Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/07/2023

Điểm báo Pháp - Không lo một "Prigozhin Trung Quốc"

RFI tiếng Việt

Tập Cận Bình không lo một "Prigozhin Trung Quốc"

Theo Le Figaro số ra ngày 05/07/2023, vụ nổi loạn của Wagner đã làm nổi bật sự khác biệt căn bản giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin về việc kiểm soát quân đội. Tại Trung Quốc, đảng và tổng bí thư có quyền tuyệt đối với lực lượng này, tư nhân hóa quân đội sẽ đe dọa độc quyền bạo lực của Đảng cộng sản. Hơn nữa, chiếm Đài Loan là "sứ mạng lịch sử" quá quan trọng để có thể giao phó cho lính đánh thuê.

tcb00

Tập Cận Bình đóng trọn vai trò tổng tư lệnh quân đội với bộ đại cán màu sẫm kiểu Mao, vẻ mặt nghiêm trọng, thị sát đoàn quân trên quảng trường Thiên An Môn

Sẽ không có một "Prigozhin Trung Quốc"

Theo Le Figaro, "Tập Cận Bình tìm cách tránh nảy sinh một 'Prigozhin Trung Quốc' như thế nào" ? Vụ nổi loạn của Yevgeny Prigozhin đã làm nổi bật sự khác biệt căn bản giữa ông Tập và Vladimir Putin về việc kiểm soát quân đội.

Bắc Kinh gọi đây là "chuyện nội bộ" của Nga, cho thấy sự hoang mang của chế độ cộng sản. Bàn tay sắt của đảng khiến một kịch bản kiểu Wagner là không thể tưởng tượng được. Nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình (Song Zhongping) ở Hồng Kông giải thích : "Chuyện này không thể xảy ra ở Trung Quốc, quân đội tư nhân và sở hữu vũ khí bị cấm". Các công ty an ninh tư nhân đã xuất hiện, nhưng đều bị đảng cộng sản kiểm soát chặt chẽ. Từ năm 2014 khi siết lại Giải phóng quân (APL) tức quân đội Trung Quốc, Tập Cận Bình đã nhắc lại câu của Mao "Đảng lãnh đạo trên nòng súng".

Trong mười năm qua, ông Tập xứng đáng là thừa kế của Người cầm lái vĩ đại, ngăn ngừa mọi đối kháng thông qua chiến dịch chống tham nhũng. Khác với Putin dựa trên các nhóm lính đánh thuê tư nhân để bù đắp những khiếm khuyết của quân đội, ngay từ nhiệm kỳ đầu Tập Cận Bình đã lo "đả hổ". Những con cọp lớn như tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), hai phó chủ tịch của Quân ủy Trung ương đầy quyền lực, đều bị bắt. Ông Quách bị xử chung thân còn ông Từ chết trước khi ra tòa.

Evan Laksmana, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore nhận định : "Ông Tập dùng cách tập trung quyền lực vào trung ương để tránh mọi nguy cơ đảo chánh". Trước khi lên ngôi năm 2012, nghe tin đồn bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) chuẩn bị lật đổ, nhân vật hét ra lửa này liền bị rơi vào tấm lưới chống tham nhũng của Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), người trung thành của ông Tập.

Chiếm Đài Loan, "sứ mạng lịch sử" không thể giao cho lính đánh thuê

Vụ nổi dậy của Wagner làm dấy lại sự hoang tưởng của một chế độ bị ám ảnh bởi sự ổn định, vẫn còn chấn thương vì sự sụp đổ của Liên Xô, bỏ lại Trung Quốc một mình đối mặt với phương Tây. Dưới mắt các nhà chiến lược đỏ, tư nhân hóa quân đội là một trọng tội, đe dọa sự độc quyền bạo lực của đảng. Nhà chính trị học độc lập Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh giải thích : "Hệ thống quân sự Trung Quốc cũng giống Liên Xô, đảng và tổng bí thư có quyền tuyệt đối với quân đội. Và từ mười năm qua quyền này càng được củng cố, chủ yếu nhờ trả lương hậu hĩnh".

