Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos. Ảnh ngày 17/01/2017. Reuters
Báo chí Pháp ngày 19/01/2017 tiếp tục bình luận về bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Davos. Le Figaro ghi nhận việc ông Donald Trump đắc cử đã tạo "một cơ hội không ngờ tới để cho vị hoàng đế đỏ của Trung Quốc khoác lên mình chiếc áo của một nhà lãnh đạo có trách nhiệm", gìn giữ trật tự và hòa bình cho thế giới.
Kế hoạch của thủ tướng Theresa May đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu chiếm trang nhất nhật báo Le Monde số đề ngày 19/01/2017. Libération quan tâm đến những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, giải thích vì sao họ nghe theo cựu Bộ trưởng Kinh tế.
Tờ Le Figaro thì chú trọng đến những tranh cãi chung quanh phương pháp giảng dạy ngữ pháp mới vừa được đưa vào các trường tiểu học và trung học cấp hai ở Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin về một tranh cãi khác ở Pháp, đó là về vai trò của các quỹ bảo hiểm y tế phụ (mutuelles). Nhật báo Công giáo La Croix chú tâm đến những trường học mà mạng lưới Espérance Banlieues, thân với giới Công giáo, lập ra cho các vùng ngoại ô ở Pháp.
Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp hôm nay, tiếp tục bình luận về bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Davos ngày 17/01/2017.
Tập Cận Bình, hiện thân của một trật tự thế giới mới ?
Tờ Le Figaro ghi nhận, việc ông Donald Trump đắc cử đã tạo cho Trung Quốc "một cơ hội không ngờ tới để cho vị hoàng đế đỏ Tập Cận Bình khoác lên mình chiếc áo một nhà lãnh đạo có trách nhiệm của thế giới".
Theo Le Figaro, trong khi nhà tỷ phú Mỹ liên tiếp đưa ra những lời tuyên bố mang tính hiếu chiến hoặc bảo hộ mậu dịch, xem thường vấn đề biến đổi khí hậu, thì ông Tập Cận Bình lại tranh thủ Diễn Đàn Davos để tự thể hiện mình như là một nhân vật đối trọng với Trump và là người bảo vệ trật tự thế giới : bảo đảm cho tiến trình toàn cầu hóa và tự do mậu dịch, nhưng cũng bảo vệ môi trường và hòa bình cho thế giới.
Tờ báo cũng nghi nhận rằng trong khi Trump gây xáo trộn Liên Hiệp Châu Âu - hoan nghênh Brexit và chỉ trích chính sách nhập cư của Đức - hoặc gây hoang mang cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, thì ông Tập Cận Bình xuất hiện như là hiện thân tuyệt đối của sự ổn định.
Nhưng theo Le Figaro, sau những lời lẽ mang tính đồng thuận như thế, vị lãnh đạo Trung Quốc độc đoán nhất kể từ thời Mao Trạch Đông sẽ phải thuyết phục thế giới về sự thành tâm của ông. Bài diễn văn mang tính cởi mở dành cho công chúng quốc tế tương phản hoàn toàn với những tuyên bố mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa cực đoan khi ngỏ lời với đồng bào của ông. Cũng ông Tập Cận Bình, không ngần ngại lên án "những lực lượng phương Tây thù địch" và lên án cả những giá trị phổ quát về nhân quyền và "mối nguy" của dân chủ.
Với báo Le Monde, bài diễn văn của ông Tập Cận Bình chính là bài mà các đại biểu Mỹ tham dự Diễn đàn Davos muốn tổng thống của họ đọc. Theo tờ báo này, đây quả là thế giới đảo chiều : trong tất cả các nền dân chủ phương Tây, toàn cầu hóa và tự do mậu dịch bị tấn công bởi một xu hướng chính trị mạnh, mà hiện thân là Donald Trump. Và chính chủ tịch Trung Quốc, người thừa kế Mao Trạch Đông, lại đến trấn an các lãnh đạo doanh nghiệp về những khái niệm đã làm thay đổi sâu rộng nền kinh tế thế giới từ cuối thế kỷ XX.
Brexit, con đường đầy chông gai
Về bài diễn văn mà thủ tướng Anh đọc tại Bruxelles ngày 17/01 trình bày kế hoạch Brexit, đưa nước Anh ra khỏi luôn cả thị trường duy nhất Châu Âu, theo nhận định của Le Monde, bà Theresa May đã xen lẫn những lời vuốt ve với những lời đe dọa, những lời lẽ hòa dịu với những tối hậu thư gởi đến những "người anh em Châu Âu".
Le Monde cũng lưu ý rằng tiến trình Brexit còn rất nhiều gian truân : lời đe dọa của chính phủ Scotland sẽ một lần nữa tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập nếu Anh Quốc ra khỏi thị trường duy nhất Châu Âu, vấn đề ranh giới giữa hai nước Ireland mà Brexit sẽ tạo ra, thái độ chống đối của các cử tri ủng hộ Brexit, không muốn trả cái giá của việc phục hồi thuế quan…
Nhưng theo Le Monde, bài diễn văn của bà May tại Bruxelles, mang hơi hướng một cuộc chiến tranh thương mại, đã thu phục được cảm tình của báo chí bình dân tại Anh. Tờ Daily Mail ca ngợi bà là một "người đàn bà thép" mới.
Giới tài chính ngân hàng tại Luân Đôn lo ngại về một Brexit cứng rắn, đó là điều mà nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh hôm nay.
Theo Les Echos, khi chọn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách cứng rắn, thủ tướng Theresa May đã xác nhận điều mà người Anh sợ nhất : không còn được tiếp cận thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Cho tới nay, trong khuôn khổ thị trường duy nhất, các ngân hàng ở Luân Đôn có thể bán các dịch vụ ra 27 nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu.
Để không bị mất ưu đãi đó, ngân hàng hàng đầu của Châu Âu là HSBC vừa loan báo sẽ chuyển 1000 nhân viên từ Luân Đôn sang Paris.
Chính sách đưa đầu tư trở lại Mỹ
Tờ Les Echos hôm nay cũng quan tâm đến việc tổng thống tương lai của Mỹ Donald Trump buộc các công ty phải đưa ra những tuyên bố sẽ đầu tư ở Mỹ.
Sau Lockheed Marin, Amazon, Fiat Chrysler hay Ford, trong tuần này đến lượt General Motors, Bayer và Walmart loan báo tạo ra thêm hàng ngàn việc làm ở Mỹ và đầu tư tại nước này hàng tỷ đô la.
Thật ra theo Les Echos, các công ty này phải làm như vậy để tránh những hậu quả từ những quyết định mà chính quyền Trump sẽ đưa ra. Ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ sản xuất rất nhiều xe ở Mexico và rất ngại về mức thuế mà họ sẽ phải gánh chịu. Tập đoàn siêu thị Walmart, vốn nhập rất nhiều hàng từ Trung Quốc, sẽ lãnh đủ nếu nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Lockheed Martin và Boeing thì phần lớn sống nhờ vào các đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc.
Hiện tượng Macron
Về thời sự chính trị nước Pháp, tờ Libération dành nhiều trang để nói về sức thu hút ngày càng mạnh của ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron, tìm hiểu vì sao cựu Bộ trưởng Kinh tế đi đến đâu vận động, khán phòng đều chật cứng người.
Theo Libération, 9 tháng sau khi khởi động phong trào "En marche" (Tiến bước), ông Macron đã trở thành một hiện tượng. Trong khi các ứng cử viên bầu cử sơ bộ bên cánh tả không thu hút đủ người cho những hội trường nhỏ, thì các cuộc mít tinh của cựu Bộ trưởng Kinh tế trong tháng 1/2017 có cả ngàn người đến dự.
Tờ Libération cho rằng một trong những bí mật của Macron là khả năng "dịch chuyển liên tục" của ông. Khi còn là Bộ trưởng Kinh tế của Tổng thống François Hollande, Macron đã được nhiều dân Pháp hoan nghênh vì đã dám đụng vào những vấn đề mang tính biểu tượng của Đảng Xã hội : Luật làm việc 35 giờ/tuần, thuế đánh vào thu nhập cao… và dám chỉ trích chính phủ của ông bị xem là quá nhút nhát. Chính vì có những lập trường như vậy, mà lúc đó ông Macron thu hút cử tri cánh hữu nhiều hơn cử tri cánh tả, thu hút giới hưu trí và hành nghề tự do hơn là giới trẻ và người làm công ăn lương.
Nhưng nay, theo một chuyên gia được Libération trích dẫn, ứng cử viên Macron lôi kéo mọi thành phần cử tri của Pháp, với tỷ lệ ủng hộ bên cảm tình viên cánh tả lên tới 50%, và bên phía cảm tình viên đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa là 46%, những tỷ lệ rất cao so với các ứng cử viên khác.
Cho dù bị mô tả là "ứng cử viên của người giàu", vì trước đây ông từng là lãnh đạo ngân hàng, Macron vẫn được các tầng lớp bình dân ủng hộ ngày càng nhiều. Thậm chí, những người cho tới nay không thèm đi bỏ phiếu hoặc chỉ bỏ phiếu cho cực hữu hoặc cực tả, nay cũng thấy Macron hấp dẫn.
Pháp và nguy cơ thiếu điện trong mùa đông
Nhật báo công giáo La Croix báo động về tình hình an toàn hạt nhân "đáng ngại" của Pháp trong bối cảnh mức tiêu thụ điện tăng vọt do đợt lạnh hiện nay.
Theo Les Echos, hiện giờ dân Pháp có thể an tâm vì 9 lò phản ứng hạt nhân tạm dừng để kiểm tra đã được phép hoạt động trở lại, giúp nước Pháp đối phó với đợt lạnh hiện nay, kéo theo mức tăng tiêu thụ điện. Lãnh đạo Cơ quan An toàn Hạt nhân, một cơ quan độc lập, khẳng định kết quả kiểm tra các lò phản ứng nói trên là "khá tốt".
Thế nhưng, theo La Croix, tình hình chung lại không gây an tâm chút nào, những lý do đáng quan ngại về an toàn hạt nhân ở Pháp ngày càng nhiều, trong bối cảnh mà các nhà máy điện nguyên tử sắp bước vào tuổi 40, đặt ra vấn đề về việc có nên cho những nhà máy này tiếp tục hoạt động hay không. Nếu tiếp tục hoạt động thì phải bảo đảm an toàn hạt nhân như thế nào, nhất là với những bài học rút ra từ thảm họa Fukushima. Toàn bộ chi phí cho việc này lên tới 55 tỷ euros.
Tỷ phú Nga và thiên văn học Châu Âu
Về khoa học, tờ Le Figaro loan tin về việc một nhà tỷ phú Nga tham gia vào nghiên cứu thiên văn học của Châu Âu.
Đài Thiên văn Châu Âu Nam vừa ký một hiệp định với nhà tỷ phú Iouri Milner tài trợ cho một dụng cụ gắn trên Viễn vọng kính cực lớn (Very Large Telescope – VLT) đặt tại Chile. Những cải thiện nhờ công cụ mới này sẽ giúp cho VLT tìm ra những hành tinh mới trong hệ Alpha Centauri.
Vì sao nhà tỷ phú Nga chấp nhận tài trợ cho dụng cụ nói trên ? Bởi vì ông mơ ước rằng lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại sẽ có thể phóng một phi thuyền nhỏ lên một thiên thể nằm ngoài Thái dương hệ, với một vận tốc có thể lên tới 200 triệu km một giờ.
Hiện giờ, phi thuyền mà con người có thể phóng xa nhất là Voyager 1 chỉ mới di chuyển với vận tốc 60 ngàn km/giờ. Với tốc độ như vậy, phải mất 45 năm mới có thể ra khỏi Thái dương hệ và mất thêm… 18 ngàn năm nữa để đến được hệ Alpha Centauri ! Dự án của ông Iouri Milner là nhằm giảm thời gian của chuyến du hành này xuống chỉ còn 20 năm.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, còn phải giải quyết nhiều vấn đề trước khi ước mơ của nhà tỷ phú Nga trở thành hiện thực. Chẳng hạn như làm sao tránh cho phi thuyền bị tan rã nếu đụng vào các đám mây khí khi bay với vận tốc kinh khủng như thế ? Hiện giờ chưa ai có thể trả lời câu hỏi này.
