Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/07/2023

Bắc Triều Tiên : quân cờ mới chống phương Tây ?

RFI tổng hợp

Bán đảo Triều Tiên : Sau 70 năm đình chiến, tái diễn kịch bản Chiến tranh lạnh ?

Thanh Hà, RFI, 27/07/2023

Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc cùng rầm rộ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến : Hai cái nhìn về một cuộc xung đột, những vết thương chưa lành. Seoul và Bình Nhưỡng vẫn xem đối phương là một mối "đe dọa đối với sự tồn tại của chính mình". Mỹ-Nhật-Hàn tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân. Chính quyền Kim Jong-un thắt chặt hợp tác với Nga và Trung Quốc.

bactrieutien1

Hình ảnh gần Bàn Môn Điếm nhân ngày kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến. Ảnh chụp ngày 27/07/2023. AP - Ahn Young-joon

Ngày 27/07/1953 trong bầu không khí nặng trĩu tại Bàn Môn Điếm, hai phái đoàn đặt bút ký hiệp định đình chiến. Ba ngày sau binh sĩ hai bên đồng loạt rút lui, một vùng phi quân sự chính thức được thiết lập, tù nhân chiến tranh bắt đầu được trả tự do. Đâu là điểm khởi đầu chiến tranh Triều Tiên, nổ ra trong đêm 24 rạng sáng 25/06/1950 ?

Điểm khởi đầu của một cuộc chiến

Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910. Sau hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật đầu hàng. Mỹ và Liên Xô giải phóng bán đảo Triều Tiên. Thể theo tinh thần hội nghị Yalta (1945), Staline và Roosevelt đồng ý chia đôi bán đảo Triều Tiên ở vĩ tuyến 38. Liên Hiệp Quốc, một định chế đa quốc gia cũng vừa được thành lập, năm 1948 chính thức công nhận Đại Hàn Dân Quốc với thủ đô là Seoul và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, thủ đô đặt tại Bình Nhưỡng.

Nếu như chính quyền ở Seoul đi theo chủ nghĩa tư bản, "phò" Mỹ, thì ở phía Bắc, Moskva đưa Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), 38 tuổi, lên lãnh đạo đất nước. Đã ba thế hệ gia đình họ Kim liên tục cầm quyền tại Bắc Triều Tiên cho đến nay.

Ở phía bắc vĩ tuyến 38, Kim Il Sung là một vị anh hùng dân tộc trẻ tuổi, điều hành một vùng đất với nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp có sẵn. Ông cũng đã nhanh chóng tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất, "chia đất cho nông dân".

Ở miền nam, Syngman Rhee, 75 tuổi lên cầm quyền dưới sự bảo trợ của người Mỹ nhờ thông thạo Anh ngữ. Tổng thống đầu tiên ở Hàn Quốc chóng hiện nguyên hình là một "người bất tài và tham ô". Vào lúc mà người dân ở phía nam vĩ tuyến 38 còn sống trong cảnh "bần hàn", và theo một số chuyên gia tương lai của họ "còn đen tối hơn cả" so với ở châu Phi, công luận Hàn Quốc do vậy, "không có lý do gì để chọn đi theo phe tư bản hay cộng sản" nuôi dưỡng tham vọng của Kim Nhật Thành "thống nhất đất nước".