Tập Cận Bình đóng trọn vai trò tổng tư lệnh quân đội với bộ đại cán màu sẫm kiểu Mao, vẻ mặt nghiêm trọng, thị sát đoàn quân trên quảng trường Thiên An Môn, từ bỏ trang phục dân sự của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ông muốn nối gót người sáng lập Trung Hoa cộng sản, mang tham vọng "thống nhất" Đài Loan với mẫu quốc. Một "sứ mạng lịch sử" quá quan trọng để có thể giao phó cho lính đánh thuê. Theo giám đốc CIA William Burns, ông Tập đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị hoàn thành công cuộc này trước khi kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2027.

Đây là thách thức lớn cho một quân đội cồng kềnh theo mô hình Liên Xô, cách chỉ huy cứng nhắc và chưa có kinh nghiệm chiến trường từ sau thất bại trước Việt Nam trong thập niên 70. Bắc Kinh đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, lên đến 234 tỉ đô la trong năm 2023, riêng số chiến hạm đã vượt qua Hải quân Mỹ. Tuy nhiên các chuyên gia quân sự dẫn ra ví dụ Ukraine để cho thấy công nghệ không thể bù đắp cho kỹ năng chiến đấu và khả năng thích ứng, hệ thống chỉ huy tập trung theo lệnh các chính ủy, làm giảm sự chủ động của các sĩ quan trên chiến trường - một trong những yếu tố chính của chiến tranh hiện đại.

Tập Cận Bình có thể kiểm soát được trong nội bộ, nhưng với bên ngoài chưa hẳn hiệu quả trong trường hợp "xung đột nóng". Ông Lôi Cường cho rằng trong thời bình, lính tráng có thể trung thành, nhưng nếu chiến tranh kéo dài với nhiều thất bại như ở Ukraine thì chưa chắc. Thêm một lý do để theo dõi chặt chẽ hồi sau của vụ binh biến Prigozhin, đã làm yếu đi một đối tác quan trọng để phá vỡ "sự bao vây" của Mỹ.

Prigozhin bị cắt hợp đồng thầu căng-tin quân đội Nga

Cũng liên quan đến vụ nổi loạn ở Nga, Libération cho biết Yevgeny Prigozhin, vốn là nhà thầu cung cấp bữa ăn cho quân đội từ 15 năm qua, vừa bị hủy hợp đồng. Tờ báo mô tả, trụ sở chính của Wagner ở số 2 đường Zolnaya, thành phố Saint-Petersburg, chỉ còn là một tòa nhà 23 tầng vô danh. Những chữ cái màu trắng mang tên công ty trên những cửa kính đã bị lột đi hôm thứ Bảy, tấm biển lớn trên nóc biến mất, nhân viên đã ra đi.

Trên toàn nước Nga, đế chế kinh tế từ tài chánh, xây dựng, khai thác tài nguyên, hậu cần... của Prigozhin đang bị phá dỡ. Sau khi chặn các trang thông tin của Patriot Media Group, đến lượt tập đoàn Concord - mà theo truyền hình nhà nước đã nhận được các hợp đồng công trị giá 845 tỉ rúp (8,7 tỉ euro). Nhiều kênh Telegram cho biết Concord vừa mất một trong những hợp đồng lớn nhất với Bộ quốc phòng. Hậu quả là trong những tuần tới, quân đội Nga sẽ được cung cấp theo kiểu được chăng hay chớ.

Concord là nhà thầu chính phụ trách căng-tin cho binh lính trong căn cứ và trên mặt trận Ukraine. Trong năm 2022, Bộ quốc phòng đã nộp 560 đơn kiện tập đoàn này, vì thức ăn bị phát hiện có côn trùng, sâu bọ, vi khuẩn E-coli, nhựa. Ngoài vệ sinh thực phẩm, còn có việc ăn bớt số lượng và thay thế nguyên liệu. Concord liên tục bị kiện vì những vụ tương tự từ 2011. Năm 2018, dịch kiết lỵ xảy ra tại ít nhất 7 trường mẫu giáo Moskva, được cho là từ phô-mai do công ty cung cấp. Tuy vậy, Yevgeny Prigozhin chưa bao giờ bị mất hợp đồng với Nhà nước Nga, cho đến khi nổi loạn đêm 23 rạng 24/06.