Thanh Phương
Cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí ExxonMobil, ông Rex Tillerson, người được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ. Ảnh chụp năm 2008 tại Texas. REUTERS/Mike Stone/File Photo
Biển Đông tiếp tục là một điểm nóng của thời sự quốc tế, đặc biệt sau phát biểu của ngoại trưởng Mỹ tương lai hôm 11/01/2017. Về vấn đề này báo Le Figaro có bài bình luận mang tựa đề : "Bắc Kinh nổi giận với ê kíp Trump", với nhận xét : "Chính quyền Trung Quốc căng thẳng sau các tuyên bố quyết liệt của tổng thống tân cử Mỹ và ngoại trưởng tương lai".
Le Figaro cho biết, kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống đến nay, ở bên trong cơ quan đầu não Trung Nam Hải, các lãnh đạo Trung Quốc đã rất tức giận. Lần này, chỉ cách một tuần trước khi ông Trump chính thức nhậm chức, ê kíp lãnh đạo tương lai của nước Mỹ tiếp tục có thêm một động thái "nguy hiểm" mới nhắm vào Bắc Kinh.
Động thái quyết liệt mới của ngoại trưởng Mỹ, bác bỏ quyền của Trung Quốc kiểm soát nhiều đảo tại Trường Sa, xảy ra trong lúc căng thẳng vốn đã dâng cao trong quan hệ song phương, với việc ông Trump để ngỏ khả năng xem xét lại chính sách "một nước Trung Hoa", được coi là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung kể từ năm 1979.
Ngay trong buổi ra mắt đầu tiên, ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson đã tỏ ra "quyết liệt" với Trung Quốc còn hơn cả ông Trump, khi trực tiếp khẳng định các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp là phi pháp, cũng như toàn bộ các cơ sở hạ tầng và các phương tiện quân sự mà Trung Quốc bố trí tại đây nhằm khống chế vùng Biển Đông, mà Bắc Kinh nghiễm nhiên khẳng định chủ quyền, ngay cả sau khi bị Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ hồi năm 2016.
Ông Rex Tillerson cũng phê phán chiến lược Biển Đông của tổng thống mãn nhiệm Barack Obama, bị đánh giá là quá mềm yếu, và "tạo cớ để Trung Quốc gia tăng hiện diện tại vùng biển tranh chấp này". Không dừng ở chỗ tiến hành các cuộc tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ tương lai còn đe dọa "trục xuất Trung Quốc" khỏi khu vực mà Bắc Kinh vẫn coi là "sân sau" này.
Ngoại trưởng tương lai Mỹ khiến Bắc Kinh thêm căng thẳng, vì Trung Quốc hiện không biết phía Mỹ sẽ hành động như thế nào, một khi ông Trump lên cầm quyền. Trong khi chờ đợi chính sách Biển Đông của tổng thống Mỹ tương lai, có thể "ôn hòa hơn", Bắc Kinh không dám lớn tiếng, mà "buộc phải phản ứng chừng mực".
Còn theo Libération, ông Rex Tillerson cho biết tin tưởng Donald Trump sẽ ủng hộ các chính sách vừa được trình bày, trong đó có chính sách về Biển Đông nói trên, nhưng cũng khẳng định "đã không hề thảo luận với tổng thống tân cử Mỹ về chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong thời gian tới".
Chủ nghĩa dân tộc trên mạng, con dao hai lưỡi
Cũng trong hồ sơ Trung Quốc, Le Figaro có bài : "Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trên mạng, một con dao hai lưỡi". Kiểm soát chặt thế giới mạng, sẵn sàng ngăn chặn mọi ý kiến chỉ trích, nhưng Bắc Kinh cũng ngầm khuyến khích những thành phần dân tộc chủ nghĩa.
Không phản ứng rầm rộ trong các phát biểu chính thức, nhưng chính quyền Trung Quốc có hẳn một đội quân điện tử, sẵn sàng trả đũa bằng những cơn lũ bình luận đủ loại trên Facebook, hay các mạng xã hội khác. Nhiều người so sánh đội quân này với lực lượng Hồng Vệ Binh, thời Cách Mạng Văn Hóa, do những lời lẽ đầy bạo lực của các thành viên.
Nhà Hán học Jude Blanchette lưu ý, chính quyền Trung Quốc, trong khi sử dụng lực lượng này, cũng lo ngại là chủ nghĩa dân tộc được cổ vũ trên mạng, có thể biến thành hiện thực trên đường phố, tuột khỏi sự kiểm soát của chính quyền, như các cuộc biểu tình chống Nhật dữ dội năm 2012. Hiện tại, Bắc Kinh dường như kiểm soát được tình hình, các phản ứng dân tộc chủ nghĩa có lợi cho chính quyền chỉ được thể hiện trong thế giới "ảo".
Sima Pingbang, một blogger có ảnh hưởng, với 2,5 triệu người theo trên mạng Weibo, khẳng định các thành phần dân tộc chủ nghĩa trên mạng không phải là "mối đe dọa với chính quyền". Sima Pingpang cũng là tác giả một bình luận mới đây, chế giễu Donald Trump, kẻ đang học làm nghề tổng thống, "có cơ may tốt nghiệp trường mẫu giáo trong năm nay".
Đế chế Trump và mối quan hệ mờ ám với Trung Quốc
Tổng thống tân cử Mỹ vừa có cuộc họp báo đầu tiên, hôm 11/01, để minh bạch với công chúng quyết định chia tay với các cơ sở kinh doanh trên toàn thế giới, nhằm bảo đảm không có "các xung đột lợi ích", một khi nhậm chức. Tờ báo nhận xét, bất chấp cuộc họp báo vừa qua, Donald Trump vẫn không thể trấn an được các nhà quan sát là sẽ không có các xung đột lợi ích tương lai, đe dọa việc thực thi trách nhiệm của tổng thống. Nhân dịp này, Le Monde dành một hồ sơ riêng, để giới thiệu với độc giả về các lợi ích chính của đế chế Trump Organization tại 12 quốc gia trên khắp thế giới, mà một phần tài sản chính nằm trong lĩnh vực bất động sản.
Quan hệ giữa nhà tài phiệt Donald Trump và Trung Quốc mang tính hai mặt. Trong một trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi năm 2015, ông Trump tuyên bố : Về mặt kinh tế, Trung Quốc là "kẻ thù" của nước Mỹ. Nhưng chỉ hai ngày sau đó, một chủ tịch của nhóm Trump Hotel Collection đã bày tỏ ý định thiết lập một văn phòng đại diện tại Trung Quốc, để khuyếch trương ảnh hưởng của công ty. Giữa giới tài chính Trung Quốc và Trump có nhiều ràng buộc lợi ích, thậm chí những ràng buộc lợi ích mờ ám.
Đơn cử một vài ví dụ nhỏ như : Ngân Hàng Công nghiệp Thương Mại Trung Quốc là chủ thuê lớn nhất của Trump Tower, với tổng diện tích 11%. Gần một phần tư đầu tư cho tháp chung cư Trump Bay Street, ở New Jersay, là do nhiều người Trung Quốc giàu có đầu tư, theo chương trình EB-5. Đây là chương trình cho phép những người đầu tư hơn 500.000 đô la có quyền định cư lâu dài tại Mỹ.
Vẫn theo hồ sơ của Le Monde, Jared Kushner, người con rể của ông Trump sẽ được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng, có những quan hệ làm ăn với công ty bảo hiểm Trung Quốc Anbang Insurence, một tổ chức bị ngân hàng Morgan Stanley từ chối cho vay tiền, có thể với lý do đây là một tổ chức "mờ ám". Chủ tịch của công ty bảo hiểm nói trên, có vợ là cháu gái của Đặng Tiểu Bình, có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Trump thích công ty bình phong
Le Monde cho biết, trong bài "Donald Trump và sở thích công ty bình phong", theo các nhà quan sát, một không khí mờ ám bao trùm đế chế Trump, tuy nhiên, Donald Trump cũng là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, kể từ Gerald Ford (năm 1976), từ chối không công khai bảng nộp thuế.
Ông Trump thường xuyên bác bỏ việc sử dụng "các thiên đường thuế" để kinh doanh, nhưng theo Le Monde, riêng tại Delaware, tiểu bang bờ đông Hoa Kỳ, được coi là một thiên đường thuế, chính Donald Trump đã đặt tới 378 công ty trong tổng số 515 công ty của đại tập đoàn Trump.
Mạng BuzzFeed "vô tình" giúp Trump ?
Bản báo cáo mật dài 35 trang của tình báo Mỹ về những bê bối của ông Trump tại Nga, có thể được chính quyền Nga sử dụng để khống chế tổng thống tương lai Mỹ là nội dung mà trang mạng BuzzFeed đăng tải, gây sóng gió ngay trước cuộc họp báo hôm 11/01. "BuzzFeed : Truyền thông bị chất vấn về đạo lý" là tựa bài bình luận trên Libération về sự việc này.
BuzzFeed là một trang mạng được thành lập năm 2006, được đánh giá là đã nhanh chóng nổi lên như một một trang thông tin "nghiêm túc", đăng tải nhiều tin nóng, điều tra, và có phóng viên hoạt động tại nhiều điểm nóng trên thế giới.
Theo Libération, việc công bố một tài liệu chưa được kiểm chứng, không được phân tích nói trên đã gây ra một cuộc tranh luận dữ dội trong ngành truyền thông, vấn đề "tính minh bạch" thông tin lại được nêu bật trở lại. Nếu như nhiều người cho rằng việc công bố trên là cần thiết, bởi tài liệu này đã được một bộ phận công chúng biết đến, và đây là lúc cần phải được công khai, thì nhiều nhà quan sát khác lại cho rằng, việc BuzzFeed công bố bản tài liệu được coi là mật nói trên đã bất ngờ mang lại cho ông Trump "một vũ khí rất hiệu quả", giúp ông ta dễ dàng tấn công vào uy tín của báo giới.
Libération kết luận với nhận xét của chủ tịch BuzzFeed, việc ông Trump coi mạng này là "một đống rác rưởi trên đà phân hủy" là "một lời khen", bởi cùng với mạng này, các báo nổi tiếng của nước Mỹ như New York Times, CNN hay Washington Post, tất cả đều bị tổng thống tân cử Mỹ mạt sát.
Chuyên gia về truyền thông của đại học Syracus (New York) nêu ra một điều trớ trêu, chính ông Trump là "người đầu tiên" "xây dựng sự nghiệp chính trị của mình" bằng cách tung ra các thông tin bịa đặt.
Đức : Tăng trưởng mạnh, nhưng đầu tư rụt rè
"Nước Đức một năm thu hoạch tốt, nhưng đứng trước nhiều thách thức" là hàng tựa của phụ trương kinh tế báo Le Monde, về nền kinh tế được coi là năng động hàng đầu Châu Âu.
Theo Le Monde, Đức đã đạt được tỉ lệ tăng trưởng là 1,9% trong năm 2016, đúng như nhiều dự kiến của chuyên gia. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011. Một trong những dấu hiệu của sức mạnh kinh tế của nước Đức là giá trị bất động sản tăng vọt, cùng với quá trình đô thị hóa gia tăng.
Lương bổng tại Đức nhìn chung tăng cao, ngay cả sau khi Đức thiết lập mức lương tối thiểu vào năm 2015. Thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ khi Đức tái thống nhất, và số dân cư có việc làm đạt mức cao nhất là 43,7 triệu người. Năm 2017, Đức dự kiến sẽ có thêm 500 nghìn việc làm mới.
Tuy nhiên, theo một số cơ sở nghiên cứu, vấn đề của nước Đức hiện nay chính là khả năng đầu tư cho tương lai. Tiền nước Đức không thiếu, vấn đề là sử dụng tiền như thế nào. Việc đầu tư cho tương lai một phần gặp trở ngại do một bộ phận giới về hưu quan tâm nhiều hơn đến việc tôn trọng nguyên tắc cân bằng ngân sách, và giảm nợ, mà đây lại là bộ phận cử tri có ảnh hưởng rất mạnh.
