Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/06/2023

Điểm báo Pháp – Dân Iran rao bán nội tạng

RFI tiếng Việt

Rao bán nội tạng, bi kịch của dân Iran do lạm phát phi mã

Theo Libération số ra hôm 19/06/2023, trước tỉ lệ lạm phát kỷ lục từ 8 thập niên qua do cấm vận và tham nhũng, đã có hiện tượng người dân Iran rao bán một hay nhiều bộ phận cơ thể để kiếm tiền mưu sinh, và ngày càng nhiều thanh niên tự tử. Lo sợ một phong trào phản kháng mới, chế độ Tehran tìm cách thương lượng với phương Tây để nới lỏng trừng phạt.

iran1

Tiền Iran và ngoại tệ tại một điểm thu đổi ở khu thương mại trung tâm Tehran, ngày 26/02/2023. AP - Vahid Salemi

Iran lạm phát phi mã, dân bán nội tạng để tìm kế sinh nhai

Ở Trung Đông, cuộc sống người dân Iran còn bi đát hơn với tỉ lệ lạm phát lên đến 170 %, tỉ lệ kỷ lục kể từ 8 thập niên qua. Libération chạy tít lớn "Iran : Lạm phát những người tuyệt vọng" rao bán những bộ phận trong cơ thể, làn sóng tự tử... Vật giá tăng cao chưa từng thấy, kinh tế rơi vào khủng hoảng, chế độ Tehran lo sợ những đợt phản kháng mới, cố gắng thương lượng với phương Tây.

"Tôi bán thận, gan và tủy sống vì đã kiệt quệ tài chánh. Tôi trẻ tuổi, khỏe mạnh. Xin hiểu giùm tình trạng này và liên lạc với tôi nếu quý vị muốn mua". Mảnh giấy được dán vào một bức tường loang lổ trên một đường phố Tehran là chứng nhân cho một thảm kịch đang diễn ra, chẳng mấy người qua đường đã quá quen với cảnh khổ chú ý. Babak, 24 tuổi, chủ nhân của mẩu rao vặt này muốn bán nội tạng để mua một chiếc xe chở khách - phương tiện duy nhất để kiếm sống khi không tìm được việc làm, không trả nổi tiền thuê nhà, không có tiền mua thực phẩm.

Kinh tế xuống dốc bắt đầu từ cấm vận của phương Tây, và đã trở thành thảm họa do quản lý tồi tệ và các lãnh đạo tham nhũng. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng phi mã, các lao động trẻ rơi vào chiếc bẫy một nền kinh tế suy trầm. Để cố ra khỏi ngõ cụt, những tuần lễ gần đây Tehran đã trả tự do cho nhiều người ngoại quốc nhằm nối lại đối thoại, hầu giảm nhẹ trừng phạt. Hôm nay Iran thương lượng gián tiếp với Hoa Kỳ về trao đổi tù nhân, qua trung gian quốc vương Oman. Cũng trong hôm nay, thứ trưởng ngoại giao Iran thảo luận tại Abou Dhabi với các đại diện Pháp, Anh, Đức về thỏa thuận nguyên tử.

Thời gian gần đây báo chí trong nước tiết lộ nhiều trường hợp thanh niên Iran tự tử vì tuyệt vọng, không thể chi trả những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Gia đình họ nghèo đến nỗi không tổ chức được đám tang. Trong không khí thê thảm này, rất nhiều tầng lớp xã hội có thể trở thành những người biểu tình tiềm năng, sẵn sàng tham gia phong trào phản kháng do nữ giới khởi xướng - ban đầu là nhằm chống lại việc ép buộc mang khăn choàng Hồi giáo.

Sau những lần bại trận, quân Nga đã rút kinh nghiệm

Về chiến trường Ukraine, đặc phái viên Le Monde tại Donetsk và Zaporijia dẫn nhận xét của các chiến binh Ukraine : "Quân Nga đã trở nên sáng tạo hơn". Sau thất bại ở Izyum và Kherson, người Nga bắt đầu bắt chước cách đánh của Ukraine. Trước đây quân Nga tấn công y như trong các giáo trình quân sự, nay họ đã cơ động, linh hoạt hơn, và có những tiến bộ về công nghệ. Chẳng hạn mìn chống cá nhân nay không có bộ phận nào bằng kim khí khiến thiết bị dò mìn không nhận ra được. Mìn chống tăng thì trang bị hệ thống nổ chậm tinh tế, chỉ nổ khi nào xe tăng được chất đầy hay đạt đến tốc độ 30 km/giờ.

