Từ Hun Sen đến Hun Manet, gọng kềm Trung Quốc luôn siết chặt Cam Bốt
Theo Le Monde ngày 31/07/2023, khi Hun Manet lên thay Hun Sen, một thế hệ mới con cái của các bộ trưởng hiện nay cũng sẽ kế nghiệp cha, và Bắc Kinh muốn chắc rằng không ai thoát khỏi tay mình. Vào lúc Hoa Kỳ có những thỏa thuận hợp tác với các nước tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh, Trung Quốc hơn bao giờ hết dựa vào Cam Bốt, đồng minh số một trong ASEAN.
Hun Manet, con trai thủ tướng Hun Sen tham gia chiến dịch bầu cử của đảng Nhân Dân Cam Bốt (PPC) tại Phnom Penh ngày 21/07/2023. Reuters – Cindy Liu
Nga cố áp đảo, Ukraine xuyên thủng được phòng tuyến đầu tiên ở miền nam
Về chiến trường Ukraine, các đặc phái viên Le Monde có hai bài phóng sự ở vùng đông bắc và miền nam. Nếu "Tại Kreminna, quân Nga cố tràn ngập lực lượng Ukraine" thì "Ở miền đông và miền nam, Ukraine có những bước tiến nhờ chiến đấu ác liệt".
Một đại tá muốn giấu tên khi đến thăm các chiến sĩ trên chiến trường Kreminna, đã bị đón tiếp bằng một loạt pháo báo hiệu quân Nga sắp xung phong. Lui về phía sau, cũng đầy rủi ro vì những quả moọc-chê liên tục rơi xuống xung quanh. Vài phút sau, xuống được một hầm trú ẩn sơ sài, một tiếng nổ khủng khiếp vang lên, sau mới biết là một chiếc thiết giáp BTR-MD Rakushka của Nga vừa vướng mìn của Ukraine.
Vị đại tá nói rằng ông cảm thấy có nghĩa vụ đến tận nơi để động viên các chiến binh. Bởi vì cần có can đảm và quyết tâm để giữ được những hầm hào được đào vội vã, những vị trí liên tục thay đổi tại khu rừng Serebryansky nơi hai đội quân đối mặt, trong địa ngục của những vụ oanh kích thường xuyên và các cuộc tấn công liên tục. Tại đây Nga dùng lực lượng chuyên nghiệp, có phi cơ yểm trợ, số lượng drone, đạn dược và binh sĩ đều hùng hậu hơn phía Ukraine.
Còn tại miền đông và miền nam, lực lượng Kiev đã đột phá được các phòng tuyến đầu tiên của Nga. Sau khi tái chiếm một số làng, họ cố gắng mở đường xuyên qua bãi mìn rộng mênh mông của Nga. Vladimir Putin khoe rằng cuộc phản công đã thất bại, Ukraine bị thiệt hại nặng, nhưng các blogger quân sự Nga nhìn nhận Ukraine đã chiếm được Staromaiorske. Mục tiêu dài hạn là tái chiếm Melitopol hay Berdiansk để tiến về phía Crimea, nơi Kiev quyết tâm giành lại.
Ukraine tập trung sản xuất đạn
Để cố gắng khắc phục tình trạng thiếu đạn dược, phóng sự của Le Figaro cho biết "Ukraine cơ cấu lại kỹ nghệ vũ khí". Các công ty ngoại quốc đang xây dựng các nhà máy để sản xuất tại chỗ.
Nhà báo chứng kiến đủ loại drone quân sự trên một cánh đồng : một số trong 40 nhà sản xuất có hợp đồng với quân đội Ukraine đang thử nghiệm những mẫu mới nhất. UA Dynamics có loại drone nhỏ để oanh tạc, cho biết mục tiêu không phải là lợi nhuận mà là chiến thắng của Ukraine. AeroDrone với những drone có tầm hoạt động đến tận Moskva, có thể oanh kích hậu cứ địch thay vì dùng để rải phân bón cho các trang trại như trước. Từ ngày 26/07, chính phủ đã dỡ bỏ hàng rào quan thuế cho việc nhập khẩu phụ tùng chế tạo drone.