Theo một cuộc điều tra của Viện ZEW, cho thấy nước Đức đang mất dần khả năng cạnh tranh tại Châu Âu. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giáo dục tại Đức bị phê phán là yếu kém. Cơ Quan Hợp Tác và Phát triển Châu Âu OCDE đưa ra một chẩn đoán nghiêm khắc hơn, theo đó, cho dù sức khỏe kinh tế của Đức là khả quan, quốc gia Tây Âu này phải tiến hành các cải cách, đặc biệt về thuế.
Theo chuyên gia của Natixis, nước Đức hiện tại đang "ăn lạm vào các thành quả của thời cựu thủ tướng Schroider".
Tranh cử tổng thống Pháp : Tranh luận vòng một đảng Xã Hội
Cuộc tranh luận đầu tiên trong số ba cuộc tranh luận của vòng bầu cử sơ bộ đảng Xã Hội Pháp, để chọn ứng cử viên tổng thống, diễn ra tối qua, là một chủ đề chính của báo chí Pháp. Báo thiên hữu Le Figaro nhận xét cuộc tranh luận hôm qua là "tẻ nhạt", do các ứng cử viên Xã Hội "đang trong tình trạng hết hơi" tiến hành.
Theo Les Echos, bảy ứng cử viên tham gia tự giới hạn trong việc trình bày quan điểm và không sa vào tranh luận. Thu nhập tối thiểu cho tất cả các công dân, thường gọi "thu nhập phổ quát" là trung tâm của các thảo luận về vấn đề kinh tế. Báo thiên tả Libération dành nhiều trang để giới thiệu đề xuất của ứng cử viên Benoit Hamon, một đề xuất bị hầu hết các ứng viên khác phản đối.
Trọng Thành
Ảnh tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Danilovgrad, Montenegro, 16/11/2016. REUTERS/Stevo Vasiljevic
Bóng dáng nước Nga trong nhiệm kỳ tổng thống Trump. Không biết những cáo buộc Donald Trump thân Nga thực hư tới mức độ nào, nhưng cũng đủ để gieo mối hoài nghi lên một nhiệm kỳ tổng thống còn chưa mở màn.
Vì lệch múi giờ, Donald Trump, nhân vật của ngày hôm qua chiếm rất nhiều trang báo Pháp ngày 12/11/2017. Hai bức biếm họa trên Le Monde và Libération cùng xoáy vào mối quan hệ phức tạp giữa tổng thống Mỹ tương lai và nước Nga. Willem trên Libération vẽ một ông Trump đang tung lời thóa mạ tình báo CIA và Cục Điều Tra Liên Bang FBI. Bên cạnh là "ông anh" Vladimir Putin cao lớn hơn, vỗ vai Trump và khuyến khích : "Donald, hãy la lớn thêm lên". Họa sĩ Plantu trên báo Le Monde đưa ra hình ảnh một ông Trump đang vướng vào vòng luẩn quẩn vì tin tặc xuất phát từ Nga.
Bóng dáng nước Nga ở Nhà Trắng
"Nga dường như có phương tiện để gây sức ép với Donald Trump", tựa bài báo ngắn gọn trên Les Echos. Tít trên trang nhất của Le Figaro : "Cái bóng của nước Nga thời đại tổng thống Trump". Xã luận tờ báo mang tựa đề "Những bước đầu trong cơn bão tố".
Chưa thể kiểm chứng tính thực hư của tài liệu 25 trang về những tin nhậy cảm liên quan đến tổng thống Mỹ tương lai mà tình báo Nga đang có được, nhưng làng báo Paris trở lại với mối quan hệ phức tạp giữa Donald Trump và nước Nga : phức tạp đến nỗi trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đắc cử, chủ nhân Nhà Trắng tương lai phải dành nhiều thời gian cho hồ sơ này.
"Donald Trump bác bỏ mọi khả năng thông đồng với Nga", tựa trên phần trang quốc tế của La Croix. Libération nói tới "những mảng tối trong một bản báo cáo đầy rủi ro" : 24 giờ trước cuộc họp báo đầu tiên của tổng thống tân cử Donald Trump, đài truyền hình CNN và một số các phương tiện truyền thông khác đã tung ra báo cáo với "sức công phá lớn". Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng "cũng đủ để công luận hoài nghi về quan hệ sắp tới giữa tổng thống Trump với điện Kremlin".
Còn nhiều nghi vấn về mức độ đáng tin cậy, về nguồn gốc của những thông tin đã thu thập được. Chẳng hạn như khả năng Nga nắm giữ một cuộn băng ghi lại hình ảnh Donald Trump năm 2013 mua vui với nhiều cô gái làng chơi trong khách sạn Ritz Carlton ở Moskva, về liên hệ giữa ông Trump với Nga ít nhất là trong thời gian 5 năm trở lại đây, về những cơ hội làm ăn của nhà tỷ phú địa ốc này với nước Nga.
Vẫn theo tài liệu nói trên, dường như ông Trump và các cộng tác viên trong thời gian vận động tranh cử đã biết và đồng ý để tin tặc Nga tấn công đảng Dân Chủ. Đổi lại, êkip của nhà tỷ phú New York hứa là ở cương vị chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump sẽ tránh né hai hồ sơ nhạy cảm đối với Moskva, đó là việc Nga can thiệp vào Ukraine và chính sách tăng quân của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trong vùng Baltic.
Trump, "nhân viên tình báo" của Nga ?
Trắng đen chưa tỏ tường, nhưng Libération trích dẫn tài liệu đang được nói đến nhiều nhất ở Hoa Kỳ theo đó, nếu đúng là nước Nga của ông Putin nắm được nhược điểm của ông Trump thì : "trong trường hợp cần thiết, Nga có thể dùng những thông tin bất lợi ấy để bắt bí tổng thống Mỹ".
Phóng viên báo Le Figaro từ Washington Philippe Gélie lưu ý : nếu như những tin trên được kiểm chứng, mọi quyết định của ông Trump đối với nước Nga đều bị chỉ trích, khi người ta xem Donald Trump như một con rối trong tay Moskva. Tác giả bài báo nhắc lại mùa hè 2016 các chuyên gia về an toàn trên mạng của Mỹ đã phát hiện "một hoạt động khả nghi giữa một máy chủ thuộc về tập đoàn Trump với một địa chỉ internet của Nga, và đường dây này hoạt động một cách khép kín".
Bước đầu đầy sóng gió
"Một quả lựu đạn ném lên thảm đỏ, trải đường đưa Donald Trump vào Nhà Trắng". Trong bài xã luận, Le Figaro dùng hình ảnh nói trên để mô tả tuần lễ cuối cùng trước khi ông Trump ngồi vào chiếc ghế tổng thống. Tác giả bài viết nhấn mạnh : quan hệ của cá nhân ông Trump với nước Nga còn là một ẩn số, nhưng chắc chắn ba điều. Thứ nhất, đã có một sự rạn nứt thực sự giữa tổng thống Mỹ tương lai với ngành tình báo Hoa Kỳ và kèm theo đó là những hậu quả không hay. Thứ hai là những nỗ lực của chính quyền Washington sắp tới để xích lại gần Moskva sẽ không khỏi bị phê phán, khi một phần công luận tin rằng ông Trump là tay sai của Putin. Và thứ ba là những tin ấy chẳng có lợi gì cho nước Mỹ.
Thất bại ê chề cho nền dân chủ Mỹ
Trong bài phân tích dưới hàng tựa "Di sản của Barack Obama bị Donald Trump phá hỏng" Les Echos, sau khi đã mổ sẻ những thành tựu và thất bại sau 2 nhiệm kỳ tổng thống Obama, đưa ra một kết luận không khoan nhượng : "Sự kiện nước Mỹ chọn một người chỉ tập trung vào một số chủ đề, lại có tính cách hung hăng, khai thác nỗi lo sợ của công luận để lãnh đạo nước Mỹ, chứng tỏ nền dân chủ Hoa Kỳ đang lâm nguy. Nước Mỹ thực sự cần gấp rút tổ chức lại các định chế dân chủ".
Kuschner, từ chàng rể lý tưởng đến vai trò ông cố vấn đặc biệt
Le Monde chú ý đến Jared Kushner, 36 tuổi, con rể của Donald Trump vừa được chỉ định làm cố vấn đặc biệt cho tổng thống Mỹ tương lai, cho dù về kinh nghiệm chính trị, như ghi nhận của tờ báo uy tín nhất nước Pháp, là "một tờ giấy còn trắng tinh". Điều đó không cấm cản chồng Ivanka, trưởng nữ của tổng thống Mỹ thứ 45 đã liên tục loại hai ông giám đốc điều hành chiến dịch vận động tranh cử cho ông Trump, gạt thống đốc bang New Jersey là Chris Christie ra ngoài quỹ đạo của Donald Trump, chỉ vì trước đây ông này từng nhúng tay vào vụ bỏ tù thân phụ của Jared vì tội trốn thuế. Trong những tháng sắp tới, Jared Kushner sẽ trở thành một trong những nhân vận "thế lực" nhất nước Mỹ.
Chủ nhân Alibaba, sứ giả và "nhà truyền giáo" của Trung Quốc
Vẫn ít nhiều liên quan đến Donald Trump, trang kinh tế của Le Monde tặng cho Mã Vân (Jack Ma) ông chủ hệ thống mua bán trên mạng Alibaba biệt hiệu là "sứ giả và nhà truyền giáo" của Trung Quốc. Tiếp kiến tổng thống tân cử Hoa Kỳ trước khi ông chính thức nhập chức, Mã Vân và Donald Trump nói cùng một thứ tiếng : đó là ngôn ngữ của các doanh nhân.
Vào thời xa xưa, các nhà thám hiểm và những nhà truyền giáo của Ý hay thành cổ Venise hành trình sang Châu Á để thuyết phục Trung Quốc mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài. Ngày nay, ông chủ của tập đoàn Alibaba lãnh sứ mạng sang tận Mỹ để thuyết phục Donald Trump, người muốn mở ra một cuộc chiến thương mại với "cơ xưởng sản xuất của thế giới" rằng Alibaba có tiềm năng đem lại tới 1 triệu việc làm trên đất Mỹ, giúp các hãng Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Họ Mã đã bắt tay tổng thống Hoa Kỳ tương lai tại tòa tháp Trump ở New York, Mã Vân đang là "lá chủ bài tốt nhất của Trung Quốc trong giai đoạn chuyển tiếp" như ghi nhận của Le Monde. Sau khi tiến hành một cuộc cách mạng kỹ thuật số trong ngành ngân hàng cổ lỗ của Trung Quốc, Mã Vân đã thực sự làm thay đổi hẳn bộ mặt của hệ thống phân phối cho nước này… Ông là biểu tượng của một nước Trung Hoa trông vào sức mình để vươn lên nhiều hơn là ỷ lại vào "những yếu tố bên ngoài".
Anna Moï ngược dòng thời gian cùng nữ sĩ Marguerite Duras
Để kết thúc mục điểm báo hôm nay xin giới thiệu đến quý thính giả cuốn sách mới của nhà văn nữ mang hai dòng máu Pháp- Việt, Anna Moï : Le Pays Sans Nom- Đất nước không tên, Nhà xuất bản L’Aube, được Libération nhắc tới. Bài báo mở đầu bằng câu hỏi : "Mẹ của Duras có từng chơi dương cầm ở Eden Cinéma như tác giả đã mô tả ?". Với Anna Moï điều đó hoàn toàn sai, tương tự như rất nhiều điều đã được Marguerite Duras nói về Đông Dương trong cuốn tiểu thuyết Người Tình - từ hình ảnh một người đàn bà hành khất đến dòng Mêkông, từ thành phố Đà Lạt cho đến nhân vật người tình, một gã người Hoa giàu có.
Anna Moï và Marguerite cùng sinh ra trên một mảnh đất. Nhưng nếu như giải thưởng Goncourt 1984 "đã không trở lại Việt Nam. Đất nước không tên trong sách vở của bà là vùng đất có thật duy nhất mà bà đã biết …", thì ngược lại Anna Moï luôn đi về giữa Pháp và Việt Nam. Ở Việt Nam, cô nuôi dậy con cái trong một ngôi nhà sàn, còn ở vùng Corrèze, miền trung nước Pháp, Anna vẫn có thói quen nướng bánh mì theo kiểu của người đời xưa. Theo Libération, với cuốn tiểu thuyết mới nhất này, Anna Moï đã "lần theo bước chân Marguerite Duras".
