Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/06/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Moon Jae-in đối đầu với các chaebol

RFI tiếng Việt

Hàn Quốc : Moon Jae-in đối đầu với các chaebol

Vụ tai tiếng "Choigate" đưa cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từ Nhà Xanh (Phủ tổng thống) vào nhà giam phản ánh mối quan hệ giữa các tập đoàn Hàn Quốc với chính quyền. 69 triệu đô la được Samsung, Hyundai và nhiều tập đoàn lớn khác chuyển cho Choi Soon-sil, "cố vấn trong bóng tối"của bà Park Guen-hye, để đổi lấy các đặc quyền.

han1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại Quốc hội, Seoul, ngày 12/06/2017. REUTERS/Ahn Young-joon

Theo Le Figaro ngày 21/06/2017, "Tân tổng thống Moon Jae-in thách thức các tập đoàn đầy quyền lực" bằng con đường cải tổ vì "việc làm" cho người dân. Trong bài diễn văn nhậm chức ngày 09/05/2017, ông hứa "chấm dứt sự thông đồng giữa chính trị gia và giới doanh nhân" trong nhiệm kỳ của mình.

Các chaebol vừa giúp quốc gia hùng mạnh thứ 4 của Châu Á phát triển, nhưng vừa kìm kẹp nền kinh tế. Hiện nay, các đại gia đình xuất thân từ "phép mầu Hàn Quốc" bị cáo buộc là vì tư lợi hơn là vì lợi ích của 50 triệu người dân. Ngoài việc bị chỉ trích về mặt chính trị, những tập đoàn này còn phải đối mặt với những câu hỏi về tương lai kinh tế, trong bối cảnh con rồng công nghiệp Hàn Quốc đang chịu sức cạnh tranh gay gắt của thế giới, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc.

Sự phá sản của các công trường hàng hải thuộc tập đoàn STX và hãng tầu Hanjin là hai ví dụ cụ thể cảnh báo khả năng đứng vững của "mô hình Hàn Quốc", vì "Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều vào các đại tập đoàn như Phần Lan phụ thuộc vào Nokia", theo nhận định của Heung Chong-kim, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn Quốc về Chính sách Kinh tế Quốc tế (Korea Institute for International Economic Policy).

Tổng thống Moon hứa giải phóng khả năng cạnh tranh, thông qua cải cách các điều khoản cho phép một vài gia đình thâu tóm quyền lực trong lĩnh vực kinh tế. Ông cũng hứa chống tình trạng trốn thuế của các tập đoàn này.

Liệu "Cách mạng Moon" có thể thực hiện được ?

Tuy nhiên, tại Seoul, nhiều người hoài nghi rằng "cuộc cách mạng Moon" có thể làm đảo lộn những phương pháp trong mô hình tăng trưởng từ nhiều thập niên qua vì "nền kinh tế Hàn Quốc và các đại tập đoàn như quả trứng và gà mái. Người ta sẽ không bao giờ biết được cái gì ra đời trước", theo nhận xét của chủ tịch Phòng Thương Mại Châu Âu tại Seoul trả lời báo Le Figaro. Chỉ riêng năm tập đoàn hàng đầu (Samsung, Hyundai, LG, Lotte và SK) đã chiếm đến hơn một nửa Kospi (chỉ số chứng khoán Seoul) và là đầu tầu cho nền kinh tế thiên về xuất khẩu.

Còn theo giới quan sát, để thực hiện lời hứa tạo 500.000 việc làm mỗi năm, tổng thống Moon Jae-in không thể bỏ qua được sự ủng hộ của các đại tập đoàn để mở rộng thị phần Hàn Quốc trên thế giới. Thực tế này còn nhằm duy trì sức tăng trưởng khoảng 2,6% trong năm 2017, theo thẩm định của tổ chức OCDE để trẻ hóa đất nước ngày càng bị tình trạng lão hóa.

Vậy đây có phải là thời điểm tốt để tiến hành "cách mạng", trong khi Hàn Quốc đang phải nâng cao khả năng cạnh tranh ? Thực vậy, các biện pháp trả đũa thương mại của Bắc Kinh nhắm vào quyết định triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Seoul đã tác động mạnh đến lĩnh vực du lịch và hàng cao cấp của Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, doanh thu của các tập đoàn như Lotte sụt giảm, trong khi Seoul phụ thuộc nhiều vào đối tác thương mại hàng đầu này.