Le Figaro đã gặp bộ trưởng Kỹ nghệ Chiến lược Oleksandr Kamyshin 39 tuổi. Kamyshin thuộc thế hệ viên chức cao cấp mới của Ukraine, làm việc trong lãnh vực tư nhân rồi chuyển sang nhà nước sau khi Zelensky đắc cử, đã trở thành một thế hệ thời chiến. Tên tuổi ông được biết đến nhờ việc quản trị Ukrzaliznytsia, công ty đường sắt Ukraine. Ngay trong lúc quân Nga tràn sang, Ukrzaliznytsia đã di tản được 4 triệu người tị nạn và duy trì mạng lưới hậu cần cho tiền tuyến dù luôn bị phi pháo đe dọa.
Ưu tiên tuyệt đối của kỹ nghệ quốc phòng Ukraine là sản xuất đạn. Từ tháng Hai, bộ trưởng quốc phòng Oleksiy Reznikov đã cảnh báo là phải mua và trữ 64 tỉ viên đạn. Theo ông, Nga sản xuất đạn một tháng bằng cả Châu Âu trong một năm, chưa kể số còn lại từ thời Liên Xô. Hiện nay, Ukraine phải tiết kiệm, bắn đi số đạn ít hơn từ 3 đến 10 lần so với đối thủ. Sau 500 ngày yểm trợ, các đồng minh của Ukraine bắt đầu thiếu đạn dược, khiến Washington phải cung cấp đạn chùm.
Chế tạo vũ khí tầm xa để tấn công vào hậu cứ Nga
Hiện thời sản lượng vũ khí của Ukraine chỉ chiếm 15% nhu cầu, nhưng bộ trưởng Oleksandr Kamyshin cho biết trong tháng Sáu, số đạn moọc-chê và đạn pháo xuất xưởng đã bằng cả năm ngoái. Hai phần ba số thiết bị của Ukraine vẫn theo tiêu chuẩn xô-viết, nhưng đang chuyển dần sang đạn 155 ly kiểu NATO. Bên cạnh đó đã bắt đầu sản xuất thiết giáp.
Tập đoàn quốc phòng Ukroboronprom với gần 70.000 nhân viên đã có tân tổng giám đốc Herman Smetanin mới 31 tuổi với ba nhiệm vụ : gia tăng sản xuất, chống tham nhũng và chuyển đổi kỹ nghệ. Một mục tiêu khác mà bộ trưởng không nói ra : chế tạo vũ khí tầm xa có thể tấn công vào đất Nga. Như tổng tham mưu trưởng quân đội Zaloujny đã nói : "Nếu các đối tác lo ngại việc sử dụng vũ khí của họ, chúng tôi có thể dùng vũ khí của chúng tôi".
Thủ tướng Denys Chmyhal loan báo đầu tư 1 tỉ euro cho việc sản xuất drone, và những tuần lễ gần đây là việc xây dựng một số nhà máy vũ khí do các nước đầu tư. Hãng Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sản xuất drone tác chiến Bayraktar TB2 và tiêm kích tại Ukraine, tập đoàn Đức Rheinmetall dành trên 200 triệu euro để hợp tác với Ukroboronprom, có thể sản xuất 400 xe tăng mỗi năm. Theo Kamyshin, đầu tư này mang lại lợi ích cho cả đôi bên, đóng góp vào kinh tế Ukraine đồng thời giảm nhẹ gánh nặng cho phương Tây. Vị bộ trưởng trẻ tuổi tin rằng Ukraine sẽ trở thành nhà sản xuất vũ khí chính cho thế giới tự do trong tương lai.
Cam Bốt, con cờ tại ASEAN không được Trung Quốc nới lỏng gọng kềm
Tại Đông Nam Á, thông tín viên Le Monde nhận định "Ở Cam Bốt, gọng kềm Trung Quốc không nới lỏng" : Ngay sau khi loan báo chuyển giao quyền lực cho con trai Hun Manet, thủ tướng Hun Sen hứa tiếp tục chính sách đối với Bắc Kinh.
Có thể thấy rõ sự hiện diện hùng hậu của Trung Quốc tại đất nước 17 triệu dân, từ viện trợ phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại cho đến hợp tác an ninh quân sự. Giám đốc người Cam Bốt muốn giấu tên của một tổ chức phi chính phủ quốc tế ở Phnom Penh nói : "Bắc Kinh triển khai cả các trung tâm nghiên cứu, truyền thông. Họ thậm chí còn tiếp cận với chúng tôi, những tổ chức phi chính phủ ủng hộ dân chủ để đề nghị tài trợ, chứng tỏ họ muốn trụ lại lâu dài. Mặc dù họ trước hết hỗ trợ đảng Nhân dân Cam Bốt (PPC) chừng nào mà đảng này còn phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc".