Thanh Hà
Barack Obama sẽ có bài diễn văn cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ vào ngày 10/01/2017. REUTERS/Carlos Barria
Chỉ còn một ngày nữa là tới ngày ông Barack Obama đọc bài diễn văn cuối cùng trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ và cũng chỉ còn có hơn chục ngày nữa là diễn ra lễ nhậm chức chính thức của tổng thống Donald Trump. Trong bài viết có tiêu đề "Barack Obama là một tổng thống ngoại hạng dưới góc nhìn lịch sử", nhật báo Libération giới thiệu với độc giả bài phỏng vấn hai chuyên gia Pháp về vị trí của tổng thống Barack Obama trong lịch sử nước Mỹ.
Giáo sư Vincent Michelot, chuyên gia về lịch sử chính trị Hoa Kỳ tại Đại Học Khoa Học Chính Trị Sciences-Po Lyon và chuyên gia Romain Huret, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bắc Mỹ, đều có chung quan điểm là tổng thống Obama đã ghi được dấu ấn trong lịch sử chính trị Mỹ.
Giáo sư Vincent Michelot đánh giá ông Obama là tổng thống cấp tiến đầu tiên sau một thời gian dài nước Mỹ nằm dưới quyền lãnh đạo của những bộ óc bảo thủ. Trong suốt 40 năm, từ năm 1968 đến năm 2008, Hoa Kỳ chỉ có hai tổng thống thuộc đảng Dân Chủ là Jimmy Carter và Bill Clinton. Ba cuộc cải cách ghi đậm dấu ấn của Obama là kế hoạch phục hồi kinh tế, chương trình bảo hiểm y tế Obamacare và luật cải cách tài chính Wall Street.
Còn chuyên gia Romain Huret thì nhắc lại là ông Obama lên nắm quyền lãnh đạo trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn : cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và cuộc khủng hoảng về chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Dân chúng đã quá mệt mỏi, chán nản với chính sách can thiệp quân sự của tổng thống George Bush.
Từ thời Roosevelt, không có tổng thống nào, trừ tổng thống Obama, tìm ra giải pháp thoát khỏi những cuộc khủng hoảng ở quy mô lớn như vậy. Ở trong nước, tỉ lệ thất nghiệp giảm, kinh tế được hồi phục, tài chính ổn định. Còn ở nước ngoài, tổng thống Obama đã kết thúc các cuộc chiến mà chính quyền Georges Bush để lại. Cho dù Obama làm được ít hơn những điều ông ấy đã hứa khi ra tranh cử, nhưng điều quan trọng là ông ấy đã ổn định được đất nước.
Theo chuyên gia Vincent Michelot, có một điều chắc chắc là tổng thống mãn nhiệm Obama không để lại một vụ tai tiếng lớn nào. Trong lịch sử nước Mỹ, tổng thống Bush đã bị chỉ trích vì đã không kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão Katrina. Nhiều người dân có cảm giác Nhà nước không thể bảo vệ họ. Tổng thống Bill Clinton thì dính vào vụ bê bối tình dục Lewinsky, tổng thống Nixon lại vướng vào vụ Watergate. Còn tổng thống Obama thì "giữ mình" theo phương châm "Obama không tai tiếng", "Đừng làm gì ngu ngốc !". Đây cũng là phương châm ông dùng để lãnh đạo đất nước hàng ngày và cả trong chính sách đối ngoại.
Trong khi đó, chuyên gia Romain Huret thì nhận xét điều mới mẻ giúp vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đi vào lịch sử nước này là khả năng hùng biện và phân tích mang tính xã hội của Obama. Ông là một tổng thống trẻ, đã từng làm việc trong lĩnh vực xã hội chứ không theo lộ trình truyền thống, cổ điển như các tổng thống Mỹ khác. Ông hợp với giới trẻ và đã trở thành hình mẫu lý tưởng về đạo đức trong sạch trong con mắt một bộ phận giới trẻ Hoa Kỳ. Tổng thống Obama đại diện cho một giai đoạn lịch sử Mỹ, một lãnh đạo hiện đại, hiện thân của phép lịch sự phù hợp với nhiều nền văn hóa. Theo giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bắc Mỹ Romain Huret, ông Obama đã mở ra một con đường mới và là tổng thống đầu tiên trong danh sách các nhà lãnh đạo đi theo con đường mới này.
Tuy nhiên, điểm hạn chế là cho dù ông Obama đã ổn định được cuộc sống cho tầng lớp trung lưu nhưng lại không làm được điều gì lớn lao cho người nghèo và người da màu. Tổng thống Obama nhận thức được vấn đề kỳ thị sắc tộc tại Mỹ nhưng không thể giải quyết vấn nạn này.
Tại sao Samsung "đứng vững" hơn Apple ?
Trên lĩnh vực kinh tế, hãng Apple hôm thứ Sáu 06/01/2017 thông báo là từ khi ra mắt điện thoại iPhone, con át chủ bài của Apple, vào năm 2007, lần đầu tiên tổng số iPhone bán được đã sụt giảm. Lợi nhuận của hãng "Quả táo cắn dở" đã giảm 16%.
Trong khi đó, tập đoàn Samsung Electronics lại thông báo lãi suất cao ở mức kỷ lục. Tính theo cả năm, tiền lãi quý ba năm 2016 của Samsung đã tăng vọt thêm 50%, đạt 7,7 tỉ đô la. Đây là con số cao kỷ lục từ năm 2013. Nếu không vướng vụ tai tiếng điện thoại Galaxy Note 7 buộc Samsung phải thu hồi lại toàn bộ sản phẩm và thiệt hại rất nhiều, thì lợi nhuận của Samsung có lẽ phải lên tới 9,73 tỉ đô la. Theo một chuyên gia nghiên cứu, điều này cũng có nghĩa là Samsung có khả năng sẽ phá kỷ lục lợi nhuận này vào cuối năm nay, và ở mức rất cao nếu thành công với Galaxy 8.
Trả lời cho câu hỏi "Tại sao Samsung "đứng vững" hơn Apple ?", nhật báo kinh tế Les Echos cho biết cho dù từ lâu nay, tiền lãi từ điện thoại smartphone chiếm hơn 50% lợi nhuận của Samsung, nhưng "gã khổng lồ" của Hàn Quốc vẫn tăng cường đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất linh kiện vốn cũng mang lại cho hãng rất nhiều lợi nhuận. Nhờ thế, Samsung đã trở thành tập đoàn số 1 thế giới về sản xuất thẻ nhớ DRAM, NAND và chiếm lĩnh thị trường màn hình Oled mà tất cả các hãng công nghệ lớn đều cần mua. Và chính Apple đã góp phần làm giàu cho Samsung Electronics khi đặt mua hàng chục triệu màn hình Oled cho iPhone 8.
Đường sắt Trung Quốc phát triển nhanh chóng
Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng, năm 2017, Trung Quốc sẽ đầu tư tới 110,3 tỉ euro cho ngành đường sắt để mở hệ thống, điện khí hóa 4.100 km đường sắt, tăng số lượng tàu, kéo dài thêm 2.100 km đường ray.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết là tính tới cuối năm 2016, Trung Quốc có tổng cộng 124.000 km đường sắt, sở hữu hệ thống tàu cao tốc lớn nhất thế giới với 20.000 km đường ray. Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, hệ thống đường sắt cao tốc của nước này chiếm tới 65% hệ thống cao tốc trên toàn thế giới.
Bắc Kinh dự tính sẽ tăng gấp đôi quy mô mạng lưới tàu cao tốc từ nay tới năm 2030. Năm 2016, Trung Quốc đã khai trương thêm 4 tuyến đường sắt cao tốc, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới (2.252 km) nối Thượng Hải ở miền Đông với Côn Minh ở miền Tây Nam, và chạy qua 5 tỉnh, rút ngắn hành trình từ 34 giờ xuống còn 11 giờ.
Theo dự báo của tập đoàn đường sắt Trung Quốc China Railway Corp, năm nay số hành khách đi tàu sẽ vượt qua con số 3 tỉ người. Năm ngoái, tổng cộng 2,77 tỉ người Trung Quốc đã từng đi tàu, trong đó 52% đi tàu cao tốc.
Facebook Live : nước Mỹ phẫn nộ
Chuyển sang lĩnh vực xã hội, tại Hoa Kỳ, ngày 03/01/2017, một người đàn ông da trắng bị bốn thanh niên da màu tra tấn và nhục mạ trong vòng vài chục phút ở ngoại ô Chicago. Điều đáng nói là cảnh tượng này đã được quay và phát trực tiếp trên Facebook Live. Ngay lập tức nó đã làm dấy lên sự phẫn nộ của nhiều người và một cuộc tranh luận về quay phim, chụp ảnh đã nổ ra tại Mỹ.
Tuy nhiên, trong bài viết "Hoa Kỳ : cảnh tra tấn trực tiếp trên Facebook", Le Monde cho biết đây không phải lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Với cách sử dụng rất đơn giản, ngày 07/07/2016, nhiều người đã quay và phát trực tiếp trên Facebook Live cảnh xả súng giết hại 5 cảnh sát ở Dallas (bang Texas). Cũng trong tháng Bảy này, cảnh tượng một người lái xe hơi bị cảnh sát nổ súng giết chết trên đường cũng đã được quay và phát trên mạng Internet. Đầu tháng 12/2016, vụ tai nạn xe hơi ở bang Pennsylvania khiến hai thanh niên chết thảm đã được 7.000 người theo dõi trực tiếp trên Facebook Live. Còn tại Florida, một cô bé 12 tuổi đã phát trực tiếp cảnh em thắt cổ tự tử. Vụ này hiện vẫn đang được cảnh sát điều tra.
Nhưng theo Le Monde, có lẽ cái chết của một bà mẹ trẻ ở Arkansas mới là vụ gây nhiều phản ứng nhất trong dư luận. Keiana Herndon, 25 tuổi, bị ung thư tuyến giáp, tự quay video hàng ngày để phát trực tiếp cho bạn bè xem. Thế nhưng, ngày 28/12 vừa qua, cô đã ngã gục bên cạnh con khi trong một cảnh quay live. Một người bạn tới cứu cô sau đó 30 phút, nhưng khi anh tới thì đã quá muộn : Keiana Herndon đã chết.
Nhiều người xem Facebook Live trách móc gia đình Keiana Herndon vì đã không gọi cấp cứu. Còn một người chú của Keiana Herndon thì phẫn nộ nói với Washington Post là ông không hiểu tại sao lại có nhiều người có thể khoanh tay ngồi xem cô ấy ngất đi trong khi đứa bé thì gào khóc. Ông cũng không hiểu nổi tại sao lại có những người đang tâm phát tán trên mạng Internet cảnh một đứa bé đang tận mắt nhìn thấy mẹ nó chết.
Tháng 07/2016, hãng Facebook đã tăng cường đội ngũ nhân viên giám sát các băng vidéo được phát trực tiếp trên Facebook Live, để tránh các cảnh quay gây sốc bị phát tán rộng rãi trên mạng. Ekip này túc trực 24/24h và 7/7 ngày. Tuy nhiên, Facebook không tự động gỡ bỏ các video bạo lực hay gây sốc. Chúng chỉ được kiểm tra nếu Facebook nhận được lời báo của người dùng.
Tuy nhiên, theo Le Monde, không phải hiệu quả của ekip giám sát của Facebook mà chính thái độ của người xem mới gây ra cuộc tranh cãi tại Mỹ. Một cuộc tranh cãi tương tự cũng đã nổ ra tại Pháp vào năm 2016, sau khi một phụ nữ trẻ phát trực tiếp trên Periscope, một đối thủ canh tranh của Facebook, cảnh cô tự tử.
Brazil : Tổng thống Temer và làn sóng bạo lực trong nhà tù
Chỉ trong vòng vài ngày đầu năm, tại Brazil đã có hơn 90 tù nhân bị giết chết trong các vụ bạo động tại các nhà tù và hàng trăm tù nhân đã bỏ trốn.
