************************
Quân đội Myanmar oanh tạc 'làm ít nhất 53 người chết'
Jonathan Head & Nicholas Yong, BBC, 11/04/2023
Ít nhất 53 người đã bị giết trong một trong những đợt không kích dữ dội nhất của quân đội Myanmar trong nội chiến ở nước này, những người sống sót cho hay.
Các nhân chứng nói vụ tấn công làng Pa Zi Gyi là do máy bay quân sự và trực thăng pháo kích thực hiện
Họ nói những người chết gồm ít nhất 15 phụ nữ và một số trẻ em. BBC không kiểm chứng được con số này.
Đợt không kích mới nhắm vào các lực lượng chống đối chính phủ quân đội ở làng Pa Zi Gyi, thuộc vùng Sagaing.
Quân đội Myanmar dùng không quân ngày càng nhiều để đàn áp các lực lượng chống đối kể từ khi họ giành chính quyền tháng 2/2021.
Trong Myanmar, các cộng đồng ở Sagaing kháng chiến mạnh mẽ nhất trước sự cai trị của quân đội. Họ thành lập quân du kích riêng và tự điều hành các trường học và trạm xá.
Một người dân làng cho BBC biết một máy bay quân sự đã bay trên bầu trời làng vào khoảng 7 giờ sáng, thả một trái bom, theo sau là một trực thăng pháo kích oanh tạc làng này trong 20 phút.
Người dân đăng tải video cho thấy hình ảnh các thi thể nằm trên mặt đất và vài tòa nhà đang cháy. "Hãy kêu lên nếu các bạn còn sống, chúng tôi đến giúp các bạn đây,” họ vừa la vừa bước đi giữa khung cảnh tàn sát đau thương ở làng Pa Zi Gyi.
Đằng sau, những ngôi nhà gỗ đang cháy hay bốc khói. Họ cố gắng đếm số người chết - nhưng nhiều thi thể bị nát vụn, văng ra giữa đám quần áo tơi tả và xe máy bốc cháy.
Lúc cuộc tấn công xảy ra, làng Pa Zi Gyi chật người đến từ các cộng đồng lân cận để dự lễ khai mạc một văn phòng mới của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF). PDF là mạng lưới lỏng lẻo của các nhóm du kích phản đổi đảo chính và chống quân đội trên các vùng khác nhau ở Myanmar.
Hàng ngày người đã bị giết trong cuộc nội chiến, với hơn 1,4 triệu người mất nơi ở.
Gần một phần ba dân số cần viện trợ, theo Liên Hiệp Quốc.
Sốt ruột trước tình hình binh sỹ không giành được kiểm soát ở phần lớn các địa bàn trên Myanmar, quân đội nước này dùng máy báy Nga và Trung Quốc ngày càng nhiều để ném bom các làng mạc kháng chiến, gây nhiều thương vong dân sự.
Đã có ít nhất 600 cuộc không kích từ tháng 2/2021 tới tháng 1/2023, theo phân tích của BBC từ dữ liệu của tổ chức theo dõi xung đột Acled (Dự án Dữ liệu về Vị trí Xung đột Vũ trang).
Chính phủ Đoàn kết Quốc gia lưu vong, được thành lập sau cuộc đảo chính, nói rằng những đợt không kích này đã giết chết 155 thường dân từ tháng 10/2021 tới tháng 9/2022.
Hồi tháng 10/2022, ít nhất 50 người bị giết sau khi quân đội ném ba trái bom xuống một buổi ca nhạc do một nhóm thiểu số nổi dậy tổ chức ở bang Kachin. Trong những tháng trước đó, một đợt oach tạc xuống làng Let Yet Kone ở miền Trung Myanmar làm ít nhất 5 trẻ em thiệt mạng và vài người khác bị thương.
Nếu số người tử vong ở làng Pa Zi Gyi được kiểm chứng, đây có thể là vụ tấn công gây nhiều thương vong nhất trong cuộc nội chiến tới giờ.
Tháng trước, Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính phủ quân sự, cho biết chế độ của ông ta sẽ xử lý cương quyết với những gì mà ông mô tả là "hành động khủng bố” của các nhóm kháng chiến có vũ trang.
Jonathan Head & Nicholas Yong
***********************
Myanmar : Quân đội đánh vào cuộc mít tính của người nổi dậy, ít nhất 50 người chết
Reuters, VOA, 11/04/2023
Ít nhất 50 người thiệt mạng ở miền trung Myanmar hôm thứ Ba 11/4 trong một cuộc không kích của quân đội đánh vào một sự kiện có mặt nhiều người chống ách cai trị của quân đội, theo truyền thông và các thành viên của phong trào kháng chiến địa phương.
Bất ổn, bạo lực đẩy nhiều người vào cảnh khốn khó ở Myanmar.
Dẫn lại lời của các cư dân ở vùng Sagaing, đài BBC tiếng Myanmar, đài Á Châu Tự do (RFA) và cổng thông tin Irrawaddy đưa tin khoảng 50 đến 100 người, bao gồm cả dân thường, đã thiệt mạng trong vụ tấn công.
Reuters không thể kiểm chứng ngay các bản tin đó, còn người phát ngôn của quân đội cầm quyền đã không trả lời cuộc gọi điện đề nghị họ đưa ra bình luận.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính năm 2021, với các cuộc tấn công của các nhóm chiến binh dân tộc thiểu số và các kháng chiến quân chống lại ách cai trị của quân đội. Phía quân đội đáp trả bằng các cuộc không kích và vũ khí hạng nặng, kể cả ở các khu vực dân sự.
Một thành viên của Lực lượng Dân phòng địa phương (PDF), một lực lượng dân quân chống chính quyền, nói với Reuters rằng các máy bay chiến đấu đã bắn vào một buổi lễ được tổ chức để khai trương văn phòng địa phương của họ.
"Cho đến nay, con số thương vong chính xác vẫn chưa xác định được. Chúng tôi chưa thể gom nhặt được hết tất cả các thi thể", thành viên PDF giấu tên cho biết.
Theo Liên Hiệp Quốc, ít nhất 1,2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh sau đảo chính.
Vụ việc hôm 11/4 có thể là một trong những vụ không kích đẫm máu nhất kể từ khi một máy bay phản lực tấn công một buổi hòa nhạc hồi tháng 10/2022, giết chết ít nhất 50 thường dân, các ca sĩ địa phương và thành viên của một nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang ở bang Kachin.
Chính phủ lưu vong ủng hộ dân chủ của Myanmar, Chính phủ Thống nhất Quốc gia, đã lên án vụ tấn công, gọi đây là "một ví dụ nữa về việc (quân đội) sử dụng vũ lực cực mạnh bừa bãi nhằm vào dân thường".
Hồi tháng trước, ít nhất 8 dân thường bao gồm cả trẻ em đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào một ngôi làng ở tây bắc Myanmar, theo một nhóm nhân quyền, các phiến quân dân tộc thiểu số và phương tiện truyền thông.
Quân đội lâu nay vẫn bác bỏ các cáo buộc quốc tế rằng họ phạm tội ác chống lại dân thường và nói rằng họ đang chiến đấu chống "những kẻ khủng bố" quyết tâm gây bất ổn cho đất nước.
Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự và mạng lưới kinh doanh rộng lớn của họ nhằm cố gắng cắt giảm nguồn thu và khả năng tiếp cận vũ khí từ các nhà cung cấp chính như Nga.
(Reuters)