Những tuần trước đó, Prigozhin đã tố cáo bộ trưởng Sergey Shoigu để phục vụ cho binh lính trên chiến trường, không mua nguyên liệu từ "các nhà cung cấp trung thành" của Concord, mà mua của những người cạnh tranh, đắt hơn và đôi khi sở hữu chủ là từ "những nước không thân thiện". Được biết Concord lo tất cả mọi công đoạn từ nấu nướng đến giao thực phẩm tận nơi, với giá 296 rúp một ngày (3,05 euro) cho một người lính trên chiến trường Ukraine. Việc thay thế chỉ trong vài ngày sẽ vất vả, vì công ty của Prigozhin cũng thầu cả căng-tin bệnh viện, công sở ở những vùng chiếm đóng và các trường học tại Nga.

Chủ nhân Wagner đả kích Kremlin bằng câu nói của Navalny !

Về số phận nhà đối lập hàng đầu nước Nga đang ngồi tù, Les Echos giải thích "Navalny hy vọng tranh thủ được tình trạng Kremlin bị yếu đi như thế nào". "Chúng tôi không muốn đất nước chúng ta sống với nạn tham nhũng, dối trá và quan liêu". Thông điệp được lan tràn rất nhanh trên đây là của Yevgeny Prigozhin, người dám thách thức tổng thống Nga đang ngự trị từ một phần tư thế kỷ. Lật tẩy những luận điệu của truyền hình nhà nước, chủ nhân Wagner tung ra những câu nói gây sốc trên mạng xã hội. Chuyện ngược đời là Yevgeny Prigozhin lặp lại những phát biểu của… Alexei Navalny.

Hơn hai năm sau khi bị bắt với bản án 11 năm rưỡi tù, nhà đối lập nổi tiếng nhất có nguy cơ lãnh thêm 30 năm tù nữa với cáo buộc "tổ chức cực đoan". Chuyên gia Andrei Kolesnikov, quỹ Carnegie nhận định, phiên xử được mở ra trước vụ nổi loạn của Prigozhin cho thấy Vladimir Putin quyết đi đến cùng, muốn lãnh đạo nước Nga thêm ba thập niên nữa. Phiên tòa diễn ra ngay trong trại giam Melekhovo cách Moskva đến 200 kilomet để tránh né các nhà báo và người ủng hộ.

Dù vậy, Navalny có chiến lược mới để không bị quên lãng : kiện ngược lại trại giam vì xà lim thiếu ánh sáng, không có quạt máy, mất vệ sinh… Quản ngục thành bị cáo, một sự đổi vai ngoạn mục trong lúc hầu hết người tù im lặng chấp nhận tình cảnh.

Pháp : Những kẻ bạo loạn là ai ?

Le Monde hôm nay chạy tựa "Bạo động đô thị : Ai là kẻ bạo loạn ?". Phóng viên của tờ báo trên thực địa hay ở tòa án cố gắng phác họa ra một mẫu người chung. Đôi khi chỉ mới 12, 13 tuổi, bị kích thích theo nhóm và bởi mạng xã hội, đa số là những kẻ cơ hội tìm cách cướp hàng hóa. Đó là "thế hệ Covid" với rất ít tiếp xúc, những nỗ lực hòa giải đều bất thành. 

La Croix hình dung "Trong suy nghĩ của những kẻ nổi dậy", điều tra về những thanh niên thường mới phạm tội lần đầu và dường như chưa ý thức được về sự trầm trọng của tội trạng. Libération tìm hiểu "Căn nguyên của nổi dậy" : tức giận sau cái chết của Nahel, ghét cảnh sát, cảm giác bị bỏ rơi, thích bạo lực, tác động băng nhóm được mạng xã hội khuếch đại... Les Echos đưa ảnh trang nhất là một khung kính vỡ, với tít lớn "Nổi loạn : Những đáp trả đầu tiên của Macron". Tổng thống đề nghị một đạo luật khẩn cấp, và chính phủ gây áp lực với các công ty bảo hiểm.  