Trong bài viết "Temer đối mặt với ngọn lửa bạo lực trong nhà tù", nhật báo Les Echos phê phán là trong khi cả thế giới bàng hoàng thì phản ứng của tổng thống Temer lại rất chậm chạp. Phải đợi 24 giờ sau khi xảy ra bạo loạn, công chúng mới thấy tổng thống Temer lên tiếng. Nhưng ông chỉ gọi đó là "tai nạn khủng khiếp".
Nhà chức trách Brazil đã không thể kiểm soát được làn sóng bạo lực, chém giết xảy ra thường xuyên trong tù và từ rất nhiều năm. Lần gần đây nhất lực lượng an ninh can thiệp vào bạo loạn trong nhà tù là vào năm 1992, và đã giết chết 111 tù nhân ở Sao Paolo.
Cựu Bộ trưởng Nội Vụ Brazil dưới thời tổng thống Dilma Rousseff đã từng tuyên bố là các điều kiện giam giữ tù nhân tồi tệ như "ở thời trung cổ", các nhà tù quá tải nặng và tính trung bình, mỗi ngày có 1 tù nhân bị giết chết. Năm 2016, tổng cộng có 372 tù nhân bị sát hại trong tù. Tại đây, các băng nhóm tội phạm ma túy đấu đá, tranh giành nhau và chính các băng nhóm này đề ra luật chơi.
Theo nhận xét của Les Echos, điều khẩn thiết là tổng thống Temer phải tìm ra giải pháp chấm dứt các vụ tàn sát lẫn nhau trong tù, và trấn an dân chúng hiện đang hoảng loạn vì các giết vụ giết người dã man này.
Thùy Dương
Biểu tình tại Hà Nội ngày 01/05/2016 phản đối Formosa gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung Việt Nam, một đề tài được nhiều blogger tham gia tranh đấu. HOANG DINH NAM / AFP
Liên quan đến Việt Nam, Le Courrier International tuần này đăng bài viết "Blogger, một nghề nguy hiểm" của tờ báo Khaosod ở Bangkok Thái Lan, sau khi gặp gỡ các cây bút đối lập ở Saigon. Theo tác giả Lobsang Dundup Sherpa Subirana, chính quyền Việt Nam tiếp tục cuộc chiến không ngơi nghỉ chống lại những ai dám lên tiếng chỉ trích.
Bài báo mở đầu bằng việc mô tả cảnh tượng hai chục nhân viên an ninh xuất hiện trước một trường mẫu giáo, bắt đi ông Phạm Chí Dũng ngay trước mắt các phụ huynh, giáo viên và các em học sinh. Và đây chỉ là một trong ba vụ câu lưu tùy tiện mà ông Dũng, 50 tuổi, là mục tiêu trong năm 2015. Mỗi lần như vậy ông bị thẩm vấn nhiều tiếng đồng hồ, chịu áp lực tâm lý. Người ta muốn ông thú nhận một tội phạm, mà tại đa số các nước, là một quyền con người. Nhà báo tự do này than thở : "Họ cư xử như tôi là một kẻ khủng bố".
Theo tác giả, Phạm Chí Dũng là một trong những blogger đối lập tích cực nhất tại Việt Nam. Ông không chấp nhận việc Nhà nước kiểm sóa t báo chí, và thách thức các luật lệ hà khắc đang cấm đoán mọi chỉ trích chính quyền. Là đảng viên cộng sản từ ba mươi năm, ông Dũng cũng như một số người khác bị thất sủng và bị giam cầm bảy tháng vào năm 2012, do những phát biểu tự do của mình. Nhưng không vì thế mà ông im tiếng.
Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục chỉ ra những sai sót của Nhà nước. Phạm Chí Dũng trở thành người đồng sáng lập và chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, với mục tiêu tố cáo các vi phạm nhân quyền của đảng Cộng sản. Cho đến nay, hội đã nêu ra nhiều xì-căng-đan lạm dụng quyền lực, nhà đất và tham nhũng có liên quan tới đảng. Trang web Việt Nam Thời Báo - bị chặn ở Việt Nam, phải thông qua proxy - gần đây đã lên án vụ bắt giữ hai blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Hồ Văn Hải, bị truy tố vì tội tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88. Hồi tháng Chín, tòa án Hà Nội cũng đã bác kháng cáo của blogger Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, bị kết án 5 năm tù vì "lạm dụng tự do dân chủ" và chống chính quyền.
Tác giả bài báo dẫn lời nhà báo Phạm Chí Dũng, nhấn mạnh sở dĩ có nhiều vụ bắt bớ vào cuối năm là vì công an muốn có thành tích. Tuy nhiên cũng theo ông Dũng, ngọn gió đổi thay đang thổi đến. Lo sợ nổi dậy, chính quyền tỏ ra cứng rắn hơn trước đối với những người chỉ trích chế độ, nhưng trấn áp chỉ làm cho người ta thêm hăng hái bảo vệ tự do ngôn luận. Khát vọng dân chủ rất mạnh mẽ trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tham nhũng hoành hành.
Bài viết cũng nhắc đến Lê Công Định, cựu luật sư 48 tuổi, bị bắt vì tội tuyên truyền chống Nhà nước cùng với bốn nhà tranh đấu khác. Ông Định kể, ông bị lãnh án 5 năm tù nhưng nhờ áp lực quốc tế, ông được phóng thích trước hạn một năm và bị quản chế ba năm. Ông than phiền là bị theo dõi mỗi khi ra khỏi nhà. Vào đầu tháng 10/2016, khi tham dự một cuộc hội thảo ở Vũng Tàu, công an đã đến bắt giữ cả nhóm khoảng ba chục người, câu lưu mười tiếng đồng hồ. Còn ông Dũng cho biết ông thường xuyên bị giám sát.
Các blogger phải đấu tranh ngay trong nước, Nhà nước cho rằng quá nguy hiểm nếu để họ xuất cảnh. Bài báo nhắc đến một trong những xì-căng-đan tệ hại nhất gần đây là vụ nhà máy thép Formosa xả chất thải hóa học độc hại làm cho cá chết hàng loạt trên hàng trăm kilomet bờ biển miền Trung hồi tháng Tư. Đã nổ ra những vụ biểu tình chống Formosa Plastics Group, chính quyền không ngăn cản nổi nhưng không muốn các blogger liên tục đề cập đến, để tránh khả năng phong trào lan rộng hơn.
Để kết luận, bài báo cho biết mặc dù bị ngăn trở, các blogger Việt Nam vẫn tỏ ra lạc quan về phong trào đấu tranh. Theo tác giả Lobsang Dundup Sherpa Subirana, ông Phạm Chí Dũng vẫn tin rằng Hội của ông sẽ được Nhà nước công nhận, và sẽ được phép hoạt động. Ông thổ lộ : "Có lẽ vào năm 2017… Chúng tôi muốn trở thành một diễn đàn tự do ngôn luận, khởi đầu cho một xã hội dân sự tích cực vốn rất cần thiết cho Việt Nam trong tương lai".
Trump nói thật hay nói chơi ? Trung Quốc điên đầu
Về những dự báo cho năm 2017, hầu như không tuần báo nào tỏ ra lạc quan. Trong bài xã luận mang tựa đề "Bão tố trên Thái Bình Dương", Le Point nhận định ông Donald Trump quyết định làm Trung Quốc phải quy phục, nhưng Bắc Kinh lại không hề thiếu đạn dược trên mặt trận kinh tế. Khi tranh giành vị trí đại cường số một thế giới, một sự cố nào đó rất có thể dẫn đến xung đột, và bão tố sẽ ập đến Thái Bình Dương, trung tâm của thế kỷ 21.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong hồ sơ tuần này, Le Courrier International dịch lại bài viết của tờ báo kinh tế Shun Po ở Hồng Kông với câu hỏi, "Liệu Bắc Kinh có thích ứng được với sự thất thường của ông Trump hay không ?". Tân tổng thống Mỹ dường như muốn đặt lại vấn đề nguyên trạng về Đài Loan, và trước cú đòn bất ngờ này, ngành ngoại giao Trung Quốc sẽ phải học cách phân biệt giữa những phát biểu nghiêm túc và tuyên bố vung vít.
Trong khi suốt bốn mươi năm qua, Hoa Kỳ vẫn tôn trọng nguyên tắc "chỉ có một nước Trung Hoa", Donald Trump bỗng đột ngột tấn công vào điểm chính trong quan hệ Mỹ-Trung. Tờ báo Hồng Kông cho rằng nếu Washington và Bắc Kinh không thể hợp tác được với nhau, thì hai người khổng lồ cơ bắp này sẽ ăn miếng trả miếng. Bắc Kinh có thể không trực tiếp dùng vũ lực buộc Đài Loan phải vâng lời, nhưng chỉ cần ngầm ủng hộ, thậm chí tiếp tay cho vài Nhà nước du côn như Bắc Triều Tiên chẳng hạn cũng đủ làm cho chú Sam và các đồng minh Mỹ, Hàn phải điên đầu, chưa kể hiệu ứng domino tiếp theo.
Có lẽ dưới mắt nhà tỉ phú, tất cả đều là trò chơi thương mại, có thể mặc cả được. Nhưng đối với Bắc Kinh, đây là nguyên tắc bất di bất dịch không thể nhượng bộ. Tuy sau đó phát ngôn viên Nhà Trắng đã chữa cháy, nhưng theo tờ báo, cần chú ý đến một khía cạnh khác trong tính cách của ông Trump : nói đi rồi nói lại. Ông dễ dàng nói ngược lại với tuyên bố trước đó của mình, và thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Khi hiểu được chính sách "một nước Trung Hoa" là không thể thương lượng, chắc là ông sẽ điều chỉnh lại. Hiện chưa chính thức bước vào Nhà Trắng, Donald Trump càng dễ quay ngược 180° hơn.
Báo chí nhà nước ở Hoa lục kêu gọi Bắc Kinh lao vào một "cuộc chiến không khoan nhượng" với Donald Trump, để ông hiểu rằng Trung Quốc và các cường quốc khác không sẵn sàng tham gia trò chơi của ông. Bắc Kinh còn phải chuẩn bị trước một quan hệ Mỹ-Trung đầy sóng gió. Phải thích ứng với ngôn ngữ của vị tổng thống mà tờ báo mô tả là khật khùng này, qua việc phân biệt chính xác lúc Trump nói nghiêm túc, với lúc nói không suy nghĩ, ngõ hầu có phản ứng thích hợp. Để tránh lãng phí đạn dược và tình hình diễn biến xấu đi, thành một "cuộc chiến tranh giữa con phượng hoàng khùng và con rồng điên", mà cả hai đều sẽ thua cuộc.
Bắc Kinh lo ngại khi Trump xích lại gần Matxcơva
Bài viết "Trump, Nga và Trung Quốc" của tờ báo nổi tiếng hiếu chiến Hoàn Cầu Thời Báo được Le Courrier International trích dịch, cho thấy ông Trump bắt đầu làm Bắc Kinh phải lo lắng.
Tờ báo cho biết : "Dư luận Trung Quốc lo ngại rằng sự cải thiện quan hệ Nga-Mỹ sẽ bất lợi cho quan hệ Trung-Mỹ". Tuy nhiên Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định Nga-Mỹ "sẽ vấp phải những nghịch lý về cơ cấu quan trọng, như hồ sơ Ukraine, việc tăng cường lực lượng NATO ở Đông Âu và Biển Baltic – sẽ đe dọa an ninh cho Nga và cả Syria. Đây là "lằn ranh vàng" đối với Putin, và nếu ông Trump hoàn toàn nhượng bộ, các đồng minh Châu Âu của Mỹ sẽ cảm thấy bị Washington phản bội".
Hơn nữa, "Trung Quốc luôn tôn trọng ông Putin, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất đối với Nga". Cũng theo tờ báo, "Nga chưa bao giờ phản bội chính sách ngoại giao độc lập của mình qua việc hạ mình hợp tác với các chiến lược Mỹ. Nếu muốn tiếp tục ở lại trên trường thế giới, chắc chắn Nga không muốn trở thành ‘văn phòng quốc tế’ của Trump".
Dân chủ phương Tây xuống dốc, độc tài lên ngôi
Nhìn từ góc độ Châu Âu, nhà bình luận Christian Makarian của tuần báo L’Express tỏ ra âu lo về "Sự cố nghiêm trọng của phương Tây". Tác giả nhận định : "Chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi trên trường quốc tế của các chế độ độc tài, vốn không có cùng lý tưởng chung với thế giới".
