Một tuần sau khi nguyên Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường qua đời, hàng triệu dân Trung Quốc tìm cách âm thầm tưởng niệm ông trên mạng và ở thành phố quê ông.
Người dân chen nhau đem hoa tới viếng ông Lý Khắc Cường trước căn nhà nơi ông từng sống hồi nhỏ ở Hợp Phì, tỉnh An Huy
Hôm thứ Năm tuần này, quốc kỳ Trung Quốc được hạ xuống nửa cột để Đảng Cộng sản và Nhà nước chính thức tưởng niệm cố Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Báo chí nhà nước đăng hình Chủ tịch Tập Cận Bình mặc đồ đen, chia buồn với bà quả phụ của vị cố Thủ tướng.
Nhưng cái chết khá đột ngột của ông Lý tại Thượng Hải một tuần trước đó, ở tuổi 68 đã gây sốc cho nhiều người dân Trung Quốc.
Dù chính quyền tìm cách hạn chế việc bày tỏ cảm xúc của người dân về vị cố thủ tướng được cho là theo xu hướng cải cách, cởi mở, hàng trăm triệu lượt đọc về tin ông Lý tạ thế trên mạng xã hội cho thấy thái độ, tình cảm của người dân ra sao.
Theo BBC News hôm 02/11, hashtag trên Weibo về ông Lý Khắc Cường, người quê ở An Huy, đã nhận được hơn 360 triệu lượt đọc và 17 nghìn bình luận, tính tới 13 :30 giờ địa phương cùng ngày.
Nhiều bình luận kín đáo ca ngợi ông là "được kính trọng trong lòng dân", "thủ tướng vì dân". Một số câu khác ám chỉ những nỗ lực cải cách của ông không được Đảng Cộng sản cho áp dụng, "Ông đã quá mệt vì muốn phục vụ dân". Nhưng nhiều bình luận đã nhanh chóng bị nhà chức trách xóa đi.
Tại Hợp Phì rất đông người dân tới tìm cách đặt hoa ở khu nhà mà ông Lý từng sống thời nhỏ. Phóng viên BBC có mặt tại chỗ hôm qua cho hay quan chức địa phương tìm cách cản trở để báo chí không phỏng vấn người tới viếng.
Tuy thế, có những người dân tỏ ra bất bình. Một phụ nữ trung tuổi nói "Ngài thủ tướng Lý rất vĩ đại, sao chúng tôi không được phép than khóc ông ?"
Nhà thờ tổ họ Lý ở Cửu Tử, Định Viễn, tỉnh An Huy cũng nhận được rất nhiều hoa viếng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần trước cho biết ông đang "nghỉ ngơi" ở Thượng Hải thì bị lên cơn đau tim bất ngờ hôm thứ Năm 26/10.
Đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết ông qua đời vào đêm thứ Sáu dù các bác sĩ đã "tận tình cứu chữa".
Nhưng mạng xã hội Trung Quốc cũng nêu ra một số câu hỏi như vì sao việc cấp cứu ông Lý Khắc Cường lại diễn ra ở một bệnh viện thứ hạng, không phải bệnh viện cho các quan chức cao cấp nhất của chế độ ở Thượng Hải.
Người dân tự động đi viếng ông Lý Khắc Cường ở Hợp Phì
Ở Trịnh Châu cũng có cảnh người dân tự đặt hoa viếng ông Lý Khắc Cường
Nhà thờ họ Lý ở thôn Cửu Tử, trấn Định Viễn, tỉnh An Huy nhận được "rừng hoa" viếng của người dân
Chỉ thực hiện lời khuyên khi tác giả đã chết ?
Một số báo nước ngoài vừa cho hay ông đã đề xuất từ lâu nay một cách tiếp cận khác với chủ trương của lãnh tụ tối cao Tập Cận Bình về vấn đề mất cân bằng trong phát triển giữa vùng duyên hải và vùng nội địa Trung Quốc.
Chính sách kinh tế cải cách cơ cấu và giảm nợ của ông, được gọi là "Likonomics" (Kinh tế học Lý Khắc Cường), nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tăng trưởng dựa trên nợ và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Nhưng chỉ sau khi ông bị hạ bệ và vài ngày trước khi ông chết, Quốc hội Trung Quốc mới ra luật thực hiện chính sách nới hạn chế kiểm soát tài chính bắt buộc với các tỉnh, đô thị nội địa để họ có thể chủ động tháo gỡ được gánh nợ công do xây cất nhiều năm và đầu tư đại trà lãng phí.
Kể từ nay, ngân sách của các chính quyền địa phương được phép lạm chi lên tới 3,8%, vượt "lằn ranh đỏ, 3%" hồi tháng 3 năm nay.
Đây chính là đề xuất của Lý Khắc Cường những năm qua nhưng không được áp dụng.
Tuy thế, việc áp dụng bây giờ có thể bị cho là quá muộn, khi mà các tỉnh nghèo hơn của Trung Quốc đã nợ quá cao. Chẳng hạn tỉnh Quý Châu đã tạo ra khoản nợ gần 400 tỷ USD vì đổ tiền vào đầu tư công, xây nhiều sân bay không cần thiết, chỉ vì quan chức bị buộc phải "chạy đua thành tích tăng trưởng" để làm hài lòng ông Tập.
Theo trang Geopolitcal Futures tại Texas, Hoa Kỳ thì ông Lý cũng từng kín đáo tỏ ra không đồng ý với chính sách Không Covid hà khắc, điểm nhấn của quyền lực Tập Cận Bình hai, ba năm trước, gây tổn thất kinh khủng cho Trung Quốc.
Là một nhà kinh tế được đào tạo bài bản và thường xuyên trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh với các chuyên gia nước ngoài, ông bị nghi ngờ khi Chủ tịch Tập cấm các quan chức Trung Quốc "tham vấn" về việc nước với các chuyên gia ở Hoa Kỳ, Châu Âu.
Vào cuối sự nghiệp, ông ngày càng bị gạt ra lề khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập hợp quyền lực xung quanh mình.
Một số nhà bình luận tại Nhật Bản cho rằng sau khi ông Lý, người luôn tìm cáchh giữ hoà khí với Nhật, qua đời, trong chính quyền TQ không còn ai ở cấp cao nhất dám đưa ra lời khuyên về ngoại giao trái với đường lối "cứng rắn" ở Đông Bắc Á mà ông Tập Cận Bình chủ trương.
Nguy cơ căng thẳng với Nhật sẽ tăng, và con số doanh nhân Nhật tại TQ thậm chí sẽ giảm đi nhanh chóng sau khi ông Lý Khắc Cường chết, truyền thông Nhật đưa tin.
Nguồn : BBC, 03/11/2023