Những hệ thống điện tử với phần mềm của Trung Quốc giúp quân Nga kiểm soát được các drone Ukraine khi đang bay, đôi khi còn làm bay ngược lại để tấn công nơi xuất phát. Vấn đề này đã được lực lượng Kiev khắc phục. Trận đánh trực diện kéo dài ở Bakhmut đã che khuất được những nỗ lực của Nga để thích ứng với cuộc chiến mà công nghệ đóng vai trò hàng đầu. Bên cạnh đó, những tháng vừa qua quân Nga đã xây dựng các tuyến phòng thủ vô cùng kiên cố. Tuyến đầu tiên là những bãi mìn và chiến hào, tuyến thứ nhì rất khó vượt gồm những mạng lưới đường hầm bằng bê-tông và gỗ, và tất nhiên là hỏa lực vượt trội so với Ukraine.

Lực lượng dân quân Ukraine được chuyên nghiệp hóa

Les Echos tìm đến với những người tình nguyện thuộc tiểu đoàn 120 của trong lữ đoàn 113, Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine, nhận thấy họ đã "trở nên chuyên nghiệp hơn". Ngay từ đầu cuộc xâm lăng, hàng ngàn doanh nhân, công nhân, nhà buôn... đã trở thành tình nguyện quân chiến đấu dưới sự chỉ huy của quân đội.

Đến nay, lực lượng dân quân này đã lên đến 115.000 người thuộc 32 lữ đoàn, trong đó có 25 lữ đoàn đã tham gia chiến đấu. Tổng tham mưu trưởng lực lượng, Serhiy Sobko cho biết những chiến binh này đóng vai trò quan trọng trong việc giải phóng khu vực Kiev, Tchernihiv, Sumy, bảo vệ Mariupol. Các lữ đoàn dân quân nay tham chiến trên toàn tuyến, tiểu đoàn 120 đóng cách các vị trí quân Nga chỉ vài cây số.

Một tình nguyện quân vốn là thầy giáo dạy sử thường xuyên giúp đồng đội hiểu thêm về lịch sử đất nước Ukraine, đại công quốc Kiev, đế quốc Ottoman. Người khác vốn là họa sĩ, tranh thủ lúc yên tĩnh vẽ biếm họa trong chiến hào. Volodymyr Dehtyarov, người phụ trách truyền thông nói : "Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ là đại diện cho xã hội Ukraine. Các đơn vị ở đô thị gồm các nhà kinh doanh, công nhân, giáo viên, nhà quản lý, trong khi ở nông thôn chủ yếu là nông dân và thương nhân".

Dân Moskva không muốn nhìn thẳng vào chiến tranh

Trong khi đó tại thủ đô nước Nga, "Cuộc sống ở Moskva như trong một quả cầu khép kín, xa rời chiến tranh". Theo thông tín viên Le Monde, những hàng quán vẫn đông khách, liên tục diễn ra những lễ hội đường phố, che giấu một thực tại khủng khiếp ở tiền tuyến nơi xa. Người ta tránh nói đến chiến tranh, cha mẹ dặn con không nên đặt ra những câu hỏi trong giờ học "ái quốc" mới được đưa vào chương trình.

Trái với nhiều thành phố khác, Moskva không có nhiều dấu hiệu chiến tranh. Những chữ "Z" biểu tượng cho cuộc xâm lăng hiếm khi thấy ở nơi công cộng, và cũng biến mất trên nắp ca-pô xe hơi tư nhân. Những chữ "Z" này chỉ thấy ở tỉnh, trên những chiếc xe rẻ tiền, chứ không phải những chiếc xe hơi Đức hạng sang ở thủ đô. Bên cạnh những áp-phích tuyển quân với số tiền lương lớn, một số pa-nô ca ngợi những "người hùng nước Nga" với ảnh chân dung, tên, cấp bậc… và mã QR. Số người tò mò hiếm hoi scan lại mã này chỉ có được vài chi tiết như từ phim chiến tranh Liên Xô, chẳng hạn : "Trung úy Ivan Rebrov đã dùng súng phóng lựu diệt hai xe tăng". Những "người hùng" này còn sống hay đã chết ? Chẳng ai biết cả.

Tại các nhà hàng sang trọng, thực khách thưởng thức món sò từ Crimea hay Viễn Đông - hải sản Pháp vô cùng hiếm. Dobry-Cola và những thức uống từ Afghanistan thay cho Coca-Cola, xe hơi Trung Quốc tràn ngập, cũng như mỹ phẩm Hàn Quốc, quần áo Thổ Nhĩ Kỳ. Các rạp xi-nê công nhiên chiếu những bản phim ăn cắp của Mỹ.