Bối cảnh đầu năm 2017 không thấy dấu hiệu gì tốt đẹp. Ở Mỹ, ông Barack Obama trong những ngày cuối nhiệm kỳ cố gắng ngăn trở ông Donald Trump không đảo ngược lại mọi chính sách. Tại Châu Âu, các nhà lãnh đạo lần lượt rơi rụng (David Cameron, Matteo Renzi…), từ bỏ ý định tái tranh cử (François Hollande) hay đang gặp khó khăn đáng kể (Angela Merkel, Theresa May…).
Còn những lý tưởng chung, "mã di truyền" của các nền dân chủ không còn được các nước giàu cũng như nghèo ưa chuộng. Nhất là cân bằng quốc tế chủ yếu dựa trên vai trò hiệu chỉnh của Liên Hiệp Quốc, đôi khi lại ngả sang phía thuận lợi cho các chế độ coi thường các nguyên tắc nhân bản.
Trong tình hình đó, nổi lên những chính phủ và lãnh đạo cứng rắn. Chẳng hạn như Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan, mới cách đây một năm là kẻ thù nhưng nay lại bắt tay nhau chống lại Mỹ (vì không chịu cho dẫn độ giáo chủ Gülen, kẻ thù không đội trời chung của ông Erdogan) và Châu Âu (vì ủng hộ Ukraine, theo như Putin).
Những vụ hợp tác vì lợi ích trước mắt như thế làm thay đổi sự cân bằng trên thế giới. Ví dụ điển hình là nghị quyết Liên Hiệp Quốc về ngưng bắn tại Syria, được nhất trí thông qua ngày 31/12/2016 là sản phẩm của thỏa hiệp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran. Làm thế nào có thể từ chối việc chấm dứt thảm kịch Syria mà phương Tây từ lâu luôn đòi hỏi, trong khi đó là do những kẻ xúi giục chiến tranh đề nghị ? Đây là lần đầu tiên có được một thỏa hiệp về Trung Đông, nhưng cả Mỹ và Châu Âu lại vắng mặt, thậm chí phe Ả Rập cũng không được tham dự. Tác giả kết luận, như vậy năm 2017 các dân tộc tự do cần phải giữ vững tinh thần.
Châu Âu phải vươn lên tự lực
Tương tự, tác giả Raphaël Glucksmann trên tuần san L’Obs băn khoăn "Châu Âu sẽ trở thành người lớn hay không ? Đó là thử thách lớn của năm 2017".
Kể ra cùng bối cảnh u ám từ Brexit đến Aleppo sụp đổ như trên, bài viết nói thêm, bầu cử Mỹ bất chợt mang lại một ánh sáng của ngày tận thế. Bị kẹt giữa Donald Trump và Vladimir Putin, Châu Âu không có cách nào khác là khẳng định mình. Không còn được chiếc dù Mỹ che chở, đứa trẻ Châu Âu có quyết định lớn lên hay không ? Bị đánh bại tại các phòng phiếu và trong cách suy nghĩ, những người ủng hộ xây dựng Châu Âu phải hiểu rõ vấn đề.
Phải nhìn nhận rằng phe chống đối Châu Âu không phải là không có lý. Họ tố cáo đồng tiền duy nhất nhưng không có chính phủ đại diện, những lỗ hổng an ninh của một không gian chung không có công tố viện lẫn cảnh sát, thị trường chung phải đối phó với nạn phá giá trong khi không có tiêu chuẩn xã hội chung, một người khổng lồ kinh tế không có kiếm lẫn khiên.
Theo tác giả, cần khẩn cấp thành lập các cơ quan tư pháp, cảnh sát Châu Âu, lập chính phủ kinh tế, bầu tổng thống Châu Âu theo phương pháp phổ thông đầu phiếu, lập Cộng đồng Quốc phòng Châu Âu. Khi mà tổng thống Mỹ lại không còn tin vào NATO, thì đây không còn là một chọn lựa mà là sự cần thiết, và cũng có thể là cơ hội.
Tập Cận Bình tiếp tục trị vì sau hai nhiệm kỳ ?
Quay lại với chính trị Trung Quốc, trong bài "Năm chọn lựa", tuần báo The Economist cho rằng trong 20 năm qua các lãnh đạo ở nước này luôn được bàn bạc để chọn trước trên thượng tầng đảng cộng sản, nhưng năm 2017 thì khác hẳn.
Nếu các quy định bất thành văn xưa nay được tôn trọng, thì trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào khoảng tháng 10, tháng 11 năm nay, 5/7 ủy viên thường trực Bộ Chính trị và 4/11 ủy viên Quân ủy trung ương sẽ về hưu. Tổng bí thư đảng không làm quá hai nhiệm kỳ, ủy viên Bộ Chính trị không quá 68 tuổi vào thời điểm đại hội. Tiến trình tuy rườm rà nhưng bảo đảm cho một sự chuyển đổi thế hệ một cách êm thắm. Tuy nhiên có vẻ như Tập Cận Bình làm ngơ khái niệm "lãnh đạo tập thể", bằng cách tập trung quyền lực trong tay mình, hơn cả Mao Trạch Đông trước đây.
Theo nhiều lời đồn đãi, ông Tập không muốn rút lui vào hậu trường khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2022. Ông có thể không còn là chủ tịch nước (chức vụ này có quy định rõ không quá hai nhiệm kỳ), nhưng tiếp tục làm tổng bí thư. Nếu phá vỡ tiền lệ, ông Tập có thể tại vị lâu hơn, nhưng có thể khởi đầu cho một hệ thống chính trị mang nặng dấu ấn cá nhân hơn, và bất ổn hơn.
Điện ảnh : Hollywood tay trong tay với Bắc Kinh
Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực văn hóa, tuần san của Le Monde nhận định "Hollywood và Bắc Kinh tay trong tay". Trong cuốn phim hợp tác sản xuất mang tên "Vạn lý Trường thành", một thiên anh hùng ca diễn ra thời nhà Tống (Song, 960-1279), tất cả đều là những hình ảnh ca ngợi Trung Quốc. Cho đến nỗi một số người mô tả như một clip video quảng bá du lịch quá đà.
Bộ phim do đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou) thực hiện cùng với kịch tác gia, diễn viên kiêm nhà sản xuất Mỹ Matt Damon, là phim tốn kém nhất từ trước đến nay được quay tại Trung Quốc. Hợp tác làm phim vốn là cách thức phổ biến để tránh né quota áp đặt cho phim nước ngoài tại Hoa lục (bị đánh thuế cao hơn và số lượng phim ra mắt bị hạn chế).
Trình chiếu từ ngày 16/12/2016 tại Hoa lục, "Vạn lý Trường thành" đã thành công lớn, chỉ trong vài tuần đã lấy lại được số vốn bỏ ra. Các nhà sản xuất đang hy vọng quyến rũ được cả khán giả Mỹ và Châu Âu trong thời gian tới. Điều này rất khó đối với một bộ phim hợp tác, xưa nay chỉ mới có "Kungfu Panda 3" năm 2016 là đạt được, nhưng đây là phim hoạt hình máy tính.
2017, năm của mọi hiểm nguy
Trang bìa số báo đầu năm dương lịch Courrier International chạy tựa lớn "2017, năm của mọi hiểm nguy", phía dưới là những câu hỏi "Châu Âu đi về hướng tan rã ?", "Đông-Tây, một Yalta mới ?", "Trung Quốc, mối họa của Trump ?". Góc trái, thùng thư Châu Âu đang bốc cháy, những cánh tay giơ lên hốt hoảng. Bên phải, bà Angela Merkel cầm bình chữa lửa, Donald Trump, Vladimir Putin, Bachar al-Assad đứng ngoài quan sát, Tập Cận Bình ranh mãnh từ phía sau dùng kéo cắt tóc ông Trump.
Hình vẽ minh họa của hồ sơ bên trong cho thấy tổng thống tân cử Mỹ không mặc quần áo, nhưng đeo dải băng chéo như hoa hậu với con số 2017, đang tiến bước trên một con đường âm u. Cuối đường là vầng sáng Happy New Year, nhưng hai bên là những nhân tố chính cho 2017 : Kim Jong-un, Putin, Tập Cận Bình, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang giơ đao kiếm, súng ống đe dọa.
Nhìn chung các tạp chí Pháp tuần này thiên về chủ đề văn hóa xã hội. L’Express chạy tựa trang nhất "Hành trình Odyssée của nước Pháp". Hồ sơ của tờ báo dựa trên cuốn sách "Lịch sử thế giới của nước Pháp" gồm nhiều tác giả do Patrick Boucheron tập hợp. Trong lịch sử, Pháp đã nhận được nhiều thứ từ các nước, nhưng cũng mở rộng ảnh hưởng của mình ra xa bên ngoài biên giới. Một cuộc phiêu lưu lớn, mà theo L’Express cần phải tiếp tục bảo đảm và theo đuổi.
Le Point dành trang nhất cho "Tình trạng sa sút", tựa đề cuốn sách gây sốc của triết gia Pháp Michel Onfray, với câu hỏi "Liệu nền văn minh của chúng ta sẽ biến mất ?" Trên lãnh vực chính trị, tuần báo L’Obs đăng ảnh cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron trên nền đen với dòng tựa "Những bí mật của Macron". Trở thành chính khách được người dân Pháp quan tâm nhất chỉ trong vòng vài tháng, nhưng ứng cử viên tổng thống đặc biệt này thực sự là người như thế nào ? Tờ báo lý giải với loạt bài điều tra trong hồ sơ tuần này.
Thụy My
Logo của chương trình Erasmus - Ảnh : Wikipedia
Phụ trương Le Monde hôm nay, 06/01/2017, dành phần lớn để nói về Chương trình giáo dục quốc tế Erasmus, được đánh giá là "Một thành công của Châu Âu", nhân dịp sáng kiến tròn 30 năm tuổi. Theo một thăm dò dư luận của viện TNS Sofres, khi nói về các thành tựu của Liên Hiệp Châu Âu, Erasmus được nhắc đến thứ ba, sau "chính sách nông nghiệp chung" và "đồng tiền chung euro". Le Monde điểm lại một số thành công của Erasmus, với 5 triệu người được thụ hưởng, cùng với các hoạt động đa dạng của chương trình này.
Erasmus là tên của nhà tư tưởng người Hà Lan (1467 – 1536) thời Phục Hưng, được coi như một trong những hình tượng tiêu biểu của nền văn hóa Châu Âu. Chương trình Erasmus, được khởi sự vào năm 1987, thoạt tiên với mục tiêu tăng cường hợp tác Châu Âu trong lĩnh vực giảng dạy, bằng các tài trợ cho việc du học, nghiên cứu tại một nước khác với nơi xuất thân, trong cộng đồng Châu Âu. Sáng kiến Erasmus được đưa vào năm 1984, khi các lãnh đạo Châu Âu họp tại Fontainebleau, thống nhất với nhau phải tìm cách thúc đẩy một "Châu Âu công dân".
Trong những năm đầu tiên, học bổng Erasmus chủ yếu được các giảng viên sử dụng. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, đối tượng chủ yếu của quỹ này sinh viên, với gần 4 triệu người được cấp học bổng, trong đó có hơn 600.000 sinh viên Pháp.
Năm 2014, Erasmus trở thành Erasmus+, và mở rộng cho sinh viên bậc master của toàn thế giới, với các thỏa thuận hợp tác được ký kết với 169 nước, đồng thời cho nhiều nhóm đối tượng khác tại Châu Âu, như học sinh đào tạo nghề, người thất nghiệp, hay người nhập cư. Dự kiến sẽ có thêm 2 triệu người Châu Âu được Erasmus tài trợ từ nay đến 2020.
Du học, đào tạo nghề, hoạt động tình nguyện, doanh nghiệp trẻ…
Phụ trương của Le Monde có thêm một số bài giới thiệu kỹ hơn về Erasmus. Về "Các nước Châu Âu ít tốt kém để du học", Le Monde lưu ý : Đức là nước mà người du học phải bỏ ít chi phí nhất, trong khi đó Anh là nước tốn kém nhất. Tại Đức, chi phí đăng ký học gần như bằng không, bên cạnh đó, tùy theo hoàn cảnh xã hội, mà sinh viên có thể nhận được học bổng, lên tới tối đa là 8.820 euro/năm.