Ngày 25/06/1950 quân đội Bắc Triều Tiên tràn sang biên giới, dễ dàng chiếm được thủ đô Seoul sau ba ngày giao tranh. Liên Hiệp Quốc cho phép "can thiệp quân sự" hỗ trợ Hàn Quốc. Một lực lượng liên quân quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc ra đời và đặt dưới sự chỉ huy của nước Mỹ. Chiến dịch phản công dễ dàng đạt mục tiêu : Liên quân quốc tế tiến vào tận Bình Nhưỡng ngày 19/10/1950 và thậm chí là còn tiến sát đến biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Bắc Kinh nhập cuộc, điều vài trăm ngàn lính sang hỗ trợ chính quyền Kim Nhật Thành. Seoul lại thất thủ vào tháng 01/1951. Phải mất hai tháng liên quân quốc tế mới giúp Hàn Quốc giành lại thủ đô. Chiến tranh sa lầy. Lực lượng của đôi bên dừng lại "gần khu vực phi quân sự" hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Sau hơn hai năm thương thuyết, cuối cùng hiệp định đình chiến được ký kết ngày 27/07/1953 ở Bàn Môn Điếm, nhưng Hàn Quốc đã vắng mặt trong lễ ký kết hiệp định. Tướng Mỹ William Kelly Harrison Jr. đại diện cho Liên Hiệp Quốc. Tướng Nam Il thay mặt chính quyền Bắc Triều Tiên đặt bút ký vào hiệp định, còn về phía Trung Quốc là tư lệnh Bành Đức Hoài (Peng Dehuai). Một bản hòa ước chính thức "kết thúc chiến tranh" chưa bao giờ được ra đời, khu vực phi quân sự ở vĩ tuyến 38 vẫn tồn tại, khoảng 27.000 lĩnh Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Vết thương chưa lành

1950-1953 : Mỹ đã không ngăn chận được "vết dầu loang cộng sản", Bình Nhưỡng bị tàn phá đến 80%, 65% bộ mặt của Seoul phải xây dựng lại từ đầu.

70 năm hiện hữu, Bàn Môn Điếm là hiệp định đình chiến lâu bền nhất thế giới. Tác động của chiến tranh Triều Tiên tồn tại cho đến tận ngày nay. Giới chuyên gia chưa biết một cách chính xác về thiệt hại nhân mạng. Một số tài liệu chính thức đưa ra con số "ít nhất là 3 triệu người tử vong" ở cả hai phía, chủ yếu là thường dân, một số khác thì nói đến 1 triệu người chết. Có một điều chắc chắn là từ năm 1988 đã có hơn 133 ngàn người Hàn Quốc thuộc diện gia đình bị ly tán, tức là có thân nhân sống ở Bắc Triều Tiên từ khi đất nước bị phân đôi năm 1945. Trong những giai đoạn tan băng hai nước Triều Tiên đã tổ chức một số các cuộc " họp mặt gia đình". Lần cuối diễn ra vào năm 2018.

Căng thẳng liên Triều thường xuyên "bùng lên" : Từ 2006 Bắc Triều Tiên là quốc gia thứ 9 trên thế giới có bom nguyên tử. Hàn Quốc thì vẫn được đặt dưới ô dù hạt nhân của Hoa Kỳ. Bình Nhưỡng liên tục bắn tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm xa, thử vũ khí hạt nhân…. đe dọa an ninh khu vực. Tháng 01/2023 Mỹ-Hàn loan báo "phối hợp trong cách xử lý và một cách cụ thể để đối phó với mọi kịch bản, kể cả trong trường họp Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân". Tháng 7/2023, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ lần đầu tiên từ 1980 quay trở lại Hàn Quốc.

Trong 7 thập niên Hàn Quốc " lột xác" trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất, thịnh vượng nhất, hiện đại nhất trên thế giới. Tin tức thời sự về Bắc Triều Tiên chủ yếu tập trung vào các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, vào những phát biểu " nẩy lửa" của các quan chức Bình Nhưỡng hay vào nạn đói hoành hành ở quy mô rộng trên quê hương cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Tháng 2/2023 Chương Trình Lương Thực Thế Giới báo động về nạn đói tại Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng từ chối viện trợ lương thực của quốc tế và chỉ trông cậy vào một điểm tựa là Bắc Kinh.

Bóng ma "Chiến tranh lạnh"

Chương trình tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến khơi lại "bóng ma thời kỳ chiến tranh lạnh". Ở Bình Nhưỡng chế độ Kim Jong-un tiếp hai vị khách mời là bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Choigu và ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Hồng Trung (Li Hongzhong).

Về phía Seoul, tổng thống Yoon Seok Yeol mời đại diện 22 nước đồng minh, trong đó có Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand… và 62 cựu chiến binh ngoại quốc đến Busan, tây nam Hàn Quốc, nhân sự kiện này. Buổi lễ được tổ chức ngay tại Trung Tâm Điện Ảnh Busan, trụ sở của liên hoan phim quốc tế Busan hàng năm. Chính nơi này, năm 1950 là một sân bay, là nơi binh đoàn đầu tiên của liên quân quốc tế đã đáp xuống, giải cứu Hàn Quốc.