Ngoài ra, sự phát triển công nghệ cũng thúc bách các chaebol Hàn Quốc, nhưng các tập đoàn này luôn thể hiện được sức bật và biết nắm lấy thời cơ. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Kim, "họ là những người theo sát thị trường nhất. Khi Google sắp tung xe hơi không người lái, Samsung có thể cũng sẽ trình làng một phiên bản tương tự với thời gian kỉ lục". Dù sao, các "đại gia" Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra tiếng nói cuối cùng.

Bắc Triều Tiên đè nặng lên đối thoại Mỹ-Trung

Vẫn liên quan đến bán đảo Triều Tiên, sự kiện một sinh viên Mỹ, hôn mê hơn một năm tại Bình Nhưỡng, qua đời sau khi được đưa về nước khiến đối thoại Mỹ-Trung về Bắc Triều Tiên Tiên càng trở nên căng thẳng.

Sau loạt bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng, một đồng minh của Bắc Kinh, ngày 21/06/2017, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị một cuộc họp được đánh giá là phức tạp trong khuôn khổ "đối thoại ngoại giao và an ninh" mà hai nguyên thủ Donald Trump và Tập Cận Bình khởi xướng tại thượng đỉnh Mar-a-Lago vào tháng 04/2017.

Thế nhưng, theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos "Bắc Triều Tiên đè nặng lên đối thoại Mỹ-Trung", đặc biệt sau cái chết bi thương của sinh viên người Mỹ 22 tuổi. Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ muốn trừng phạt ngành công nghiệp du lịch của Bắc Triều Tiên, theo thẩm định mang về cho chế độ Kim Jong-un từ 30 đến 45 triệu đô la mỗi năm. Gần 100.000 khách du lịch nước ngoài đã thăm đất nước khép kín này trong năm 2016, trong đó 95% là du khách Trung Quốc và chỉ có khoảng 5.000 khách phương Tây.

Để trừng phạt được Bắc Triều Tiên, Washington cần đến sự hợp tác tuyệt đối của Trung Quốc. Quốc gia láng giềng này kiểm soát các tuyến đường hàng không đến Bắc Triều Tiên và có rất đông các công ty lữ hành chuyên về quốc gia khép kín nhất thế giới. Thế nhưng, một lần nữa, Bắc Kinh chỉ chấp nhận một vài biện pháp cứng rắn đã được cân đi tính lại, mà không muốn để đồng minh bị lung lay về chính trị

Đan Đông : Cây cầu hữu nghị Trung Quốc-Bắc Triều Tiên

Nối giữa nền kinh tế thứ hai thế giới và một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh là cầu Đan Đông, được gọi là cây cầu "hữu nghị", điểm trung chuyển chính trên suốt 1.400 km đường biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Theo đặc phái viên của Les Echos, dù tăng cường kiểm soát hàng hóa tại cửa khẩu này, Bắc Kinh vẫn không từ bỏ ủng hộ đồng minh Bắc Triều Tiên. Trao đổi giữa hai nước đã tăng hơn 1/3 trong quý I năm 2017.

Trung Quốc hy sinh nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, nhưng các mặt hàng khác, trong đó có quặng sắt, vẫn tiếp tục tăng. Còn hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên tăng thêm 54%. Bài phóng sự kết luận sức ép mà tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gia tăng với Bắc Kinh còn rất tương đối.

Pháp : Hướng tới một chính phủ trong sạch ?

Sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội, thành phần chính phủ mới sẽ được công bố chiều 21/06. Quyết định rút lui của Bộ trưởng quốc phòng, rồi đến bộ trưởng Tư Pháp và bộ trưởng phụ trách Các vấn đề Châu Âu, khiến tân chính phủ sẽ có những cải tổ sâu sắc, chứ không phải là một vài điều chỉnh "kỹ thuật" như thông báo.

