Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/01/2017

"Rohingya" : Mối thù từ thời thuộc địa của người Miến Điện Phật giáo

RFI tiếng Việt

rohingya1

Sắc dân thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện. Ảnh minh họa.

Bị lột trần bắt đứng dưới nắng trước khi bị cưỡng hiếp đối với phụ nữ hay bị tra tấn, bị sát hại, thậm chí bị cắt thành từng mảnh đối với đàn ông… là hàng loạt biện pháp dã man mà quân đội Miến Điện sử dụng để truy bức sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi giáo nhằm truy tìm các "thành phần khủng bố". Đó là lời kể của các nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, với phóng viên của báo Le Monde trong bài phóng sự "Khổ hình của sắc dân Rohingya tại Miến Điện", đăng trong số ra ngày 05/01/2017.

Tại sao người Rohingya lại bị đối xử một cách thậm tệ, dã man như vậy ? Ngược dòng thời gian, bài viết "Lòng hận thù có từ thời thuộc địa", vẫn trên Le Monde, cho biết, vào cuối thế kỷ XIX, ngay sau cuộc chiến Anh-Miến Điện và thời kỳ đầu xâm chiếm thuộc địa của Anh trong vùng này từ năm 1826, người Hồi giáo từ khu vực Bengali (năm 1947 trở thành Đông Pakistan, đến năm 1971 trở thành Bangladesh) đã đến sinh sống ở miền bắc bang Arakan (nay là bang Rakhine).

Tại khu vực nơi có cảng Akyab năng động (hiện là cảng Sittwe) và công việc kinh doanh gạo khá phát đạt, người Hồi giáo vẫn thưa thớt. Chính vì vậy, thực dân Anh có những ưu đãi khuyến khích người Hồi giáo đến sinh sống, đặc biệt tại các vùng biên giới. Có những thời điểm, cộng đồng theo Phật giáo không đông đảo bằng người Hồi giáo. Nếu như năm 1869, người "Mahomedan" chiếm khoảng 5% dân số của vùng thì đến năm 1912, cộng đồng người Hồi giáo này đã chiếm đến 12% dân số. Cũng chính từ giai đoạn thuộc địa bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn giữa hai sắc dân.

Một lý do lịch sử sâu xa nhưng cũng quan trọng khác giải thích lòng hận thù của người dân Arakan theo Phật giáo đối với sắc dân Hồi giáo : Năm 1784, các vương triều Miến Điện đã giành chiến thắng trước vương quốc Arakan, lúc đó vẫn còn độc lập với phần còn lại của Miến Điện. Bốn mươi hai năm sau, người Anh xuất hiện và chiến thắng mọi sắc dân Miến Điện trong vùng. Kết quả là người Arakan cảm thấy bị kìm kẹp giữa phía tây là người Hồi giáo từ Bengali đến và phía đông là người Miến Điện áp đặt sự thống trị.

Cụm từ "Rohingya" nhằm chỉ sắc dân theo Hồi giáo có lẽ được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1799. Nhà địa lý học và thực vật học người Scotland, Francis Buchanan-Hamilton, từng miêu tả một dân tộc được gọi là "Rooinga" sống ở phía bắc bang Arakan. Tuy nhiên, cụm từ này biến mất trong suốt khoảng một thế kỷ trước khi được các nhà hoạt động người "Rohingya" muốn bảo vệ bản sắc dùng lại vào thập niên 1970.

Thực vậy, kể từ khi Miến Điện độc lập vào năm 1948, người Rohingya thường xuyên hứng chịu sự kỳ thị chủng tộc. Sự phân biệt chủng tộc còn tăng thêm khi tập đoàn quân sự đương quyền công bố năm 1982 một đạo luật, theo đó, người Rohingya không được cấp thẻ căn cước. Theo thẩm định, bang Arakan (Rakhine) hiện có khoảng 1,3 triệu người Rohingya nhưng có đến 1 triệu người đã phải bỏ xứ lưu vong.

Sự im lặng khó hiểu của "nhiếp chính" Aung San Suu Kyi

Trước những biện pháp trả đũa dã man nhắm vào sắc dân Rohingya của quân đội Miến Điện nhằm tìm tác giả các vụ tấn công vào các đồn biên phòng, cố vấn quốc gia kiêm ngoại trưởng Aung San Suu Kyi im lặng một cách khó hiểu. Phải chăng nhân vật được cho là số 1 của Miến Điện trở nên bất lực, hay không dám đối mặt với quân đội hay không muốn tố cáo những tội ác của các lực lượng an ninh đối với người Hồi giáo Rohingya ở bang Arakan ? Với nhật báo Le Monde, có thể là cả ba lý do trên.