Hoa Kỳ đồng ý bán cho Ấn Độ vũ khí tân tiến

Trên lãnh vực quốc phòng, Les Echos cho biết "Ấn Độ và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác". New Delhi sẽ đặt mua các drone tấn công Reaper của Mỹ và ký hợp đồng đối tác với General Electric để chế tạo động cơ dành cho phi cơ tiêm kích. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ mua các drone chiến lược có thể bảo vệ những khu vực rộng lớn, tổng chi lên đến 3 tỉ đô la. Trước nhu cầu răn đe các nước láng giềng Pakistan và Trung Quốc, Ấn Độ cần nhanh chóng hiện đại hóa quân đội. Đất nước đông dân nhất thế giới dự kiến chi ra 250 tỉ đô la trong 10 năm để nâng cao năng lực quốc phòng.

Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn ngần ngại không muốn những vũ khí tân tiến nhất cho New Delhi. Nhưng cuộc xâm lăng Ukraine và tình hình căng thẳng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương khiến Washington phải xem lại chiến lược, giờ đây Mỹ đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ để làm đối trọng với Trung Quốc. Arun Prakash, một cựu sĩ quan thủy quân lục chiến cao cấp Ấn Độ tỏ ra vui mừng trước sự thay đổi này, đồng thời cảnh báo : "Không có quốc gia nào chịu chia sẻ những công nghệ quý giá mà không ‘bánh ít đi bánh quy lại’. Chúng ta phải sẵn sàng trả một cái giá quan trọng về tài chánh hoặc chính trị".

Xích gần với Ấn Độ còn giúp Washington đạt được một mục đích khác : giảm sự lệ thuộc của "nền dân chủ lớn nhất thế giới" với kỹ nghệ quốc phòng Nga. Là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Ấn Độ lệ thuộc nhiều vào Moskva, vũ khí nhập từ Nga chiếm đến 45%. Từ đầu cuộc chiến Ukraine, Ấn Độ đã lo rằng Nga không thể đáp ứng nhu cầu cho quân đội mình, và vấp phải khó khăn khi thanh toán, nên bắt đầu quay sang các nhà cung cấp Mỹ, Pháp, Đức. 

Cú sốc Trung Quốc cho nước Đức

Về kinh tế, trên trang Ý kiến của Le Monde, giáo sư kinh tế Dalia Marin ở Munich nhấn mạnh trước Bắc Kinh, Berlin cần phải nhanh chóng hành động. Các nhà lãnh đạo ngành xe hơi Đức hiện diện tại hội chợ Thượng Hải từ 18 đến 27/04 có lẽ chờ đợi một sự đón tiếp nồng nhiệt khi quay lại sau ba năm vắng bóng vì đại dịch. Nhưng thay vào đó, các hãng xe phương Tây phải đối mặt với một thực tế đáng buồn : khoảng mấy chục mẫu xe hơi chạy điện mới của Trung Quốc tấn công vào thị phần của họ.

Xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc đã vượt qua Đức từ năm 2022, và dự đoán năm nay sẽ tranh ngôi đầu của Nhật Bản, trở thành nước đứng đầu thế giới. Đức có thể phải chịu đựng cú sốc như Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác đã đối mặt sau khi Bắc Kinh được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Điều mỉa mai là việc Trung Quốc kỹ nghệ hóa nhanh chóng chính nhờ nhập khẩu ồ ạt máy công cụ Đức. Trong 30 năm qua, Đức đã đào tạo toàn bộ một thế hệ công nhân Trung Quốc thông qua các công ty liên doanh. Chuyển giao công nghệ là điều kiện tiên quyết do Bắc Kinh áp đặt để được vào thị trường Hoa lục.

Cho đến nay, nhiều yếu tố giúp Đức ít bị ảnh hưởng. Hàng nhập từ Trung Quốc chỉ cạnh tranh với những hàng hóa mà trước đó Berlin mua của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…, dẫn đến công nhân những nước này mất việc làm chứ không phải Đức. Tương tự, mở rộng mạng lưới sản xuất sang Trung Âu và Đông Âu giúp các công ty Đức giảm giá thành, cải thiện năng suất. Nhưng nay vòi bạch tuộc Bắc Kinh vươn ra khắp thế giới, đến lượt Berlin nếm trải "cú sốc Trung Quốc" nếu thiếu sáng tạo.