Le Figaro nói về "Thiệt hại hết sức nặng nề của một tuần bạo động". Theo ước tính của tổ chức giới chủ Pháp Medef, cướp bóc và phá hoại khiến các công ty và cơ sở thương mại bị mất đến 1 tỉ euro, chưa kể thiệt hại do phải đóng cửa không buôn bán được. Marseille là một trong những thành phố thiệt hại nặng nề nhất với 400 cửa hàng bị phá hoại, nhất là tiệm thuốc lá, nữ trang, nhà hàng, cửa hàng bán đồ điện tử... Nhiều đồ vật như kính mát, điện thoại di động, giày, đồ thể thao… đã được những kẻ hôi của rao bán ở chợ đen và trên internet. Những băng nhóm côn đồ rất có tổ chức, chúng nhắm vào những mặt hàng có giá trị để hẹn nhau đi cướp.

Nghịch lý nước Pháp qua ba cuộc khủng hoảng

Nhìn từ nước ngoài, Pháp là một nghịch lý kỳ lạ. Tình hình kinh tế không phải tệ, Le Monde kể ra : tăng trưởng tiếp tục, thất nghiệp giảm xuống, đầu tư ngoại quốc quay lại. Thế nhưng đã xảy ra ba trận động đất lớn trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron : khủng hoảng "Áo Vàng" chống việc tăng thuế carbon, phong trào chống cải cách chế độ hưu trí, và giờ đây đến cuộc bạo loạn từ sai lầm của một cảnh sát.

Những sự kiện này bộc lộ ba vấn đề khó khăn cơ bản của Pháp. Áo Vàng làm khó thể tiến hành chuyển đổi sinh thái - thách thức chính của những năm tới. Chống cải tổ hưu trí buộc chính phủ tiếp tục mô hình xã hội trong khi nợ công bùng nổ. Bạo loạn đô thị xảy ra do lực lượng cảnh sát không được đào tạo đúng mực và làm việc quá sức trong những năm gần đây vì làn sóng khủng bố và các đợt biểu tình, đồng thời đưa ra ánh sáng tình trạng không hội nhập vào xã hội dù chính phủ đã đầu tư đến mấy chục tỉ euro để cải tạo môi trường cư ngụ.

Cuộc lạc quyên gây tranh cãi : Phản ứng của đa số thầm lặng ?

Các báo cũng đề cập đến một cuộc lạc quyên gây tranh cãi.Trong vòng chưa đầy năm ngày, lời kêu gọi đóng góp cho gia đình người cảnh sát trên trang GoFundMe thu được đến trên 1,5 triệu euro, cao gấp nhiều lần số tiền giúp cho gia đình thiếu niên Nahel. Thành công này bị cánh tả chống đối dữ dội.

Le Monde lý giải đó là do người đứng ra kêu gọi, Jean Messiha, một nhân vật cực hữu có đến 300.000 người theo dõi trên các mạng xã hội, sau đó nhiều nhóm Facebook của cảnh sát đăng lại. Tuy nhiên chính những người phản đối lại là động lực gây lan tràn vì làm nổi bật vụ này trên mạng, gây phản tác dụng. Nền tảng quyên góp nói với Le Figaro, vì viên cảnh sát Florian M. chưa bị kết án, nên theo nguyên tắc suy đoán vô tội, việc này hoàn toàn hợp pháp, tiền thu được sẽ trao thẳng cho gia đình.

Người cảnh sát đã bị tạm giam, gia đình phải chuyển chỗ ở, địa chỉ nhà riêng và cả khách sạn đầu tiên tạm trú bị đăng lên mạng xã hội, hiện nay đang ở một nơi bí mật. Messiha nói rằng vì vậy ông muốn giúp họ. Tuy nhiên, đến nửa đêm hôm qua ông đã ngưng lạc quyên vì bà mẹ Nahel cùng với hai chính khách cực tả và cánh tả nộp đơn kiện.

Jean Messiha cho biết cũng sẽ kiện lại gia đình Nahel về cáo buộc "lừa đảo có tổ chức" nhắm vào ông và những người đóng góp, đồng thời kêu gọi trên 85.000 người đã giúp tiền cũng nên kiện tội "vu khống". Chủ tịch vùng Île de France tuy chỉ trích sáng kiến lạc quyên này, nhưng đồng thời cho rằng đây có thể là phản ứng của đa số thầm lặng trước nạn phá hoại, cướp bóc.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 257 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)