Chiến tranh Ukraine càng làm lộ rõ thêm căng thẳng ở hai bên đường vĩ tuyến 38. Bình Nhưỡng bị cáo buộc bán vũ khí cho tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga, giúp Moskva trong cuộc chiến Ukraine. Đến dự lễ kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến, bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu tuyên bố Bắc Triều Tiên là một "đối tác quan trọng" của Nga. Bình Nhưỡng xem chiến tranh Ukraine mà Moskva đang tiến hành là nhằm mục đích "bảo vệ chủ quyền và lợi ích" của Liên Bang Nga và do vậy Bắc Triều Tiên "hoàn toàn ủng hộ quân đội và nhân dân Nga".

Bình Nhưỡng – Seoul, hai cái nhìn về cùng một cuộc chiến

Hai cái nhìn về cùng một cuộc chiến. Ở bên trong bảo tàng chiến tranh Bình Nhưỡng có một pho tượng khổng lồ của một người lính Bắc Triều Tiên tay cầm cờ và bên cạnh là tấm bia có khắc hàng chữ "Những thành tích vẻ vang lịch sử sẽ sáng mãi mười ngàn đời". Câu nói đó là của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Tại Seoul, tượng đài Chiến tranh phủ kín những tấm bia với tên tuổi của khoảng 190.000 lính Hàn Quốc và trong liên quân quốc tế hy sinh.

Choe Un Jong, một hướng dẫn viên của viện bảo tàng Bình Nhưỡng được AP trích dẫn giải thích chiến tranh khai mào do lỗi từ Mỹ và những "con rối của họ ở miền Nam", "họ đã tiến sâu vào từ 1 đến 2 km trên lãnh thổ của chúng ta. Quân đội lập tức phản công trước một vụ tấn công bất ngờ". Giám đốc bảo tàng Seoul Go Hanbin chỉ nhắc lại : chiến tranh xuất phát từ "tham vọng của chính quyền Bắc Triều Tiên muốn thống nhất và đặt bán đảo Triều Tiên dưới chế độ cộng sản".

Báo Le Monde (ngày 22/07/1994) đưa tin sau khi chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời, bộ ngoại giao Hàn Quốc cho công bố nhiều tài liệu lưu trữ của Liên Xô. Trong số ấy có bức điện thư "Kim Il-sung/Kim Nhật Thành xin phép Stalin xâm chiếm miền nam. Một số khác đưa ra những chi tiết về công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch" này.

Thanh Hà

****************************

Bắc Triều Tiên dàn dựng lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng để thể hiện được Nga và Trung Quốc ủng hộ

Trần Công, RFI, 28/07/2023

Bắc Triều Tiên đã tổ chức duyệt binh vào đêm ngày 27/07/2023 để kỷ niệm "Ngày Chiến thắng", tức ngày ký hiệp định đình chiến Nam-Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin Yonhap, trong buổi duyệt binh, chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tham dự cùng với bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và phó chủ tịch thứ nhất Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) Lý Hồng Trung (Li Hongzhong).

bactrieutien2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (giữa), bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và phó chủ tịch thứ nhất Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung (phải) dự lễ duyệt binh kỷ niệm "Ngày chiến thắng", Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 27/07/2023. AP

Việc dàn cảnh này nhằm cho thấy Trung Quốc và Nga ủng hộ Bắc Triều Tiên, quốc gia ngày càng bị quốc tế cô lập do phát triển tên lửa và hạt nhân bất hợp pháp.

Trong buổi duyệt binh có một số mẫu drone chiến lược và drone tấn công đã được phát triển để trang bị cho lực lượng không quân Bắc Triều Tiên. Trong đó có mẫu drone hình dáng tương tự dòng RQ-4 Global và MQ-9 Reaper vừa được Mỹ trang bị cho không quân Hàn Quốc.