Lọt bẫy nợ của Bắc Kinh, Sri Lanka bán dần doanh nghiệp

Cũng liên quan đến Châu Á, đặc phái viên La Croix nhận thấy "Bị mắc vào bẫy nợ Trung Quốc, Sri Lanka buộc lòng phải theo chính sách khắc khổ". Một năm sau khi vỡ nợ và người dân nổi dậy, Sri Lanka vẫn trong tình trạng khủng hoảng vì gánh nặng những món nợ khổng lồ của Bắc Kinh từ những công trình chẳng đem lại lợi lộc gì.

Đảo nhân tạo "Port City Colombo" rng 269 hecta, cng dành cho du thuyền sang trọng được China Harbour ­Engineering Company xây dựng với 1,3 tỉ euro gồm các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở có thể nối dài danh sách những công trình dang dở của cựu thủ tướng Mahinda­ Rajapaksa. Do tham nhũng và quản lý tồi, tháng 4/2022 Sri Lanka không trả được món nợ 46 tỉ đô la, cộng thêm thất bại về cải cách nông nghiệp và giảm thuế sau đại dịch. Thiếu ngoại tệ dẫn đến thiếu thực phẩm, thuốc men, điện, xăng dầu. Dân chúng phẫn nộ xuống đường, khiến ông Mahinda­ Rajapaksa phải từ chức rồi người em là tổng thống Gotabaya­ Rajapaksa chạy trốn khỏi đất nước tháng 7/2022.

Một chính khách giàu kinh nghiệm là Ranil Wickremesinghe lên thay. Việc thương lượng với các chủ nợ mang lại hy vọng từ khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đồng ý cho vay khẩn cấp 2,9 tỉ đô la. Muốn có được món tín dụng này, phải thỏa thuận với Ấn Độ, Nhật Bản và nhất là Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thái độ lừng khừng. Bởi vì Sri Lanka là quốc gia đầu tiên của Con đường tơ lụa mới bị phá sản, một trường hợp điển hình được tất cả các nước đang gặp khó khăn theo dõi sát.

Để áp đặt chương trình thắt lưng buộc bụng : tăng thuế, giảm chi, hủy trợ cấp ; Ranil­Wickremesinghe đã khắt khe với 22 triệu dân, đàn áp đối lập, hoãn lại bầu cử. Nhưng kinh tế tiếp tục suy sụp, vật giá tăng mà lương vẫn như cũ, tỉ lệ suy dinh dưỡng, nghèo đói sẽ còn tăng lên. Ra tay giúp đỡ, Ấn Độ muốn chống lại ảnh hưởng Trung Quốc. Tập đoàn Adani của Ấn Độ năm 2021 đã có dự án cảng ở Colombo trị giá 659 triệu euro, vừa đầu tư 442 triệu euro cho hai công trình điện gió. Bảy công ty nhà nước trong đó có Sri Lanka Telecom nằm trong danh sách rao bán trong tháng này.

Hạn chế đi máy bay để giảm khí thải

Le Monde dành tựa chính cho chiến lược chinh phục cảm tình của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia. Le Figaro nhấn mạnh "Thay đổi nội các, nỗi đau đầu của Macron" : Tổng thống Pháp phải tìm cách dung hòa giữa xu hướng trong đảng không muốn nghiêng về phía hữu, và mong muốn của dư luận về một thỏa thuận với đảng Những Người Cộng Hòa. Nhân hội chợ hàng không Bourget khai mạc hôm nay 19/06/2023, La Croix đặt câu hỏi liệu ngành này có đạt được mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050 hay không. Les Echos chạy tựa trang nhất "Tăng trưởng, ô nhiễm : Những thách thức mới của ngành hàng không".

Trong bài xã luận cổ vũ "Sử dụng phi cơ một cách chừng mực", Le Monde nhận định nỗ lực của ngành hàng không đã mang lại kết quả ngoạn mục. Trong vòng nửa thế kỷ, lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm đến 80 % nhờ chế tạo động cơ ít hao xăng và tối ưu hóa luồng lưu thông. Giá vé giảm, lượng di chuyển bằng máy bay tăng gấp 12 lần, trong hai thập niên tới sẽ có thêm 46.000 phi cơ mới được đưa vào phục vụ để đáp ứng nhu cầu. Làm thế nào giảm được khí thải carbonic ? Tờ báo cho rằng nên chỉnh đốn lưu lượng giao thông, không tập trung quá nhiều vào Châu Âu. Trước khi có những biện pháp cực đoan, chẳng hạn ấn định quota chuyến bay như một số người đề nghị, cần có ý thức sử dụng phương tiện hàng không một cách hợp lý.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 318 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)