Vào lúc Hoa Kỳ có những thỏa thuận hợp tác với các nước tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh, Trung Quốc hơn bao giờ hết dựa vào đồng minh số một trong ASEAN. Cam Bốt là chọn lựa địa chính trị của Bắc Kinh, giữa Việt Nam luôn hoài nghi và Thái Lan khó thuyết phục. Tháng Sáu, Phnom Penh đã phủ quyết đề nghị của Indonesia nhằm tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên của ASEAN trên Biển Đông.
Các công ty Trung Quốc đầy dẫy tại Sihanoukville - Thâm Quyến tương lai của Cam Bốt - mở ra lối vào vịnh Thái Lan, gần các căn cứ hải quân Việt và Thái. Theo các nhà quan sát, việc cải tạo căn cứ Ream của Cam Bốt giúp quân đội Trung Quốc có thể đóng tại đây như kiểu Mỹ được sử dụng các căn cứ Philippines.
Hun Manet khó thoát khỏi tay Bắc Kinh
Khi Hun Manet lên thay Hun Sen, một thế hệ mới con cái, người thân của các bộ trưởng hiện nay cũng sẽ kế nghiệp, và Bắc Kinh muốn chắc rằng không ai thoát khỏi tay mình. Một nhà nghiên cứu Cam Bốt muốn giấu tên cho biết : "Nếu Hun Manet thiên nhiều về phương Tây do ăn học tại đây, Trung Quốc có thể ngả sang con trai của Tea Banh - sẽ lên thay cha làm bộ trưởng quốc phòng. Điều này làm Hun Sen lo ngại". Tea Banh coi Sihanoukville là căn cứ địa của gia đình.
Từng bảo trợ Khmer Đỏ khát máu, Trung Quốc cũng ve vãn hoàng gia : Norodom Sihanouk từng sống ở Bắc Kinh và con trai, quốc vương Sihamoni hiện nay cứ mỗi ba tháng lại sang Trung Quốc để được kiểm tra sức khỏe. Bắc Kinh một thời gian dài vẫn nghi ngờ Hun Sen, người được Việt Nam đưa lên sau khi lật đổ chế độ Pol Pot năm 1979.
Năm 2013 khi Tập Cận Bình lên ngôi, cũng là năm cuối cùng Cam Bốt có bầu cử dân chủ. Khoảng 40 tổ chức xã hội dân sự tập hợp trong "Situation Room" để giám sát bầu cử địa phương năm 2017 bị Hun Sen cáo buộc "thúc đẩy một cuộc cách mạng màu" - từ ngữ của Bắc Kinh. Rim Sokvy, nhà bình luận chuyên về Trung Quốc nhận xét : "Chính sách đối nội vì sự tồn tại của chế độ đã đẩy Cam Bốt về phía Trung Quốc". Phnom Penh trở thành đối trọng với Việt Nam, nước láng giềng bị thù ghét vì cho là "chiếm đất", dù chưa bao giờ PPC nói công khai để khỏi làm mất lòng Hà Nội. Một nhà quan sát nước ngoài nói : "Hun Sen và PPC đã làm mọi cách để quên đi món nợ với Việt Nam".
Một nhà ngoại giao dự báo : "Cam Bốt sắp tới không còn là quốc gia kém phát triển, sẽ bị phương Tây giới hạn một số hàng xuất khẩu và có thể bị trừng phạt". Một bối cảnh không dễ dàng, trong lúc thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 13 tỉ đô la, hơn cả số xuất siêu sang Hoa Kỳ. Theo Le Monde, không dễ gì Hun Manet thoát khỏi vòng tay Bắc Kinh.
Ấn Độ-Thái Bình Dương : Khái niệm phù hợp với ba khuynh hướng phát triển
Nhân chuyến thăm Châu Đại Dương, tổng thống Pháp muốn triển khai chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, dựa trên nguyên tắc bảo vệ sự độc lập của các quốc gia trong khu vực chống lại xu hướng đế quốc của Trung Quốc. Theo tác giả Nicolas Baverez trên Le Figaro, khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương nối hai đại dương làm một, mang ý nghĩa địa chính trị hơn là địa lý.