Trong lễ duyệt binh, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu giơ tay chào sau sự xuất hiện của 2 dòng tên lửa liên lục địa mạnh nhất của Bắc Triều Tiên là Hỏa Tinh -18 (Hwasong-18) dùng nhiên liệu rắn, và Hỏa Tinh-17 (Hwasong-17) dùng nhiên liệu lỏng. Điều này được xem như là thông điệp gửi đến thế giới rằng Trung Quốc và Nga đang dung túng cho việc phát triển bất hợp pháp tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Thông tấn xã trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA) cho biết bộ trưởng Quốc phòng Kang Sun-nam đã phát biểu tại lễ duyệt binh, bày tỏ niềm vinh dự của quân đội và cả nước khi có thể thực hiện một lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Trần Công

*************************

Bắc Triều Tiên : Quân cờ mới giúp Nga chống phương Tây trong chiến tranh Ukraine

Thu Hằng, RFI, 27/07/2023

Ngày 27/07/2023 vào lúc tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp 49 phái đoàn các nước châu Phi tham dự thượng đỉnh tại Saint-Peterburg, bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu có mặt ở Bình Nhưỡng dự lễ kỉ niệm 70 năm đình chiến Triều Tiên. Moskva muốn khẳng định vẫn có nhiều bạn bè và đối tác để làm đối trọng với phương Tây trong bối cảnh bị cô lập vì xâm chiếm Ukraine.

bactrieutien3

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tiếp bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu. Ảnh tại Bình Nhưỡng ngày 26/07/2023. AP

Cùng bị phương Tây trừng phạt, Nga và Bắc Triều Tiên tìm thấy sự đồng điệu. Đối với Nga, "Cộng hòa nhân dân Triều Tiên là một đối tác quan trọng, có chung biên giới và truyền thống hợp tác phong phú", theo thông cáo của Bộ quốc phòng Nga khi bộ trưởng Sergei Shoigu tới Bình Nhưỡng. Còn Bắc Triều Tiên bắt đầu sử dụng cụm từ mới "hợp tác chiến thuật và chiến lược" để nói về mối quan hệ với Moskva, theo nhận định với trang 38 North của giáo sư Artyom Lukin, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok.

Nga biến Bắc Triều Tiên thành quân bài đe dọa phương Tây

Trên đài truyền hình France24, chuyến công du Bình Nhưỡng của bộ trưởng quốc phòng Nga được nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz nhận định là "mang ý nghĩa biểu tượng". Bắc Triều Tiên kỷ niệm 70 năm đình chiến giữa hai miền Triều Tiên, một cuộc chiến mà Hoa Kỳ tham gia, trong khi nước này cũng đang hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược Nga. Đây cũng là "đòn truyền thông của hai nước bị cô lập trên trường quốc tế" để "chứng minh với các nước phương Tây rằng họ có đối tác".

Nói một cách khác, theo Reuters, chuyến công du của ông Shoigu phần nào nhằm gây lo sợ, dùng Bắc Triều Tiên để hù dọa phương Tây. Đây cũng là lời cảnh cáo mà Moskva gửi đến Hàn Quốc, nước đã lên án, trừng phạt Nga và có thể sẽ giao đạn dược cho Ukraine.

Nga và Trung Quốc không ngừng bác bỏ mọi dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Để "đền đáp", Bình Nhưỡng công khai ủng hộ Moskva kể từ lúc đưa quân xâm chiếm Ukraine, công nhận nền độc lập của các vùng ly khai Ukraine, sau đó là ủng hộ Nga sáp nhập những vùng lãnh thổ này. Việc Nga cần có "bạn" vì bị cô lập cũng giúp quốc gia khép kín nhất thế giới được lợi.

Nói một cách khác, đôi bên cũng có lợi, theo nhận định với trang 38 North của giáo sư Artyom Lukin và được Reuters trích dẫn, "‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Moskva ở Ukraine đã mở ra một thực tế địa-chính trị mới, theo đó điện Kremlin và Bắc Triều Tiên có thể ngày càng thân thiết hơn, thậm chí có thể lên đến mức quan hệ gần như là đồng minh từng tồn tại trong thời Chiến Tranh Lạnh".

