Philippines không loại trừ phương án tu bổ con tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây
Trọng Nghĩa, RFI, 11/08/2023
Trong một động thái chắc chắn chọc giận Bắc Kinh, Quân Đội Philippines hôm qua 10/08/2023, cho biết đang xem xét một số phương án nhằm củng cố quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây đang có tranh chấp, thuộc vùng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Trong số các lựa chọn, có cả việc tân trang chiếc tàu chiến rỉ sét mà nước này đã cho mắc cạn trên bãi ngầm để làm tiền đồn quân sự.
Ảnh tư liệu chụp ngày 29/03/2014, con tàu hỏng BRP Sierra Madre mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây được Hải quân Philippines sử dụng làm chốt tiền tiêu trên Biển Đông. AP - Bullit Marquez
Trong một cuộc họp báo chung với tư lệnh Quân Đội Romeo Brawner, phó đô đốc Alberto Carlos, chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Tây Philippines, khẳng định : "Tất cả các hành động nhằm kéo dài thời gian lưu trú của chúng tôi ở đó (tức là trên con tàu) đang được xem xét... một trong số đó là nâng cấp".
Tuy đề cập đến khả năng tân trang con tàu, nhưng theo phó đô đốc Alberto Carlos, ưu tiên trước mắt của Philippines là tiếp tục cho binh lính thay phiên nhau trấn giữ Bãi Cỏ Mây, và tiếp tế cho đơn vị này.
Vào năm 1999, Philippines đã cố ý cho một chiến hạm cũ của mình là chiếc BRP Sierra Madre mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal theo tên quốc tế, và Ayungin theo tên Philippines) thuộc quần đảo Trường Sa. Manila sau đó cho một toán thủy quân lục chiến luân phiên trú đóng trên chiếc tàu để khẳng định chủ quyền trên bãi ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines, nhưng bị Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan tranh chấp.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên cho tàu của họ sách nhiễu, ngăn chặn không cho tàu Philippines tiếp tế cho toán lính trú đóng trên Bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh đồng thời thúc ép Manila cho trục kéo con tàu bị mắc cạn đi nơi khác, khẳng định rằng Philippines đã "hứa" như vậy, điều đã bị Manila phủ nhận.
Hôm 05/08 vừa qua, Hải Cảnh Trung Quốc đã dùng vòi rồng phun nước vào tàu Philippines đi đến Bãi Cỏ Mây, cản trở việc tiếp tế cho toán lính Philippines trên chiếc Sierra Madre.
Hành động "nguy hiểm" của Trung Quốc đã bị nhiều nước phản đối, từ Philippines, Hoa Kỳ, cho đến Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc.
Vào năm 2016, phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đã xác đinh rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả tại Bãi Cỏ Mây, không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên phán quyết này đã bị Trung Quốc bác bỏ, và Bắc Kinh, sau khi bồi đắp các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng tại vùng Trường Sa, đã biến các nơi này thành tiền đồn quân sự, đồng thời tung lực lượng ra toàn vùng nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền Trung Quốc, kể cả tại những khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của các láng giềng như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia.
Trọng Nghĩa
**************************
Philippines cân nhắc tân trang chiếc tàu mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây
Reuters, VOA, 11/08/2023
Philippines đang xem xét một số lựa chọn để tăng cường kiểm soát đối với Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) vốn đang có tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm tân trang chiếc tàu chiến mắc cạn và rỉ sét mà họ dùng làm tiền đồn quân sự, động thái có thể khiến Bắc Kinh tức giận.
Tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines ở Bãi Cỏ Mây
"Tất cả các hành động để kéo dài thời gian trú đóng của chúng tôi đang được xem xét... một trong các khả năng là tân trang tàu", Phó Đô đốc Alberto Carlos, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, nói trong cuộc họp báo chung với Tư lệnh quân đội Romeo Brawner.
Philippines hồi năm 1999 đã cố tình cho mắc cạn chiếc tàu chiến Sierra Madre có từ thời Đệ nhị Thế chiến để tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, và luân chuyển binh sĩ đến trú đóng trên tàu.
Trung Quốc đã thúc giục Philippines thực hiện ‘lời hứa’ kéo con tàu bị mắc cạn đi, nhưng Manila bác bỏ họ có thỏa thuận từ bỏ bãi cạn này mà họ gọi là bãi Ayungin.
Ưu tiên của Philippines vào lúc này là tiếp tục luân phiên đóng quân và tiếp tế cho binh sĩ của họ trên đảo san hô, vốn có thể sẽ diễn ra trong hai tuần, ông Carlos nói.
"Chúng tôi cầu mong sẽ không có sự cố vòi rồng, phía bên kia sẽ có phản ứng bớt hung hăng hơn, nhất là do sự quan tâm của cộng đồng quốc tế mà vụ việc này tạo ra", ông nói.
Nhật, Pháp, Hàn Quốc và Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các động thái ‘nguy hiểm’ của các tàu hải cảnh Trung Quốc đối với các tàu tiếp tế của Manila hôm 5/8, bao gồm việc bắn vòi rồng.
Hành động của Trung Quốc đã khiến một trong hai tàu tiếp tế bị vòi rồng bắn trúng phải quay lại, trong khi chiếc thứ hai đã đến được bãi cạn, sau khi nó thực hiện ‘bước đi quyết liệt’ để ‘thoát khỏi cảnh gần như bị đâm trúng’, thủy thủ đoàn trên tàu Philippines cho biết.
"Chúng tôi đã bị vòi rồng bắn trúng. Các loại thực phẩm mà chúng tôi đem theo như gạo, rau và thịt bị ướt đẫm", sĩ quan hải quân Ramsey Gutierrez nói, trái ngược với đoạn video mà Trung Quốc công bố.
Lúc đó Gutierrez đang bắt đầu chuyến công tác đầu tiên của mình tại bãi cạn nếu tàu của ông không bị Trung Quốc chặn lại.