Học nghề là phần rất ít được biết đến của chương trình Erasmus. Được khởi sự từ năm 1995, chương trình mang tên Leonardo da Vinci, hiện đã nhập làm một với Eramus+. Riêng trong năm 2015, có khoảng 12.000 học sinh đào tạo nghề được hưởng học bổng này. Liên Hiệp Châu Âu đặt nhiều hy vọng vào chương trình này, với mục tiêu vào năm 2020, có 6% thanh niên từ 18-34 tuổi, được đào tạo nghề tại nước ngoài.
Chương trình Tình nguyện Châu Âu (Service Volontaire Européen - SVE) cũng là một hoạt động quan trọng khác của Erasmus. Chương trình này mở cho sự tham gia của mọi thanh niên từ 17 đến 34 tuổi, không cần bất cứ điều kiện nào. Các thanh niên tình nguyện có thể làm việc tại một cơ sở hay hiệp hội phi lợi nhuận của một trong 50 quốc gia Châu Âu tham gia chương trình. Một trong các đối tượng chính của chương trình là những người ở trong hoàn cảnh khó khăn (cụ thể là tại Pháp, chiếm khoảng 40% số người tham gia chương trình). Ở Pháp có khoảng 500 cơ sở được phép tiếp nhận hồ sơ của những thanh niên muốn tham gia chương trình Tình nguyện Châu Âu của Erasmus.
Kể từ năm 2009, Erasmus đã khởi sự một chương trình đặc biệt để hỗ trợ các doanh nhân trẻ, để khuyến khích tinh thần hợp tác và cách tân. Năm 2014, trong khuổn khổ của Erasmus+, có thêm chương trình hỗ trợ hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, xuất thân từ ít nhất ba quốc gia. Trong số 40 dự án được tài trợ, có Foodlab, một dự án do một cơ sở tại Pháp điều phối, với sự tham gia của 15 đối tác, thuộc 6 nước, với ngân sách một triệu euro trong ba năm. Dự án của Foodlab là phát triển các thực phẩm proteine có nguồn gốc thực vật. Năm 2017, Foodlab dự kiến sẽ tổ chức một diễn đàn qua Internet, với đối tượng là sinh viên ngành thực phẩm, để cung cấp cho họ những thông tin cần thiết trong lĩnh vực xây dựng, quản lý doanh nghiệp. Diễn đàn này cũng sẽ là nơi giới thiệu các dự án do sinh viên thiết kế, có thể được các doanh nghiệp quan tâm.
Ngân quỹ cho Eramus tăng vọt
Vẫn theo Le Monde, nhu cầu tham gia Erasmus ngày càng thu hút đông người. Trong giai đoạn 2014-2020, ngân sách dành cho Eramus được tăng lên ở mức 16,4 tỉ euro, tức gấp khoảng 5 lần so với ngân sách khóa trước 2007-2013 (3,1 tỉ). Tuy nhiên, trong năm vừa qua, yêu cầu học bổng tăng vọt, nên có đến một nửa đơn đề nghị tại Pháp không được chấp nhận.
"Cha đẻ" của chương trình Erasmus, luật gia người Ý Domenico Lenarduzzi, phàn nàn là kế hoạch sử dụng ngân sách trong niên khóa 6 năm thiếu sự mềm dẻo. Ông nhấn mạnh là "Tương lai của Châu Âu phụ thuộc một phần lớn vào năng lực của các công dân Châu Âu, và năng lực ấy cần phải được cập nhật thường xuyên".
Chủ tịch mạng lưới Pháp Erasmus (Erasmus Student Network - ESN), Safi Sabuni, ghi nhận tình trạng "thiếu thông tin" trong giới trẻ về Erasmus, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, theo một điều tra về giới trẻ Châu Âu, từ 17 đến 30 tuổi, có khoảng 60% không muốn đi học, đào tạo hay làm việc tại một nước khác. Trong suốt năm nay, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập, Erasmus sẽ được nhắc đến nhiều, đây sẽ là cơ hội để chương trình được người có nhu cầu biến đến hơn. Trả lời Le Monde, giám đốc cơ quan quốc gia Pháp Erasmus+ kêu gọi : "Hãy tạo ra một lực đẩy mới cho Châu Âu" với Erasmus.
Trump : "Nghệ thuật lãnh đạo bằng Twitter" ?
Về thời sự quốc tế, chính sách tương lai của tổng thống tân cử Mỹ, hai tuần trước khi ông Trump nhậm chức, tiếp tục là chủ đề được chính giới các nước đặc biệt quan tâm. Một trong những điều gây ngạc nhiên nhiều nhất về ứng xử của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là phong cách "Twitter". Le Figaro có bài nhận định "Trump hay nghệ thuật lãnh đạo bằng Twitter".
Theo Le Figaro, kể từ khi đắc cử, ông Trump đã gửi hơn 400 thông điệp trên Twitter, về đủ loại chủ đề, từ những chuyện đời thường, cho đến những việc nghiêm trọng nhất. Trong quá trình tranh cử, Twitter cũng là phương tiện mà ứng cử viên Trump triệt để sử dụng để tấn công đối thủ, với tổng số hơn 1.000 lượt, chỉ tính từ cuộc họp báo ngày 27/07/2016.
Các thông điệp Twitter của Donald Trump, với phong cách tự nhiên, ngôn từ đầy màu sắc, nhìn chung thường mang giọng điệu kích bác, tuy nhiên cũng rất mập mờ, để mặc đối tượng hiểu sao thì hiểu (theo nhà bình luận David Brooks của New York Times).
Thông điệp Twitter về chiến lược tăng cường sức mạnh hạt nhân của Hoa Kỳ bị tổng thống Nga coi như không có, trong khi lời bình luận về vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, khiến Bắc Kinh vừa lo, vừa tức, và lên án là "một trò trẻ con".
Ghi nhận tính chất hiệu quả của cách truyền thông bằng Twitter, với 46 triệu khách theo, cho phép Donald Trump giao tiếp trực tiếp với công chúng, không cần thông qua các phương tiện truyền thông, thường có quan điểm chống Trump, tuy nhiên Le Figaro cũng đặt câu hỏi : Liệu phong cách Twitter đầy kích bác của Donald Trump có phá hỏng chính uy tín của ông, một khi nhà tỉ phú ngồi vào ghế tổng thống ?
Riêng về phía Hàn Quốc, "ngoại giao Twitter" của tổng thống Mỹ tương lai là điều Seoul thực sự quan tâm. Theo Les Echos, chính phủ Hàn Quốc đã giao phó nhiệm vụ theo sát tài khoản Twitter của ông Trump cho một nhà ngoại giao vốn làm việc trong bộ phận Bắc Mỹ của bộ Ngoại Giao nước này. Seoul lo ngại các thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ-Hàn dưới thời ông Trump.
Tương lai WTO phụ thuộc vào Donald Trump
Cũng liên quan đến chính sách của tổng thống tân cử Mỹ, báo Les Echos có bài "Tương lai của Tổ chức Thương Mại Thế Giới phụ thuộc vào quyết định của ông Trump". Theo tờ báo kinh tế, việc Hoa Kỳ rời khỏi WTO, điều đó cũng nghĩa là hồi chuông báo tử đối với tổ chức thương mại quốc tế này.
Khúc quanh mới của toàn cầu hóa : Lạm phát gia tăng trở lại
Cũng trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos quan tâm đến sự trở lại của lạm phát như một dấu hiệu cho thấy "quá trình toàn cầu hóa đang bước vào một khúc quanh mới". Theo Les Echos, đà lạm phát tăng vọt hiện nay là ngược hẳn lại so với dự đoán cách nay một năm. Dự đoán giá cả trong năm nay sẽ tăng hơn 2% tại Mỹ, 1,7% tại khu vực đồng euro và tại Pháp, hơn 3% tại Anh Quốc.
Theo Les Echos, lạm phát tăng với tỉ lệ 2% là điều bình thường, và điều này đã được nhiều ngân hàng trung ương dự đoán, và thậm chí cho rằng đây là điều đáng mong, vì đi liền với triển vọng tăng trưởng. Thế nhưng sự trở lại của lạm phát hiện nay lại gắn liền với một tình trạng tăng trưởng chững lại, sức mua trong xã hội suy yếu.
Việc ông Trump – một người có quan điểm bảo hộ kinh tế - trở thành tổng thống Mỹ mở ra một tương lai đầy bất trắc. Chính sách đưa sản xuất công nghiệp trở lại Mỹ có thể khiến giá cả hàng hóa tại chính Hoa Kỳ trở nên đắt đỏ. Và điều này để lại hai hệ quả lớn là lãi suất tín dụng gia tăng và sức mua giảm sút mạnh.
Cuộc chiến "cuối cùng" chống thiên đường thuế
Về tài chính, chủ đề chính của phụ trương kinh tế báo Le Figaro hôm nay là "Cuộc tấn công mới chống lại các thiên đường thuế". Bài "Cuộc chiến cuối cùng chống lại nạn lậu thuế đã khởi sự", tựa bài phân tích của Le Figaro, điểm lại các nỗ lực quốc tế trong thời gian qua nhắm vào các thiên đường thuế.
Minh bạch thông tin chống lại nguyên tắc bí mật, bảo vệ tiền bẩn. Hơn 100 quốc gia đã tham gia vào chương trình "trao đổi thông tin tự động", trong đó có Thụy Sĩ. Khoảng 50 nước sẽ tiến hành "trao đổi thông tin tự động", ngay từ năm nay 2017. Việc tham gia đông đảo của các quốc gia sẽ tạo nên một mạng lưới kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn. Chương trình minh bạch thông tin ngân hàng được Hoa Kỳ và OCDE, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Châu Âu, thúc đẩy.
Bầu cử Pháp : Khoảng cách sít sao giữa 3 ứng cử viên hàng đầu
Trở lại nước Pháp, thăm dò dư luận về tỉ lệ được lòng dân của các ứng cử viên tổng thống Pháp là một chủ đề hàng đầu của báo chí hôm nay, theo một kết quả điều tra được Les Echos công bố hôm nay.
Khoảng cách giữa ứng cử viên số một cựu thủ tướng François Fillon với lãnh đạo đảng cựu hữu Mặt Trận Quốc Gia (Front National - FN) Marine Le Pen đã thu hẹp, từ khoảng 2% đến 4%, tùy theo kịch bản. Người nổi lên vị trí số ba là ứng cử viên trẻ, Emmanuel Macron, nguyên bộ trưởng Kinh tế, ra tranh cử độc lập, có khả năng được từ 16 đến 24%. Nghĩa là có thể lọt vào vòng hai.
Nguyên thủ tướng Valls, một trong các ứng cử viên hàng đầu của đảng Xã Hội, bị rớt xuống hạng thứ 5, và bị coi là hoàn toàn không có cơ hội lọt vào vòng hai.
Một động thái khác cũng được truyền thông quan tâm là phát biểu của cựu thủ tướng François Fillon trên truyền hình tuần này : "Tôi là người Thiên Chúa Giáo". Theo Le Parisien, đây là một tuyên bố lạ thường của một ứng cử viên tổng thống. Pháp là một quốc gia vốn theo thể chế thế tục về chính trị, và niềm tin tôn giáo thường được coi là chuyện riêng tư.
Trong khi đó, báo Le Figaro chú ý đến ứng cử viên sơ bộ của đảng Xã Hội Benoit Hamon, với dự báo nhân vật "ngoài luồng" này của đảng Xã Hội, có khả năng trở thành một bất ngờ trong cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng viên chính thức trong cuộc tranh cử tổng thống, giống như ông François Fillon đối với đảng cánh hữu.
Trọng Thành
Sắc dân thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện. Ảnh minh họa.