Dù ở trong nước, Aung San Suu Kyi vẫn là người nổi tiếng, được tôn trọng, nhưng trên trường quốc tế, dường như giải thưởng Nobel Hòa Bình 1991 đang dần mất uy tín. Cuối tháng 12/2016, khoảng 10 giải Nobel Hòa Bình khác đã gửi đến Hội Đồng Bảo An một bức thư ngỏ đề nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để "chấm dứt cuộc khủng hoảng" tại bang Arakan.

"Bác sĩ Trump" kê thuốc trấn hưng nền kinh tế Hoa Kỳ

Hiệu quả từ thông báo "Biến nước Mỹ thành đại cường" của tổng thống tân cử Donald Trump vẫn chưa đủ để xóa bỏ tình cảnh thê thảm của ngành công nghiệp Hoa Kỳ.

Theo nhật báo công giáo La Croix, nếu như Hoa Kỳ có vẻ như hồi phục về kinh tế so với khu vực đồng euro, nhưng thực ra "Thành công này chỉ đánh lừa" và vẫn có nhiều kết quả trái ngược nhau. Liệu các toa thuốc của "bác sĩ Trump" có hiệu quả hay không khi nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại ?

Thứ nhất, tài chính công bị thâm hụt đến 4,1% và nợ công chiếm đến 108% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tiếp theo là tỉ lệ thất nghiệp giảm chỉ là bề nổi. Nếu như chỉ có khoảng 4,6% dân Mỹ không có việc làm, tỉ lệ thấp nhất từ 9 năm nay, nhưng phải tính đến việc số dân trong độ tuổi lao động chiếm 60% dân số, thay vì 63% trước cuộc khủng hoảng. Thêm vào đó là sự chênh lệch giầu-nghèo càng rõ nét hơn trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama.

Khó khăn thứ ba là tình trạng phi công nghiệp hóa tiếp tục tăng kể từ khi hiện tượng này xuất hiện vào thập kỷ 1970. Vào thời kỳ này, ngành công nghiệp chiếm 25% GDP của Mỹ, song hiện giờ chỉ còn chiếm 12%.

Điểm đáng ngại thứ tư là cán cân thâm hụt thương mại. Năm 2014, thâm hụt thương mại của Mỹ là 508 tỉ đô la, nhưng năm 2015 tăng thêm 5%, lên thành 540 tỉ đô la. Giới quan sát cho rằng chính sách bảo hộ của tổng thống tân cử Donald Trump có nguy cơ đối mặt với thực tế này.

Tờ báo kết luận, từ lời nói đến việc làm là một khoảng cách xa. Giờ chờ xem liệu các "liều thuốc mạnh" của nhà tỉ phú có được áp dụng hay không ? Và những liều thuốc này có trấn hưng được nền kinh tế Mỹ đang ở cuối chu kỳ hay không ?

Pháp xét xử một công dân giúp đỡ người nhập cư

Cử chỉ tương thân tương ái đối với di dân vẫn diễn ra tại Pháp nhưng phải chăng hành động này đang phải trả giá ? Câu hỏi được Libération đặt ra sau phiên xét xử ngày 04/01/2017 một nông dân, đồng thời là nhà hoạt động nổi tiếng tại thung lũng Roya, miền nam nước Pháp.

Với Libération, "Nước Pháp cứu danh dự" vì Cédric Herrou bị kêu án 8 tháng tù treo, vì đã giúp đỡ người nhập cư Eritrea ở thung lũng Roya, gần biên giới Pháp-Ý. Tư pháp cáo buộc ông đã giúp khoảng 200 người nước nào vào lãnh thổ Pháp, lập trại giúp chỗ ở cho 57 người nhập cư trong một tòa nhà của cơ quan đường sắt Pháp.

Dù ông ý thức được hành động bất hợp pháp của mình, nhưng không thể nhắm mắt làm ngơ khi chứng kiến 4 trẻ nhập cư chết trên đường quốc lộ, nhiều trẻ đã cố vượt biên đến 12 lần. Thế nhưng, ông không hành động đơn lẻ, sau ông là khoảng 300 dân làng và nhiều người từ các vùng phụ cận chung tay giúp đỡ.