Bài xã luận của La Croix đánh giá, "sự bình lặng không bao giờ tồn tại trong chính trị". Ba bộ trưởng thuộc đảng cánh trung MoDem quyết định không tham gia chính phủ mới, vì đảng liên minh với tổng thống Pháp đang bị tư pháp nhắm đến do những cáo buộc về "trợ lý nghị sĩ Châu Âu trá hình" của đảng MoDem. La Croix nhận định "sự minh bạch đối với quá khứ sẽ cho phép xây dựng tương lai".

Còn xã luận của Libération chỉ đăng gọn một từ "Đạo đức". Sau khi bốn bộ trưởng lần lượt từ chức (bắt đầu với trường hợp của Richard Ferrand), ít nhất tổng thống Emmanuel Macron tỏ ra không trơ ì và quyết định "trừng phạt", dù không mạnh tay, đối với các bộ trưởng "có vết". Với Libération, phản ứng này trái ngược hoàn toàn với đảng Mặt Trận Quốc Gia, hiện cũng bị cáo buộc với những sự kiện tương tự, song luôn kịch liệt phản đối.

Libération đăng điều tra về ít nhất năm trường hợp mới liên quan đến "Vụ MoDem". Còn với Le Figaro, "các vụ việc mới này khiến việc cải tổ chính phủ trở nên phức tạp". Cùng nhận định trên, nhật báo Les Echos cho rằng "việc cải tổ phức tạp hơn đối với Macron" và "đảng MoDem, từ đồng minh thành đối tác khó xử". Riêng nhật báo Le Monde, do ra từ chiều hôm trước, đưa tin trên trang nhất : "Goulard và Ferrand rời chính phủ" cùng với tranh luận của một số trí thức ở trang trong về hậu quả liên quan đến quyền lãnh đạo của tổng thống Macron.

Kinh tế Pháp phục hồi

Trên phương diện kinh tế, cơ quan INSEE của Pháp dự báo mức tăng trưởng GDP của Pháp khoảng 1,6% cho năm 2017. Như vậy, nền kinh tế Pháp sẽ xấp xỉ mức bình quân của khu vực đồng euro.

Bắt chước khẩu hiệu của cựu tổng thống François Hollande, trang nhất của nhật báo La Croix đăng hàng tựa lớn : "Đến lúc phục hồi kinh tế". "Tăng trưởng của Pháp ở tốc độ cao"nhờ nội lực, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp, các hộ gia đình (đầu tư bất động sản) và tạo việc làm. Tuy nhiên, nền kinh tế Pháp vẫn chưa giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại.

Ngoài những lý do trên, Les Echos đưa ra một số nguyên nhân khác trong bài "Tăng trưởng ở mức cao nhất từ 6 năm nay", gồm không khí kinh doanh được cải thiện từ cuối năm 2016, thương mại thế giới phát triển trở lại… Nhật báo kinh tế cho rằng Emmanuel Macron sẽ tranh thủ được hoạt động kinh tế khá năng động ngay khi lên nắm quyền. Đây cũng là nhận định của tổng giám đốc của Saint-Gobain, khi cho rằng "nước Pháp đang có cơ may duy nhất" và cán cân chính trị mới có thể củng cố được sự phục hồi này nhờ tạo nên "cú sốc tín nhiệm".

Nắng nóng tiếp tục trên khắp thế giới

Từ vài ngày nay, nước Pháp đang trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng. Đợt nắng nóng ghê gớm này sẽ còn gia tăng và hiện ảnh hưởng đến 1/3 dân số thế giới.

Tuy nhiên, theo thông tin được đăng trên tạp chí Nature Climate Change ngày 19/06 và được nhật báo Le Monde đưa lại, nếu hiện tượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính còn tiếp tục như hiện nay, đến 3/4 dân số thế giới sẽ phải hứng chịu hiện tượng nắng nóng nghiêm trọng từ nay đến cuối thế kỷ XXI.

Dự đoán trên được một nhóm 18 nhà nghiên cứu Mỹ và Anh, chủ yếu làm việc tại đại học Hawai, phân tích từ các tài liệu liệu về tình trạng tử vong liên quan đến các đợt nắng nóng từ năm 1980 đến 2014.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 724 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)