"Liên minh tình thế" vì cùng bị dồn vào chân tường 

Trong nhiều thập niên, Bình Nhưỡng phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ của Liên Xô. Điều này giải thích phần nào cho nạn đói ở Bắc Triều Tiên sau khi Liên Xô tan rã. Sau thời gian đầu "lạnh nhạt" với Nga và Trung Quốc khi mới lên cầm quyền, nhà lãnh đạo hiện nay của Bắc Triều Tiên từng bước sửa chữa mối quan hệ song phương kể từ năm 2017. Ông Kim Jong-un họp thượng đỉnh lần đầu tiên với tổng thống Nga vào năm 2019 tại Vladivostok, ca ngợi là "đã nghiền nát những thách thức và đe dọa của Hoa Kỳ" trong điện chúc mừng sinh nhật đồng nhiệm Putin cùng năm và hứa "nắm chặt tay" chủ nhân điện Kremlin, tăng cường hợp tác chiến lược trong thư chúc mừng Quốc Khánh Nga.

Moskva không dại gì khước từ nguyện vọng của Bắc Triều Tiên, nhất là khi Bình Nhưỡng, theo cáo buộc của Hoa Kỳ, "tình nguyện" cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga và quân đánh thuê Wagner. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz nhắc lại là hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào.

Ngoài lời hứa "thắt chặt hợp tác quốc phòng", Nga và Bắc Triều Tiên nối lại hoạt động giao thương bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Dầu lửa của Nga lại được xuất sang Bắc Triều Tiên từ năm 2020, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Những đoàn tầu chở hàng đã được nối lại vào năm 2022. Các quan chức Nga đang "tìm các giải pháp chính trị", thực ra là lách trừng phạt của quốc tế, để nhận khoảng 20.000 đến 50.000 người lao động Bắc Triều Tiên.

Năm 2014, Bình Nhưỡng không lên án Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và được Nga "trả ơn" bằng cách xóa nợ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz, cả hai bên hiện có rất ít tiềm năng hợp tác về kinh tế vì đều chịu nhiều biện pháp trừng phạt.

Thu Hằng

************************

Bắc Triều Tiên phô trương vũ khí hiện đại nhất nhân kỷ niệm 70 năm đình chiến

RFI, 27/07/2023

Ngày 27/07/2023, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Đây là dịp vinh danh 5 triệu người đã thiệt mạng, nhưng cũng là minh chứng cho những căng thẳng vẫn tồn tại giữa hai nước láng giềng. Chương trình kỷ niệm cho thấy khoảng cách lớn vẫn còn chia cắt hai miền Triều Tiên.

bactrieutien4

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên khoe vũ khí mới với bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh tại Bình Nhưỡng ngày 26/07/2023. APTừ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca cho biết cụ thể :

Một bên là cuộc diễu hành trước các phái đoàn Nga và Trung Quốc và bên kia là buổi lễ với sự tham dự của hàng chục cựu binh nước ngoài thuộc lực lượng Liên Hiệp Quốc : các buổi lễ đình chiến đánh dấu khoảng cách dai dẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng. 

Ở phía Bắc, các chuyên gia thấy "ngày chiến thắng" được tổ chức bằng một cuộc duyệt binh. Khách mời danh dự là ông Serguei Choigu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm thứ Tư 26/07/2027, đã được lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tiếp và ông đã nhìn thấy những cải tiến mới nhất của Triều Tiên về vũ khí. Chuyến thăm này, cùng với sự hiện diện của một ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, minh chứng cho việc Bình Nhưỡng xích lại gần Bắc Kinh và Moskva. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, hai nước Trung Quốc và Nga đã phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

Ở miền Nam, không khí có vẻ khác biệt. Hàng nghìn người tham dự lễ kỷ niệm đình chiến ở Busan. Chính tại thành phố cảng này, lần đầu tiên kể từ những năm 1980, một chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa Mỹ đã cập bến vào tuần trước. Buổi lễ hôm nay cũng là dịp để tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kỷ niệm 70 năm liên minh với Hoa Kỳ và tái khẳng định đường lối cứng rắn đối với nước láng giềng Bắc Triều Tiên. 

Nguồn : RFI, 27/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trần Công, Thu Hằng
Read 597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)