Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/08/2023

Trung Quốc gây hấn Philippines, Việt Nam có nên im lặng ?

RFA tiếng Việt

Vụ việc hôm 5/8/2023 

Hôm 8/8/2023, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố về vụ việc ngày 5/8/2023 trên bãi cạn Ayungin (tức bãi Cỏ Mây theo cách gọi của Việt Nam). Bản tuyên bố lên án Hải cảnh Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc (PLAN) và lực lượng dân quân biển nước này đã gây hấn các tàu tiếp tế và chuyển quân của Philippines, bao gồm cả việc bắn vòi rồng. 

Firefighter extinguish a burning vehicle destroyed by protesters in Nanterre, west of Paris, on June 27, 2023, after French police killed a teenager who refused to stop for a traffic check in the city. - The 17-year-old was in the Paris suburb early on Ju

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Philippines gần bãi Cỏ Mây hôm 5/8/2023. AFP

Bản tuyên bố dẫn Phán quyết trọng tài năm 2016 khẳng định rằng bãi Cỏ Mây là một thực thể lúc chìm lúc nổi, vì vậy nó không thể là đối tượng để một quốc gia nào đó yêu sách chủ quyền. Do đó, Trung Quốc không thể thực thi chủ quyền hợp pháp đối với nó. Ngược lại, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây và cáo buộc Philippines xâm phạm lãnh thổ và vùng biển liên quan của họ. Bắc Kinh tuyên bố các hành động của họ đối với các tàu của Philippines mang tính chất thực thi pháp luật.

Vậy xét về mặt pháp lý, bên nào đúng trong trường hợp này ? Và tình trạng pháp lý của bãi Cỏ Mây có hàm ý gì đối với chính sách của Việt Nam hay không ? 

Quy chế pháp lý của Bãi Cỏ Mây

Năm 2016, Tòa Trọng tài khi đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang ở Quỹ Max Planck vì Hòa bình Quốc tế và Pháp quyền, Đức, dẫn Đoạn 383 khẳng định Bãi Cỏ Mây là một bãi ngầm khi thủy triều lên. Nó chỉ nổi khi thủy triều xuống. Do đó không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây. Quan trọng hơn, nếu vị trí của nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Trung Quốc hoặc Philippines, thì quốc gia đó có chủ quyền đối với nó. Nhà nghiên cứu cũng dẫn Đoạn 290 của Phán quyết nói Bãi Cỏ Mây cách đường cơ sở Trung Quốc đến 616,2 hải lý nhưng cách đường cơ sở quần đảo của đảo Palawan của Philippines chỉ 104,0 hải lý, tức là nằm trong vùng đặc quyền Philippines. Thực vậy, Đoạn 399 của Phán quyết cũng khẳng định rằng Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đoạn 632 khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ quyền lợi nào đối với bất kỳ vùng biển nào xung quanh Bãi cạn này.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang, từ những điểm trên, có thể nói rằng vụ việc ngày 5/8/xét về mặt pháp lý, không được xem là một sự kiện tranh chấp lãnh thổ mà là một sự kiện "xảy ra bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines". Philippines có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình, và không có điều khoản nào trong Công ước UNCLOS có thể áp dụng để ngăn cấm Philippines thực hiện các hoạt động quân sự trong vùng biển đó. Các hoạt động do Philippines thực hiện vào ngày 5/8 là hoạt động quân sự thường lệ của nước này. 

Về phía Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu, nước này có thể được hưởng một số quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nhưng không có cơ sở pháp lý nào có thể biện minh cho hành động của Trung Quốc đối với sự kiện ngày 5/8 (tấn công bằng vòi rồng đối với tàu Philippines, và xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.)

Trung Quốc thừa nhận đã sử dụng vòi rồng đối với các tàu của Philippines trong vụ việc. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang cho rằng mặc dù có thể không xem nó là một cuộc "tấn công vũ trang" chống lại Philippines, nhưng hành động này có thể được coi là "sử dụng vũ lực trên biển". Hành động như vậy vi phạm điều 301 của Công ước, yêu cầu "phải kiềm chế mọi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc theo bất kỳ cách nào khác không phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thể hiện trong Hiến chương Liên hợp quốc". Do đó, việc sử dụng vũ lực như vậy là bất hợp pháp.

Tại sao Việt Nam im lặng ?

Năm 2021, Trung Quốc từng ngăn cản Philippines tiếp tế cho quân đồn trú trên bãi Cỏ Mây. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có lên tiếng nhưng chỉ nói chung chung, không đi thẳng vào vấn đề bãi Cỏ Mây. Còn với vụ việc hôm 5/8/2023, đến nay, sau 10 ngày, Việt Nam cũng như cả khối ASEAN vẫn im lặng. Trong khi đó, không chỉ Hoa Kỳ mà Úc, Nhật, Canada, Liên Hiệp Châu Âu, Anh quốc đã lên tiếng phản đối Trung Quốc.