Bị lột trần bắt đứng dưới nắng trước khi bị cưỡng hiếp đối với phụ nữ hay bị tra tấn, bị sát hại, thậm chí bị cắt thành từng mảnh đối với đàn ông… là hàng loạt biện pháp dã man mà quân đội Miến Điện sử dụng để truy bức sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi giáo nhằm truy tìm các "thành phần khủng bố". Đó là lời kể của các nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, với phóng viên của báo Le Monde trong bài phóng sự "Khổ hình của sắc dân Rohingya tại Miến Điện", đăng trong số ra ngày 05/01/2017.
Tại sao người Rohingya lại bị đối xử một cách thậm tệ, dã man như vậy ? Ngược dòng thời gian, bài viết "Lòng hận thù có từ thời thuộc địa", vẫn trên Le Monde, cho biết, vào cuối thế kỷ XIX, ngay sau cuộc chiến Anh-Miến Điện và thời kỳ đầu xâm chiếm thuộc địa của Anh trong vùng này từ năm 1826, người Hồi giáo từ khu vực Bengali (năm 1947 trở thành Đông Pakistan, đến năm 1971 trở thành Bangladesh) đã đến sinh sống ở miền bắc bang Arakan (nay là bang Rakhine).
Tại khu vực nơi có cảng Akyab năng động (hiện là cảng Sittwe) và công việc kinh doanh gạo khá phát đạt, người Hồi giáo vẫn thưa thớt. Chính vì vậy, thực dân Anh có những ưu đãi khuyến khích người Hồi giáo đến sinh sống, đặc biệt tại các vùng biên giới. Có những thời điểm, cộng đồng theo Phật giáo không đông đảo bằng người Hồi giáo. Nếu như năm 1869, người "Mahomedan" chiếm khoảng 5% dân số của vùng thì đến năm 1912, cộng đồng người Hồi giáo này đã chiếm đến 12% dân số. Cũng chính từ giai đoạn thuộc địa bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn giữa hai sắc dân.
Một lý do lịch sử sâu xa nhưng cũng quan trọng khác giải thích lòng hận thù của người dân Arakan theo Phật giáo đối với sắc dân Hồi giáo : Năm 1784, các vương triều Miến Điện đã giành chiến thắng trước vương quốc Arakan, lúc đó vẫn còn độc lập với phần còn lại của Miến Điện. Bốn mươi hai năm sau, người Anh xuất hiện và chiến thắng mọi sắc dân Miến Điện trong vùng. Kết quả là người Arakan cảm thấy bị kìm kẹp giữa phía tây là người Hồi giáo từ Bengali đến và phía đông là người Miến Điện áp đặt sự thống trị.
Cụm từ "Rohingya" nhằm chỉ sắc dân theo Hồi giáo có lẽ được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1799. Nhà địa lý học và thực vật học người Scotland, Francis Buchanan-Hamilton, từng miêu tả một dân tộc được gọi là "Rooinga" sống ở phía bắc bang Arakan. Tuy nhiên, cụm từ này biến mất trong suốt khoảng một thế kỷ trước khi được các nhà hoạt động người "Rohingya" muốn bảo vệ bản sắc dùng lại vào thập niên 1970.
Thực vậy, kể từ khi Miến Điện độc lập vào năm 1948, người Rohingya thường xuyên hứng chịu sự kỳ thị chủng tộc. Sự phân biệt chủng tộc còn tăng thêm khi tập đoàn quân sự đương quyền công bố năm 1982 một đạo luật, theo đó, người Rohingya không được cấp thẻ căn cước. Theo thẩm định, bang Arakan (Rakhine) hiện có khoảng 1,3 triệu người Rohingya nhưng có đến 1 triệu người đã phải bỏ xứ lưu vong.
Sự im lặng khó hiểu của "nhiếp chính" Aung San Suu Kyi
Trước những biện pháp trả đũa dã man nhắm vào sắc dân Rohingya của quân đội Miến Điện nhằm tìm tác giả các vụ tấn công vào các đồn biên phòng, cố vấn quốc gia kiêm ngoại trưởng Aung San Suu Kyi im lặng một cách khó hiểu. Phải chăng nhân vật được cho là số 1 của Miến Điện trở nên bất lực, hay không dám đối mặt với quân đội hay không muốn tố cáo những tội ác của các lực lượng an ninh đối với người Hồi giáo Rohingya ở bang Arakan ? Với nhật báo Le Monde, có thể là cả ba lý do trên.
Dù ở trong nước, Aung San Suu Kyi vẫn là người nổi tiếng, được tôn trọng, nhưng trên trường quốc tế, dường như giải thưởng Nobel Hòa Bình 1991 đang dần mất uy tín. Cuối tháng 12/2016, khoảng 10 giải Nobel Hòa Bình khác đã gửi đến Hội Đồng Bảo An một bức thư ngỏ đề nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để "chấm dứt cuộc khủng hoảng" tại bang Arakan.
"Bác sĩ Trump" kê thuốc trấn hưng nền kinh tế Hoa Kỳ
Hiệu quả từ thông báo "Biến nước Mỹ thành đại cường" của tổng thống tân cử Donald Trump vẫn chưa đủ để xóa bỏ tình cảnh thê thảm của ngành công nghiệp Hoa Kỳ.
Theo nhật báo công giáo La Croix, nếu như Hoa Kỳ có vẻ như hồi phục về kinh tế so với khu vực đồng euro, nhưng thực ra "Thành công này chỉ đánh lừa" và vẫn có nhiều kết quả trái ngược nhau. Liệu các toa thuốc của "bác sĩ Trump" có hiệu quả hay không khi nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại ?
Thứ nhất, tài chính công bị thâm hụt đến 4,1% và nợ công chiếm đến 108% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tiếp theo là tỉ lệ thất nghiệp giảm chỉ là bề nổi. Nếu như chỉ có khoảng 4,6% dân Mỹ không có việc làm, tỉ lệ thấp nhất từ 9 năm nay, nhưng phải tính đến việc số dân trong độ tuổi lao động chiếm 60% dân số, thay vì 63% trước cuộc khủng hoảng. Thêm vào đó là sự chênh lệch giầu-nghèo càng rõ nét hơn trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama.
Khó khăn thứ ba là tình trạng phi công nghiệp hóa tiếp tục tăng kể từ khi hiện tượng này xuất hiện vào thập kỷ 1970. Vào thời kỳ này, ngành công nghiệp chiếm 25% GDP của Mỹ, song hiện giờ chỉ còn chiếm 12%.
Điểm đáng ngại thứ tư là cán cân thâm hụt thương mại. Năm 2014, thâm hụt thương mại của Mỹ là 508 tỉ đô la, nhưng năm 2015 tăng thêm 5%, lên thành 540 tỉ đô la. Giới quan sát cho rằng chính sách bảo hộ của tổng thống tân cử Donald Trump có nguy cơ đối mặt với thực tế này.
Tờ báo kết luận, từ lời nói đến việc làm là một khoảng cách xa. Giờ chờ xem liệu các "liều thuốc mạnh" của nhà tỉ phú có được áp dụng hay không ? Và những liều thuốc này có trấn hưng được nền kinh tế Mỹ đang ở cuối chu kỳ hay không ?
Pháp xét xử một công dân giúp đỡ người nhập cư
Cử chỉ tương thân tương ái đối với di dân vẫn diễn ra tại Pháp nhưng phải chăng hành động này đang phải trả giá ? Câu hỏi được Libération đặt ra sau phiên xét xử ngày 04/01/2017 một nông dân, đồng thời là nhà hoạt động nổi tiếng tại thung lũng Roya, miền nam nước Pháp.
Với Libération, "Nước Pháp cứu danh dự" vì Cédric Herrou bị kêu án 8 tháng tù treo, vì đã giúp đỡ người nhập cư Eritrea ở thung lũng Roya, gần biên giới Pháp-Ý. Tư pháp cáo buộc ông đã giúp khoảng 200 người nước nào vào lãnh thổ Pháp, lập trại giúp chỗ ở cho 57 người nhập cư trong một tòa nhà của cơ quan đường sắt Pháp.
Dù ông ý thức được hành động bất hợp pháp của mình, nhưng không thể nhắm mắt làm ngơ khi chứng kiến 4 trẻ nhập cư chết trên đường quốc lộ, nhiều trẻ đã cố vượt biên đến 12 lần. Thế nhưng, ông không hành động đơn lẻ, sau ông là khoảng 300 dân làng và nhiều người từ các vùng phụ cận chung tay giúp đỡ.
Theo nhận định trong bài xã luận của Libération, tại một nước Pháp mà người ta nghĩ luôn ngay ngáy lo sợ và tăng cường kiểm soát đường biên giới, hay tại một ngước Pháp mà người ta vẫn tưởng bất kỳ người nước nào đặt chân đến lãnh thổ của họ bị nghi ngờ là "một kẻ thù" hay "một người lạ", ví dụ ở thung lũng Roya là một bằng chứng ngược lại, là một tia sáng trong giai đoạn ảm đạm này.
Bảo tàng Louvre tìm cách chinh phục lại du khách
Năm 2016 không phải là năm tốt cho bảo tàng Louvre, Paris, dù vẫn đón tiếp 7,3 triệu lượt khách. Thế nhưng, con số này giảm 15% so với năm 2015 và thất thu lên đến khoảng 9,7 triệu euro.
Lý do được nêu trong bài báo khá nhiều, từ khủng bố đến tình trạng trộm cắp, từ khủng hoảng đến hiện tượng triều cường ở sông Seine khiến bảo tàng phải đóng cửa trong nhiều ngày hay công việc trùng tu, sửa chữa nhiều khu vực trong bảo tàng…
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn với Le Figaro, chủ tịch kiêm giám đốc bảo tàng, Jean-Luc Martinez, cho biết lượng du khách Pháp vẫn giữ ở mức ổn định, khoảng 2 triệu lượt. Ngược lại, lượng du khách nước ngoài giảm 5%, từ 75% trên tổng số du khách vào năm 2015 xuống còn 70% vào năm 2016.
Để trấn an du khách nước ngoài, bảo tàng Louvre đã tăng cường an ninh, như tăng gấp đôi số lượng cửa an ninh, kết hợp với vùng Ile-de-France để tổ chức một mạng lưới tình nguyện viên tiếp đón du khách, đặc biệt là khách Trung Quốc luôn là đối tượng của tình trạng ăn cắp, cướp giật.
Ngoài ra, bảo tàng Louvre cũng muốn chinh phục lại du khách nước ngoài bằng cách tổ chức nhiều triển lãm tại nước sở tại, như ở Washington (Mỹ), Bắc Kinh, Hồng Kông (Trung Quốc). Trong tương lai có thể ở Nhật Bản, Châu Mỹ La Tinh…
Bầu cử sơ bộ cánh tả Pháp : Phe của thủ tướng Valls ngày càng lo lắng
Bầu cử sơ bộ cánh tả là chủ đề thời sự Pháp được đề cập nhiều trên các nhật báo Pháp. Trang nhất của nhật báo Le Figaro là hàng tựa lớn "Nỗi lo ngày càng lớn trong phe của Valls". Thực vậy, theo tờ báo "chương trình của cựu thủ tướng Pháp, thường đi ngược với những gì ông bảo vệ khi còn ở điện Matignon, đang làm rối loạn hình ảnh của ông và khiến những người ủng hộ lo ngại".
Trả lời nhật báo Le Monde, cựu bộ trưởng Benoit Hamon, ứng viên bầu cử sơ bộ cánh tả Pháp để chọn đại diện trong cuộc đua vào điện Elysée, nhấn mạnh đến các chủ đề xã hội và kinh tế, song không để cựu thủ tướng Pháp, đồng thời là đối thủ Manuel Valls, độc quyền trên vấn đề chủ quyền đất nước. Tuy nhiên, theo nghị sĩ vùng Yvelines, chính sách đối ngoại của chính phủ hiện nay vẫn "thiếu tầm nhìn" đồng thời cho rằng đã đến lúc "chấm dứt tình trạng khẩn cấp" tại Pháp.
Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm trên trang nhất đến tình trạng nợ của các nước Liên Hiệp Châu Âu với lời cảnh báo đã đạt đến kỷ lục mới. Theo thẩm định, năm 2017, các nước thuộc khu vực đồng euro sẽ vay đến 900 tỉ euro trên thị trường : Pháp là nước nằm trên top đầu với khoảng 210 tỉ euro, chỉ sau Ý với khoảng 271,5 tỉ euro.
Thu Hằng