Theo nhận định trong bài xã luận của Libération, tại một nước Pháp mà người ta nghĩ luôn ngay ngáy lo sợ và tăng cường kiểm soát đường biên giới, hay tại một ngước Pháp mà người ta vẫn tưởng bất kỳ người nước nào đặt chân đến lãnh thổ của họ bị nghi ngờ là "một kẻ thù" hay "một người lạ", ví dụ ở thung lũng Roya là một bằng chứng ngược lại, là một tia sáng trong giai đoạn ảm đạm này.

Bảo tàng Louvre tìm cách chinh phục lại du khách

Năm 2016 không phải là năm tốt cho bảo tàng Louvre, Paris, dù vẫn đón tiếp 7,3 triệu lượt khách. Thế nhưng, con số này giảm 15% so với năm 2015 và thất thu lên đến khoảng 9,7 triệu euro.

Lý do được nêu trong bài báo khá nhiều, từ khủng bố đến tình trạng trộm cắp, từ khủng hoảng đến hiện tượng triều cường ở sông Seine khiến bảo tàng phải đóng cửa trong nhiều ngày hay công việc trùng tu, sửa chữa nhiều khu vực trong bảo tàng… 

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn với Le Figaro, chủ tịch kiêm giám đốc bảo tàng, Jean-Luc Martinez, cho biết lượng du khách Pháp vẫn giữ ở mức ổn định, khoảng 2 triệu lượt. Ngược lại, lượng du khách nước ngoài giảm 5%, từ 75% trên tổng số du khách vào năm 2015 xuống còn 70% vào năm 2016.

Để trấn an du khách nước ngoài, bảo tàng Louvre đã tăng cường an ninh, như tăng gấp đôi số lượng cửa an ninh, kết hợp với vùng Ile-de-France để tổ chức một mạng lưới tình nguyện viên tiếp đón du khách, đặc biệt là khách Trung Quốc luôn là đối tượng của tình trạng ăn cắp, cướp giật.

Ngoài ra, bảo tàng Louvre cũng muốn chinh phục lại du khách nước ngoài bằng cách tổ chức nhiều triển lãm tại nước sở tại, như ở Washington (Mỹ), Bắc Kinh, Hồng Kông (Trung Quốc). Trong tương lai có thể ở Nhật Bản, Châu Mỹ La Tinh…

Bầu cử sơ bộ cánh tả Pháp : Phe của thủ tướng Valls ngày càng lo lắng

Bầu cử sơ bộ cánh tả là chủ đề thời sự Pháp được đề cập nhiều trên các nhật báo Pháp. Trang nhất của nhật báo Le Figaro là hàng tựa lớn "Nỗi lo ngày càng lớn trong phe của Valls". Thực vậy, theo tờ báo "chương trình của cựu thủ tướng Pháp, thường đi ngược với những gì ông bảo vệ khi còn ở điện Matignon, đang làm rối loạn hình ảnh của ông và khiến những người ủng hộ lo ngại".

Trả lời nhật báo Le Monde, cựu bộ trưởng Benoit Hamon, ứng viên bầu cử sơ bộ cánh tả Pháp để chọn đại diện trong cuộc đua vào điện Elysée, nhấn mạnh đến các chủ đề xã hội và kinh tế, song không để cựu thủ tướng Pháp, đồng thời là đối thủ Manuel Valls, độc quyền trên vấn đề chủ quyền đất nước. Tuy nhiên, theo nghị sĩ vùng Yvelines, chính sách đối ngoại của chính phủ hiện nay vẫn "thiếu tầm nhìn" đồng thời cho rằng đã đến lúc "chấm dứt tình trạng khẩn cấp" tại Pháp.

Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm trên trang nhất đến tình trạng nợ của các nước Liên Hiệp Châu Âu với lời cảnh báo đã đạt đến kỷ lục mới. Theo thẩm định, năm 2017, các nước thuộc khu vực đồng euro sẽ vay đến 900 tỉ euro trên thị trường : Pháp là nước nằm trên top đầu với khoảng 210 tỉ euro, chỉ sau Ý với khoảng 271,5 tỉ euro.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 797 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)