Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/06/2017

Tập Cận Bình đến Hồng Kông 20 năm sau ngày giao trả

Tổng hợp

Tập Cận Bình đến Hồng Kông nhân 20 năm nhượng địa được trao trả (RFI, 23/06/2017)

Cách nay 20 năm, vào ngày 01/07/1997, sau 99 năm nhượng địa, Anh Quốc trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc. Một nhật báo địa phương cho biết nhân lễ kỷ niệm vào tuần tới, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Hồng Kông. Chuyến viếng thăm có thể gây thêm căng thẳng trong quan hệ "một đất nước hai chế độ".

hongkong1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chờ đón khách tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 14/06/2017. Reuters

Theo AFP, cho đến hôm nay, 23/06, chưa một quan chức nào xác nhận là chủ tịch Tập Cận Bình có nhân lễ kỷ niệm "nhị thập chu niên" để thực hiện chuyến viếng thăm Hồng Kông lần đầu tiên, kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2013. Một phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối trả lời câu hỏi của AFP.

Tuy nhiên, nhật báo South China Morning Post, phát hành thứ Sáu 23/06/2017, cho biết chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đã được "xác nhận", cho dù không ghi xuất xứ nguồn tin. Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm đồn binh của Hoa lục, thăm một dự án hạ tầng cơ sở đang xây dựng và lễ nhậm chức của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), tân trưởng đặc khu hành chánh.

Các biện pháp an ninh sẽ được tăng cường đề phòng các cuộc biểu tình chống chủ tịch Trung Quốc. Vụ chủ nhân và nhân viên một nhà xuất bản sách ở Hồng Kông, phát hành sách "nhạy cảm" đối với chế độ Bắc Kinh, tổng cộng 5 người bị "cưỡng chế mất tích" vào năm 2015 làm cho công luận Hồng Kông thêm hãi hùng.

Các biện pháp đàn áp phong trào dân chủ Dù Vàng năm 2014 và gần đây nhất là ngăn cản hai dân biểu theo xu hướng độc lập vào nghị viện cho thấy Bắc Kinh không tôn trọng lời hứa "một đất nước hai chế độ", xâm phạm quyền tự do của dân Hồng Kông.

Theo giáo sư chính trị Lâm Lập Hòa (Willy Lam), chuyến viếng thăm của lãnh đạo đảng Cộng Sản và quân đội Trung Quốc chứng tỏ là trong nguyên tắc "một nước, hai chế độ" thì "một nước" là yếu tố áp đảo.

Về phần chính quyền Hồng Kông, trả lời phỏng vấn đài CNN về trường hợp các nhân viên nhà sách, công dân Hồng Kông bị giữ ở Hoa lục sau thời gian dài "mất tích", lãnh đạo mới, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố : "Chúng tôi sẽ sai trái nếu phản đối những gì xảy ra tại lục địa vì vụ án này phải xử theo luật của chế độ Trung Quốc".

Tú Anh

**********************

Chủ tịch Tập Cận Bình sắp thăm Hong Kong (RFA, 23/06/2017)

Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm lãnh thổ Hồng Kong vào tuần tới để kỷ niệm 20 năm ngày cựu thuộc địa Anh Quốc này được trao trả lại cho Trung Quốc.

hongkong2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. AFP photo

Tin này được báo chí tại Hồng Kong loan đi vào ngày 23 tháng 6, tuy nhiên vẫn chưa có tin chính thức về chuyến thăm ông Tập từ Bắc Kinh.

Đây sẽ là chuyến thăm Hồng Kong đầu tiên của ông Tập trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc, kể từ khi ông nắm chức vụ này vào năm 2013.

Ông sẽ cùng phu nhân là bà Bành Lệ Quân đến Hồng Kong vào ngày thứ năm 29 tháng sáu, và ở lại cho đến ngày 1 tháng bảy, ngày mà 20 năm trước Trung Quốc tiếp quản Hồng Kong từ Anh Quốc.

Chương trình thăm viếng Hồng kong của ông Tập cũng sẽ bao gồm việc tham dự vào buổi lễ nhậm chức của Tân đặc khu trưởng Hồng Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Các nhà hoạt động xã hội tại Hồng Kong cho biết là họ đang chuẩn bị tổ chức biểu tình nhân chuyến thăm của ông Tập và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng cường các biện pháp an ninh tại Hồng Kong.

Hồng Kong hiện được xem là một lãnh thổ thuộc Trung Quốc, nhưng theo qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ với hiến pháp riêng và duy trì một số quyền tự do báo chí, ngôn luận riêng.

Đó là thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Luân Đôn khi thuộc địa này được trao lại cho Hoa Lục vào năm 1997.

Quay lại trang chủ
Read 752 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)