RFA đặt câu hỏi với ông Raymond Powell, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Biển Đông ở Đại học Stanford, rằng Mỹ có khả năng sẽ hỗ trợ Philippines như thế nào nếu những hành vi tương tự của Trung Quốc vẫn tiếp diễn trong tương lai. Ông Powell nhận xét rằng những bế tắc kịch tính trong năm nay giữa Trung Quốc và Philippines có khả năng đã đẩy kế hoạch dự phòng chung giữa hai nước Hoa Kỳ - Philippines lên một tầm cao hơn. Các động thái của Trung Quốc đã dẫn đến thỏa thuận bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra hải quân chung từ cuối năm nay. 

Trong khi đó, đối với chính sách "không liên kết với ai" của Việt Nam trong khi vẫn còn phải đối diện lâu dài với chính sách cưỡng bách của Trung Quốc, ông Powell cho rằng chính sách này có một hậu quả là nó hạn chế khả năng phản ứng của Việt Nam đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Ông dẫn ra trường hợp phản ứng của Việt Nam với các cuộc khảo sát của Trung Quốc vào tháng 5 năm 2023 vừa qua trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Tuy nhiên, đi vào từng trường hợp cụ thể, ông Powell cho rằng phản ứng của Việt Nam yếu hơn có thể vì nước này không có một tiền đồn dễ bị tổn thương như Philippines ở Bãi Cỏ Mây. 

Theo ông Powell, tiền đồn của Philippines là con tàu BRP Sierra Madre đang rỉ sét được kéo lên bãi cạn Cỏ Mây. Một nhóm quân của Philippines đang đồn trú ở đó. Nếu Philippines không thể đánh bại hoặc phá vỡ sự phong tỏa của Trung Quốc để tiếp cận bãi cạn này thì cuối cùng binh sĩ trên tàu sẽ phải rút đi, con tàu đã rỉ sét này có thể bị vỡ hoặc trở thành nơi không thể ở được. Đến lúc đó, Philippines sẽ rất khó ngăn cản Trung Quốc chiếm hữu Bãi Cỏ Mây. Do Trung Quốc có một căn cứ quân sự của riêng họ tại Đá Vành Khăn chỉ cách bãi Cỏ Mây khoảng 30 km. 

Có nên im lặng khi đang đàm phán COC với Trung Quốc ?

Ông Raymond Powell cho rằng ASEAN từ lâu đã bị mang tiếng là không hành động trong các cuộc khủng hoảng chính trị, đặc biệt là những cuộc khủng hoảng liên quan đến Trung Quốc. Quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận khiến tổ chức này rất khó để nói cùng một tiếng nói, trong khi hầu hết các thành viên của nó có xu hướng hết sức thận trọng khi lên tiếng chống lại sự xâm lược của Trung Quốc trừ khi nó liên quan trực tiếp đến họ.

Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang nhận xét rằng sau khi sự kiện Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines xảy ra hôm 5/8/2023, đến nay chưa thấy ASEAN lên tiếng như một tổ chức chung, cũng chưa thấy một nước nào trong ASEAN lên tiếng riêng. Trong khi đó, ASEAN đang đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Do đó, ASEAN trong đó có Việt Nam nên lên tiếng về sự việc này để thể hiện sự đoàn kết giữa các nước ASEAN với nhau và với Philippines. Nhà nghiên cứu ở Quỹ Max Planck, Đức, nhấn mạnh đã có học giả Philippines nhận xét là Philippines nên rút ra khỏi đàm phán COC vì nó thực tế không có tác dụng gì. Nếu vậy, để đảm bảo thành công cho COC, các nước ASEAN càng phải thể hiện quan điểm ủng hộ luật pháp quốc tế và lên án các hành động phi pháp làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Mặc dù ở Trường Sa, các căn cứ của Việt Nam không bị đối diện với tình huống dễ bị tổn thương như căn cứ ở bãi Cỏ Mây của Philippines, Việt Nam vẫn có thể đối mặt với Trung Quốc trong tình huống khác ở Trường Sa. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh trang chỉ ra tình huống đó là Trung Quốc ngăn cản việc khai thác dầu khí của Việt Nam nếu các lô này nằm trong đường chín đoạn. Đó là một vấn đề pháp lý khác với Philippines ở bãi Cỏ Mây nhưng kỹ thuật vùng xám mà Trung Quốc sử dụng sẽ tương tự. Đó là tiến hành các hành vi ngăn cản nhưng ở mức dưới một cuộc xung đột vũ trang, như sử dụng vòi rồng tương tự như làm với Philippines. Hoặc họ dùng các tàu hải cảnh rất lớn ngăn cản tàu Việt Nam vào vùng khai thác. Theo nhà nghiên cứu, đối phó thế nào với Trung Quốc là tùy vào sự bình tĩnh, khả năng, các mối quan hệ quốc tế và thực lực của hải cảnh, hải quân từng nước.

Nguồn : RFA, 14/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 260 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)