Được cố thủ tướng Shinzo Abe sử dụng lần đầu vào năm 2007 trước Quốc hội Ấn Độ, khái niệm này là hợp lưu của ba khuynh hướng phát triển. Đó là sự chuyển dịch từ thế giới của Đại Tây Dương thống trị thế kỷ 20 sang một Châu Á mở rộng chiếm 60% dân số toàn cầu, 40% sản xuất và 30% thương mại. Sự đối địch giữa ba đại cường đến 2030 là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, bị thúc đẩy bởi chính sách bành trướng của Bắc Kinh nhằm chiếm vị trí lãnh đạo thế giới từ nay đến 2049 và đẩy Mỹ ra khỏi Châu Á. Sự cần thiết đối với các quốc gia dân chủ phương Tây phải dựa vào Ấn Độ và Nhật Bản để chận đứng Trung Quốc.
Cũng như Châu Âu thời chiến tranh lạnh, Ấn Độ-Thái Bình Dương là nơi đối đầu giữa các siêu cường thế kỷ 21. Trung Quốc đã nuốt chửng Hồng Kông, gia tăng áp lực lên Đài Loan, xây dựng một vạn lý trường thành trên biển và lực lượng hải quân đông đảo nhất thế giới, đồng thời tạo ra một khu tự do mậu dịch rộng lớn (RCEP). Bắc Kinh tìm cách khép chặt các quốc gia Thái Bình Dương vào vòng lệ thuộc kinh tế và tài chánh, đặt ra nhiều dự án căn cứ quân sự ở Vanuatu, Papua-New Guinea, Kiribati, quần đảo Salomon.
Chủ trương xoay trục sang Châu Á của Barack Obama đã được thực hiện dưới thời Joe Biden. Việc ngăn chặn Trung Quốc, đồng thuận duy nhất của chính giới Mỹ, gồm tách rời kinh tế, cấm xuất khẩu công nghệ, kích hoạt các liên minh chiến lược - từ hiệp ước AUKUS với Úc và Anh đến Bộ Tứ với Ấn, Nhật, Úc - tái cấu trúc mạng lưới căn cứ quân sự để có thể triển khai nhanh bảo vệ Đài Loan đồng thời đối phó với tấn công từ Trung Quốc. Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc xích gần lại với nhau và siết chặt quan hệ kinh tế cũng như quân sự.
Pháp tái cam kết ở Thái Bình Dương nhưng "lực bất tòng tâm"
Sự tái cam kết của Pháp tại Thái Bình Dương là hợp lý, dựa vào sự hiện diện của 1,6 triệu công dân trên 7 lãnh thổ hải ngoại với vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 9 triệu kilomet vuông. Tuy vậy có vẻ như lực bất tòng tâm. Và Pháp bị mất uy tín khi tự giới thiệu là cường quốc thăng bằng đồng thời chống chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc. Tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron về Đài Loan trong chuyến đi Bắc Kinh phù hợp với tuyên truyền của Trung Quốc, và việc Paris phủ quyết đề nghị mở văn phòng đại diện NATO ở Tokyo khiến Pháp không được coi là đồng minh khả tín của các nước dân chủ Châu Á, càng khiến Úc tin rằng chọn lựa AUKUS là đúng đắn.
Ngoài ra tuy ưu tiên cho Ấn Độ-Thái Bình Dương nhưng luật chương trình quân sự lại dành phương tiện không tương xứng cho việc triển khai hải quân và không quân. Cụ thể, đến năm 2030 thêm 15 chiến hạm, 137 chiến đấu cơ Rafale thay vì 185 chiếc, 35 phi cơ vận tải quân sự A 400-M thay vì 50. Với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp muốn huy động tiềm lực ngoại giao và ảnh hưởng quốc tế trên sức của mình, sẽ không hiệu quả. Theo Le Figaro, trước mắt cần vận dụng sức mạnh kinh tế, thương mại của Liên Hiệp Châu Âu như bà Ursula von der Leyen đã sử dụng trước Bắc Kinh.
Thụy My